Vĩnh Long: Bản án không được thi hành vì đương sự quyết liệt chống đối

(Dân trí) - Một vụ lấn chiếm đất đai đã được TAND tỉnh Vĩnh Long xét xử, yêu cầu tháo dỡ công trình lấn chiếm và trả đất. Nhưng bản án không thực hiện được do các đương sự chống đối quyết liệt, thậm chí còn chửi bới, đe dọa người được thi hành án. Các cơ quan chức năng lại thiếu kiên quyết, để cho luật pháp bị coi thường

Ngang nhiên chiếm đất

Mọi việc bắt đầu từ vụ tranh chấp đất giữa bà Phạm Kim Huệ, sinh năm 1948, ngụ tại ấp Tân Xuân, xã Tân Ngãi, TP Vĩnh Long với 2 hộ hàng xóm là ông Trần Quốc Dũng và Phạm Xuân Viết. Năm 2005, bà Huệ được cha ruột là ông Phạm Hữu Điệp cho một phần đất vườn diện tích 1.081,5m2, thửa 235, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đấ. Thửa của bà Huệ giáp ranh với thửa 234 của ông Dũng. Ông Dũng lại sang tay một phần đất của mình cho ông Viết.

Tháng 12/2006, khi bà Huệ xây hàng rào giáp ranh thì ông Dũng và ông Viết ngăn cản. Ban đầu, bà Huệ khiếu nại lên chính quyền địa phương, sau đó kiện ra tòa. Tại bản án số 102/2009/DS-ST ngày 24/7/2009, TAND tỉnh Vĩnh Long phán quyết: Buộc ông Trần Quốc Dũng và ông Nguyễn Xuân Viết trả lại cho bà Huệ phần đất có diện tích 67,2m2. Tòa cũng buộc ông Dũng phải tháo dỡ, di dời một phần nhà tắm có diện tích 1,5m2, buộc ông Viết tháo dỡ, di dời phần nhà có diện tích 2,3m2 đã xây trên phần đất của bà Huệ. Cũng theo bản án này, bà Huệ được xây dựng hàng rào, tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng thửa 235.

Bà Huệ trước phần đất bị lấn chiếm
Bà Huệ trước phần đất bị lấn chiếm

Không đồng ý với phán quyết của Tòa sơ thẩm, ông Dũng kháng cáo. Ngày 30/9/2013, TAND tỉnh Vĩnh Long xử phúc thẩm đã quyết định giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của TAND TP Vĩnh Long. Tòa phúc thẩm còn giải thích cho ông Dũng: Theo kết quả khảo sát, đo đạc cấp phúc thẩm thì phần đất tranh chấp là 78,6m2 thuộc thửa 235 của bà Huệ, nhưng bà Huệ chỉ yêu cầu giao trả 67,2m2 là có lợi cho ông Dũng.

Tại phiên phúc thẩm, Tòa cũng tuyên xử bà Huệ được xây hàng rào, tường ngăn trên phần đất của mình thuộc thửa 235.

Dù vậy, mãi cho đến nay, sau 3 năm Tòa phúc thẩm tuyên xử, bà Huệ vẫn chưa được trả đất và vẫn không xây được tường rào do có sự chống đối quyết liệt của những người phải thi hành án.

Tuyên bố thẳng thừng không thi hành án

Sau khi Tòa phúc thẩm tuyên án, việc thực hiện thi hành án kéo dài. Đến ngày 9/9/2015, sau nhiều lần bà Huệ yêu cầu, Chi cục Thi hành án Dân sự TP Vĩnh Long đã lập một biên bản giải quyết việc thi hành án. Theo biên bản này, bà Huệ đồng ý cho ông Dũng, ông Viết hoãn thi hành án đến ngày 30/10/2015. Nhưng mãi đến ngày 16/3/2016, Chi cục Thi hành án Dân dự TP Vĩnh Long mới cho chấp hành viên đến hiện trường để tiếp tục giải quyết thi hành án. Tại buổi làm việc này, Công an xã Tân Ngãi đã cử đại diện đến tham gia, nhưng việc thi hành án vẫn không thể thực hiện do ông Dũng , ông Viết chống đối quyết liệt.

Trong đơn khiếu nại gửi báo Dân Trí, Bà Huệ cho biết: Ngay tại buổi thực hiện thi hành án, vợ chồng ông Dũng và ông Viết đã chửi mắng , lăng mạ bà Huệ với những lời lẽ thô tục, thậm chí đe dọa đòi giết. Tại hiện trường, ông Viết xông vào túm tóc bà Huệ định đánh. Tại văn phòng ấp Tân Thuận, những người này tiếp tục chửi mắng bà Huệ và tuyên bố thẳng thừng trước các cơ quan chức năng là sẽ không thực hiện bản án! Trong biên bản thực hiện thi hành án cũng thể hiện cả ông Dũng, ông Viết đều tuyên bố sẽ không tháo dỡ, di dời để trả lại đất cho bà Huệ theo nội dung bản án đã tuyên. Biên bản này có đầy đủ chữ ký của ông Dũng, ông Viết và các cơ quan chức năng. Điều này thể hiện thái độ coi thường pháp luật và quyết chống thi hành án đến cùng của ông Dũng, ông Viết.

Trả lời phóng viên báo Dân Trí, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó trưởng Công an xã cũng Tân Ngãi cho biết: Những người phải thi hành án đã có thái độ chống đối quyết liệt, có chửi bới và “xô đẩy” đối với bà Huệ.

Về phía Chi cục Thi hành án Dân sự TP Vĩnh Long, bà Trần Thị Tuyết Nga, phụ trách Chi cục, cho biết: Do sự chống đối quyết liệt của những người phải thi hành án, đến nay bản án vẫn chưa thi hành được. Hiện Chi cục đang tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cho các đương sự, yêu cầu họ chấp hành bản án, tuy nhiên họ vẫn chưa chấp hành. Bà Nga cho biết sắp tới sẽ báo cáo vụ việc với Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự TP Vĩnh Long để xin ý kiến. Nếu cần thiết sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Một bản án dân sự đã được xét xử qua 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, sau 3 năm có bản án phúc thẩm vẫn chưa được thi hành. Thậm chí người được thi hành án còn bị chửi bới, đe dọa. Đã đến lúc các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long cần có biện pháp cứng rắn, kiên quyết hơn đối với việc thi hành án, đừng để pháp luật bị coi thường.

Trung Phương