Thanh Hóa: Hạt quản lý đường bộ thu tiền giữ xe vi phạm giá “cắt cổ”

(Dân trí) - Mỗi phương tiện bị CSGT Công an huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) bắt giữ vì vi phạm luật sẽ được đưa về bãi xe của Hạt quản lý đường bộ Hậu Lộc. Tại đây, đơn vị này tự đặt ra mức giá giữ xe “cắt cổ” để thu của người có phương tiện vi phạm khiến người dân choáng váng.

Thời gian gần đây, nhiều người dân tại huyện Hậu Lộc và một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phản ánh, khi bị CSGT Công an huyện Hậu Lộc giữ xe vì vi phạm luật giao thông ngoài phải nộp phạt lỗi vi phạm họ còn bị thu tiền giữ xe với giá “cắt cổ” là 15.000 đồng/ngày. Nhiều người vi phạm bị giữ xe cho hay, số tiền nộp phạt vi phạm luật giao thông có khi còn ít hơn tiền gửi xe tại Hạt quản lý đường bộ Hậu Lộc (Đơn vị thuộc Công ty 472 Thanh Hóa).

Hạt quản lý đường bộ Hậu Lộc nơi thu tiền giữ xe vi phạm giá cắt cổ
Hạt quản lý đường bộ Hậu Lộc nơi thu tiền giữ xe vi phạm giá cắt cổ

Nhận được phản ánh của bạn đọc, PV Dân trí đã vào cuộc xác minh sự việc và ghi nhận những thông tin phản ánh hoàn toàn đúng với thực tế.

Theo đó, nhiều năm qua Công an huyện Hậu Lộc do không có bãi để xe vi phạm, xe tai nạn nên đã thỏa thuận với Hạt quản lý đường bộ Hậu Lộc (HQL ĐB Hậu Lộc) nơi có sân bãi để gửi xe vi phạm tại đây. Tất cả các xe vi phạm luật bị CSGT huyện Hậu Lộc bắt giữ và xe tai nạn đều được đưa về để đây gửi. Sau khi tiếp nhận và giữ xe, HQL ĐB Hậu Lộc tự đưa ra mức giá gửi xe rồi thu của người có xe vi phạm.

Chị P ở huyện Hậu Lộc bức xúc, ngày 18/10 trên đường từ nhà lên thành phố Thanh Hóa, khi đang lưu thông trên đường QL10 đoạn qua xã Hoa Lộc (huyện Hậu Lộc) chị đã bị lực lượng CSGT huyện Hậu Lộc dừng xe kiểm tra hành chính, do không đủ các giấy tờ có liên quan chị P đã bị giữ phương tiện.

Ngày 20/10, chị P đến Đội CSGT Công an huyện Hậu Lộc làm thủ tục nộp phạt và lấy xe ra. Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, chị P được Đội CSGT Hậu Lộc đưa cho một tờ “Phiếu xuất xe” và mời đến HQL ĐB Hậu Lộc (cách hơn 1km) để lấy xe. Trong phiếu xuất xe ghi rõ các thông tin: Đội CSGT Công an Hậu Lộc kính gửi HQL ĐB 472 Hậu Lộc, ngày 20/10/2015 Công an huyện đã xử lý xong đối với xe mô tô… Vậy đề nghị HQL ĐB làm thủ tục trả xe cho chủ phương tiện…

Cầm phiếu xuất xe trên, chị P đến HQL ĐB Hậu Lộc để lấy xe. Tại đây, nhân viên của Hạt này xem qua phiếu xuất xe rồi yêu cầu chị P đóng sống tiền là 45.000 đồng cho 3 ngày bị giữ xe. Quá bất ngờ trước số tiền giữ xe giá “cắt cổ” nói trên, chị P đã có phản ứng thì được các nhân viên tại đây giải thích là giá đã được đơn vị cùng Đội CSGT huyện quy định. “Họ nói nếu không đóng đủ tiền thì sẽ được được lấy xe ra. Nếu cứ để đây gửi tiếp sẽ vẫn phải chịu phí 15.000 đồng/ngày” - chị P bức xúc.

