Tránh tái diễn tình trạng “loạn giấy báo nhập học”

(Dân trí) - Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, đến đầu tháng 8, kết quả của kỳ thi ĐH, CĐ sẽ được công bố. Đến nay đã có hơn 87 trường công bố điểm thi. Dư luận đang lo ngại, liệu thời gian tới có tái diễn tình trạng loạn giấy báo nhập học như năm ngoái?

Kéo thí sinh
 
Trong mùa tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ năm 2010 đã xảy ra tình trạng nhiều trường ĐH, CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho cả những thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký dự thi hay đăng ký xét tuyển NV2, NV3 vào trường mình.

Số giấy báo trúng tuyển “không chờ mà đến” các thí sinh nhận được không phải là ít. Có em nhận được trên 20 giấy báo mời gọi nhập học. Phần lớn các trường gửi giấy báo nhập học “chui” cho thí sinh đều là những trường hệ ngoài công lập, các trường ĐH, CĐ, trung cấp mới mở hoặc mới được cấp phép đào tạo liên thông đang “đói” thí sinh.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

Trong các giấy báo trúng tuyển thường kèm theo những lời giới thiệu hấp dẫn như: chất lượng đào tạo bảo đảm, đội ngũ giảng viên có uy tín, cơ sở vật chất nhà trường khang trang, hiện đại, mức học phí phải chăng, có chế độ ưu đãi cho con em gia đình chính sách, có cơ hội học liên kết, liên thông với các trường có tiếng tăm trong và ngoài nước…

Đối tượng nhận được những giấy báo nhập học “trên trời rơi xuống” này thường là những thí sinh không đậu NV1, NV2, NV3. Một số trường còn “xé rào” gửi giấy báo trúng tuyển cho cả những thí sinh có điểm thi thấp hơn nhiều so với mức điểm sàn mà Bộ GD&ĐT đã quy định.

Đứng trước một “rừng” giấy báo nhập học mà bản thân không mong muốn, chờ đợi, không ít thí sinh tỏ ra bối rối, lúng túng bởi không biết chọn trường nào, ngành nào cho phù hợp. Do không có được những “kênh” thông tin chính xác về các trường đã gửi giấy báo nhập học mời gọi thí sinh, nên gia đình và nhà trường cũng gặp khó khăn trong việc đưa ra những lời tư vấn cho các em.
 
“Loạn” giấy báo nhập học không chỉ gây nhiễu loạn thông tin đối với thí sinh và các bậc phụ huynh, mà còn tạo nên sự lộn xộn, thiếu quy củ trong khâu tuyển sinh.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 440 trường ĐH, CĐ. Trong số đó, có hơn một nửa là mới được nâng cấp từ trình độ thấp hơn. Chỉ trong vòng hơn 10 năm, số trường ngoài công lập tăng gấp 5 lần với 76 trường dân lập và tư thục. Trong khi đó, số lượng thí sinh lại chưa thể tăng nhanh để có thể “lấp đầy” nhu cầu tuyển sinh của các trường.

Thực tế thời gian qua cho thấy, chính sự ra đời, phát triển một cách ồ ạt chưa được thẩm định kỹ lưỡng của các trường ĐH, CĐ đã dẫn tới những tồn tại, bất cập trong chất lượng đào tạo ở bậc học này.
 
Trường ĐH, CĐ “nở rộ”, chỉ tiêu tuyển sinh lớn nhưng người đăng ký dự thi, theo học ít. Đó là lý do cơ bản khiến cho các trường phải dùng nhiều cách khác nhau để “kéo” thí sinh về trường mình, kể cả việc “xé rào” gửi giấy báo trúng tuyển mời gọi cả những thí sinh không đăng ký xét tuyển các nguyện vọng theo đúng quy định.
 
Tránh tái diễn tình trạng “loạn giấy báo nhập học” - 1

Để không còn tái diễn tình trạng “loạn” giấy báo nhập học, Bộ GD&ĐT cần có những biện pháp quyết liệt, dứt điểm nhằm chấn chỉnh tình trạng lộn xộn, thiếu quy củ này (nguồn ảnh: vtv.vn).
 
Uy tín và "thương hiệu"

Trước mỗi mùa tuyển sinh, đại diện của những trường đang “đói” người học còn cất công lặn lội về tận các trường THPT, xin BGH gặp học sinh lớp 12 trong toàn trường để giới thiệu về các ngành đào tạo của trường mình, hướng dẫn về tuyển sinh và không quên xin danh sách, địa chỉ học sinh để thuận tiện trong việc liên lạc, gửi giấy báo trúng tuyển.
 
Nhưng những thông tin giới thiệu, mời chào, quảng cáo nhiều khi được phóng đại lên quá mức, không phản ánh đúng thực tế chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất của trường, đã khiến cho không ít học sinh phải thất vọng sau một thời gian theo học.
 
Để không còn tái diễn tình trạng “loạn” giấy báo nhập học như đã từng diễn ra trong mùa tuyển sinh năm 2010, Bộ GD&ĐT cần có những biện pháp quyết liệt, dứt điểm nhằm chấn chỉnh tình trạng lộn xộn, thiếu quy củ này.

Theo đó, ngay sau khi kết quả tuyển sinh được công bố, cần yêu cầu các trường ĐH, CĐ không gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 hoặc NV3 vào trường. Đồng thời, có chế tài xử lý kỷ luật với người trực tiếp ra quyết định triệu tập thí sinh nhập học không đúng quy định, cắt chỉ tiêu tuyển sinh năm tới đối với những trường cố tình “xé rào” vi phạm.

Về lâu về dài, Bộ GD&ĐT cần rà soát lại các điều kiện thực tế của các trường ĐH, CĐ nhất là về đội ngũ giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất, từ đó hạn chế chỉ tiêu, thậm chí đóng cửa đối với những trường không đảm bảo các điều kiện tối thiểu. Việc phát triển về số lượng các trường ĐH, CĐ phải đi đôi với yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo.

Đối với những trường  ĐH, CĐ mới mở, chưa được xã hội biết đến thì biện pháp tối ưu và có hiệu quả lâu dài hơn cả là từng bước nâng cao chất lượng đào tạo của trường mình,  đáp ứng đúng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cần thiết cho xã hội. Khi đã có uy tín và "thương hiệu", chắc chắn nhiều thí sinh sẽ tự tìm đến đăng ký dự thi và mong được đào tạo tại trường.

 

Bùi Minh Tuấn

(Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Tình hình “loạn giấy báo nhập học” đã diễn ra khá phổ biến trong mùa tuyển sinh năm ngoái, làm cho nhiều thí sinh thấy khó chịu vì đó không phải những trường mà họ chờ đợi thuộc nguyện vọng 2 hay 3. Các trường đại học và cao đẳng tự tiện làm điều đó là tự hạ thấp uy tín của trường mình. Nếu còn thiếu số sinh viên cần tuyển thì nên công khai đưa thông tin tuyển thêm trên các phương tiện thông đại chúng hay trên mạng Internet, để những thí sinh có nhu cầu và đủ điều kiện tự nguyện nộp hồ sơ xin nhập học.

 

Với chức năng quản lý ngành, Bộ GD-ĐT cũng nên có biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng “loạn” giấy báo nhập học tự động gửi đến các thí sinh như tình trạng đã diễn ra mùa thi năm trước.