TP Hồ Chí Minh: Chấp hành viên “làm ngơ” với chỉ đạo của cấp trên

(Dân trí) - Kể từ ngày Tòa án nhân dân ra phán quyết cuối cùng (ngày 11/4/2002) đến nay đã gần 10 năm Công ty Nam Hà vẫn miệt mài “gõ cửa” các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện bản án đã có hiệu lực.

Và không ít các cơ quan chức năng đã lên tiếng yêu cầu Cục Thi hành án (THA) TPHCM thực hiện đúng pháp luật, thế nhưng mọi việc cũng mới dừng lại trên... giấy. Cuối cùng, người hứng chịu thiệt thòi vẫn cứ là Công ty Nam Hà.

Không đồng ý với số tiền được nhận chỉ là 8.582.273.000 đồng (91,75% nợ vốn) theo danh sách chi bồi thường cho các chủ nợ của Cty TNHH TM & DV Mai Anh, Công ty Nam Hà đã làm đơn khiếu nại và nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc.

Tòa án giải thích rõ ràng

Ngày 16/10/2006, Tòa án nhân dân TPHCM đã ban hành công văn số 246/CV-TA để giải thích về bản án số 83/DSST ghi rõ:

“…Kể từ ngày 25/12/2001 (ngày TA có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 742/KCTT-DS) tất cả các tài sản và quyền tài sản của Công ty TNHH TM-DV Mai Anh được nêu trong quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 742/KCTT-DS là các tài sản và quyền tài sản để đảm bảo THA bản án sơ thẩm số 83/DSST.

... Khi Công ty TNHH Mai Anh không tự nguyện thi hành bản án dân sự sơ thẩm số 83/DSST, thì các tài sản, quyền về tài sản trên sẽ được xử lý để thi hành toàn bộ Bản án sơ thẩm số 83/DSST.

… Mọi trường hợp hiểu khác với giải thích trên đây đều là không đúng với bản án”.
TP Hồ Chí Minh: Chấp hành viên “làm ngơ” với chỉ đạo của cấp trên
Công văn số 320 của TAND TP HCM đã giải thích rõ ràng vụ án
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Tiếp theo, ngày 14/4/2009, tại Công văn số 320/TATP-THC, một lần nữa Tòa án nhân dân TPHCM khẳng định lại nội dung trên đây cho chính Cơ quan THA dân sự TPHCM:

“Toàn bộ số vốn góp (của Công ty Mai Anh vào liên doanh Navarre Việt Nam - PV) sẽ được dùng để thi hành bản án dân sự sơ thẩm số 83/DSST ngày 16/01/2002 của TAND thành phố Hồ Chí Minh”.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp nhiều lần chỉ đạo

Ngày 06/01/2003, VKSND Tối cao đã ra văn bản số 21/VKSTC-KSTHA đề nghị Cưỡng chế để bảo đảm thi hành bản án 63/DS- PT, trong đó nêu rõ: “Nếu công ty Mai Anh không chấp hành sẽ bị cưỡng chế kê biên phần vốn góp là tài sản đang liên doanh với Công ty TNHH LD Navarre Việt Nam “

 Ngày 28/10/2008, VKSND TP HCM ban hành văn bản số 1083/VKS-P10 kiến nghị Lãnh đạo THA Dân sự TPHCM tổ chức thi hành bản án 63/DSPT ngày 11/4/2002 với yêu cầu rất rõ ràng: “Chỉ đạo chấp hành viên tiến hành chi trả ngay số tiền được THA cho công ty CP SXKD XNK Nam Hà theo đúng quy định của pháp luật”.  

Ngày 8/9/2009 tại công văn số 758/VKS-P10 VKSND thành phố HCM tiếp tục đề nghị Thi hành án dân sự thành phố HCM “thực hiện ngay việc chi trả tiền được thi hành án cho Công ty CP SXKD XNK Nam Hà theo nội dung bản án đã tuyên để tránh việc khiếu nại kéo dài, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của bên được THA”.

Cục thi hành án dân chấp nhận nội dung khiếu nại

Trả lời khiếu nại của Công ty Nam Hà, ngày 28/9/2009, Trưởng cơ quan THADS TP HCM ra Quyết định số 2095/QD-THA khẳng định:

“Chấp nhận nội dung khiếu nại của Cty CP sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Nam Hà về việc Thi hành án dân sự thành phố HCM chậm thi hành khoản buộc Cty Mai Anh phải trả cho Cty Nam Hà số tiền 9.637.052.628 đồng (gồm nợ gốc 9.352.956.628 đồng và lãi chậm thanh toán đến ngày 15/01/2002 là 284.096.000 đồng) và tiền lãi phát sinh trên số nợ gốc chậm thanh toán từ ngày 16/01/2002 đến ngày thi hành xong”.

Cơ quan liên ngành Tư pháp cấp cao yêu cầu giải quyết

Ngày 16/12/2009, tại trụ sở Bộ Tư Pháp, Tổng cục THADS đã tổ chức cuộc họp liên ngành với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan: Viện KSND tối cao, VKSND TPHCM, Toà án nhân dân TPHCM, Cục THADS TP HCM để thống nhất phương án giải quyết dứt điểm các khiếu nại liên quan đến việc THA bản án số 63/DSPT và đã đưa ra các kết luận:

“Về việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán của những người được thi hành án theo quy định. Liên nghành thấy rằng bản án dân sự phúc thẩm số 63/DSPT ngày 11/5/2002 của TANDTC đã tuyên kê biên phần vốn góp của Cty TNHH TM& DV Mai Anh trong liên doanh Navaree Việt Nam để đảm bảo thi hành nghĩa vụ cho Cty Nam Hà. Do đó, trong trường hợp này, căn cứ vào pháp luật về THADS thì Công ty cổ phần kinh doanh XNK Nam Hà là đơn vị được ưu tiên thanh toán sau khi thu được tiền từ xử lý‎ tài sản của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Mai Anh…

Qua báo cáo của Cục THADS TPHCM cho thấy việc đã chi trả tiền cho một số người được THA do chấp hành viên tiến hành chưa phù hợp với các quy định của pháp luật về thứ tự ưu tiên thanh toán…”
TP Hồ Chí Minh: Chấp hành viên “làm ngơ” với chỉ đạo của cấp trên
Kết luận cuộc họp liên ngành do Tổng Cục Thi hành án tổ chức
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Tất cả văn bản trên đều khẳng định: Công ty Nam Hà là đối tượng được ưu tiên thanh toán toàn bộ vốn và lãi phát sinh trong việc bán tài sản ( 66,67% cổ phần) của Công ty Mai Anh trong Công ty liên doanh Navaree Việt Nam.

Lẽ ra, nếu thực hiện đúng yêu cầu của các Cơ quan chức năng, Công ty Nam Hà đã được nhận lại đủ số nợ gốc và lãi của mình theo bản án số 63/DSPT. Thế nhưng, không những “phớt lờ” đòi hỏi chính đáng của doanh nghiệp, chấp hành viên của Cơ quan THA còn “ngoảnh mặt làm ngơ” với ngay cả chỉ đạo của cấp trên.

Tại sao lại có thể tồn tại những điều phi lý trong vụ án này, công luận hiện đang trông đợi các Cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để làm rõ trắng đen, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Vũ Văn Tiến