Sóc Trăng:

Tòa 2 cấp tuyên bản án khiến dân khẩn thiết xin kháng nghị giám đốc thẩm!

(Dân trí) - Năm 1996, bà Phiến chỉ cầm cố đất cho ông Đực trị giá hơn 12 chỉ vàng. Đến năm 2008, bà Phiến xin chuộc lại đất thì phía ông Đực bất ngờ cho rằng bà đã bán đứt diện tích đất này với giá 25,5 chỉ vàng. Bà Phiến khởi kiện ông Đực ra tòa, nhưng tòa 2 cấp được cho là tuyên bản án gây thiệt thòi cho bà Phiến.

Theo trình bày của bà Trần Thị Phiến (58 tuổi, ngụ tại ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng): Gia đình bà có phần đất diện tích 14.003m2 tọa lạc tại ấp Thạnh Nhãn 1, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, được nhà nước cấp GCNQSDĐ ngày 21/6/1993. Ngày 6/3/1996, bà và chồng là ông Huỳnh Văn Hoàng (57 tuổi) có thực hiện việc cầm cố diện tích đất này cho ông Trịnh Văn Đực và bà Huỳnh Thị Chiều với giá 12,5 chỉ vàng 24K, thời gian cố đất được thỏa thuận là 3 năm.

Sau khi thực hiện cố đất, vợ chồng bà Phiến nhận đủ số vàng từ ông Đực là 12,5 chỉ vàng, đồng thời giao diện tích đất nói trên cho vợ chồng ông Đực sử dụng canh tác. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên hết thời hạn 3 năm, vợ chồng bà Phiến tiếp tục thỏa thuận với vợ chồng ông Đực là khi nào có vàng thì chuộc lại đất.

Đến năm 2008, vợ chồng bà Phiến xin chuộc lại đất thì phía vợ chồng ông Đực không cho chuộc với lý do vợ chồng bà Phiến đã bán đứt diện tích đất nói trên cho vợ chồng ông Đực. Sau đó, vợ chồng bà Phiến khởi kiện phía ông Đực ra tòa.

Tòa 2 cấp tuyên bản án khiến dân khẩn thiết xin kháng nghị giám đốc thẩm! - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Phiến bức xúc khi tòa 2 cấp tuyên bản án khiến bà mất cả chì lẫn chài.

Ngày 14/11/2013, TAND huyện Trần Đề đưa vụ kiện ra xét xử. Tại tòa, phía bà Phiến vẫn giữ nguyên trình bày của mình là cầm cố đất cho ông Đực với giá 12,5 chỉ vàng 24K; còn phía ông Đực cho rằng, sau 15 ngày kể từ ngày 6/3/1996, vợ chồng bà Phiến đã bán đứt diện tích đất cho ông với giá 25,5 chỉ vàng 24K và có làm giấy vào ngày 10/8/1996.

Tuy nhiên, theo nhận định của tòa án, ông Đực cho rằng bà Phiến chuyển nhượng đất cho mình, nhưng không có chứng cứ chứng minh; ông Đực có cung cấp cho tòa tờ giấy sang nhượng đất, nhưng phía bà Phiến không thừa nhận; giám định chữ ký cũng không xác định được chữ ký của vợ chồng bà Phiến; ông Đực cũng không chứng minh được việc mình đã giao 25,5 chỉ vàng cho bà Phiến.

Ngoài ra, các nhân chứng như ông Trịnh Văn Nhi (em ruột ông Đực) khai với tòa là chính ông Nhi là người viết dùm tờ cầm cố đất cho bà Phiến ngày 6/3/1996, nên tòa cho rằng bà Phiến cố đất chứ không phải chuyển nhượng đất cho ông Đực.

Các nhân chứng Trịnh Văn Tèo (cháu ông Đực) thừa nhận mình có viết tờ sang đất dùm cho ông Đực, có sự chứng kiến của ông Huỳnh Văn Hai (cha ruột ông Hoàng, đã mất) nhưng không chứng kiến việc giao nhận vàng. Ông Phạm Văn Tài (Phó Ban nhân dân ấp) thừa nhận mình có ký xác nhận vào tờ sang nhượng nhưng không biết giao bao nhiêu vàng. Ông Trịnh Văn Chì (cháu ông Đực) khai năm 1996 đến nhà ông Đực và thấy bà Phiến làm giấy sang đất cho ông Đực, nhưng không chứng kiến việc giao vàng. Ông Nguyễn Văn Chiến khai năm 1996 nghe nói ông Hoàng sang đất cho ông Đực, nhưng không chứng kiến việc giao nhận vàng.

