bài 2:

Trường trung cấp nghề Bình Thạnh bắt giáo viên “ký khống”: Hé lộ nhiều dấu hiệu bất thường!

(Dân trí) - Sau khi Dân Trí phản ánh những khuất tất trong việc chi tiêu tiền thù lao của giáo viên dạy lái xe tại Trường Trung cấp nghề Bình Thạnh phải ký “khống”, nhà trường đã có công văn phúc đáp. Tuy nhiên những trả lời này đã tỏ ra thiếu logic và thể hiện không ít “khuất tất”…

Đường đi của những đồng tiền “ký khống” !

Ngày 20/4 Báo điện tử Dân Trí đã có bài: “Trường trung cấp nghề Bình Thạnh: Giáo viên phải “ký khống” nhận thù lao”. Bài báo  phản ánh những khuất tất tại Trường Trung cấp nghề Bình Thạnh (235 Phan Văn Trị, phường 11 quận Bình Thạnh, TP.HCM) trong việc bắt giáo viên ký nhận tiền thù lao, nhưng thực tế những giáo viên này không nhận bất cứ đồng nào.

Theo đó, ngày 25/4, ông Nguyễn Công Phước – Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Bình Thạnh đã trả lời công văn của Báo Điện tử Dân Trí gửi Trường Trung cấp nghề Bình Thạnh vào ngày 17/4,  về những vấn đề mà bài báo đã đặt ra.

Trường trung cấp nghề Bình
Thạnh
Trường trung cấp nghề Bình Thạnh

Qua công văn  trả lời,  ông Phước đã cho biết: “Trường đã ban hành Quy chế Chi tiêu nội bộ để phục vụ hoạt động của đơn vị và cũng đã được thống nhất trong đơn vị. Từ năm 2010, Quy chế chi tiêu nội bộ của trường đã thống nhất “Khoán chi phí sát hạch xe ô tô: trong đó dấu B2 là 4.000.000đ/ 1 đợt sát hạch, dấu C và D và các kỳ sát hạch vắng rớt là 2.000.000đ/ 1 đợt sát hạch, đến năm 2014 có điều chỉnh “ khoán chi phí sát hạch xe ô tô: trong đó dấu B2 là 3.000.000đ/ 1 đợt sát hạch, dấu C và các kỳ sát hạch vắng rớt là 1.000.000đ/ 1 đợt sát hạch”, đây là mức chi phí khoán cho bộ môn Lái xe đưa học viên đi thi sát hạch tại Trung tâm sát hạch Lái xe (trường cao đẳng GTVT số 8 Nguyễn Ảnh Thủ, Quận 12), trước khi đi thi trưởng bộ môn Lái xe lập danh sách và giáo viên có ký nhận khoản chi phí khoán này để phục vụ công tác.”

Ngoài ra, trong cuộc họp với toàn thể giáo viên trường vào ngày 20/4, Ông Nguyễn Công Phước – Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Bình Thạnh đã đưa ra ý kiến về sự việc trên như sau: “Tôi ký do là chủ tài khoản theo nguyên tắc tài chính, là thủ trưởng đơn vị, tôi ký xác nhận để chi. Việc các giáo viên ký không nhận được tiền thì tôi không biết, là việc của bộ phận thực hiện và phát tiền..”.

Trong khi lãnh đạo tỏ ra vô can với khoản tiền lên đến gần 100 triệu đồng mà giáo viên phải ký khống từ trước đến nay và cũng không biết chi dùng vào việc gì thì ông Hồ Văn Giới – Trưởng bộ môn lái xe, Trường Trung cấp nghề Bình Thạnh lại có một giải trình hé lộ đường đi của số tiền này.

