Bài 11:

VKSND Tối cao yêu cầu làm rõ vụ học sinh lớp 11 bị kết tội “Cướp tài sản” ở Hà Tĩnh

(Dân trí) - VKSND Tối cao vừa yêu cầu VKSND Cấp cao tại Hà Nội và VKSND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra ngay vụ việc mà Báo điện tử Dân trí phản ánh liên quan đến vụ án của em Lê Văn Khánh (SN 1999, học lớp 11 Trường THPT Hàm Nghi) bị tuyên án 18 tháng tù vì tội “Cướp tài sản” đang gây bức xúc dư luận.

VKSND Tối cao yêu cầu làm rõ vụ học sinh lớp 11 bị kết tội “Cướp tài sản” ở Hà Tĩnh - Ảnh 1.

Từ ngày tòa tỉnh tuyên án 18 tháng tù giam đối với em Khánh cuộc sống gia đình bị xáo trộn hoàn toàn. Nỗi đau, nỗi ấm ức bao trùm lên những người thân, những người xóm giềng.

Theo thông tin mà VKSND Tối cao nắm được từ phản ánh của báo Dân trí, vụ án Phan Văn Đạt, Phạm Hồng Tuấn và Lê Văn Khánh bị VKSND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) truy tố về tội “Cướp tài sản” đã được TAND huyện Hương Khê xử sơ thẩm vào tháng 3/2016, tuyên phạt bị cáo Đạt 42 tháng tù, Tuấn 36 tháng tù, Khánh 27 tháng tù.

Tháng 7/2016, TAND tỉnh Hà Tĩnh xử phúc thẩm vụ án có giảm án cho bị cáo Khánh xuống 18 tháng tù. Tuy nhiên, vụ án này có dấu hiệu oan, sai đối với bị cáo Khánh vì người đánh và lấy 4 triệu đồng của bị hại Võ Văn Tý tại quán bi-a chỉ là hai bị cáo Đạt và Tuấn. Khánh chỉ có hành vi cầm hộ Đạt và Tuấn 2,8 triệu đồng, ngay sau đó đã đưa lại cho Đạt.

Ngoài bị cáo Lê Văn Khánh kêu oan thì chính bị cáo Phan Văn Đạt, Phạm Hồng Tuấn và bị hại Võ Văn Tý cũng như một số nhân chứng có mặt tại quán bi-a đã thừa nhận việc này và khẳng định Khánh bị oan. Vì vậy, gia đình bị cáo, luật sư quan tâm tới sự việc và dư luận địa phương cho rằng không đủ căn cứ kết tội Khánh nên vụ án này cần được TAND Cấp cao và VKSND Cấp cao tại Hà Nội xem xét kháng nghị giám đốc thẩm; trước mắt nên giải quyết cho bị cáo Khánh tại ngoại để về nhà đi học tiếp.

Lãnh đạo VKSND Tối cao yêu cầu VKSND Cấp cao tại Hà Nội và VKSND tỉnh Hà Tĩnh nhanh chóng báo cáo sự việc gửi tới lãnh đạo VKSND Tối cao phụ trách lĩnh vực này và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND Tối cao để theo dõi.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đinh Tiên Hoàng - Giảng viên luật, Trường Đại học Hà Tĩnh - khẳng định vụ án cướp tài sản xảy ra ngày 19/7/2015 tại xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê có nhiều khuất tất, bất cập, cần điều tra, xét xử lại.

Ông Hoàng phân tích: Khởi tố và chứng minh tội phạm là trách nhiệm cơ quan điều tra. Quá trình này có sự tham gia của cơ quan Viện kiểm sát để đảm bảo việc giám sát tuân theo pháp luật của cơ quan điều tra cũng như củng cố hồ sơ riêng của Viện kiểm sát để cơ quan này tiến hành việc truy tố bị can ra trước pháp luật. Nhưng riêng đối với công việc xét xử của Tòa án thì phải hoàn độc lập…. Không một cá nhân, tổ chức hay cơ quan nào được phép gây áp lực hay tác động đến sự khách quan trong phán quyết của Tòa án.

“Vậy mà không hiểu sao trong vụ án “cướp tài sản” đối với các bị cáo Phan Văn Đạt, Phạm Hồng Tuấn và Lê Văn Khánh, chưa mở phiên tòa xét xử nhưng ba cơ quan tố tụng huyện Hương Khê (Công an, VKSND và TAND) lại tổ chức họp liên ngành “thống nhất” việc xét xử đối với các bị cáo nói trên về tội danh “Cướp tài sản”. Các cơ quan tố tụng huyện này đã ấn định tội danh cho bị cáo. Điều này liệu còn sự vô tư, khách quan trong việc ra phán quyết bản án đối với các bị cáo trong phiên xét xử?”- ông Hoàng đặt vấn đề.

Một tình tiết quan trọng nữa đó là rất nhiều người chứng kiến vụ án này, cùng với những người trong cuộc đã lên tiếng cho biết phiên xét xử TAND đã không triệu tập đầy đủ những người làm chứng, bỏ qua các lời khai của các bị cáo, bị hại và bác bỏ các luận cứ bào chữa của luật sư cũng như những tình tiết có lợi cho bị cáo Lê Văn Khánh.

“Phải chăng khi án đã thành nên Hội đồng xét xử đã cố làm lơ đi những tình tiết đó để quy chụp tội danh và áp đặt mức hình phạt cho em ?. Với bản án 18 tháng tù giam cho một cậu học sinh vừa mới học xong lớp 10 như Lê Văn Khánh thì không ai thấy tính giáo dục và răn đe, chỉ thấy một điều duy nhất đó là trừng phạt. Đây là một bản án có nhiều vấn đề, khuất tất, một bản án thiếu tính nhân văn” - ông Hoàng nhấn mạnh.

Trong khi đó, để làm rõ hơn những tình tiết có dấu hiệu oan sai, bao che, bỏ lọt tội phạm của vụ án này, phóng viên Dân trí đã liên lạc với cơ quan tố tụng huyện Hương Khê.

Vừa đề cập đến vụ việc thì bà Trịnh Thị Thiện - Chánh án TAND huyện Hương Khê - liền chối bỏ: “Vụ án đó tỉnh xử rồi, chị không có gì để trao đổi nữa. Sự việc đó chị đã quên, không nhớ gì nữa. Cái đó lâu rồi quên rồi”. Khi phóng viên xin đặt lịch làm việc cụ thể thì bị vị này từ chối: “Không. Giờ chị không có thời gian nữa”.

Còn ông Trần Hữu Long - Viện trưởng VKSND huyện Hương Khê - cho rằng vụ án này không có vấn đề gì. “Những nhân chứng nào liên quan, chứng kiến hành vi phạm tội này được cơ quan gọi lên hỏi cơ bản đầy đủ, nhưng không hết vì có những nhân chứng không cần thiết!”-ông Long nói.

Dân trí sẽ tiếp tục phản ánh về vụ án bất thường này.

Thế Kha - Xuân Sinh