Hàng trăm công nhân mất việc trong “nháy mắt”:

Viện kiểm sát xác định Công ty Cấp nước Cà Mau có nhiều vi phạm pháp luật!

(Dân trí) - Liên quan đến vụ hàng trăm công nhân mất việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau xác định: Quá trình chấm dứt hợp đồng lao động đối với công nhân, công ty này có nhiều vi phạm pháp luật.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Cà Mau, để đáp ứng tình hình sản xuất kinh doanh, cắt giảm chi phí và tinh gọn bộ máy hoạt động, Công ty Cấp nước Cà Mau đã lập phương án tái cơ cấu tổ chức bộ máy và bố trí lại lao động. Theo phương án, công ty phải cho nhiều người lao động (NLĐ) thôi việc. Vì vậy, ngày 27/7/2016, Công ty Cấp nước Cà Mau đã ban hành quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) đối với một số công nhân.

Do không đồng ý với quyết định trên, có công nhân đã khởi kiện yêu cầu tòa án hủy quyết định ngày 27/7/2016, buộc Công ty Cấp nước Cà Mau nhận lại làm việc và bồi thường các khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 12/4/2018, TAND TP Cà Mau tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của công nhân.

Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau, nơi cho nhiều công nhân thôi việc sai quy định.
Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau, nơi cho nhiều công nhân thôi việc sai quy định.

Trong khi đó, Viện KSND tỉnh Cà Mau vừa có quyết định kháng nghị phúc thẩm cho biết, quá trình chấm dứt HĐLĐ đối với công nhân, Công ty Cấp nước Cà Mau đã có nhiều vi phạm pháp luật.

Cụ thể, theo khoản 3 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật Lao động thể hiện: Trường hợp thay đổi cơ cấu công nghệ hoặc vì lý do kinh tế mà ảnh hưởng đến việc làm hoặc có nguy cơ mất việc làm, phải cho thôi việc từ 2 NLĐ trở lên thì người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 44 của Bộ Luật Lao động.

Tại khoản 1 Điều 44 của Bộ Luật Lao động quy định: “Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều NLĐ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Luật này, trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại NLĐ để tiếp tục sử dụng”.

Tại khoản 3 Điều 44 của Bộ Luật Lao động quy định: “Việc cho thôi việc đối với nhiều NLĐ theo quy định tại điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh”. Tại khoản 2 Điều 46 của Bộ Luật Lao động quy định: “Khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”.

Ngày 9/5/2016, Giám đốc Công ty Cấp nước Cà Mau trình Hội đồng quản trị (HĐQT) thông qua phương án tái cơ cấu tổ chức bộ máy và bố trí lại lao động. Ngày 12/5/2016, HĐQT ban hành nghị quyết 05 thông qua phương án. Trong phương án này có đề cập đến quy trình tổ chức thực hiện gồm bước 1: “Trao đổi với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở công ty về việc cho NLĐ thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu tổ chức của công ty”; bước 2: Xây dựng phương án sử dụng lao động: “Khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của Ban chấp hành công đoàn cơ sở công ty”.

Theo Viện KSND tỉnh Cà Mau, Công ty Cấp nước đã thực hiện đúng bước 1 là đã trao đổi với Ban chấp hành công đoàn vào ngày 9/5/2016. Tuy nhiên, khi xây dựng phương án theo bước 2 thì công ty thực hiện không đúng, không có bất cứ tài liệu nào thể hiện có sự tham gia của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở. “Như vậy, công ty đã vi phạm Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP và vi phạm khoản 3 Điều 44, khoản 2 Điều 46 Bộ Luật Lao động”, Viện KSND tỉnh Cà Mau nhận định.

Viện KSND tỉnh Cà Mau viện dẫn, Luật số 69 năm 2014: Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Điều 48 quy định: Quyền, trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước là “Báo cáo, xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi tham gia ý kiến biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của HĐQT, Hội đồng thành viên về các vấn đề: Ngành, nghề kinh doanh, mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển, kế hoạch sản xuất, kinh doanh; Tổ chức lại, giải thể, phá sản; Các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông, HĐQT, Hội đồng thành viên.

Như vậy, công ty đã vi phạm Điều 48 Luật số 69 năm 2014, không xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu là UBND tỉnh Cà Mau trước khi xây dựng phương án trong đó có nội dung cho nhiều ngươi lao động thôi việc”, Viện KSND tỉnh Cà Mau nêu rõ.

Cũng theo Viện KSND tỉnh Cà Mau, khoản 3 Điều 63 Bộ Luật Lao động quy định: Người sử dụng lao động, NLĐ có nghĩa vụ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của Chính phủ.

Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ Luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc quy định: Điều 4. Nguyên tắc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc: Doanh nghiệp phải xây dựng và thực hiện công khai, minh bạch quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, người sử dụng lao động và Nhà nước; Điều 8. Nội dung NLĐ quyết định: Giao kết hợp đồng lao động, thực hiện HĐLĐ, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt HĐLĐ theo quy định của pháp luật.

Như vậy, công ty cũng đã vi phạm nghiêm trọng quy chế dân chủ khi lập phương án cho NLĐ thôi việc nhưng NLĐ không được quyết định về việc chấm dứt HĐLĐ. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 8 Nghị định 60 thì chấm dứt HĐLĐ là nội dung người lao động quyết định.

“Do có nhiều vi phạm nêu trên nên việc công nhân yêu cầu hủy quyết định chấm dứt HĐLĐ ngày 27/72016 và nhận trở lại làm việc là có cơ sở”, văn bản kháng nghị của Viện KSND tỉnh Cà Mau nêu quan điểm.

Viện kiểm sát xác định Công ty Cấp nước Cà Mau có nhiều vi phạm pháp luật! - 2
Văn bản của Viện KSND tỉnh Cà Mau xác định Công ty Cấp nước Cà Mau đã có nhiều vi phạm khi cho công nhân thôi việc.
Văn bản của Viện KSND tỉnh Cà Mau xác định Công ty Cấp nước Cà Mau đã có nhiều vi phạm khi cho công nhân thôi việc.

Trao đổi với PV Dân trí, một công nhân cho biết, phiên sơ thẩm của TAND TP Cà Mau tuyên không chấp nhận yêu cầu của các công nhân là không thể chấp nhận được, khi quyền lợi chính đáng của công nhân bị thiệt thòi rất lớn. Do đó, Viện KSND tỉnh Cà Mau có quan điểm như trên là hợp tình, hợp lý.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc.

Huỳnh Hải