Thủ tướng chỉ đạo 11 năm, Thành phố Hà Nội vẫn chưa giải quyết dứt điểm

(Dân trí) - Sau 11 năm mòn mỏi ngóng đợi, đến nay quyền lợi của gia đình ông Lưu Tiến Hùng trên mảnh đất số 46 phố Tiểu Công Nghệ, quận Hà Đông vẫn chưa được xem xét, dù vụ việc đã được Thủ tướng chỉ đạo giải quyết tại công văn số 4903/VPCP-VII ngày 5/9/2002.

Như thông tin báo Dân trí đã đưa, ngày 5/9/2002, Văn phòng Chính phủ có công văn số 4903/VPCP - VII gửi UBND tỉnh Hà Tây cũ, thông báo ý kiến chỉ đạo giải quyết của Thủ trướng Chính phủ Phan Văn Khải với nội dung: “Giao cho UBND tỉnh Hà Tây xem xét quy hoạch chi tiết khu vực này, nếu diện tích đất của ông Lợi đang sử dụng phù hợp với quy hoạch khu dân cư thì giải quyết hợp thức quyền sử dụng đất. Trường hợp thu hồi, thì gia đình ông Nguyễn Trung Lợi được bồi thường theo quy định của pháp luật…”.
 
Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo giải quyết của Thủ tướng Chính phủ
Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo giải quyết của Thủ tướng Chính phủ
 
11 năm sau khi Văn phòng Chính phủ ban hành công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến nội dung khiếu nại của ông Nguyễn Trung Lợi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội, đến nay vẫn chưa được giải quyết. Và cho đến nay, người đi khiếu nại là ông Nguyễn Trung Lợi đã về với thế giới bên kia.
 
Trong đơn gửi đến báo Dân trí, ông Lưu Tiến Hùng (con rể ông Nguyễn Trung Lợi) là người được gia đình ủy quyền làm việc tỏ ra rất bức xúc, bởi trong hơn 10 năm qua ông đã “gõ cửa” hàng trăm lượt các cơ quan của Trung ương và TP. Hà Nội.

Ngày 18/12/2006, UBND tỉnh Hà Tây trước đây ban hành văn bản số 5788/UBND-NN giao cho thị xã Hà Đông giải quyết và báo cáo. Sau khi sáp nhập, ngày 30/11/2009, UBND TP. Hà Nội tiếp tục ban hành công văn số 11472/UBND - BTCD giao cho quận Hà Đông xem xét, ra thông báo về kết quả thực hiện văn bản số 4903/VPCP của Văn phòng Chính phủ.

2 năm sau ngày TP. Hà Nội ban hành công văn số 11472/UBND - BTCD, quận Hà Đông vẫn cố ý “bỏ quên” trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho công dân, buộc gia đình ông Lợi phải gửi đơn khiếu nại lên UBND TP. Hà Nội phản ánh quận Hà Đông chậm giải quyết việc sử dụng đất của gia đình theo ý kiến chỉ đạo của TP. Hà Nội tại văn bản số 11472/UBND - BTCD ban hành ngày 30/11/2009.

Nhận được đơn khiếu nại của công dân, TP. Hà Nội đã ra thông báo số 12/GB-BTCD chỉ đạo rõ: Lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu quận Hà Đông giải quyết dứt điểm trước ngày 15/5/2012.
 
11 năm sau ngày Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo những quyền lợi của gia
11 năm sau ngày Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo những quyền lợi của gia
đình ông Nguyễn Trung Lợi ở phố Tiểu Công Nghệ vẫn chưa được giải quyết

Văn bản chỉ đạo của TP. Hà Nội nêu rất rõ, nhưng phải đến ngày 10/7/2012, UBND quận Hà Đông mới ban hành công văn số 1137/UBND - TNMT được ký bởi Phó Chủ tịch Nguyễn Trường Sơn. Điều bất ngờ là nội dung công văn của UBND quận Hà Đông ban hành liên quan đến vụ việc lại không theo ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ ban hành năm 2002.

