Hà Nội:

Trung uý công an bị tố nhổ nước bọt vào người dân sẽ bị xử lý như thế nào?

(Dân trí) - Trong mấy ngày gần đây, dư luận xã hội vẫn chưa hết bàng hoàng khi xem một đoạn clip được đăng tải trên facebook về việc một trung úy công an thuộc phường Trung Liệt quận Đống Đa có hành vi nhổ nước bọt vào một người phụ nữ khi người phụ nữ này không đồng ý cho cán bộ công an vào kiểm tra nhà vào khoảng 12 giờ đêm ngày 08/4/2016.

Theo thông tin mới nhất về vụ việc thì hiện trung úy công an có hành vi nhổ nước bọt này hiện đã bị Công an quận Đống Đa tạm đình chỉ công tác nhằm phục vụ quá trình xác minh. Đề rộng đường dư luận, vừa qua chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú - Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.


Luật sư Trương Anh Tú: Mặc dù hành vi nhổ nước bọt là hành vi có dấy hiệu của tội làm nhục người khác nhưng chưa tới mức nghiêm trọng để có thể khởi tố.

Luật sư Trương Anh Tú: "Mặc dù hành vi nhổ nước bọt là hành vi có dấy hiệu của tội làm nhục người khác nhưng chưa tới mức nghiêm trọng để có thể khởi tố".

PV: Thưa ông, với tư cách là một người công tác pháp luật, ông có nhận xét đánh giá gì về việc Công an quận Đống Đa tạm đình chỉ công tác của cán bộ công an có hành vi nhổ nước bọt vào người dân?

LS Trương Anh Tú: Hành vi nhổ nước bọt vào người khác do bất cứ ai thực hiện đều là một hành vi xấu xí, khiếm nhã và rất khó chấp nhận, nhất là đối với một người thuộc lực lượng Công an nhân dân. Một lực lượng luôn nêu cao khẩu hiệu “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Do vậy, sau khi xảy ra sự việc việc Công an quận Đống Đa đã nhanh chóng vào cuộc và có động thái xử lý nghiêm khắc, bản thân tôi đánh giá đây là một hành động kịp thời của phía Công an quận Đống Đa, hành động này đã cho người dân thấy được sự nghiêm minh của cơ quan công an đối với cán bộ thực hiện hành vi sai trái. Nó truyền đi thông điệp rằng mọi hành vi sai trái của cán bộ công an khi bị phát hiện đều bị xử lý nghiêm minh, không có sự dung túng, bao che. Nêu cao tinh thần gương mẫu tuân thủ pháp luật của lực lượng công an nhân dân.

PV: Với những hành động không đúng như trong clip thì người công an này đã vi phạm những quy định pháp luật nào thưa ông?

Luật sư Trương Anh Tú: Là một lực lượng thực thi pháp luật, bảo vệ sự bình yên của cuộc sống cho nhân dân, chính vì trọng trách cao cả được nhân dân phó thác trên, vì vậy trong hoạt động của mình đòi hỏi cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng công an nhân dân phải có một chuẩn mực ứng xử rất cao. Chuẩn mực ứng xử của cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân đã Bộ trưởng Bộ Công an cụ thể hóa trong một văn bản quy phạm pháp luật đó là Thông tư số 17/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh nội vụ Công an nhân dân. Theo quy định tại Điều 40 của Thông tư này thì khi giao tiếp với nhân dân, cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân phải tuân thủ:

“1. Khi tiếp xúc, giải quyết công việc với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa, tôn trọng, khiêm tốn, bình tĩnh, tận tình, chu đáo; thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, của Ngành; nêu cao tinh thần trách nhiệm, không gây khó khăn, phiền hà với nhân dân.

2. Khi ăn ở, sinh hoạt tại nhà dân, phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; tôn trọng nếp sống của gia đình, phong tục tập quán của địa phương và làm tốt công tác dân vận.

….”

Đối chiếu hành vi mà người cán bộ công an đã thực hiện thì đã vi phạm điều 40 của Thông tư Thông tư số 17/2012/TT-BCA.


Cán bộ công an phường Trung Liệt trong đoạn clip nhổ nước bọt vào người dân.

Cán bộ công an phường Trung Liệt trong đoạn clip nhổ nước bọt vào người dân.

PV : Việc vi phạm điều lệnh nội bộ của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thế thì có thể phải chịu các hình thức xử lý như thế nào thưa ông?

Luật sư Trương Anh Tú: Việc xử lý cán bộ chiến sĩ Công an vi phạm vi phạm quy định về điều lệnh nội vụ, điều lệnh đội ngũ, nghi lễ CAND nhân dân (gọi chung là điều lệnh CAND) được quy định tai Thông tư số 10/TT-BCA-X11 năm 2010 quy định việc xử lý vi phạm điều lệnh CAND.

Theo quy định tại thông tư này, các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ Công an vi phạm các quy định trong điều lệnh CAND đều bị xử lý nghiêm túc. Hình thức xử lý từ phê bình, hạ bậc thi đua, không công nhận đơn vị "văn hóa - kiểu mẫu về điều lệnh CAND", luân chuyển công tác đến xử lý kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng cấp, giáng chức, tước danh hiệu CAND…

PV: Có ý kiến cho rằng, hành vi nhổ nước bọt của cán bộ công an phường Trung Liệt vào người phụ nữ trong clip có dấu hiệu của tội “Làm Nhục người khác”? Ý kiến của ông vê việc này như thế nào?

Luật sư Trương Anh Tú: Tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự, theo đó:

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:a) Phạm tội nhiều lần;b) Đối với nhiều người; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;d) Đối với người thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con người. Người phạm tội phải là người có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác như lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, nhổ nước bọt vào mặt, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo, quay clip... Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình. Nếu hành vi làm nhục người khác cấu thành một tội độc lập thì tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện.

Tuy nhiên để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự thì những hành vi nêu trên phải gây ra một hậu quả nghiêm trọng.

Đánh giá về mức độ nghiêm trọng của hành vi của cán bộ công an đã thực hiện với bạn nữ kia thì tôi cho rằng mặc dù hành vi nhổ nước bọt là hành vi có dấy hiệu của tội làm nhục người khác nhưng chưa tới mức nghiêm trọng để có thể khởi tố. Do vậy, việc xử lý nghiêm khắc hành vi của cán bộ này theo quy định tại Thông tư số 10/TT-BCA-X11 năm 2010 của Bộ Công an đủ để người cán bộ này nhận ra sai lầm và khuyết điểm của mình.

Xin cảm ơn ông!

Anh Thế - Thanh Trầm (thực hiện)