Thu giá giữ xe cao nhưng phương tiện của người vi phạm lại không được bảo quản an toàn
Thu giá giữ xe cao nhưng phương tiện của người vi phạm lại không được bảo quản an toàn

Không chỉ chị P bức xúc về việc HQL ĐB Hậu Lộc tự ý đặt ra giá gửi xe cao so với quy định mà nhiều người bị giữ phương tiện tại đây cũng rất bức xúc về việc phương tiện của họ dù bị giữ với giá cao nhưng không được cất giữ, trông coi đảm bảo. Khi xe được đưa về đây không được che chắn mà để ngoài mưa nắng gây hư hại.

Trước những thắc mắc của chị P và nhiều người dân, PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Hoàng Thế Thọ - Hạt trường HQL ĐB Hậu Lộc. Ông Thọ cho biết, do Công an huyện Hậu Lộc không có bãi giữ xe nên đã nhờ bãi của đơn vị để gửi xe vi phạm và các xe tai nạn giao thông nhiều năm qua.

Ông Thọ cho hay: “Chúng tôi đã đề nghị công an huyện, từ chối việc đưa xe vi phạm về bãi của đơn vị nhưng vẫn chưa có được ý kiến của công an huyện. Đội CSGT vẫn đưa về vi phạm và tai nạn về đây để gửi, chúng tôi không biết phải làm cách nào vì trong bãi có cả trăm xe, không biết chuyển đi đâu được”.

Việc “thỏa thuận” trông xe cho Công an huyện Hậu Lộc ông Thọ cho biết không có văn bản thỏa thuận nào, mức giá giữ xe cũng là do HQL ĐB Hậu Lộc đưa ra để có thêm thu nhập cho cán bộ, nhân viên của Hạt.

Lý giải về mức giá gửi xe quá cao, ông Thọ thừa nhận là cao hơn so với quy định của nhà nước. “Đây là thỏa thuận giữa người vị phạm với Hạt, xe vi phạm được CSGT đưa về đây chúng tôi có biên bản thỏa thuận bảo quản trông giữ phương tiện. Ai đồng ý thì ký gửi ai không đồng ý thì thôi” - ông Thọ nói.

Tuy nhiên, những lời ông Thọ lý giải như trên lại trái ngược với thực tế. Người vi phạm khi bị giữ phương tiện không còn cách nào khác khi bị đưa xe về đây và phải đồng ý ký nhận gửi xe. Nhiều người bị CSGT đưa xe về bãi, không có mặt để ký biên bản thỏa thuận nên không hay biết mức giá mà HQL ĐB Hậu Lộc đưa ra. Khi đến lấy xe, nhiều người “ngã ngửa” với giá “cắt cổ” mà đơn vị này đưa ra rồi phải trả tiền giữ xe trong tình thế “ép buộc” giống như chị P.

“Chúng tôi bị CSGT bắt giữ xe đưa về đây, dù Hạt quản lý đường bộ Hậu Lộc có thỏa thuận với Công an huyện cũng không được thu tiền gửi xe với giá quá cao như vậy. Chúng tôi vi phạm luật giao thông phải nộp phạt cho nhà nước theo quy định giờ phải nộp tiền gửi xe mức “cắt cổ” như vậy liệu có phải đơn vị này đang “tận thu” của người vi phạm luật” - Chị P nói.

Hàng trăm phương tiện giao thông đang được giữ tại HQL ĐB Hậu Lộc phải chịu phí gửi xe giá cắt cổ
Hàng trăm phương tiện giao thông đang được giữ tại HQL ĐB Hậu Lộc phải chịu phí gửi xe giá cắt cổ

Về số tiền thu được từ việc giữ xe trong những năm qua, ông Thọ không hề hay biết. “Tôi giao lại cho anh em trong Công đoàn đảm nhận việc này, số tiền thu được từ việc này tạo thêm cho anh em có thêm thu nhập, tiền trả công bảo vệ, tiền thưởng lễ tết cho anh em” – ông Thụ nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải - Hạt phó HQL ĐB Hậu Lộc, Chủ tịch Công đoàn Hạt - người đảm nhiệm việc giữ xe cũng không rõ số xe mà đơn vị đang giữ, về số tiền thu được bà Hải cũng không thống kê được vì cho rằng: “Chẳng được là bao nhiêu, thu được bao nhiêu phải chi trả cho bảo vệ, tiền cho anh em trong đơn vị” - bà Hải nói.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Thái Bá