Quận Hà Đông kết luận, không thể giải quyết đề nghị hợp thức quyền sử dụng đất đối với phần diện tích trước nhà rộng 47,5m2 vì diện tích này có nguồn gốc đất công, do gia đình ông Lợi tự ý lấn chiếm. Liên quan đến đề nghị bồi thường theo quy định nếu diện tích đất trên nằm trong diện quy hoạch, UBND quận Hà Đông cho rằng diện tích đất trên không đủ điều kiện được đền bù vì đây là phần diện tích đất lấn chiếm.

Bức xúc trước thái độ giải quyết thiếu trách nhiệm của quận Hà Đông, gia đình ông Lợi đã làm đơn khiếu nại văn bản số 1137/UBND - TNMT của quận Hà Đông. Đến ngày 30/8/2012, TP. Hà Nội có công văn số 6712/UBND - TNMT, giao cho Sở TNMT chủ trì, cùng quận Hà Đông tổ chức đối thoại với gia đình ông Lợi. Tại buổi làm việc ngày 13/9/2012, đại diện Sở TNMT hướng dẫn người được ủy quyền là ông Lưu Tiến Hùng hoàn chỉnh lại giấy ủy quyền, do giấy ủy quyền cũ đã hết hiệu lực khi cụ Lợi qua đời (tháng 12/2011) thì mới có đủ điều kiện đối thoại theo nội dung công văn 6712.

Theo hướng dẫn của Thanh tra Sở TNMT, ông Lưu Tiến Hùng đã tiến hành làm lại giấy ủy quyền khiếu nại. Tuy nhiên, UBND phường Yết Kiêu lại từ chối ký giấy với lý do các khiếu nại về đất đai phường không được ký ủy quyền khiếu nại, buộc gia đình phải lập ủy quyền theo công chứng.

Khi ông Lưu Tiến Hùng đang tiến hành làm lại giấy ủy quyền dựa trên hướng dẫn của Thanh tra Sở TNMT, ngày 14/9/2012, Sở TNMT đã có báo cáo số 944/STNMT gửi TP. Hà Nội để xóa bỏ tư cách đại diện của ông Hùng mà không chờ đợi ông Lưu Tiến Hùng hoàn thiện để tổ chức đối thoại theo tinh thần công văn 6712 của UBND TP. Hà Nội.

Theo ý kiến của ông Lưu Tiến Hùng, việc Sở TNMT vội vã gửi báo cáo lên TP. Hà Nội xóa bỏ tư cách đại diện là dấu hiệu bất bình thường nhằm gây khó khăn cho công dân đang đề nghị giải quyết quyền lợi. Bằng chứng, sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, trước khi ông Nguyễn Trung Lợi qua đời, gia đình ông Lợi đã liên tục gửi đơn đề nghị giải quyết quyền lợi nhưng chỉ nhận được cái “lắc đầu” của quận Hà Đông, dù UBND tỉnh Hà Tây cũ và TP. Hà Nội ban hành gần 10 văn bản chỉ đạo.
 
Ông Lưu Tiến Hùng đề nghị TP. Hà Nội sớm giải quyết dứt điểm vụ việc
Ông Lưu Tiến Hùng đề nghị TP. Hà Nội sớm giải quyết dứt điểm vụ việc

Để bảo đảm quyền lợi công dân, ngày 8/11/2012, báo Dân trí đã có công văn chuyển đơn kiến nghị của ông Lưu Tiến Hùng đến Thanh tra Chính phủ và ông Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến nay vụ khiếu nại liên quan đến quyền lợi của gia đình ông Nguyễn Trung Lợi trên mảnh đất số 46 phố Tiểu Công Nghệ, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông vẫn chưa được xem xét giải quyết.

