Bài 3:

Trắng đêm “đánh” tôm giống “lậu”: Nhiều bất cập cần tháo gỡ!

(Dân trí) - Dù bị “đánh” nhiều trận, nhưng một số xe tải từ miền Trung vẫn “ngang nhiên” đưa tôm giống đổ về các tỉnh ĐBSCL, trong đó nhiều nhất ở tỉnh Bạc Liêu, bởi lợi nhuận của một chuyến hàng là không nhỏ. Trong khi đó, việc xử lý chất lượng tôm giống hiện vẫn còn nhiều bất cập cần các cơ quan chức năng và địa phương cùng vào cuộc tháo gỡ.

"Đánh" tôm giống "lậu" ở Bạc Liêu.

Theo Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu Hà Văn Buôl, tính từ ngày 8/11 đến ngày 8/12/2016, đoàn thanh tra của Sở đã có 22 cuộc ra quân kiểm tra tôm giống. Qua thống kê, đoàn đã bắt 68 xe tải chở trên 50 triệu con tôm giống (chủ yếu là sú và thẻ chân trắng) không có giấy tờ vận chuyển, giấy tờ kiểm dịch,… qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Hầu hết số tôm giống “lậu” này đều đến từ các tỉnh miền Trung, chủ yếu là Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận,...

Sau khi phát hiện các xe không có giấy tờ theo quy định, ngoài bắt buộc kiểm dịch lại số tôm giống, ngành thanh tra xử phạt trung bình mỗi xe từ 3-4 triệu đồng. Song, số tiền xử phạt này so với lợi nhuận của một chuyến hàng thì như “muối bỏ biển”, và đây là một trong những bất cập hiện nay vì chế tài không đủ để răn đe, "dằn mặt" chủ hàng và các đối tượng vận chuyển.

Qua “đánh” các chuyến hàng tôm giống cho thấy, một xe tải có thể chở trên 1,5 triệu, thậm chí đến 2 triệu con tôm giống. Tính trung bình mỗi con tôm giống là 40 đồng, thì số tiền một chuyến hàng lên đến gần cả trăm triệu đồng. Trong khi đó, giá tôm giống ở Bạc Liêu đến 100 đồng/con, và người dân lại có xu hướng “ham rẻ” nên các xe tải từ miền Trung cứ ồ ạt đưa tôm giống về để cung hàng. Do lợi nhuận quá cao, nên có nhiều xe tải bị đoàn thanh tra bắt, xử lý nhiều lần, nhưng các đối tượng này vẫn “liều” đi hàng.

Do lợi nhuận cao nên các xe tải chở tôm giống từ miền Trung ồ ạt đổ về các tỉnh miền Tây, trong đó chủ yếu là Bạc Liêu để cung hàng.
Do lợi nhuận cao nên các xe tải chở tôm giống từ miền Trung ồ ạt đổ về các tỉnh miền Tây, trong đó chủ yếu là Bạc Liêu để cung hàng.

Trao đổi với PV Dân trí, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu Hà Văn Buôl cho biết, một tồn tại là việc kiểm dịch chất lượng tôm giống còn gặp không ít khó khăn. Hiện nay, Trạm kiểm dịch ở tỉnh Bạc Liêu chỉ kiểm tra bằng kính hiển vi nên mới phát hiện được kích cỡ, nấm phát sáng trên tôm; còn các bệnh do vi-rút như đốm trắng, đầu vàng, bệnh còi,... thì không thể phát hiện bằng phương pháp này.

“Khi tiến hành kiểm tra các xe tải chở tôm giống, nếu không có giấy kiểm dịch, chỉ buộc kiểm dịch lại, chứ không xét nghiệm được vì mất rất nhiều thời gian, cũng như điều kiện không đủ về trang thiết bị. Còn quy định thì mình không thể giữ số tôm giống đó lâu được, nếu không biết chắc tôm có bệnh hay không. Bởi, lỡ như giữ lại mà xảy ra tình trạng tôm chết thì càng gây khó khăn thêm, vì ai sẽ chịu trách nhiệm, rồi lấy đâu kinh phí bồi thường,...”, ông Buôl nói cái khó.

Theo ông Hà Văn Buôl, muốn biết tôm giống có bệnh gì thì cần phải xét nghiệm bằng máy PCR. Nếu xét nghiệm tôm giống sạch bệnh thì cho đi, còn phát hiện có bệnh thì tiêu hủy theo quy định. Tuy nhiên, khi sử dụng máy xét nghiệm lại phải giải quyết rất nhiều “bài toán” khác. “Cần phải trang bị máy xét nghiệm PRC. Cần đến 8 tiếng đồng hồ để xét nghiệm tôm có bệnh hay không. Bên cạnh đó, cần phải có chỗ để vèo tôm giống, rồi thêm cán bộ kỹ thuật chăm sóc trong từng ấy thời gian,… nên đây là một bất cập cần tháo gỡ để làm sao cho chất lượng tôm giống an toàn”, ông Buôl nêu ý kiến.

Do thiếu trang thiết bị nên việc kiểm dịch tôm giống hiện nay ở Bạc Liêu chỉ bằng kính hiển vi nên không thể phát hiện các loại bệnh do vi rút. Đây là một bất cập cần tháo gỡ từ cơ quan có thẩm quyền.
Do thiếu trang thiết bị nên việc kiểm dịch tôm giống hiện nay ở Bạc Liêu chỉ bằng kính hiển vi nên không thể phát hiện các loại bệnh do vi rút. Đây là một bất cập cần tháo gỡ từ cơ quan có thẩm quyền.

Với số lượng tôm giống “lậu” không nhỏ bị thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu bắt giữ, thì chất lượng số tôm giống từ các tỉnh miền Trung đổ vào các tỉnh ĐBSCL nói chung, Bạc Liêu nói riêng có thể nói là... rất khó kiểm soát. Một đoàn thanh tra rất “mỏng” để xử lý tôm giống “lậu” của tỉnh Bạc Liêu, dù làm hết sức mình cũng không thể "bao trọn" và "làm sạch". Trong khi đó, con người, phương tiện, trang thiết bị kiểm dịch,… của đoàn thanh tra còn không ít khó khăn, trong khi việc vận chuyển tôm giống “lậu” của nhiều đối tượng lại rất tinh vi, chuyên nghiệp, sẵn sàng tìm mọi cách đối phó với thanh tra.

Tôm giống tại các chợ mua bán được chở đi tiêu thụ trong dân.
Tôm giống tại các chợ mua bán được chở đi tiêu thụ trong dân.
Chất lượng tôm giống rất khó kiểm soát nếu không có sự đầu tư của các Bộ, ngành chức năng và chung tay vào cuộc của các địa phương.
Chất lượng tôm giống rất khó kiểm soát nếu không có sự đầu tư của các Bộ, ngành chức năng và chung tay vào cuộc của các địa phương.

Vấn đề cần đặt ra trong công tác “đánh” tôm giống “lậu” là các Bộ, ngành chức năng và địa phương phải cùng nhau chung tay vào cuộc xử lý. Trong đó, cốt lõi là “đánh nghiêm” từ nơi xuất xứ tôm giống như kiểm dịch chặt chẽ, các thủ tục giấy tờ vận chuyển đầy đủ,… thì mới phần nào giải quyết tốt tình trạng tôm giống kém chất lượng, góp phẩn ổn định vào việc sản xuất, nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng.

Huỳnh Hải