Nghệ An:

Tranh cãi thời điểm cơi nới diện tích, 1 thương binh gần 30 năm chưa được cấp sổ đỏ

(Dân trí) - Ông Hoàn khẳng định diện tích đất cơi nới hoàn thành trước năm 1993, đề nghị UBND phường Lê Lợi làm thủ tục cấp giấy CNQSD đất cho ông. Trong khi đó UBND phường Lê Lợi lại cho rằng diện tích đó cơi nới sau thời điểm Luật đất đai có hiệu lực, bởi vậy ông Hoàn phải nộp tiền cho phần diện tích tăng thêm đó thì mới làm thủ tục cấp bìa đỏ được.

27 năm chờ cấp sổ đỏ

Theo trình bày của ông Nguyễn Trần Hoàn (khối 4, phường Lê Lợi, Tp Vinh, Nghệ An), năm 1969, ông mua lại 1/2 căn nhà tại khối 2 (nay là khối 4). Ông Hoàn đã hoàn thành các nghĩa vụ với Nhà nước đồng thời nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ cho phường.

Ngày 5/9/1989, UBND phường Lê Lợi lập phiếu thu với nội dung "anh Nguyễn Trần Hoàn, công tác tại Bệnh viện đông y Nghệ Tĩnh nộp lệ phí xin đất ở khối 2, số tiền 500 ngàn đồng". Ngày 29/9/1989, UBND phường Lê Lợi lập giấy chứng nhận có đóng dấu xác nhận với nội dung: “Anh Nguyễn Trần Hoàn xin đất ở khối 2, đã được UBND phường thông qua và đã đóng góp xây dựng phường, hồ sơ đang chuyển lên thành phố để làm thủ tục....".

Ông Nguyễn Trần Hoàn khẳng định phần ao sau nhà được gia đình ông cơi nới trước năm 1993.
Ông Nguyễn Trần Hoàn khẳng định phần ao sau nhà được gia đình ông cơi nới trước năm 1993.

Năm 1990, cần mở rộng đường nên UBND phường Lê Lợi thu hồi một phần diện tích đất của ông, một phần căn nhà cấp 4 đang ở cũng bị phá dỡ để làm đường. Tận dụng số gạch vữa ấy ông Hoàn đổ xuống ao muống sau nhà để mở rộng diện tích nhằm mục đích khai hoang, trồng trọt. Sau đó ông Hoàn tiếp tục đổ đất, xỉ… mở rộng vườn.

“Đó thời điểm trước năm 1993. Khi tôi cơi nới ao cũng không thấy chính quyền địa phương đến đo đạc, xác định diện tích. Gia đình tôi ở ổn định từ trước tới nay, không tranh chấp với ai. Đợi mãi không thấy họ cấp giấy CNQSDĐ, năm 2003 tôi làm hồ sơ xin cấp nhưng họ bảo diện tích tăng thêm do tôi lấn chiếm sau thời điểm Luật đất đai 1993 có hiệu lực nên tôi phải nộp tiền cho số đất tăng thêm đó.

Bố tôi là liệt sĩ, bản thân tôi là thương binh, từng cống hiến ở chiến trường rồi về mua nhà để công tác ở Vinh. Nhưng 27 năm nay tôi đi xin làm sổ đỏ, chính quyền làm mất hồ sơ của tôi rồi cho rằng tôi lấn chiếm đất trước năm 1993 không cấp sổ đỏ cho tôi. Việc tôi lấp ao trước năm 1991 đã được hàng xóm và người dân khối 4 xác nhận, ký vào văn bản họp dân vào ngày 19/5/2013 nhưng phường lại không chấp nhận”, ông Hoàn cho biết.

Ông Hoàn cũng khẳng định, vào năm 1993, khi chính quyền địa phương đo đạc, xác định diện tích của người dân trong khối, ông không có mặt, không ký vào biên bản đo đạc nên không thể “quy” diện tích đất gia đình ông thời điểm đó là 94m2 như trong hồ sơ lưu tại phường Lê Lợi để có căn cứ tính phần diện tích tăng thêm sau này.

Giấy chứng nhận lập năm 1989 khẳng định hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ của ông Hoàn đã được chuyển lên thành phố để làm thủ tục.
Giấy chứng nhận lập năm 1989 khẳng định hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ của ông Hoàn đã được chuyển lên thành phố để làm thủ tục.

Trong quá trình đi làm thủ tục xin cấp giấy CNQSDĐ, ông Nguyễn Trần Hoàn phát hiện trong hồ sơ của mình có giấy giải trình về nguồn gốc số diện tích tăng thêm. Giấy giải trình này lập vào năm 2003, có chữ ký của ông Hoàn, được ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND phường Lê Lợi lúc bấy giờ đóng dấu xác nhận diện tích tăng thêm là 30,4m2, "tăng do lấp ao rau muống hố sâu năm 1991. Đo năm 1993 do cây cối bờ bụi rậm rạp chưa phát quang. Năm 1993 đo bằng thước dây, khi đo chủ nhà vắng nên không chính xác. Gia đình sử dụng đất từ năm 1989 đến nay ổn định không có tranh chấp".