Trong đơn kiến nghị mới nhất gửi báo Dân trí ngày 15/1/2013, ông Lưu Tiến Hùng là người được ủy quyền đại diện tái đề nghị UBND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng sớm xem xét giải quyết dứt điểm vụ việc đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo từ năm 2002. Sau những gì diễn ra, ông Hùng kiến nghị TP. Hà Nội không tiếp tục giao cho UBND quận Hà Đông đứng ra giải quyết, bởi việc này có thể đe dọa đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình.

Dựa trên những tài liệu ông Lưu Tiến Hùng cung cấp, cùng kết luận của Tổng cục Địa chính công bố vào năm 2002, lô đất 94m2 tại phố Tiểu Công Nghệ, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông là đất công do gia đình ông Nguyễn Trung Lợi sử dụng từ năm 1949. Do gia đình có nghề dệt thủ công truyền thống, sau khi chuyển gia khu vực này ông Lợi tự bỏ tiền xây dựng theo quy hoạch của nhà nước. Sau đó nhà nước đã trừ dần tiền ông Lợi đã đầu tư xây dựng và nhà ở của gia đình ông Lợi thuộc sở hữu của gia đình ông. Hàng năm, gia đình ông Lợi đã đóng thuế thổ trạch đối với nhà nước 0,8 % giá trị nhà.

Gia đình ông Lợi được nhà nước cho thuê sử dụng đất công với diện tích 75m2, hóa đơn trả tiền thuê đất còn lưu giữ được đối với thời gian 10/10/1954 đến năm 1962. Từ khi có thông tư số 73 - TTg ngày 7/7/1962 của Thủ tướng Chính phủ thì gia đình không phải đóng thuế đất.

Trong bản đồ vẽ năm 1985 đã thể hiện diện tích gia đình ông Lợi sử dụng là 94m2, từ năm 1993, cơ quan Thuế cũng thu thuế diện tích sử dụng đất của gia đình ông Lợi là 94m2. Tuy nhiên, năm 1996, chính quyền địa phương chỉ xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho nhà ông Lợi với phần diện tích 56m2, thay vì 94m2 theo bản đồ vẽ năm 1985.

Năm 1993, UBND tỉnh Hà Tây trước đây ban hành quyết định số 382/QĐ - UB, giao 2170m2 đất cho thị xã Hà Đông chuyển thành đất chuyên dùng xây dựng trường tiểu học Yết Kiêu, trong đó có một phần diện tích nhà ông Lợi. Năm 2000, ông Lợi khởi công xây dựng công trình nhà ở trên phần diện tích trước nhà (phần diện tích không được công nhận). Ngày 22/9/2000, UBND thị xã Hà Đông thực hiện việc cưỡng chế đối với công trình vì cho rằng phần diện tích trên do nhà ông Lợi lấn chiếm đất công.

Không hài lòng với cách xử lý của UBND thị xã Hà Đông, ông Nguyễn Trung Lợi đã có dơn khiếu nại về quyền sử dụng đất theo trình tự lên các cấp. Theo trình tự Luật Khiếu nại tố cáo, ông Lợi đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 5/9/2002, Văn phòng Chính phủ có công văn số 4903/VPCP - VII gửi UBND tỉnh Hà Tây cũ, thông báo ý kiến chỉ đạo giải quyết của Thủ trướng Chính phủ Phan Văn Khải với nội dung: “Giao cho UBND tỉnh Hà Tây xem xét quy hoạch chi tiết khu vực này, nếu diện tích đất của ông Lợi đang sử dụng phù hợp với quy hoạch khu dân cư thì giải quyết hợp thức quyền sử dụng đất. Trường hợp thu hồi, thì gia đình ông Nguyễn Trung Lợi được bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản chỉ đạo giải quyết vụ việc từ năm 2002, nhưng sau 11 năm, những quyền lợi của gia đình ông Nguyễn Trung Lợi vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương