Tín dụng đen cho vay lãi "cắt cổ" có thể bị phạt số tiền "khủng" như thế nào?

(Dân trí) - 32 đường dây “tín dụng đen” chuyên cho vay nặng lãi tại tỉnh Bình Phước mới đây đã bị lực lượng chức năng triệt phá, khởi tố 16 vụ với 25 bị can. Vậy, tội cho vay lãi nặng có những đặc điểm, dấu hiệu nhận biết như thế nào? Mức phạt đối với người phạm tội này ra sao?

Đại tá Dương Văn Mạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước mới đây đã cho biết, từ cuối năm 2018 đến nay, đơn vụ này đã triệt phá được 32 vụ với 48 đối tượng liên quan đến tín dụng đen. Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố 16 vụ với 25 bị can. Bên cạnh đó, đưa vào diện theo dõi, quản lý 9 nhóm với 54 đối tượng hoạt động cho vay theo băng nhóm, khoảng 80 cá nhân cho vay nhỏ lẻ, 75 cơ sở cầm đồ cho vay trá hình và một công ty có biểu hiện nghi vấn cho vay nặng lãi kèm theo các hoạt động đòi nợ thuê.

 Theo Đại tá Dương Văn, hoạt động tín dụng đen gần đây có diễn biến khá phức tạp, trá hình dưới nhiều hình thức. Với thủ tục cho vay nhanh gọn, đơn giản; người cho vay đến tận nhà người cần vay tiền tiếp thị và quyết định số tiền cho vay ngay lập tức. Khi đi tiếp thị và phát tờ rơi, nếu gặp người cần vay, nhóm sẵn sàng đáp ứng ngay tại gia đình họ.

Tùy hoàn cảnh của mỗi gia đình, nhóm sẽ quyết định cho vay bao nhiêu, lãi suất khoảng 20 - 30%/tháng.

Tín dụng đen cho vay lãi cắt cổ có thể bị phạt số tiền khủng như thế nào? - 1

Một đường dây "tín dụng đen" bị lực lượng chức năng triệt phá. Ảnh: Phan Lâm

Có thể nói, vay tiền là một giao dịch dân sự tương đối phổ biến trong xã hội. Trong giao dịch này, các bên có thể tính lãi suất tiền vay theo thời gian hoặc không tính. Trên thực tế, giao dịch vay tiền thường có lãi suất. Lãi suất vay khi vượt quá mức cho phép của pháp luật có thể dẫn đến thỏa thuận về lãi suất vô hiệu một phần hoặc có thể thuộc trường hợp phạm tội – tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Vậy, tội cho vay lãi nặng có những đặc điểm gì? Mức phạt đối với người phạm tội này ra sao? Và để giúp người dân nhận diện rõ thế nào là tín dụng đen và những dấu hiệu nhận biết tội cho vay lãi nặng, Luật gia Nguyễn Trọng Nghĩa (Công ty Luật TNHH LSX) phân tích:

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau :

 "Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."

Tín dụng đen cho vay lãi cắt cổ có thể bị phạt số tiền khủng như thế nào? - 2

Luật gia Nguyễn Trọng Nghĩa (Công ty Luật TNHH LSX).

Những dấu hiệu nhận biết của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự:

- Dấu hiệu chủ thể của tội phạm (người phạm tội): Người phạm tội là người từ đủ 16 tuổi trở lên vì tội này không thuộc các tội mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể từ đủ 14 tuổi trở lên được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015.

- Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan được quy định là hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Đó là hành vi cho vay với lãi suất trên 05 lần mức lãi suất cao nhất được quy định trong Bộ luật Dân sự. Hiện tại, mức lãi suất cao nhất được quy định trong Bộ luật Dân sự là 20%/năm/ tổng số tiền vay (Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015). Hành vi cho vay với lãi suất cao hơn 05 lần lãi suất cao nhất pháp luật cho phép bị coi là tội phạm nếu thỏa mãn một trong các dấu hiệu sau:

+ Thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Dấu hiệu lỗi của chủ thể: Người thực hiện hành vi phạm tội có lỗi cố ý khi thực hiện hành vi.

- Mức phạt đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự: Người phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến một tỷ hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ từ 03 năm, hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xin cảm ơn Luật gia!

Khả Vân (thực hiện)