Ông Nguyễn Trần Hoàn khẳng định chữ kí trong giấy không phải của ông, bản thân ông cũng không biết diện tích tăng thêm là 30,4m2 để ghi vào đơn.

Phải nộp tiền đất tăng thêm mới được cấp bìa

Về nội dung phản ánh của ông Nguyễn Trần Hoàn, chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện UBND phường Lê Lợi. Ông Trần Việt Hoàng - cán bộ địa chính phường Lê Lợi cho biết, về nội dung này phường đã có nhiều văn bản trả lời công dân.

Theo nội dung công văn trả lời của phường Lê Lợi thì thửa đất ông Nguyễn Trần Hoàn sử dụng là thửa số 105, tờ bản đồ số 41, ông Hoàn nhận chuyển nhượng trước ngày 15/10/1993. Theo bản đồ năm 1993 thì thửa đất này là thửa số 62, tờ bản đồ số 27, diện tích 94m2. Trong át lát năm 1993 là thửa số 91, tờ bản đồ số 66-70-5, diện tích 94m2.

Giấy giải trình về nguồn gốc, diện tích phần đất tăng thêm ông Hoàn khẳng định đã giả mạo chữ ký của ông.
Giấy giải trình về nguồn gốc, diện tích phần đất tăng thêm ông Hoàn khẳng định đã giả mạo chữ ký của ông.

Còn bản đồ năm 2001 thì thửa đất của ông Hoàn có diện tích 151,6m2. Chênh lệch diện tích so với ban đầu là 57,6m2, nguyên nhân là do sử dụng thêm một phần ao. Công văn trả lời của UBND phường Lê Lợi ghi rõ “thời điểm tăng là sau thời điểm đo đạc bản đồ năm 1993”.

“Phường cũng đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của người dân. Có hai luồng ý kiến khác nhau. Một luồng thì khẳng định phần diện tích tăng thêm của ông Hoàn là lấp năm 1991. Một luồng ý kiến khác thì khẳng định diện tích tăng thêm này lấp sau thời điểm Luật đất đai 1993 có hiệu lực. Tuy nhiên đây chỉ là tư liệu mang tính chất tham khảo, chúng tôi căn cứ vào các tài liệu, hồ sơ địa chính, bản đồ đo đạc qua các thời kỳ để xác định thời điểm cũng như diện tích tăng thêm đối với thửa đất của ông Hoàn.

Trên cơ sở các tài liệu đã có thì ông Hoàn phải nộp tiền cho số diện tích tăng thêm mới làm bìa được. Còn nếu không Hoàn cung cấp được bằng chứng cụ thể để khẳng định việc lấp ao hoàn thành trước khi Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực thì chúng tôi sẽ giải quyết nhưng đến nay ông Hoàn cũng chưa cung cấp được bằng chứng”, ông Trần Việt Hoàng cho biết.

Xác nhận của người dân xung quanh về việc ông Hoàn cơi nới ao sau nhà trước thời điểm Luật Đất đai 1993 có hiệu lực.
Xác nhận của người dân xung quanh về việc ông Hoàn cơi nới ao sau nhà trước thời điểm Luật Đất đai 1993 có hiệu lực.

Đối với giấy giải trình được lập vào năm 2003 mà ông Hoàn cho rằng đã bị giả mạo chữ ký, ông Trần Việt Hoàng cho rằng thời điểm đó ông chưa về đây làm việc nên không nắm rõ. Riêng về việc ông Hoàn không ký vào biên bản đo đạc đất trong át lát năm 1993, cán bộ địa chính cho biết thời điểm đó ông Hoàn không có mặt tại địa phương. “Nếu ông Hoàn có mặt và nói đo không đủ nên không ký thì khác, đằng này ông Hoàn không có mặt tại địa phương. Bản đồ 1993 là Nhà nước đo để có cơ sở quản lý, có giá trị pháp lý, căn cứ vào đó để lập hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ. Sự việc đã rõ ràng rồi”, ông Trần Việt Hoàng cho hay.

Theo giấy chứng nhận được UBND phường Lê Lợi lập năm 1989, hồ sơ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Hoàn đã được chuyển lên thành phố. Tại thời điểm đó chưa có các vấn đề phát sinh nhưng không hiểu sao hồ sơ của ông Hoàn lại không được giải quyết?. Tại sao lại có giấy giải trình về nguồn gốc diện tích đất tăng thêm trong hồ sơ làm thủ tục xin cấp bìa của ông Hoàn trong khi chính ông không biết?. Những câu hỏi này vẫn lơ lửng chưa có lời đáp.

Vĩnh Khang