Trường đào tạo nghề thì ít mà đại học quá nhiều

(Dân trí) - Chúng ta đang hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học, và đặc biệt là bậc ĐH với mục đích chất hơn lượng. Vậy nên việc mạnh tay loại bỏ những trường không đạt tiêu chuẩn là bước đi quan trọng trong bài giải “thừa thầy thiếu thợ” này.

Không vì lợi ích trước mắt

 

Mức điểm sàn mà Bộ GD&ĐT mới công bố đã nhận được rất nhiều sự đồng tình từ dư luận. Bởi bậc ĐH là bậc dành cho những ai có thực lực, muốn theo đuổi con đường học hành chứ không thể biến bậc ĐH thành bậc học phổ cập ai thích học là được.

 

Vấn đề giáo dục vẫn đang là đề tài làm bao người trăn trở:

 

“Chất lượng đại học hiện nay đã quá kém rồi, trường nào không khẳng định được chất lượng, không tuyển được sinh viên thì phải đào thải theo đúng cơ chế thị trường. Hãy nhìn xem trường Đại học TL, một trường ngoài công lập, có bao giờ họ kêu ca đâu, gạt ra còn không hết thí sinh. Hãy vì tương lai của đất nước sau này” - Lê Văn Lương: vanngnamdoi2003@yahoo.com  

 

“Theo tôi, nếu trường nào không đủ chỉ tiêu thì có bao nhiêu sinh viên đào tạo bấy nhiêu thôi. Nếu ít quá thì ngưng đào tạo khoa đó. Đúng, càng hạ điểm thì chất lượng càng thấp, như vậy thì nền giáo dục sẽ ra sao? Cũng mang tiếng là đậu đại học mà trung bình 3 môn không được 15 điểm? Điểm sàn mà Bộ đưa ra như vậy cũng là thấp rồi” - Tạ Trần Thảo Nguyên: xuanhong19771978@yahoo.com   

 

“Lại một bài kêu ca! Điều 33 là để cho các trường ở vùng sâu vùng xa chứ, có phải cứ khó tuyển là đòi xin vận dụng đâu. Mấy ông này chỉ giỏi kêu thôi, xin hãy đừng kêu nữa mà hãy nghĩ cách nâng cao chất lượng đào tạo của trường mình. Nếu thành lập trường vì mục đích xã hội hóa giáo dục thì thu học phí thấp thôi chứ, hay thấy đây là nơi kinh doanh bằng siêu lợi nhuận nên các vị cứ lao vào... Học phí cao thì người dân làm sao có tiền cho con đi học chứ? Tôi nghĩ các trường nên tự đánh giá đúng năng lực đào tạo của mình, mà chuyển sang hình thức đào tạo cao đẳng hoặc trung cấp thì phù hợp hơn!” - cao bá oai: caobaoai@gmail.com

 

“Buồn quá! chất lượng giáo dục ngày càng xuống dốc. ĐH thì cứ nhan nhản. Nếu thế này khả năng vài năm nữa phổ cập ĐH mất. Ra trường cầm tấm bẳng chẳng có ý nghĩa gì mấy, ra trường thất nghiệp hết. Hạn chế các trường ĐH thì hơn”- thuong: ngocthuongkc04@gmail.com  

 

“Theo tôi, việc Bộ đưa ra mức điểm sàn là hợp lý. Nếu thí sinh nào không đủ tiêu chuẩn sẽ không học ĐH nữa, mà phải chuyển xuống mức thấp hơn, hoặc năm sau ôn luyện thi lại. Tránh được tình trạng chất lượng ĐH của Việt Nam thấp. Nếu hạ mức điểm sàn xuống thấp cũng là việc đánh giá trình độ ĐH của nước nhà thấp kém” - Phan Thế Anh: phtheanh@gmail.com

 
Trường đào tạo nghề thì ít mà đại học quá nhiều - 1

Thí sinh dự thi đại học năm 2011. (Ảnh: Việt Hưng)
 

Tôi thấy việc công bố mức điểm sàn vào ĐH của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta cần phải phân loại học sinh: học sinh nào đạt đủ điểm tiêu chuẩn tối thiểu thì vào ĐH. ĐH nào đảm bảo chất lượng đào tạo thì sẽ không phải lo lắng có tuyển đủ học sinh hay không. Còn học sinh nào không đạt chuẩn tối thiểu của Bộ thì vào cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hoặc học nghề. Xã hội đang cần nhân lực ở các trình độ đa dạng, đâu phải mỗi trình độ ĐH mà chúng ta phải băn khoăn” - Nguyễn Thị Thanh Bình: thanhbinh82@yahoo.com

 

Chú trọng đào tạo nghề

 

Qua những phản hồi gửi về Dân trí sau mỗi bài viết liên quan đến giáo dục cho thấy, vẫn còn nhiều người bị ảnh hưởng lối suy nghĩ kiểu "bệnh
 thành tích": chỉ cần có bằng ĐH để đi xin việc. Thậm chí có người còn đổ lỗi… vì không vào được ĐH đã sinh ra sa ngã. Đó là tư tưởng lệch lạc mà chúng ta cần sớm loại bỏ.

