Viết tiếp bài “Ai sẽ giúp Vigecam ổn định để phát triển?”: Nhập nhằng vì… tiền!

Nói như vậy thì có vẻ hơi quá, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Một cán bộ của Vigecam (Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp) đã phải thốt lên với chúng tôi những lời như vậy khi nhận xét về “cuộc chiến” mà đơn vị mình liên tiếp bị chịu trận từ 4 năm nay.

“Họ tuyên bố sẽ dùng mọi cách để “đánh” cho lãnh đạo đơn vị chúng tôi phải chấp thuận những gì ông Tổng Khánh (nguyên Tổng Giám đốc Trần Văn Khánh) đã cam kết cho họ” - vị cán bộ này nói. Còn, lãnh đạo Vigecam trần tình rằng, có chết cũng không ký hợp thức hóa cho những việc làm không đúng này, vì không thể để mất tài sản của Nhà nước.

Trước thời điểm ông Khánh bị bắt (11/2007), đơn vị này đã có nhiều quyết định trong hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu làm trái các quy định Nhà nước, trong đó phải kể đến việc góp vốn thành lập các liên doanh… Báo cáo theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về tình hình góp vốn ra ngoài, ngày 4/7/2008, Vigecam có Công văn số 181/CV-VTNN-KH. Cụ thể, về việc giải thể chi nhánh tại TP HCM và thành lập Công ty Cổ phần Vinacam, cần phải xem xét lại.

Chi nhánh TP HCM được thành lập vào năm 1997, là đơn vị hạch toán phụ thuộc và được giao quản lý trụ sở của Tổng Cty tại 28 Mạc Đĩnh Chi (TP HCM) và nhiều bất động sản khác. Tháng 4/2005, Vigecam có quyết định phê duyệt đề án thành lập Cty Cổ phần Vinacam tại 28 Mạc Đĩnh Chi với vốn góp 12,5 tỷ đồng, bằng 36,76% vốn điều lệ. Nguồn vốn góp chính là các động sản và bất động sản gồm: Trụ sở chi nhánh tại 28 Mạc Đĩnh Chi có diện tích mặt bằng 207m2 xây dựng 7 tầng kiên cố, đưa vào sử dụng vào năm 2004; khu kho Tiền Giang có diện tích 4.372m2 và vườn cao su Phú Giáo (Bình Dương) với 45,5ha, trong đó có 32,14ha cây cao su.

Tháng 9/2005 và tháng 6/2006, ông Khánh đã ra các quyết định bán hết cổ phần cho Vinacam mà không xin ý kiến của Bộ chủ quản (theo quy định chỉ được bán sau 3 năm thành lập). Trong quá trình bán cổ phần này, 2 bên không tổ chức đấu giá theo quy định… có biểu hiện của việc làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, hầu như toàn bộ con người, tải sản của Vigecam tại chi nhánh TP HCM đã biến thành của công ty cổ phần, tư nhân 100%.

Cũng chính từ Công văn 181, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã có văn bản chuyển nội dung này cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C37) khi đơn vị đang điều tra những sai phạm của ông Khánh. Tuy nhiên, vì thời hạn điều tra đã hết nên C37 có văn bản chuyển trả Công văn 181 cho Thanh tra Bộ NN&PTNT để tiến hành thanh tra. Đồng thời có văn bản khẳng định dấu hiệu sai phạm trong việc thanh lý hợp đồng thuê nhà 28 Mạc Đĩnh Chi gửi UBND TP HCM (Báo Thanh tra ra ngày 17/6/2012). Tuy nhiên, cả 2 cơ quan này không tiến hành thanh tra cũng như xử lý các sai phạm trên.

Khẳng định thêm về dấu hiệu sai phạm trong việc thành lập và bán hết cổ phần cho Vinacam (thời ông Khánh), đại diện lãnh đạo Vigecam cho biết: Khi đánh giá trụ sở 28 Mạc Đĩnh Chi, Hội đồng đánh giá đã không tham khảo, so sánh giá thị trường thời điểm hiện tại khiến giá trị tòa nhà (cả nhà và đất) này bị sụt giảm nhiều. Đối với vườn cao su Phú Giáo, Hội đồng đánh giá đã bỏ qua giá trị tài sản trên đất là 32,14ha cây cao su 15 tuổi đang trong thời kỳ khai thác (trị giá khoảng 6 tỷ đồng). Giá trị quyền sử dụng đất của vườn cao su này cũng bị xác định thấp hơn so với quy định hiện hành, ước tính thiệt hại khoảng 9 tỷ đồng (thay vì áp dụng khung giá đất tại thời điểm là năm 2004 thì lại áp giá năm 1999)...

Không rõ lời nói của vị cán bộ mà chúng tôi dẫn ở phần đầu của bài viết đúng, sai như thế nào, nhưng có một thực tế là, việc cố giữ tài sản Nhà nước của Vigecam tỉ lệ thuận với việc đơn vị này bị khiếu kiện. Sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận (theo đơn tố cáo) tại đây, mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến, đồng ý với quá trình khắc phục một số thiếu sót một cách nỗ lực, các “đối tác” của Vigecam vẫn gửi đơn thư tới nhiều cơ quan chức năng, phản ánh không đúng thực tế về việc thực hiện các kiến nghị sau thanh tra. Cũng chính sau bài viết “Ai sẽ giúp Vigecam ổn định để phát triển?”, ông Tổng Giám đốc Vigecam tiếp tục bị “bôi nhọ” về quá trình học tập trong thời gian trước đó (Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có ý kiến chính thức, khẳng định việc học tập là đúng đắn, không sai phạm).

Không chỉ dừng lại ở việc khiếu kiện tới lãnh đạo và tập thể Vigecam, “đối tác” còn đưa vào trang thông tin của mình hẳn một chuyên mục “báo chí viết về Vigecam” tập hợp các bài viết của một số cơ quan báo chí phê phán Vigecam, đề nghị đóng góp ý kiến, rồi đăng tải phần được gọi là “ý kiến bạn đọc” với những ngôn từ xúc phạm theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa…

Có hay không những sai phạm trong việc thành lập công ty cổ phần và bán cổ phần trái luật cũng như việc dùng chiêu thức khiếu tố, bôi nhọ trên trang thông tin điện tử để đạt mục đích tư lợi cá nhân? Điều này rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ.
Theo Thanh tra