Bài 4:

Sự thật phơi bày vụ thông thầu tại Sơn La: Phó giám đốc Sở ra "tối hậu thư" kỳ quặc!

(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên Dân trí qua điện thoại, ông Phạm Văn Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, lãnh đạo tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo Sở VHTT&DL làm rõ trách nhiệm, tổ chức cá nhân có sai sót trong vụ mở thầu thiếu trung thực tại Sở này.

Phó Giám đốc Sở cản trở nhà báo tác nghiệp

Liên quan đến vụ việc, nữ Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Sơn (Công ty Anh Sơn), Phạm Thị Ngọc Phượng đứng ra tố cáo vụ thông thầu tại “Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ và các đoàn công tác của Trung ương về thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La” có giá trị 5,773 tỷ đồng, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La là chủ đầu tư (gọi là bên mời thầu) đang khiến dư luận vô cùng bức xúc. Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La khẳng định, nội dung khiếu nại tố cáo của công ty Anh Sơn cơ bản là đúng sự thật.

Sự thật phơi bày vụ thông thầu tại Sơn La: Phó giám đốc Sở ra tối hậu thư kỳ quặc! - 1

Vụ mở thầu thiếu trung thực tại Sở VHTT&DL tỉnh Sơn La, đang có dấu hiệu bao che cho sai phạm?

Tổ chuyên gia (Tổ trưởng) đã có hành vi không trung thực trong lễ mở thầu. Cụ thể, không công khai minh bạch thư giảm giá và công bố sai giá trị giảm giá trong thư giảm giá của công ty Thăng Long (đơn vị trúng thầu).

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh xin ý kiến giao cho Sở VHTT&DL tỉnh nhà tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra các sai phạm theo kết quả xác minh của Hội đồng tư vấn.

Sáng 28/5, trao đổi với phóng viên Dân trí qua điện thoại về vấn đề xử lí kỷ luật đối với tổ chức, cán bộ có liên đến vụ mở thầu không trung thực tại Sở VHTT&DL tỉnh Sơn La, ông Phạm Văn Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo Sở VHTT&DL tỉnh này tiến hành xem xét, xử lí vụ việc và đề nghị phóng viên đến Sở này làm việc.

Sáng cùng ngày, phóng viên Dân trí đã đến làm việc với ông Nguyễn Như Cầu, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Sơn La thì ông Cầu yêu cầu phóng viên trao đổi nội dung làm việc với bà Đinh Thị Lan, Chánh Văn phòng Sở.

Trao đổi xong nội dung làm việc của phóng viên về vụ việc bà Phạm Thị Ngọc Phượng, Tổng Giám đốc công ty Anh Sơn quyết liệt tố cáo vụ thông thầu tại Sở này, bà Đinh Thị Lan lên báo cáo với ông Nguyễn Như Cầu.

Sự thật phơi bày vụ thông thầu tại Sơn La: Phó giám đốc Sở ra tối hậu thư kỳ quặc! - 2

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Sơn La Nguyễn Như Cầu ra tối hậu thư, nếu phóng viên không thực hiện 1 trong 4 nội dung này thì ông sẽ không làm việc.

Sau đó bà Lan cầm xuống mảnh giấy có chữ viết tay thể hiện vị Phó Giám đốc Sở này đã có hành vi cản trở phóng viên tác nghiệp theo quy định của pháp luật. Cụ thể ông Nguyễn Như Cầu "bắt" phóng viên cam kết thực hiện 4 nội dung trái quy định của Luật báo chí: Không ghi âm, ghi hình, không chụp ảnh và trước khi đăng bài phải trình qua cho ông duyệt thì mới được đăng báo. Nếu phóng viên không thực hiện 4 cam kết này thì ông sẽ không làm việc.

Sở VHTT&DL bao che sai phạm?

Như Báo Dân trí thông tin, gói thầu “Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ và các đoàn công tác của Trung ương về thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La”, tại lễ mở thầu diễn ra từ 8h30 ngày 12/4/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La khẳng định: Tổ chuyên gia (Tổ trưởng) đã có hành vi không trung thực trong lễ mở thầu. Cụ thể, không công khai minh bạch thư giảm giá và công bố sai giá trị giảm giá trong thư giảm giá của công ty Thăng Long (đơn vị trúng thầu).

Sự thật phơi bày vụ thông thầu tại Sơn La: Phó giám đốc Sở ra tối hậu thư kỳ quặc! - 3

Công Văn trả lời của Sở VHTT&DL tỉnh Sơn La không đúng sự thật, bao che cho sai phạm?

Khi nhà thầu - Công ty Anh Sơn có ý kiến thắc mắc đã giải thích không đúng với quy định, kéo dài thời gian lễ mở thầu đến 16 giờ cùng ngày mới thống nhất công khai thư giảm giá. Sau đó, các bên ký biên bản mở thầu, nhưng thời gian kết thúc lễ mở thầu ghi trong biên bản mở thầu không đúng với thực tế thời gian kế thúc lễ mở thầu. Như vậy đã vi phạm quy định của Luật Đấu thầu”, công văn của Sở KH&ĐT tỉnh Sơn La nêu rõ. 

Kết luận của Sở KH&ĐT là rất rõ ràng, tuy nhiên trước đó, Sở VHTT&DL tỉnh Sơn La lại có báo cáo khẳng định toàn bộ quá trình đóng thầu, mở gói thầu là hoàn toàn phù hợp theo quy định và một số điểm của luật đấu thầu. Do đó, kiến nghị của Công ty Anh Sơn là hoàn toàn không có cơ sở để giải quyết.

Bức xúc về trước công văn trả lời của Sở VHTT&DL tỉnh Sơn La, bà Phạm Thị Ngọc Phượng cho rằng lãnh đạo Sở này đã cố tình bao che sai phạm cho tổ chấm thầu; báo cáo không trung thực đối với cấp trên và cơ quan chức năng có liên quan nên vị nữ Tổng Giám đốc tiếp tục làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng tỉnh Sơn La và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu (C03 Bộ Công an) đề nghị cơ quan điều tra này vào cuộc điều tra làm rõ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về việc ông Nguyễn Như Cầu yêu cầu Nhà báo phải thực hiện 4 cam kết: không ghi âm, quay phim, chụp ảnh, phải cho xem bài báo trước khi đăng tải (không phải bài phỏng vấn) rồi mới làm việc.

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là hành vi cản trở phóng viên, Nhà báo hoạt động tác nghiệp đã được quy định trong luật báo chí.

"Ngoài việc vi phạm quy định trong luật báo chí, qua hành vi yêu cầu phóng viên, Nhà báo phải thực hiện đủ 4 cam kết của ông Nguyễn Như Cầu rồi mới làm việc, đã nói lên thái độ "cửa quyền" hách dịch của vị lãnh đạo này. Đồng thời hành vi này đã đi ngược lại với yêu cầu cải cách hành chính đang được Chính phủ thực hiện", Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến phân tích.

Đối với hành vi cản trở phóng viên, Nhà báo tác nghiệp có thể bị xử lí được quy định Nghị định 159, Điều 7 về Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí, ghi rõ:

Khoản 1, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.

Khoản 2, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.

Khoản 3, phạt tiền đến 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động của nhà báo, phóng viên; Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

Với Nghị định mới này, Nhà nước đã nâng cao biện pháp bảo vệ nhà báo, đồng thời công nhận và bảo vệ lực lượng phóng viên tác nghiệp báo chí chưa có thẻ nhà báo trong hoạt động báo chí.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.

Tuấn Hợp