Sự thật nào vụ đất lâm nghiệp của dân bị tố “bỗng dưng” biến thành của doanh nghiệp?

(Dân trí) - Sau khi Báo Dân trí thông tin việc gia đình ông Đinh Công Phượng ở xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) bức xúc phản ánh trong bản đồ địa chính đất rừng trên địa bàn xã Phúc Tiến lại thể hiện khu đồi rừng của gia đình ông đang sử dụng và khai thác từ nhiều đời nay lại là đất của doanh nghiệp, các bên liên quan đã lên tiếng.

Doanh nghiệp khẳng định chủ quyền với đất rừng

Sau khi Báo Dân trí thông tin sự việc, Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình đã có văn bản hồi âm thông tin quan điểm của mình.

Doanh nghiệp này cho rằng: Theo quyết định số 02 QĐ/UB ngày 12/12/1986, UBND huyện Kỳ Sơn giao Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình quản lý 5.542,0 ha rừng.  Năm 2013, doanh nghiệp được UBND tỉnh Hòa Bình cho thuê tại huyện Kỳ Sơn là 1.663,78 ha rừng tại Quyết định số 2924/QĐ-UBND ngày 09/12/2013.

Công ty Lâm nghiệp Hoà Bình cho rằng trong diện tích được thuê bao gồm có cả diện tích nhà ông Đinh Công Phượng đang chiếm giữ trái phép tại xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn.

IMG_20181118_163013.jpg
IMG_20190119_155427.jpg

Công ty Lâm nghiệp Hoà Bình cho rằng là đất rừng tranh chấp thuộc quản lý của mình.

 

Giai đoạn năm 2000 - 2001, hộ Ông Đinh Công phượng có đơn xin nhận trồng rừng với Xí nghiệp Lâm nghiệp Kỳ Sơn (nay là Đội LN Kỳ Sơn- trực thuộc Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình). Cụ thể, năm 2000 với diện tích nghiệm thu trồng rừng là 19,7 ha; năm 2001 diện tích là 14,9 ha.

Năm 2007, Xí nghiệp Lâm nghiệp Kỳ Sơn và chủ hộ ông Đinh Công phượng đã thanh lý các hợp đồng, trong bản thanh lý có nêu rõ gia đình ông Đinh Công Phượng trả lại diện tích trồng rừng, kết thúc hợp đồng giao khoán để Xí nghiệp tổ chức trồng rừng kế hoạch năm 2007. Tuy nhiên gia đình ông Đinh Công Phượng đến nay vẫn không bàn giao và cũng không ký hợp đồng với Công ty Lâm nghiệp.

Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình cho rằng có đủ cơ sở pháp lý để khẳng định diện tích đất hộ ông Đinh Công Phượng đang chiếm giữ trái phép là đất thuộc quyền quản lý của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình.

Chính quyền địa phương lại kiến nghị thu hồi đất chồng lấn giao cho dân

Như Dân trí đã thông tin, tháng 11/2013, gia đình ông Đinh Công Phượng bất bình khi nghe tin trong bản đổ địa chính đất rừng trên địa bàn xã Phúc Tiến thể hiện khu đồi rừng của gia đình ông sử dụng và khai thác từ nhiều đời nay tại khu vực Đồi Lủ lại là đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình.

Cũng từ năm 2013, Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình liên tục đòi đất và đã nhiều lần người của công ty và gia đình ông Phượng xảy ra cãi vã và xô xát gây trật tự ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phúc Tiến xác nhận với PV Dân trí: “Khu đồi rừng đang xảy ra tranh chấp, gia đình ông Đinh Công Phượng đã và đang trồng mầu, trồng rừng khai thác sử dụng hiệu quả từ nhiều năm nay.

IMG_20181118_163013.jpg

Người dân bất bình vì đang trồng cây, sử dụng hiệu quả đất rừng.

 

Ông chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Hiện nay, trên địa bàn xã Phúc Tiến, Công ty Lâm nghiệp được UBND tỉnh cho thuê 117 ha đất lâm nghiệp. Thế nhưng, thực tế từ nhiều năm nay, công ty không quản lý khai thác được, trong khi đó, người dân xã Phúc Tiến lại cần đất để canh tác trồng rừng tạo công ăn việc làm đảm bảo cuộc sống. Đây là một nghịch lý cần được tháo gỡ.

Từ vụ việc của gia đình ông Đinh Công Phượng, xã Phúc Tiến sẽ tham mưu đề xuất lên lên UBND huyện Kỳ Sơn đề nghị được thu hồi những phần đất dã giao cho Công ty Lâm nghiệp nhưng không còn phù hợp, thu những khu đất mà lâm nghiệp không quản lý nổi đề giao cho UBND xã quản lý, xã lại giao cho các hộ gia đình ở địa phương có nhu cầu sử dụng đất và các hộ đang trực tiếp quản lý khai thác để người dân ổn định, yên tâm canh tác lâu dài.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Văn  Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Trong diện tích đất lâm nghiệp được UBND tỉnh Hòa Bình giao cho Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình thuê theo theo Quyết định số 2924/QĐ – UBND ban hành ngày 09/12/2013, trong thực tế, phần diện tích đất giao cho Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình thuê có những nơi còn chồng lần lên phần đất đã được UBND huyên Kỳ Sơn và UBND các xã trước kia đã giao cho các hộ dân quản lý sử dụng. Trong đó có trường hợp của gia đình ông Đinh Công Phượng.

Mặt khác, đa phần các diện tích đất chồng lấn này đang được các hộ dân sử dụng, tại các khu đất này đều có các công trình, ao, hồ vườn trại, cây cối của các hộ tạo dựng lên, đặc biệt người dân sử dụng, khai thác rất hiệu quả.

Đến nay, thực tế các phần đất này Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình vẫn không quản lý được, bởi người dân không chịu bàn giao cho Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình.

Vụ việc chanh chấp do giao đất chồng lấn, quan điểm của UBND huyện Kỳ Sơn sẽ rà soát lại, đề xuất với UBND tỉnh Hòa Bình xem những phần đất ở các xã trong huyện đã giao chồng lấn, phần đất mà Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình không quản lý được, hoặc khai thác không có hiệu quả thì thu hồi lại, giao cho huyện Kỳ Sơn phối hợp với các xã xây dựng phương án giao đất cho các hộ dân, đưa vào sản xuất để có hiệu quả, phát huy được giá trị tài nguyên đất, chấm dứt được những vụ kiện kéo dài phức tạp không đáng có, ổn định an ninh chính trị ở địa phương.

Ông Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết thêm: Ngày 27/12/2018, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức cuộc họp do đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang chủ trì. Cuộc họp bàn về quản lý sử dụng đất nông nghiệp, lâm trường trên toàn tỉnh Hòa Bình. Đại diện UBND huyên Kỳ Sơn, ông Hoàng Văn Minh, được mời tham dự. Tại cuộc họp, ông Minh đã báo cáo và đề xuất tình trang đất Lâm nghiệp ở trên địa bàn huyện Kỳ Sơn như nội dung đã nêu ở trên. 

Đàm Quang