Trên cơ sở đó, tòa khẳng định hợp đồng cầm cố giữa nguyên đơn và bị đơn là vi phạm pháp luật theo điều 73 Luật Đất đai năm 1993; Điều 329, điều 137 Bộ luật Dân sự năm 1995 thì hợp đồng cầm cố đất giữa nguyên đơn và bị đơn là vô hiệu. Từ đó, TAND huyện Trần Đề tuyên xử: Hợp đồng cầm cố đất giữa nguyên đơn và bị đơn là vô hiệu; buộc ông Đực giao trả lại diện tích đất cầm cố cho bà Phiến; bà Phiến có trách nhiệm trả lại cho ông Đực 12,5 chỉ vàng 24K.

Không đồng ý với bản án của tòa sơ thẩm, ông Đực kháng cáo lên TAND tỉnh Sóc Trăng. Ngày 5/5/2014, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử và tuyên hủy bản án sơ thẩm ngày 14/11/2013, chuyển hồ sơ về TAND huyện Trần Đề để giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung, với lý do “tòa cấp sơ thẩm đã có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng vì việc thu thập chứng cứ chưa được thực hiện đầy đủ”.

Ngày 10/11/2015, TAND huyện Trần Đề đưa vụ việc ra xét xử sơ thẩm lần 2. Theo nhận định của HĐXX, giữa vợ chồng bà Phiến và vợ chồng ông Đực có xác lập giao dịch chuyển nhượng đất (không thể hiện nội dung giao số vàng 25,5 chỉ-PV), nhưng việc chuyển nhượng này trái với quy định của pháp luật tại thời điểm chuyển nhượng. Từ đó, HĐXX tuyên buộc ông Đực giao trả cho bà Phiến 14.003m2 đất; buộc bà Phiến hoàn trả cho ông Đực 25,5 chỉ vàng 24K và bồi thường thiệt hại số tiền hơn 289,9 triệu đồng.

Sau đó, vợ chồng bà Phiến kháng cáo lên TAND tỉnh Sóc Trăng. Ngày 26/4/2016, TAND tỉnh Sóc Trăng đưa vụ kiện ra xét xử và tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm ngày 10/11/2015 của TAND huyện Trần Đề.

Hiện tại, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trần Đề đã tổ chức thi hành bản án đã có hiệu lực, buộc ông Đực giao trả đất cho bà Phiến; đồng thời, kê biên diện tích đất nói trên để thực hiện nghĩa vụ của bà Phiến đối với ông Đực.

Bà Trần Thị Phiến bức xúc: “Vợ chồng tôi cố đất cho ông Đực có làm giấy tờ, có giá tiền cố đất là 12,5 chỉ vàng rõ ràng. Còn phía ông Đực lại nói chúng tôi bán đất cho họ với giá 25,5 chỉ vàng 24K, nhưng họ không cung cấp được giấy tờ chứng minh chúng tôi nhận của họ 25,5 chỉ vàng. Các nhân chứng cũng khai nhận với tòa họ không chứng kiến việc giao vàng giữa 2 bên. Hơn nữa, khi thực hiện cố đất, chúng tôi nhận 12,5 chỉ vàng, vợ chồng ông Đực sử dụng đất của chúng tôi từ đó đến khi tòa tuyên án. Vậy mà tòa án 2 cấp lại tuyên chúng tôi phải trả cho ông Đực 25,5 chỉ vàng và bồi thường thiệt hại gần 300 triệu đồng nữa là quá thiệt thòi cho chúng tôi”.

Bà Phiến cho rằng, nếu gia đình bà nhận vàng mà không giao đất cho phía ông Đực sử dụng thì mới gọi là làm thiệt hại cho ông Đực, phải bồi thường là thỏa đáng. “Đằng này, đất chúng tôi giao cho ông Đực sử dụng từ tháng 3/1996 đến nay là 21 năm, thì tại sao lại bắt chúng tôi phải bồi thường thiệt hại. Số vàng chúng tôi nhận cố đất chỉ có 12,5 chỉ chứ không có giấy tờ nào chứng minh 25,5 chỉ cả, đó chỉ là lời khai của phía ông Đực. Vậy mà tòa lại dựa vào đó để xử ép chúng tôi. Bản án của tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên khiến gia đình tôi mất cả chì lẫn chài”, bà Phiến uất nghẹn.

Hiện, gia đình bà Trần Thị Phiến đã làm đơn xin giám đốc thẩm và được TAND cấp cao và Viện KSND cấp cao tại TPHCM thông báo nhận hồ sơ vụ án.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc.

Bạch Dương