Theo giải trình của anh Hồ Văn Giới ngày 23/4: “Số tiền này được dùng để chi bồi dưỡng cho mỗi giáo viên dạy lái xe có danh sách đi cùng bộ môn hướng dẫn học viên trong đợt sát hạch, các giáo viên có ký tên và nhận tiền tại thủ quỹ.Có những giáo viên đã tự nguyện gửi lại số tiền có lúc 300 ngàn, có lúc 400 ngàn cho bộ môn. Còn một số giáo viên còn lại thì khoản tiền này chi phí cho nhiên liệu công tác báo cáo 1, báo cáo 2, nhận giấy phép đối với những học viên đã đạt trong kỳ thi sát hạch, tiền ăn trưa và uống nước cho các giáo viên”.

Cách giải trình của Trường Trung cấp nghề Bình Thạnh và bộ môn lái xe thuộc Trường Trung cấp nghề Bình Thạnh như trên rất “phi logic”. Bởi nếu tập thể giáo viên đã tự nguyện gửi lại số tiền thù lao để sử dụng vào các mục đích kể trên thì việc gì họ phải kêu cứu, khiếu nại lên đến  Quận ủy quận Bình Thạnh và Báo điện tử Dân trí? Hơn nữa, nếu nói là giáo viên tự nguyện gửi lại tiền thù lao thì sao trường Trường Trung cấp nghề Bình Thạnh và bộ môn lái xe không hề cung cấp được bất cứ bằng chứng nào thể hiện sự tự nguyện…?

Hé lộ những bất thường…

Công văn phúc đáp của Trường trung cấp nghề Bình
Thạnh
Công văn phúc đáp của Trường trung cấp nghề Bình Thạnh

Vào ngày 16/4, Ông Nguyễn Văn Can – Trưởng phòng LĐTBXH Quận Bình Thạnh, cùng với ông Nguyễn Công Phước – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Bình Thạnh và Anh Lê Sỹ Vinh – Thủ quỹ Trường đã có cuộc họp làm rõ vấn đề. Theo đó, anh Lê Sỹ Vinh cho biết:“Họ nói ngang ngược.Tôi khẳng định tại thời điểm các giáo viên bộ môn lái xe ký tên trên danh sách đã nhận tiền đầy đủ”.

Diễn tiến sự việc tiếp theo, vào ngày 20/4,  nhà trường đã tổ chức một cuộc họp về khoản chi của bộ môn lái xe cùng với tập thể giáo viên trường.  Ở cuộc họp này, anh Lê Quang Châu một giáo viên dạy lái xe đã trả lời khác: “Có lên anh Vinh ký nhận tiền nhưng không lấy tiền, lý do: Để cho bộ môn chạy hồ sơ”. Hoặc theo  câu trả lời của anh Bàng Mạnh Đông hiện cũng là giáo viên dạy lái xe tại trung tâm này, là:“Có ký nhưng không nhận tiền, anh Vinh nói “ký cho vui thôi...” (!?).

Những bất thường trong việc quản lý tiền thù lao của giáo viên tại Trường Trung cấp nghề Bình Thạnh càng lộ rõ hơn sau khi tập thể giáo viên có phản ứng. Giáo viên trong trường tiếp tục phản ảnh với Báo điện tử Dân Trí rằng hai khóa 177 và 178 đã thi sát hạch thì lại không thấy lên ký nhận để nhận tiền giống những khóa trước nữa.Trong khi học viên vẫn đi thi và đậu bình thường. Vậy thì tiền ở đâu và làm gì? Lấy tiền ở đâu để giáo viên làm nhiệm vụ?

Do chưa nhận được câu trả lời thích đáng cho thắc mắc của mình, giáo viên đề nghị nhà trường cho tổ chức cuộc họp khác mời Anh Lê Sỹ Vinh – Thủ quỹ trường đến để được chất vấn rõ ràng. Nhưng đến nay, nguyện vọng đơn giản này của tập thể giáo viên vẫn chưa  được gặp Anh Vinh.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin phản ánh vụ việc cùng bạn đọc.

Ân Khoa  -  Đặng Vy