 

Để loại bỏ được những tư tưởng đó, ngành giáo dục cần sớm tuyên truyền cũng như đưa ra những phương án hướng nghiệp, định hướng cho học sinh ngay từ khi còn học phổ thông. Từ đó, các em sẽ liệu được sức mình mà chọn một hướng đi riêng phù hợp với bản thân.

 

Từ thực tế, độc giả Lê Thuấn: lvthuan.vaeco@yahoo.com phân tích:

 

“Ở VN ta, nếu vào các cơ quan, công ty tư nhân, nước ngoài thì mới quan trọng cái bằng + kiến thức. Còn vào các cơ quan nhà nước thì chỉ cần có bằng, còn vào được hay không lại nhờ mối quan hệ+tiền. Do đó bằng của trường công lập = dân lập, trường uy tín = trường không uy tín, bằng đỏ = bằng trung bình, thậm chí yếu...

 

Điểm sàn như vậy tôi nghĩ là quá thấp rồi, lẽ ra nên để 15 điểm vì muốn học ĐH thì tối thiểu 3 môn cũng phải được trên trung bình. Điều đó chứng tỏ một điều rằng, chất lượng giáo dục ở VN còn kém. Và cứ đà này bao giờ chúng ta mới sánh với thế giới, làm sao để thế giới công nhận bằng ĐH của VN?

 

Phùng Hữu Quân: quânnd42832@gmail.com kiến nghị:

 

“Mấy năm qua ngành giáo dục luôn trăn trở làm cách nào để nâng cao chất lượng đào tạo bậc TH, CĐ, ĐH. Đặc biệt là nâng cao chất lượng ĐH. Hiện tượng thừa thầy thiếu thợ vẫn là bài toán hóc búa đối với ngành giáo dục nước ta. Theo tôi nghĩ, thà nhiều công nhân, kỹ thuật lành nghề bậc cao còn hơn là thừa quá  nhiều cử nhân, kỹ sư nhưng chất lượng thấp.

 

Chẳng có lí do gì mà thi đại học ba môn dưới 15 điểm lại đỗ ĐH và sau này cũng là cư nhân này, kỹ sư kia. Thử hỏi với 13 điểm cũng đỗ ĐH thì ai mà chẳng đỗ, ai mà không học ĐH, còn đi học nghề làm gì. Chính vì thế điểm sàn 13 điểm đã là quá thấp rồi. Các trường ĐH ngoài công lập tuyển được bao nhiêu thì tuyển, nếu không đủ thì tuyển hệ cao đẳng, hệ trung cấp.

 

Bộ Giáo dục ĐT cũng nên rà soát lại các trường ngoài công lập. Tôi thấy hầu hết các trường mới mở có đủ điều kiện cơ sở vật chất đâu mà vẫn cứ được thành lập. Bộ nên loại dần những trường này để chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, và bài toán thừa thầy - thiếu thợ mới hy vọng có lời giải đáp”

 

Siết chặt khâu cấp phép

 

Việc các trường ĐH ngoài công lập mọc lên như nấm sau mưa cũng là nguyên nhân không nhỏ làm rối ren thêm bài toán khó của ngành giáo dục. Biết rằng trường dân lập mở ra vì trường công lập quá tải, nhưng không thể vì thế mà chất lượng lại kém đi, phải tung các chiêu để tuyển được sinh viên. Trường dân lập, theo nhận xét của một độc giả,  ra đời nhằm chia sẻ, gánh bớt học sinh chứ không thể là nơi để các “cậu ấm, cô chiêu” dùng tiền mua bằng cấp.

 

Có độc giả đã từng so sách rằng ở nước ngoài trường dân lập được coi trọng, trong khi ở ta nói đến dân lập không chỉ các nhà tuyển dụng mà thậm chí nhiều sinh viên cũng... chạy “mất dép”. Để thay đổi quan niệm đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng cho các trường ngoài công lập, ngành giáo dục cũng cần mạnh tay trong việc loại bỏ những trường không "đủ lực",  "đủ chất"...
 

 Nguyệt Thu