Thanh Hóa: Chưa đủ thủ tục pháp lý, nhà máy chế biến gỗ vẫn ngang nhiên hoạt động

(Dân trí) - Chưa được cấp giấy chứng nhận, lấy hàng nghìn m2 đất lúa chưa được HĐND tỉnh thông qua, nhưng Doanh nghiệp Tư nhân Xăng dầu Đạm Xuân (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) đã tự ý san lấp mặt bằng đưa nhà máy chế biến gỗ vào hoạt động.

Mặc dù chỉ mới được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy chế biến gỗ Đạm Xuân với mục tiêu sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng thành sản phẩm gỗ xẻ ván nan và tận thu sản xuất mùn gỗ, dăm gỗ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, thế nhưng đến thời điểm hiện tại Doanh nghiệp Tư nhân Xăng dầu Đạm Xuân vẫn bỏ qua hàng loạt các quy định của pháp luật tiến hành cho san lấp mặt bằng xây dựng kho bãi để sản xuất chế biến gỗ.

Theo Chủ trương được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận tại Quyết định số 2549/QĐ-UBND ngày 13/7/2016, Dự án Nhà máy chế biến gỗ Đạm Xuân có tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, khởi công vào tháng 11/2016, đi vào vận hành tháng 3/2017, bao gồm các hạng mục nhà xưởng sản xuất, khu hành chính văn phòng, nhà gara ô tô, nhà ăn công nhân và các công trình phụ trợ khác… trên tổng diện tích khoảng 23.121 m2.

Quyết định 2549 yêu cầu trong vòng 180 ngày kể từ ngày ký không hoàn thành thủ tục về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất, ký quỹ đầu tư theo quy định thì Quyết định không còn giá trị pháp lý
Quyết định 2549 yêu cầu trong vòng 180 ngày kể từ ngày ký không hoàn thành thủ tục về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất, ký quỹ đầu tư theo quy định thì Quyết định không còn giá trị pháp lý

Trong đó, khu đất có nguồn gốc của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Xuân (chủ doanh nghiệp - pv) gồm 748 m2 đất sản xuất kinh doanh; 500 m2 đất ở nông thôn; 531 m2 đất trồng cây lâu năm; 1.529 m2 đất trồng cây hàng năm khác; 6.258 m2 đất trồng lúa đã được UBND huyện Thạch Thành cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Phần diện tích 13.555 m2 đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm do hộ bà Nguyễn Thị Xuân nhận chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất.

Quyết định số 2549/QĐ-UBND cũng nêu rõ, yêu cầu Doanh nghiệp Tư nhân Xăng dầu Đạm Xuân trong quá trình đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động phải thực hiện nghiêm túc thực hiện theo phương án đầu tư đã cam kết: Ký quỹ đầu tư, hoàn thành hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, xây dựng và bảo vệ môi trường…. Trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký nếu Doanh nghiệp Tư nhân Xăng dầu Đạm Xuân không hoàn thành thủ tục về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất, ký quỹ đầu tư theo quy định thì Quyết định không còn giá trị pháp lý và doanh nghiệp sẽ không được bồi thường, hỗ trợ bất kỳ các khoản kinh phí đã đầu tư liên quan đến dự án.

Mặc dù không đủ thủ tục pháp lý nhưng doanh nghiệp vẫn ngang nhiên hoạt động
Mặc dù không đủ thủ tục pháp lý nhưng doanh nghiệp vẫn ngang nhiên hoạt động

Tại văn bản số 3231/STNMT-QLĐĐ ngày 18/7 của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi Doanh nghiệp Tư nhân Xăng dầu Đạm Xuân về việc hướng dẫn hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất lúa Dự án Nhà máy chế biến gỗ Đạm Xuân cũng đã nêu rõ: Theo quy định tại khoản 1, điều 58 Luật đất đai 2013, Dự án Nhà máy chế biến gỗ Đạm Xuân có sử dụng đất trồng lúa, dự án trên thuộc trường hợp phải có nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa. Trên cơ sở đó Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng theo quy định.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, rất nhiều các thủ tục liên quan như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phê duyệt bổ sung quy hoạch… chưa được thông qua, nghiễm nhiên Quyết định 2549 của UBND tỉnh Thanh Hóa hết hiệu lực và không còn giá trị nhưng doanh nghiệp này vẫn tự ý đổ đất san lấp hết diện tích đất lúa, xây tường rào bao quang và đưa nhà xưởng đi vào hoạt động. Mặc dù huyện, xã đã lên làm việc, yêu cầu đơn vị này thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh và có ban hành các quyết định xử phạt, nhưng doanh nghiệp vẫn ngang nhiên hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Chuẩn, Chủ tịch UBND xã Thạch Quảng thừa nhận DN Đạm Xuân đang còn thiếu một số thủ tục cần thiết để đủ điều kiện cho phép hoạt động. “Theo quy định tại khoản 1, điều 58, Luật đất đai 2013, Dự án Nhà máy chế biến gỗ Đạm Xuân có sử dụng đất trồng lúa, dự án trên thuộc trường hợp phải có nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa. Trên cơ sở đó Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng theo quy định. Tuy nhiên, hiện hội đồng chưa thông qua nên vẫn phải chờ” - ông Chuẩn thông tin.

Cũng theo ông Chuẩn, thực hiện theo thông báo số 76/TB-UBND ngày 17-5-2016 của UBND tỉnh về việc kiểm tra, rà soát các cơ sở băm dăm trên địa bàn tỉnh, xã cũng đã tiến hành kiểm tra, có văn bản xử lý hành chính.

“Xã xử phạt do vi phạm trong việc đổ đất khi chưa được phép, huyện cũng có xử phạt hành vi đó” - ông Chuẩn nói. Khi được hỏi xã, huyện phạt bao nhiều tiền, ông Chuẩn nói không nhớ và viện dẫn nếu cung cấp tài liệu phải được huyện cho phép mới cung cấp.

Khoảng 2 năm trở lại đây, tại tỉnh Thanh Hóa nở rộ các cơ sở chế biến dăm gỗ (đa số nhà máy không phép) đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua, tranh bán gây mất trật tự xã hội. Tình trạng trên đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý nên UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thống kế, đưa ra biện pháp xử lý. Theo đó, qua rà soát tỉnh Thanh Hóa có 39 cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ xuất khẩu, trong số đó chỉ có 11 có sở được tỉnh cho phép, 28 điểm còn lại không hợp pháp. UBND tỉnh Thanh Hóa sau đó đã chỉ đạo dừng hoạt động tất cả các nhà máy hoạt động trái phép.

Bình Minh