Gia Lai:

Tan hoang cánh rừng cổ thụ Mang Yang giữa đại ngàn Tây Nguyên!

(Dân trí) - Dịp cuối tuần, lâm tặc đã kéo xe độ vào tận cánh rừng làng Đê Btức (xã Đăk Jơ Ta, Mang Yang) để “xẻ thịt” những cây cổ thụ cả trăm năm tuổi. Dù nằm trên lối ra độc đạo có Trạm QLBVR làng Đê Btức, nhưng lực lượng bảo vệ rừng lại tỏ ra ngơ ngác không biết sự việc. Nghiêm trọng hơn, thời điểm ấy tại trạm QLBVR được phân công 2 người trực nhưng chỉ có 1 nhân viên ở đó.

Cổ thụ “rỉ máu”, chính quyền không biết (?)

Theo thông tin nguồn của báo Dân trí, từ nhiều tháng nay tình trạng phá rừng liên tiếp xảy ra trên cánh rừng từ làng Đê Btức (huyện Mang Yang, Gia Lai) đi vào. Vào thời điểm buổi trưa và buổi chiều gỗ luôn ra con đường mòn sau trạm quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) tại làng Đê Btức.

Tan hoang cánh rừng cổ thụ tại huyện Mang Yang (Gia Lai)

Nắm thông tin ngày lễ 20/10, lâm tặc đang tiến hành mở “công trường” để cưa hạ các cây gỗ cổ thụ dọc suối Đê Btứ nên chúng tôi đã âm thầm “xâm nhập” vào cánh rừng xanh trong xã Đăk Jơ Ta.

Tan hoang cánh rừng cổ thụ Mang Yang giữa đại ngàn Tây Nguyên! - 1
"Công trường" khai thác gỗ trong ngày cuối tuần... chính quyền không biết (?)

Chỉ từ làng Đê Btức vào khoảng 5km, chúng tôi đã nghe hàng loạt tiếng cưa máy đang rồ ga trên đỉnh khu rừng. 13h chiều cùng ngày, trong vai người đi săn lan phóng viên đã đột nhập được vào “công trường”. Tuy nhiên, khả năng phát hiện người lạ nên các đối tượng đã rời bỏ “công trường” đang khai thác gỗ.

Tan hoang cánh rừng cổ thụ Mang Yang giữa đại ngàn Tây Nguyên! - 2
Một cảnh tượng tan hoang cánh rừng cổ thụ thuộc làng Đê Btức (xã Đăk Jơ Ta, Mang Yang, Gia Lai)

Tại hiện trường, có đến gần chục gốc cổ thụ mới bị đốn hạ. Một cảnh tượng “tan hoang” khi những cây lớn bị cưa hạ, đổ xuống và phá luôn những cây tái sinh xung quanh, cành, lá còn tươi rói…Những cây cổ thụ sau khi đốn hạ được cưa thành các khúc có chiều dài từ 3 – 5m. Nhiều cây, lâm tặc chỉ đốn hạ và chưa kịp cắt khúc. Tiếp tục lên tận đỉnh đồi, phóng viên đã chứng kiến thêm nhiều cây lớn nữa bị đốn hạ và bị xẻ hộp, một phần đã bị tẩu tán.

Tan hoang cánh rừng cổ thụ Mang Yang giữa đại ngàn Tây Nguyên! - 3
Những gốc cổ thụ mới bị cưa hạ tức thì trong ngày 20/10, mặt gỗ còn ướt nước

Tinh vi hơn, sau khi cưa hạ các gốc cổ thụ đường kính từ 60 – 80cm các đối tượng lâm tặc đã lấy mùn cưa bỏ trên gốc để đốt nhằm phi tang vết cưa. Nguy hiểm hơn, chúng sẵn sàng đốt luôn khu vực khai thác để che dấu hành vi phá rừng. Nhằm đảm bảo an toàn, phóng viên đã rút xuống làng để phối hợp cùng chính quyền kiểm đếm hiện trường.

Lực lượng bảo vệ rừng… “ngơ ngác”…!

Những cánh rừng xanh từ làng Đê Btức đi vào bị phá, lâm tặc “ngang nhiên” mở “công trường” đốn hạ gần chục gốc cổ thụ. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ rừng khi thấy các hình ảnh của phóng viên cung cấp lại tỏ ra ngơ ngác không biết về sự việc xảy ra. Nghiêm trọng hơn, tại Trạm QLBVR trong làng Đê Btức chỉ có một nhân viên bảo vệ rừng trực. Được biết, nếu theo lịch trực ngày hôm đó ít nhất phải 2 đồng chí và tại trạm này thường ngày có từ 3 -  4 nhân viên trực 24/24h.

Tan hoang cánh rừng cổ thụ Mang Yang giữa đại ngàn Tây Nguyên! - 4
Những khúc gỗ đang chuẩn bị được xẻ hộp nhưng khi động thì lâm tặc đã bỏ chạy

Ngay sau đó, chúng tôi đã liên hệ với Hạt kiểm lâm huyện Mang Yang để nắm sự việc và xác định vị trí khai thác thuộc đơn vị chủ rừng nào. Theo một phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Mang Yang thông tin: “Qua những hình ảnh mà phóng viên cung cấp thì chưa thể xác định được lâm phần quản lý của BQL RPH Mang Yang hay là của xã. Trước những thông tin mà phóng viên cung cấp, chúng tôi sẽ lập đoàn để kiểm tra hiện trường để có thông tin cụ thể”.

Tan hoang cánh rừng cổ thụ Mang Yang giữa đại ngàn Tây Nguyên! - 5
Những gốc cổ thụ bị đốn hạ

Theo nguồn tin phóng viên, làng Đê Btức này luôn là điểm nóng về tình hình khai thác lâm sản. Chính vì vậy, cơ quan chức năng đã lập 2 trạm bảo vệ rừng gồm: Trạm quản lý bảo vệ rừng (thuộc QBL RPH Mang Yang và Trạm kiểm lâm thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh) nằm ngay giữa con đường độc đạo từ rừng về làng.

Tan hoang cánh rừng cổ thụ Mang Yang giữa đại ngàn Tây Nguyên! - 6
Nhằm tránh việc kiểm tra, chúng đã đốt gốc và khu vực khai thác để xóa dấu vết

Tuy nhiên vậy, lâm tặc thường âm thầm đi xuyên qua cánh rừng thông sau Trạm QLBVR để vòng đưa gỗ về làng. Nhằm ngăn chặn, lực lượng đã đào hào, chắn lối đi. Tuy nhiên, vẫn không thể ngăn được lâm tặc đưa gỗ khai thác về theo đường này.

Một số hình ảnh tan hoang cánh rừng Mang Yang dịp cuối tuần.

Tan hoang cánh rừng cổ thụ Mang Yang giữa đại ngàn Tây Nguyên! - 7
Tan hoang cánh rừng cổ thụ Mang Yang giữa đại ngàn Tây Nguyên! - 8
Tan hoang cánh rừng cổ thụ Mang Yang giữa đại ngàn Tây Nguyên! - 9
Tan hoang cánh rừng cổ thụ Mang Yang giữa đại ngàn Tây Nguyên! - 10
Tan hoang cánh rừng cổ thụ Mang Yang giữa đại ngàn Tây Nguyên! - 11
Tan hoang cánh rừng cổ thụ Mang Yang giữa đại ngàn Tây Nguyên! - 12
Tan hoang cánh rừng cổ thụ Mang Yang giữa đại ngàn Tây Nguyên! - 13

 Phạm Hoàng