Bạn đọc viết:

Tính hai mặt của truyền thông

(Dân trí) - Không ít bạn trẻ lướt web nhằm mục đích xem ảnh chứ không cần đọc thông tin, và gần như chẳng mảy may quan tâm tới chữ dưới kia viết gì, răn dạy gì... chỉ in hình ảnh ấy vào bộ não và sẽ học đòi thần tượng.

Thời gian gần đây, cộng đồng cư dân mạng thường xuyên phải hứng chịu quá tải những hình ảnh “mát mẻ” của giới người mẫu, diễn viên, ca sĩ… Các trang mạng thường xuyên đăng tải hình ảnh những đối tượng kể trên khoe ngực, hở đùi trông rất phản cảm.

Mỗi người một quan niệm, có một lý do riêng để biện minh việc mình làm. Chẳng hạn chuyện cô người mẫu N.Q khỏa thân giữa rừng núi với lý giải rằng làm vậy nhằm bảo vệ môi trường. Có lẽ cô này cho rằng, khi thấy hết sạch những đường nét, điểm nhấn trên cơ thể mình, bầy khỉ sẽ không còn hăng hái hái quả, phá rừng nữa…

 

Gần đây, một trang báo mạng đăng tải hình ảnh cô người đẹp H.G trong show diễn “Không gian văn hóa Việt” ngày 20/5 đã mặc áo không có cúc, trong lại không hề có áo ngực để lồ lộ hơn nửa phần ngực. Có một nghịch cảnh, việc cô này khoe ngực trong sâu diễn “Không gian văn hóa Việt”, không hiểu sao lại có thể lố lăng đến mức như thế.

 

Phải chăng cô này cùng ban tổ chức cho diễn với trang phục này nhằm khuyến khích giới trẻ bây giờ trở về với văn hóa Việt cổ xưa bằng việc mặc áo không cúc và không có áo ngực?

 
Tính hai mặt của truyền thông - 1

Có lẽ kể cả với những người yêu thời trang khi chiễm ngưỡng  mẫu trang phục này cũng đặt rất nhiều dấu hỏi
 

Văn hóa ở một mặt nào đó là quá trình phát triển đi lên của loài người, nhỏ hơn là từng dân tộc, trải qua quá trình phát triển, tích lũy để tạo nên lớp trầm tích ngày càng dày, thế hệ sau kế cận, phát huy lên tầm cao mới trong thời đại mới. Vậy điều này có phù hợp với việc quay về… không mặc áo như các cụ tổ xưa trong thời hiện đại ngày nay?

 

Tôi không rành rẽ quy chế, chế tài biểu diễn hay quy định trang phục của Bộ Thông tin- Truyền thông, Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch hiện nay ra sao. Nhưng thiết nghĩ, với nền văn hóa nông nghiệp Phương Đông đậm màu sắc Phật giáo, Nho giáo của Việt Nam đã tích lũy và trường tồn từ ngàn xưa đến nay, ăn sâu vào trong từng dòng máu, thớ thịt của mỗi người con đất Việt, thì liệu có ai chấp nhận được sự hớ hênh cố ý này của các đối tượng kể trên.

 

Trong những tác phẩm thơ trào phúng của bà Hồ Xuân Hương ngày trước đề cập rất nhiều đến tính dục, đòi giải phóng phụ nữ. Song xét cho cùng đó chỉ là tiếng nói phản kháng đòi bình quyền nam nữ trong sự hà khắc của chế độ phong kiến. Dẫu sao họ cũng chỉ vô tình như “Thiếu nữ ngủ ngày” chứ không lộ liễu đến mức những ca sĩ thừa sức thông minh như cô P.V lại… quên mặc áo ngực để đi dự tiệc?

 

Ngày trước, có một nhà phê bình văn học đã nhận xét đại ý rằng, nền văn hóa phương Đông đã quấn lên người phụ nữ hàng tạ áo vải lễ giáo. Đành rằng chúng ta không nên cổ xúy cho lễ giáo phong kiến đánh mất quyền phụ nữ, nhưng với nền văn hóa truyền thống Việt với những nét dịu dàng, e lệ, nết na và đúng mức, luôn đề cao công- dung- ngôn- hạnh (kể cả thời bây giờ) thì những việc làm như trên thì đúng là một sự phản văn hóa.

 

Tôi cũng muốn nói đến việc đăng tải các hình ảnh của các người mẫu, ca sĩ, diễn viên không mặc áo ngực, thậm chí khỏa thân của các trang báo mạng sẽ tác động rất nhiều đến giới trẻ mà nhiều nguời vẫn hay sử dụng như 8X, 9X…

 

Trước hết, bây giờ ra đường, việc bắt gặp một cô gái trẻ mặc quần cộc không thể ngắn hơn được nữa, hoặc những cái váy mỏng, cụt lủn không còn là hiếm… Đành rằng, phụ nữ thời nào thì nhu cầu làm đẹp luôn là ưu tiên số 1. Nhưng thiết nghĩ, việc làm đẹp ấy phù hợp với thẩm mỹ chung của xã hội, nằm trong quy chuẩn nhất định. Song những cô gái trẻ bây giờ gần như bỏ mặc điều này ngoài tai, và cho rằng, việc mặc như thế là đẹp, là mốt nhất.

 

Sau nữa, trong khi một số bài viết đăng kèm hình ảnh minh họa để lên án cách ăn mặc phản cảm kể cả trên sàn diễn cũng như trong đời thường của các ca sĩ, diễn viên, người mẫu… thì ngược lại, giới trẻ khi vào mạng (phổ biến hiện nay) chỉ chăm chú hình ảnh hơn là đọc chữ, và gần như chẳng mảy may quan tâm tới chữ lý nhí kia viết cái gì, chỉ in hình ảnh ấy vào bộ não và sẽ học đòi các “sao” mình hâm mộ. Tất nhiên, đây chỉ là những biểu hiện dễ thấy nhất về tính hai mặt của truyền thông.

 

Húy Thừa Sắc