Vĩnh Long: Nhà máy rác trăm tỷ bị bỏ không bên núi rác khổng lồ

(Dân trí) - Rác thải ùn ú gây ô nhiễm môi trường, đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, điều nghịch lý tại địa phương này là một nhà máy xử lý rác thải hàng trăm tỷ của doanh nghiệp xây dựng xong lại bị "làm khó" dẫn đến phải hoạt động "tắc bụp" bên núi rác.

Rác chất thành núi bên cạnh nhà rác máy rác đang bị trùm mền
Rác chất thành "núi" bên cạnh nhà rác máy rác đang bị "trùm mền"

Chính quyền làm khó doanh nghiệp?

Nhận lời mời gọi đầu tư của tỉnh Vĩnh Long, tháng 5/2011, Công ty CP Phát triển Xây dựng Phương Thảo (Cần Thơ) đã đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao ngay tại bãi rác Hòa Phú, huyện Long hồ.

Nhà máy được đầu tư theo công nghệ của Đức với tổng kinh phí xây dựng, máy móc, thiết bị lên đến 238 tỉ đồng, công suất xử lý 300 tấn rác/ngày. Đến tháng 10/2012, mọi cơ chế vận hành máy móc đã hoàn thành và có thể đi vào hoạt động do hai bên không thống nhất được quan điểm.

Máy móc hiện đại trị giá hàng trăm tỷ của Cty Phương Thảo đang bị trùm mền vì không có rác xử lý
Máy móc hiện đại trị giá hàng trăm tỷ của Cty Phương Thảo đang bị "trùm mền" vì không có rác xử lý

Tháng 4/2013 UBND tỉnh Vĩnh Long đã thống nhất và giao cho Công ty Công trình Công cộng kí hợp đồng với Cty Phương Thảo xử lý rác 100 tấn/ngày với mức giá 240.000 đồng/tấn. Tuy nhiên Công ty Phương Thảo chỉ sản xuất được 6 tháng thì bị “đóng cửa”.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Liêu Cát Phương Thảo, Tổng giám đốc Cty Phương Thảo nói: “Lượng rác thải hằng ngày mà tỉnh Vĩnh Long cung cấp chỉ 100 tấn/ngày, đồng nghĩa với việc đáp ứng được 1/5 công suất thiết kế, trong khi đó đơn giá xử lý rác lại quá thấp 240.000đ/tấn, dẫn đến không đủ tiền chi phí vận hành máy, tiền khấu hao, tiền lương, tiền điện và trả lãi vay ngân hàng…không bao giờ lấy lại được vốn. ..”.

“Máy móc, công nghệ được nhập từ Đức, đã qua kiểm nghiệm chặt chẽ, được thiết kế 300 tấn/8 giờ và được các Bộ đánh giá cao nhưng bằng mắt thường các vị lãnh đạo của tỉnh Vĩnh Long lại cho rằng không đạt và cho ký hợp đồng 100 tấn/ngày. Tôi yêu cầu Vĩnh Long có văn bản khẳng định máy móc, công nghệ của tôi không đạt thì Vĩnh Long không ra văn bản mà chỉ nói chuyện bằng miệng”- bà Thảo bức xúc nói.

Không thể tiếp tục chịu đựng khối tài sản hàng trăm tỉ đồng đầu tư bị “trùm mền” tháng 1/2014 vừa qua, bà Liêu Cát Phương Thảo đã gửi đơn cầu cứu tới Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thành lập đoàn kiểm tra đánh giá về chất lượng và công nghệ máy móc xử lý rác của Công ty Phương Thảo, đồng thời đề nghị với địa phương tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp được thuận lợi hoạt động…

 Dân kêu trời vì ô nhiễm

Bãi rác Hòa Phú được hình thành từ năm 1997, nằm sát quốc lộ 1A, gần 20 năm qua   khu vực này là nơi tập kết rác thải của cả tỉnh. Qua nhiều năm không được xử lý hiện nay đống rác đã cao thành núi, ước tính, khối lượng rác ở đây vào khoảng 350.000 - 400.000 tấn. bãi rác này do công ty Công trình công cộng tỉnh Vĩnh Long quản lý.

Máy móc hiện đại trị giá hàng trăm tỷ của Cty Phương Thảo đang bị trùm mền vì không có rác xử lý
Bãi rác Hòa Phú đã quá tải đến mức báo động nhưng nhà máy xứ lý rác hiện đại nhất nằm sát bên cạnh phải "trùm mền"
Máy móc hiện đại trị giá hàng trăm tỷ của Cty Phương Thảo đang bị trùm mền vì không có rác xử lý
Nước sông xung quanh bãi rác Hòa Phú là một màu đen nghịt, không có sinh vật nào có thể sống sót ở đây

Mới đây, nhiều hộ dân sống gần bãi rác Hòa Phú có gửi đơn đến báo Dân trí, trong đơn có đoạn: “khoảng một tháng khi nhà máy xử lý rác của Công ty Phương Thảo ngừng hoạt động thì công ty TNHH Công trình Công cộng tiếp tục đỗ rác trên bãi rác lộ thiên, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân chúng tôi…”.

Tiếp xúc với PV, ông Trương Minh Động nhà cách bãi rác khoảng gần 200m buồn rầu nói: “Gia đình tôi có 30 phòng trọ cho thuê, từ khi bãi rác lớn dần lên, tình trạng ô nhiễm nặng nề thì số lượng người đến thuê phòng trọ giảm hẳn. Lúc nhiều nhất chỉ 10 phòng có người thuê ở. Mấy tháng trước tết thấy nhà máy xử lý rác Phương Thảo đi vào hoạt động, bớt được mùi hôi, dân ở đây ai cũng mừng, nào ngờ niềm vui ngắn chẳng tày gang, nhà máy hoạt động chưa được bao lâu thì lại phải đóng cửa”.

Ông Trương Minh Động b
Ông Trương Minh Động bức xúc vì rác thải chất cao thành núi đe dọa cuộc sống người dân.

 Ông Động cũng cho biết thêm:”Gần nhà ông có gia đình ông Đoàn Văn Tỉnh do không chịu được mùi rác đành phải bán rẻ nhà đi sinh sống ở nơi khác nhiều năm nay. Gia đình tôi thì không thể chuyển như ông Tỉnh nên bây giờ cả nhà đều bị viêm xoang do hít phải mùi thối từ rác nhiều năm. Chúng tôi mong nhà máy xử lý rác của Cty Phương Thảo hoạt động để chúng tôi bớt khổ”.

 Ông Trần Văn Sinh, ngụ tại ấp Phú Hưng xã Hòa Phú cho biết: Hiện nay đang mùa gió chướng nên gia đình hứng trọn mùi hôi thối của bãi rác bốc lên, nhiều năm qua chúng tôi phải chịu cảnh này. Từ khi ở đây có nhà máy xử lý rác thải, tình trạng ô nhiễm giảm đi nhiều, chỉ thấy mùi khét từ đốt nhựa mà công ty thải ra thôi, theo tôi nhà máy chỉ cần làm cho cột ống khói thật cao là người dân không phải chịu mùi hôi nữa….

 Hầu hết những hộ dân sinh sống nơi đây đều bức xúc khi không hiểu lý do vì sao, có một thời gian rác thải được chuyển vào nhà máy xử lý, không khí cũng bớt ô nhiễm, môi trường cũng sạch hơn. Một người dân bức xúc nói “các vị lãnh đạo xuống đây ở với chúng tôi một ngày, sẽ thấu hiểu nỗi khổ của dân”.

Trao đổi với PV Dân trí về vụ việc này, ông Lê Văn Liêm, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho rằng, “nhà máy hoạt động không đúng quy trình công nghiệp, không làm ra được phân Compost như đã nói ban đầu. Từ khi nhà máy Phương Thảo đi vào hoạt động thì tình trạng ô nhiễm ngày cành nghiêm trọng hơn (?). Tuy nhiên đây là kết luận miệng còn kết luận chính thức bằng văn bản thì chưa có!”

Ông Lê Văn Liêm (trái) cho r
Ông Lê Văn Liêm (trái) cho rằng từ khi nhà máy Phương Thảo đi vào hoạt động thì tình trạng ô nhiễm ngày cành nghiêm trọng hơn (?).

Phóng viên nêu câu hỏi, nhà máy Phương Thảo hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là kết luận kiểm tra bằng mắt thường hay bằng phương pháp khoa học, như thử mẫu nước thải, mẫu thành phẩm rác đã qua xử lý? Ông Liêm nói “Chúng tôi kiểm tra bằng mắt thường, chỉ nhìn cũng quá rõ”!?

Ông Liêm cũng cho biế: “Từ khi nhà máy hoạt động chính quyền địa phương, cụ thể là bản thân tôi cùng các ban ngành đến đây kiểm tra nhiều lần nhưng thấy quy trình xử lý rác của Phương Thảo làm không đạt. Cuối năm 2013, Nhà máy xả nước thải chưa qua xử lý ra khu dân cư ảnh hưởng đến người dân”.

Chúng tôi lại đặt vấn đề, tại sao Phương Thảo xả nước thải rác ra bên ngoài ảnh hưởng đến người dân mà các cơ quan ban ngành, công an môi trường không lập biên bản để xử phạt Phương Thảo? Lúc này ông Liêm lại vò đầu và nói, “cô tưởng vào kiểm tra được Phương Thảo mà dễ à? Đã rất nhiều lần chúng tôi đề nghị được vào kiểm tra nhưng Phương Thảo kiên quyết không cho vào nên đành bó tay?!”

 Phạm Tâm