TP.HCM: Hủy ngang hợp đồng vẫn kiện đối tác ra toà!

(Dân trí) - Trong thời gian góp vốn và đầu tư thực hiện dự án, Công ty Cổ phần Đức Mạnh không tuân thủ đúng cam kết về nghĩa vụ thanh toán, tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng…tuy nhiên, đơn vị này vẫn kiện đối tác ra tòa đòi hoàn trả, bồi thường tổng cộng 174 tỷ đồng.

Thỏa thuận hợp tác bị phá vỡ

Hợp đồng hợph tác đầu tư giữ Công ty CP đầu tư và kinh doanh nhà Tân Việt An và Công ty Cổ phần Đức Mạnh.
Hợp đồng hợph tác đầu tư giữ Công ty CP đầu tư và kinh doanh nhà Tân Việt An và Công ty Cổ phần Đức Mạnh.

Theo hồ sơ, năm 2010 Công ty CP đầu tư và kinh doanh nhà Tân Việt An (Công ty Tân Việt An) và Công ty Cổ phần Đức Mạnh (Công ty Đức Mạnh) đã ký Hợp đồng hợp tác đầu tư cùng góp vốn xây dựng hai lô chung cư C1 và C2 trên diện tích 4.924m2 đất thuộc Dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên tại phường Bình An (quận 2). Trong đó Công ty Tân Việt An góp 20%, Công ty Đức Mạnh góp 80% và các bên sẽ được sở hữu cổ phần theo tỷ lệ vốn góp.

Thỏa thuận này được thực hiện trên cơ sở “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” giữa Công ty Tân Việt An và Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Trường Thịnh (Công ty Trường Thịnh). Dự án này Công ty Trường Thịnh được Thủ tướng Chính phủ giao đất năm 1998 .

Theo đơn của Công ty Tân Việt An, quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác, Công ty Đức Mạnh liên tiếp vi phạm nghĩa vụ thanh toán (vi phạm tiến độ thanh toán của lần 1, 2 và không thanh toán số tiền 20 tỷ đồng còn lại của kỳ thanh toán lần 3), mặc dù Công ty Đức Mạnh đã nhiều lần cam kết thời hạn thanh toán nhưng đến nay không thực hiện. Công ty Đức Mạnh đã không trung thực trong các giao dịch với Công ty Tân Việt An, khi cam kết không cầm cố quyền phát sinh từ dự án (lô C1, C2) nhưng thực tế đã dùng quyền tài sản này thế chấp để vay vốn Ngân hàng nhưng không đưa số tiền này vào thực hiện dự án mà sử dụng vào mục đích cá nhân.

Do vậy, ngày 26/9/2012, các bên (Công ty Tân Việt An, Công ty Đức Mạnh và Công ty Trường Thịnh) đã thống nhất chuyển nhượng dự án trên cho một đói tác khác là Công ty TNHH Masters Việt Nam và đã tiến hành ký hợp đồng nguyên tắc. Tuy nhiên, Công ty Đức Mạnh đã tự ý hủy ngang hợp đồng và khởi kiện Công ty Tân Việt An tại Tòa với yêu cầu: buộc Công ty Tân Việt An trả lại cho Công ty Đức Mạnh số tiền 115 tỷ đồng và phạt bồi thường gấp đôi tổng cộng là 230 tỷ đồng. Sau đó, ngày 28/7/2017 Công ty Đức Mạnh có đơn bổ sung đề nghị Tòa án buộc Công ty Tân Việt An trả số tiền 115 tỷ đồng và lãi suất 9%/năm trên số này.

Công ty Tân Việt An đã có đơn yêu cầu phản tố thể hiện nội dung: “Công ty Đức Mạnh đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán và đơn phương chấm dứt hợp đồng nên căn theo hợp đồng đã ký thì Công ty Tân Việt An được sở hữu số tiền 115 tỷ đồng đã nhận của Công ty Đức Mạnh. Tuy nhiên tại Tòa, Công ty Tân Việt An đề nghị HĐXX tiến hành định giá đất theo giá hiện tại, xác định tỷ lệ vốn góp thực tế của các bên, trên cơ sở đó Công ty Tân Việt An sẽ hoàn lại cho Đức Mạnh 69,5% phần vốn đã góp vào dự án hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi để chia cho các bên theo tỷ lệ”.

Nhận định một đằng, tuyên một nẻo?

Bản án sơ thẩm của TAND quận 2.
Bản án sơ thẩm của TAND quận 2.

Ngày 18/9/2017, TAND quận 2 xét xử vụ án kinh doanh thương mại giữa Công ty Đức Mạnh và Tân Việt An, tại Bản án số 14/2017/KDTM-ST, HĐXX nhận định: “...Công ty Đức Mạnh cho rằng Tân Việt An đã vi phạm Hợp đồng khi không thực hiện được bất kỳ cam kết nào trong hợp đồng và yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy Công ty Đức Mạnh cũng liên tiếp vi phạm các tiến độ thanh toán. Điều này được chính Công ty Đức Mạnh xác nhận tại phiên tòa, việc chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán của phía Công ty Đức Mạnh làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ của Công ty Tân Việt An trong việc thương lượng bồi thường giải tỏa”.

Phần nhận định của HĐXX tại bản án sơ thẩm cũng nêu rõ: “Bên cạnh đó việc chưa hoàn tất công tác giải tỏa có một phần do yếu tố khách quan do việc tranh chấp kéo dài chưa được Tòa án giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật giữa người sử dụng đất và Công ty Tân Việt An. Yếu tố khách quan này được thể hiện tại thông báo số 111/TB-VP ngày 21/4/2011 của Văn phòng UBND quận 2. Mặt khác, Công ty Đức Mạnh dù đã cam kết không thế chấp quyền phát sinh từ dự án với Công ty Tân Việt An nhưng thực tế đã sử dụng quyền đối với hai lô C1 và C2 thế chấp bảo đảm khoản vay tại ngân hàng. Dù khoản vay đã được MB Đã Nẵng xác nhận đã giải chấp quyền sử dụng hai lô C1 và C2 bằng một tài sản khác nhưng điều này cũng thể hiện Công ty Đức Mạnh không trung thực trong giao dịch với Công ty Tân Việt An, đồng thời đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án này”.

Tuy nhiên, tại phần quyết định HĐXX lại tuyên án: “Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn Công ty Đức Mạnh, buộc Công ty Tân Việt An phải thanh toán cho Công ty Đức Mạnh số tiền hơn 177 tỷ đồng. Thực hiện một lần ngay khi Bản án có hiệu lực pháp luật. TAND quận 2 cũng đã Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 20/2017/QĐ-BPKCTT ngày 18/9/2017 “Cấm Công ty Tân Việt An chuyển dịch quyền tài sản đang tranh chấp là hai lô chung cư C1, C2”.

Sau khi bản án được tuyên, đại diện Công ty Tân Việt An cho rằng, bản án sơ thẩm của TAND quận 2 không khách quan, áp dụng sai luật. Viện KSND Tối cao cũng có văn bản gửi Chánh án TAND TP.HCM để xem xét lại vụ án này.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Trung Kiên