Bài 4:

Từ vụ hoả hoạn thiêu rụi nhà dân nhìn lại nguy cơ rủi ro từ mô hình Hợp tác xã dịch vụ điện

(Dân trí) - Địa phương không bàn giao hệ thống lưới điện cho ngành điện mà để cho Hợp tác xã dịch vụ quản lý khiến hệ thống lưới điện không được cải tạo, nâng cấp kịp thời. Tình trạng điện yếu, quá tải, chập cháy, mất an toàn liên tục xảy ra khiến cuộc sống người dân gặp nhiều bất trắc.

Như Dân trí đã đưa tin, theo phản ánh của người dân xã Liên Hà, huyện Đông Anh thì nhiều năm nay, người dân tại khu vực xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội sử dụng điện do HTX dịch vụ điện Liên Hà (gọi tắt là HTX Liên Hà) cung cấp. Kể từ thời điểm HTX Liên Hà tiếp quản mạng lưới điện này trên địa bàn đã xảy ra rất nhiều vụ chập, cháy đường dây tải điện gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt trong vòng 2 năm trở lại đây, nhiều vụ cháy liên tiếp xảy ra có liên quan đến hệ thống lưới điện điển hình là vụ cháy ngày 14/5/2016 xảy ra tại gia đình anh Đỗ Ngọc Hiếu, chập cháy trên cây cột điện khu vực ngã ba thôn Châu Phong vào đầu tháng 8/2016, chập cháy đường dây trên cây cột điện Thảm Len thôn Châu Phong vào ngày 04/3/2017 và chập cháy đường dây trên cây cột điện cũng tại thôn Châu Phong vào đêm ngày 27/3/2017…

Trước tình hình trên cộng thêm với việc mùa hè đang tới gần, thời tiết oi bức, nhu cầu sử dụng điện của các hộ gia đình, cá nhân tăng cao, người dân nơi đây rất băn khoăn rằng liệu việc phân phối điện của Hợp tác xã dịch vụ điện có còn an toàn và đảm bảo?

Từ vụ hoả hoạn thiêu rụi nhà dân nhìn lại  nguy cơ rủi ro từ mô hình Hợp tác xã dịch vụ điện - 1

Hiện trường tan hoang sau vụ cháy nhưng may mắn người già và bà bầu trong gia đình anh Hiếu đã kịp thoát thân nên không có thiệt hại về người.

Hiện trường tan hoang sau vụ cháy nhưng may mắn người già và bà bầu trong gia đình anh Hiếu đã kịp thoát thân nên không có thiệt hại về người.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nhâm Mạnh Hà (Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội) cho rằng: Mô hình HTX dịch vụ điện ẩn chứa nhiều rủi ro và không còn phù hợp với thực tế và cũng đi ngược lại với các chính sách của Nhà nước nên các HTX cần phải bàn giao hệ thống lưới điện cho các công ty điện lực để hệ thống lưới điện được cải tạo, nâng cấp để đảm bảo vấn đề an toàn và cung cấp đầy đủ điện năng phục vụ cho hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt trong đời sống nhân dân, cụ thể:

Thứ nhất, những rủi ro, hạn chế từ mô hình HTX dịch vụ điện:

Đầu tiên là những rủi ro do hệ thống phân phối điện đã xuống cấp mà không được cải tạo, sửa chữa: Xem xét hiện trạng thực tế hệ thống mạng lưới điện do HTX dịch vụ điện quản lý hiện nay (điển hình như HTX dịch vụ điện Liên Hà như đã nêu trên) có thể thấy rằng, các đơn vị này (đơn vị trung gian phân phối bán lẻ điện tới người dân cũng là đơn vị quản lý ở địa phương) đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về đảm bảo an toàn điện thể hiện qua việc:

+ Nhiều cây cột điện được đặt sát nhà dân tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện và tai nạn điện.

