Viết tiếp các sai phạm tại Cty Môi trường đô thị Hà Nội:

Urenco bàn cách “hợp lý hóa” sai phạm?

Dự án Xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện (Dự án NEDO) tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) do Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) làm chủ đầu tư đã có quá nhiều sai phạm, được báo chí phản ánh. Hiện, gói thầu 11 (gói vận chuyển) đang được chủ đầu tư “bàn mưu” để hợp lý hóa các sai phạm trong quá trình thực hiện.

Dự
án NEDO vẫn dậm chân tại chỗ, chỉ có vài chiếc cọc được đóng vội (ảnh chụp ngày
29/3/2015).
Dự án NEDO vẫn dậm chân tại chỗ, chỉ có vài chiếc cọc được đóng vội (ảnh chụp ngày 29/3/2015).

2 năm vẫn chưa ký được hợp đồng

Dự án NEDO có tổng mức đầu tư lên tới hơn 612 tỷ đồng, được giao cho Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) làm chủ đầu tư, là một trong những dự án môi trường quan trọng của TP Hà Nội.

Để thực hiện được dự án, các thiết bị đặc chủng được nhập khẩu và tập kết tại cảng Hải Phòng. Gói thầu số 11 của dự án ra đời là do yêu cầu của dự án là vận chuyển các thiết bị này về công trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Đơn vị được ủy thác nhập khẩu, vận chuyển là Cty TNHH MTV Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế (Interserco).

Theo Quyết định số 3812/QĐ-UBND ngày 21/6/2013 của UBND TP Hà Nội, giá trị tạm tính của gói thầu số 11 này là 7,915 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Urenco và nhà thầu là Interserco ký một hợp đồng nguyên tắc, theo đó, nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng về địa điểm tập kết, đồng thời chủ đầu tư có trách nhiệm thanh toán giá trị hợp đồng.

Dự
án NEDO vẫn dậm chân tại chỗ, chỉ có vài chiếc cọc được đóng vội (ảnh chụp ngày
29/3/2015).

Tuy nhiên, theo thừa nhận của chủ đầu tư, ngày 21/6/2013, TP phê duyệt kế hoạch đấu thầu, trong đó có gói vận chuyển thiết bị. Theo vốn tạm tính thì giá trị là 7,9 tỷ đồng. Ngày 2/7 thì thiết bị đã về cảng nên chủ đầu tư đề xuất UBND TP giao ngay cho Interserco thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, trong khi chưa ký hợp đồng kinh tế, mới chỉ là hợp đồng nguyên tắc. Điều này sai về Luật Đấu thầu.

Điều đáng nói là, đã gần 2 năm, chủ đầu tư và nhà thầu chưa thể đặt bút ký được hợp đồng kinh tế với nhau, lý do được hai bên tranh cãi là, giá trị tạm tính của gói thầu là hơn 7,9 tỷ, trong khi giá thực tế được xác định chỉ còn lại 4,6 tỷ đồng.

Trong cuộc họp của Tổ công tác dự án NEDO ngày 31/3/2015 tại Urenco, vấn đề sai phạm rất nhiều trong quá trình quản lý dự án, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Cty đã được mổ xẻ. Việc quản lý dự án, nhất là dự án xây dựng cơ bản chưa làm theo một trình tự nào. Nhiều ý kiến tại cuộc họp của các thành viên tổ công tác cũng thẳng thắn, việc mời Interserco vào làm nhà thầu thiếu rất nhiều thủ tục về chỉ định thầu cũng như các thủ tục khác. Chỉ riêng việc này, khi thanh tra, kiểm toán, đặc biệt là Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc, sẽ bộc lộ thêm rất nhiều sai phạm.

Ngoài ra, chủ đầu tư còn sai phạm ở chỗ chưa thẩm định hồ sơ năng lực của nhà thầu, chưa thống nhất về phương án vận chuyển… “Việc ký hợp đồng nguyên tắc ở đây cũng là không đúng quy định. Trong xây dựng cơ bản không bao giờ có kiểu “hợp đồng nguyên tắc”. Việc này phải giải trình rõ để xin ý kiến cấp trên quyết định”, nhiều ý kiến nêu rõ tại cuộc họp ngày 31/3/2015.

Thêm nữa là việc chỉ định thầu trong gói vận chuyển trên là rất khó. Trong hệ thống định mức xây dựng cơ bản mà Bộ Xây dựng quy định hiện hành cũng còn thiếu quy định này. Vì thế nên khi triển khai gói thầu 11 đã phát sinh nhiều sai phạm về thủ tục. Đáng lẽ ngay từ ban đầu, chủ đầu tư phải có phương án vận chuyển, nếu không xây dựng được phương án thì phải thuê đơn vị tư vấn. Nhưng ở đây, chủ đầu tư đã bỏ qua khâu này.

Một trong những rắc rối xung quanh gói thầu này là số lượng chuyến hàng vận chuyển. Ban đầu, chủ đầu tư và nhà thầu xác định sẽ cần khoảng 120 chuyến hàng từ cảng về nơi tập kết, vì thế mới có giá tạm tính của gói thầu là 7,9 tỷ đồng. Nhưng thực tế, nhà thầu mới vận chuyển 64 chuyến hàng đã được 96% khối lượng thiết bị. Do đó, giá trị gói thầu đang là vấn đề tranh cãi quyết liệt, chưa ngã ngũ.

Một chuyên gia trong ngành xây dựng nhận xét rằng, việc chủ đầu tư và nhà thầu chưa thể ký kết hợp đồng và tranh cãi trong gần 2 năm qua có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là cả nhà thầu và chủ đầu tư đều không đủ năng lực trong thực hiện dự án.

Dự
án NEDO vẫn dậm chân tại chỗ, chỉ có vài chiếc cọc được đóng vội (ảnh chụp ngày
29/3/2015).

Quá chậm trong kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân

Về những sai phạm tại Urenco để hàng triệu USD thiết bị nằm “đắp chiếu”, dự án chậm tiến độ mà báo chí đã phản ánh, tháng 7/2014, UBND TP Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo DN này giải trình, kiểm điểm là rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý dự án và làm chậm tiến độ của dự án.

Cụ thể, theo báo cáo của Sở KH-ĐT TP Hà Nội, chủ đầu tư đã vi phạm các quy định của pháp luật về đấu thầu như sau: Phê duyệt hồ sơ mời thầu không đúng với kế hoạch đấu thầu được phê duyệt về hình thức hợp đồng; Thông báo trúng thầu và phê duyệt kết quả đấu thầu không phù hợp với hồ sơ mời thầu về hình thức hợp đồng…

Chiều 31/3/3015, ông Trần Đức Hoạt, Phó GĐ Sở KH&ĐT TP Hà Nội cho biết, trước đây, khi UBND TP yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể, thì Sở KHĐT đã “ưu tiên” cho DN tập trung thực hiện việc đẩy nhanh tiến độ dự án trước, rồi sẽ báo cáo kiểm điểm sau. Tuy nhiên, đến nay, đã hơn nửa năm, cơ quan này chưa nhận được báo cáo kiểm điểm của bất cứ tập thể, cá nhân nào. Dư luận cho rằng, vụ việc có nguy cơ bị chìm xuồng, và có thể có ai đó “chống lưng” để bao che cho những sai phạm.

Về tiến độ của dự án NEDO, đến nay, theo tìm hiểu của PV, dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Hàng nghìn tấn thiết bị, máy móc được vận chuyển từ cảng về vẫn chưa được lắp đặt, hiện vẫn để ngoài trời. Chỉ có vài chiếc cọc tại hiện trường có vẻ như làm theo kiểu chống đối.

Như vậy, cùng với việc ì ạch của dự án, thì việc kiểm điểm trách nhiệm, làm rõ các sai phạm của chủ đầu tư dự án cũng chưa được thực hiện. Được biết, trong ngày hôm nay (2/4), UBND TP sẽ chủ trì buổi làm việc với chủ đầu tư và Tổ công tác dự án NEDO để tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, không biết sai phạm của chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án có được UBND TP Hà Nội xem xét xử lý nghiêm túc hay không?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Theo Đặng Quang

Báo Xây dựng