"Tặc tin nhắn" vẫn hoành hành

(Dân trí) - Tin nhắn không dấu nên tôi nghĩ là của cô bạn thân. Tôi nhắn lại: “Co viec gi sao nãy k noi luon. Online di” thì số kia đáp: “T ra lau rui. Tu dung nguoi sot run len. Di mua dum cai the dt duoc ko?...”.

Quà tặng... mất tiền
 
Sự phát triển nhanh chóng và ngày càng đa dạng của các dịch vụ viễn thông đã biến những “chú dế” trở thành vật dụng chứa nhiều tiện ích, trợ giúp đắc lực cho con người.


Tuy nhiên, lợi dụng kẽ hở từ các dịch vụ này, một số kẻ xấu đã thừa cơ “đục nước béo cò” thực hiện nhiều mánh khóe nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của thuê bao điện thoại thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Đến nay, người sử dụng di động dường như đã quá quen với các tin nhắn quảng cáo từ đầu số 8xxx, nội dung mùi mẫn, na ná và được trá hình dưới dạng “quà tặng miễn phí”. Chẳng hạn như: “Bạn vừa nhận được quà tặng âm nhạc từ số điện thoại 0123456789. Để nhận quà tặng bạn hãy nhắn tin QT gửi 8xxx”, “Có người vừa gửi tặng bạn bài hát Nho. Để nghe bài hát, lời nhắn và biết tên người tặng quà, bạn hãy soạn tin nhắn TEN gửi 8xxx” hay “Thuê bao 0123456789 vừa tặng bạn một bản nhạc chuông. Hãy nhắn tin QUA để hoàn thành việc cài đặt”…

 

Phải để ý kỹ và có sự hiểu biết nhất định mới có thể nhận ra đây là tin nhắn lừa đảo. Không ít người cả tin làm theo hướng dẫn. Và họ chỉ biết rõ mình bị lừa sau khi đã nhắn tin, kiểm tra tài khoản rồi gọi lên tổng đài thắc mắc.

Sự tràn lan của loại tin nhắn spam này phần nào giúp người sử dụng dần hình thành thói quen cảnh giác. Thế nhưng có một thực trạng là hiện nay, các vụ lừa đảo liên quan đến tin nhắn điện thoại chưa hề thuyên giảm. Nhiều chủ thuê bao vẫn dễ dàng bị cho vào tròng bởi bọn lừa đảo liên tục thay đổi chiêu thức đồng thời luôn đánh thẳng vào tâm lý của người sử dụng.

 

Vừa qua, báo chí cũng đã đưa tin về nhiều vụ tin nhắn trúng thưởng rởm. Cụ thể, một số cá nhân giả danh nhân viên nhà mạng gọi điện hoặc nhắn tin cho khách hàng thông báo trúng thưởng. Nội dung thông tin nhằm dẫn dụ chủ thuê bao mua thẻ cào, chia sẻ tài khoản hay gửi tin nhắn đến các đầu số 87xx. Và tất nhiên có nhiều chủ thuê bao đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này.
 

Giăng bẫy lấy... card
 
Gần đây, theo phản ánh của nhiều người, một số đối tượng còn giả danh bạn bè, người thân nhắn tin đến một số điện thoại bất kỳ để lừa nạp thẻ card.

 

Bạn Yến (sinh viên trọ ở Từ Liêm, Hà Nội) kể: Tuần trước tôi đang làm bài tập trên máy tính thì nhận được tin nhắn từ số máy lạ 01655540761 với nội dung: “E. THUY day ne! dang lam gi vay? Giup t ti viec duoc khong? Tin nhắn không dấu nên tôi nghĩ là của cô bạn tên Thủy, trong khi tôi vừa chat yahoo với cô ấy. Bật vội hộp thoại chát lên thì thấy nick Thủy off thật. Tôi nhắn lại: “Co viec gi ma vua roi k noi luon. Online di” thì số kia đáp lại: “T ra lau rui. Tu dung nguoi sot run len. Di mua gium cai the dt duoc ko? T gio dang can co ti viec ma ko day noi.

 

Tôi thấy hơi lạ mới đây thôi hai đứa nói chuyện rất bình thường sao ốm nhanh vậy được. Vừa lo vừa nghi ngờ, tôi nhấn số gọi lại thì bên kia không nhấc máy mà nhắn tin lại: “T met lam, giup T di”. Đang băn khoăn thì thấy nick con bạn sáng, tôi lập tức vồ lấy mà hỏi. Hóa ra nó chẳng nhờ tôi cái gì cả. Suýt chút nữa thì sập bẫy.

Chị Thanh (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chia sẻ: Sáng chủ nhật chị đang nghỉ ở nhà thì nhận được tin nhắn “Dang lam j do? Trang ne. Co ban j ko? T mun nho ti viec ma ngai qua.hi” từ số máy lạ: 01692920159.

 

Đọc xong tin nhắn, chị Thanh nhớ ngay đến cô bạn học cùng đại học với mình ngày trước nên nhắn lại hỏi xem đúng cô ấy không và cần giúp việc gì, thì số điện thoại lạ hồi âm: “ uh. T dag bi om ne. Ko di ra ngoai dc.hihi. Co the mua giup t cai the card viettel dc ko? Roi t gui lai sau!”.

 

Nghe vậy chị Thanh thấy nghi ngờ ngay vì cô bạn này với mình từ trước tới giờ không chơi thân, chị lấy số điện khác của mình nhắn tin vào số lạ kia: “Lien ah, vua nhan tin cho t co chuyen gi the?”. Ngay lập tức chị nhận được tin nhắn có nội dung giống hệt tin nhắn trong số chính của mình.

 

Để chắc chắn rằng đây không phải bạn mình, chị gọi lại mấy cuộc nhưng cứ nghe được một hồi chuông thì bên kia lại tắt máy và nhắn tin giục mua thẻ liên tục. Tin chắc đây là một kẻ lừa đảo nên chị Thanh đã dừng hắn việc nhắn tin…

 

Khi nhận được tin nhắn với nội dung “khẩn thiết” như vậy không phải tất cả mọi người đều tỉnh táo nhìn ra vấn đề như trường hợp của chị Thanh. Kiểu lừa đảo này khá tinh vi. Nếu cộng thêm một sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó thì chuyện chủ thuê bao bị dính bẫy và mất tiền oan là điều dễ hiểu.

“Tặc tin nhắn” hiện vẫn là một vấn nạn đối với người sử dụng điện thoại và các hãng viễn thông. Tuy nhiên, một lãnh đạo của hãng viễn thông nhà nước cho biết, với các tin nhắn gửi trực tiếp từ một đầu số của một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung nào đó, hãng có thể tiến hành xử phạt cắt đầu số hoặc dừng hợp đồng. Còn với tin nhắn gửi trực tiếp từ thuê bao di động thì việc xử lý lại nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của nhà mạng.

Thiết nghĩ, để tự bảo vệ mình, các chủ thuê bao cần đề cao tinh thần cảnh giác hơn nữa. Khi nhận được tin nhắn có nội dung bất thường, các thuê bao cần chủ động gọi lên tổng đài để xác thực lại nguồn thông tin và tránh bị mất tiền oan.

                                                        
    Duy Uyên
Hải Dương