+ Những bó dây điện chằng chịt được buộc tạm bợ, vắt vẻo; hàng chục công tơ điện “chen lấn nhau” trên cột điện. Đáng ngại là, những cột điện có công tơ đeo bám lại nằm sát với nhà dân, là mối nguy hiểm thường trực, sự cố chập điện, cháy nổ các công tơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào đặc biệt là với tình trạng nắng nóng, thời tiết oi bức, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên nhưng nguyên nhân chủ yếu là về vấn đề tài chính. Các HTX dịch vụ điện tiếp nhận lại hệ thống lưới điện đã có từ trước đã cũ và gây mất an toàn nhưng do khó khăn về tài chính, lợi nhuận thu được không đủ để đầu tư, sửa chữa, đại tư và nâng cấp lưới điện (các HTX thường có mô hình nhỏ, hoạt động dựa trên phần vốn góp của các thành viên nên khả năng tài chính rất hạn chế) nên việc bàn giao lại hệ thống lưới điện cho các công ty điện lực là hoàn toàn cần thiết.

Cụ thể trong trường hợp của HTX Liên Hà, chính việc vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn lưới điện là nguyên nhân dẫn đến những vụ chập cháy liên tục xảy ra gần đây tại khu vực xã Liên Hà, huyện Đông Anh, gây thiệt hại lớn về tài sản cũng như tổn thất nghiêm trọng về tinh thần của người dân nơi đây.

Hai là, về chất lượng điện năng và giá điện:

Do phải qua đơn vị trung gian cộng thêm lưới điện đã xuống cấp, mất mát điện năng cao nên đã đội lên giá thành sản phẩm và người sử dụng điện phải chịu thiệt thòi. Như vậy, rõ ràng, sự ưu đãi của Nhà nước đã không đến được với những người dân. Vậy càng cắt bỏ đi được những khâu trung gian, đặc biệt là những trung gian lạc hậu chính là việc mang lại quyền lợi cao nhất cho người dân.

Bên cạnh đó, do mạng lưới điện không đảm bảo an toàn nên cũng dẫn tới những hạn chế trong quá trình phân phối điện năng, cụ thể: Hệ thống lưới điện đã xuống cấp nhưng không được cải tạo sửa chữa hoặc một số đã được đầu tư cải tạo nhưng chưa đồng bộ và hiện đại, bán kính cấp điện xa, công tơ đo điện phổ biến là công tơ cơ, độ chính xác chưa cao. Những yếu tố trên đã dẫn tới tổn thất điện năng cao, lượng điện năng chưa đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu của người dân. Tình trạng mất ổn định, cắt, cúp điện liên tục xảy ra và điện năng yếu đặc biệt là vào những giờ cao điểm đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Thứ hai, Nhà nước đã có chính sách rất rõ ràng về vấn đề bàn giao lại hệ thống mạng lưới điện để điện được EVN bán trực tiếp đến tất cả người dân:

Tại Quyết định 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: “Đến năm 2015, EVN bán điện trực tiếp đến tất cả các khách hàng sử dụng điện”.


Trao đổi với PV Dân trí, ông Dương Văn Phong - Chủ nhiệm HTX dịch vụ điện Liên Hà cho rằng căn cứ vào kết luận giám định hiện trường vụ cháy xác định hoả hoạn xảy ra phía sau công tơ điện nên hợp tác xã không có trách nhiệm gì mà còn là nạn nhân.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Dương Văn Phong - Chủ nhiệm HTX dịch vụ điện Liên Hà cho rằng căn cứ vào kết luận giám định hiện trường vụ cháy xác định hoả hoạn xảy ra phía sau công tơ điện nên hợp tác xã không có trách nhiệm gì mà còn là nạn nhân.

Cùng với đó, ngày 04/12/2013, Bộ Công Thương - Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư Liên tịch số 32/TTLT/BCT-BTC hướng dẫn việc giao nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản LĐHANT để các bên tổ chức thực hiện.

Cụ thể hơn, ngày 07/7/2016, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 3736/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch Phát triển điện nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 trong đó nêu rõ:

Tiếp tục thực hiện giao nhận và hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tại Thông tư liên tịch số 32/2013/ TTLT/BCT-BTC ngày 04/12/2013 và quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.”

Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội có trách nhiệm:

- Tiếp nhận lưới điện được bàn giao theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, hoàn trả Chủ đầu tư giá trị tài sản lưới điện hạ áp nông thôn được giao nhận và tiếp nhận trả nợ vốn vay dự án RE2 phần còn lại đúng quy định pháp luật.

- Thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn sau tiếp nhận, đảm bảo cấp điện chất lượng, an toàn đúng quy định pháp luật.”.

Như vậy, qua các quy định trên có thể thấy rằng, chủ trương của Nhà nước là cần phải bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý.

Thứ ba, Việc bàn giao lại hệ thống mạng lưới điện từ các HTX dịch vụ cho các công ty điện lực mang lại nhiều lợi ích cho cả người sử dụng điện và cả ngành điện, cụ thể đó là:

- Về phía người dân:

Các công ty điện lực có đầy đủ năng lực tài chính, cán bộ chuyên môn có năng lực nên khi tiếp nhận lại mạng lưới điện, các công ty điện lực có thể tiến hành ngay việc sửa chữa, cải tạo, thay thế các đường dây cũ kém chất lượng, các công – tơ điện không đảm bảo, thay thế, di dời hệ thống cột điện không đảm bảo an toàn, lắp đặt thêm trạm biến áp. Điều này sẽ góp phần tăng chất lượng điện năng, đảm bảo công tác an toàn lưới điện, người dân sử dụng điện an toàn, ổn định, được hưởng giá bán điện theo quy định của Chính phủ và không phải chịu thêm chi phí qua các cấp trung gian, đảm bảo được đời sống sinh hoạt, sản xuất.

- Về phía ngành điện và đóng góp cho quốc gia:

Việc sửa chữa, cải tạo lại hệ thống mạng lưới điện cùng với đội ngũ chuyên môn nghiệp vụ cao phụ trách quản lý mạng lưới điện sau khi nhận bàn giao mạng lưới điện từ HTX dịch vụ điện của các công ty điện lực sẽ góp phần giảm tình trạng thất thoát điện năng, đảm bảo an toàn cho hệ thống điện và người sử dụng điện. Điều này không chỉ mang lại lợi nhuận cho ngành điện (do nguồn thu tăng do sản lượng điện tăng, nguồn thu từ khoản chênh lệch từ bán điện trực tiếp cho người dân mà không phải thông qua đơn vị trung gian) mà còn góp phần tiết kiệm ngân sách cho nhà nước.

Có thể thấy một điều hoàn toàn không bình thường ở đây là Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo đến năm 2015, việc bán điện phải được EVN bán trực tiếp đến người dân có nhu cầu, thế nhưng tại một xã ngay tại thủ đô văn minh của cả nước thì dường như những ý kiến chỉ đạo này vẫn chưa chạm đến được. Hàng ngày hàng giờ người dân vẫn phải mua điện qua một hợp tác xã, sự an toàn về sinh mạng và tài sản của người dân dường như không được bảo vệ. Điển hình như trường hợp xảy cháy tại cây cột điện sát nhà anh Đỗ Ngọc Hiếu, theo người dân nơi đây phản ánh thì từ việc ngọn lửa phát cháy đã dẫn đến việc toàn bộ hàng hoá trong khu nhà xưởng cũng như tài sản có giá trị trong nhà anh Hiếu đã bị thiêu rụi, hoặc hư hỏng nặng nề. Rất may hàng xóm phát hiện ra kịp thời nên đã sơ tán được bố mẹ già 90 tuổi, người vợ đang mang thai 8 tháng cũng như 2 đứa con nhỏ dại của anh Hiếu ra khỏi ngôi nhà ngùn ngụt lửa khói. Thế nhưng suốt cả một năm qua, HTX Liên Hà vẫn cho rằng họ không liên quan, họ không có trách nhiệm trong sự việc.

Dư luận bức xúc đặt ra câu hỏi: tại sao cho đến thời điểm này, sau suốt hơn một năm trời kể từ ngày gia đình anh Hiếu bị gặp nạn cũng như sau nhiều vụ chập cháy liên tiếp xảy ra trên địa bàn xã Liên Hà nhưng không có đoàn thanh tra nào về làm việc, xác minh về vấn đề an toàn PCCC nơi đây của HTX này để công khai thông tin cho người dân địa phương.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế