Sóc Trăng: Tại sao trung tâm thương mại thị xã miền biển lại "vắng hoe vắng hắt"?

(Dân trí) - Đã nhiều tháng qua, hàng trăm tiểu thương và người dân ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) phản ứng cách làm sai của Công ty Cổ phần Tổng Kỳ Hòa (Cty Tổng Kỳ Hòa, trụ sở tại phường 1, Vĩnh Châu) dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường tại Trung tâm thương mại có vốn đầu tư 350 tỷ đồng bằng cách không di dời vào chỗ mua bán mới.

Trung tâm thương mại thị xã Vĩnh Châu.
Trung tâm thương mại thị xã Vĩnh Châu.

Theo phản ánh của tiểu thương, dự án xây dựng Trung tâm thương mại thị xã Vĩnh Châu (Trung tâm thương mại) được UBND tỉnh Sóc Trăng chấp thuận phương án kêu gọi đầu tư từ năm 2013 trên diện tích gần 6 ha tại phường 1 (thị xã Vĩnh Châu).

Theo phương án kêu gọi đầu tư, UBND thị xã Vĩnh Châu giao đất cho doanh nghiệp, thu tiền sử dụng đất trên 24 tỷ đồng; đồng thời, cũng có trách nhiệm cùng Sở Xây dựng Sóc Trăng hướng dẫn chủ đầu tư lập các thủ tục về xây dựng nhà ở và di dời chợ cũ sang Trung tâm thương mại. Tuy nhiên, khi tổ chức di dời chợ thì nhiều hộ tiểu thương phản ứng do việc xây dựng của nhà đầu tư không phù hợp.

Ki-ốt xây trên bờ kè sai thiết kế.
Ki-ốt xây trên bờ kè sai thiết kế.

Theo ông Lâm Văn Lợi và vợ là bà Huỳnh Thị Thu Vân, gia đình này có ki-ốt bán thịt heo ổn định 20 năm ở chợ Vĩnh Châu. Hiện, chính quyền địa phương yêu cầu di dời vào Trung tâm thương mại là nơi có địa điểm không thuận lợi, sát bờ kè, không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ông Lợi cho biết: “Cơ sở vật chất ở điểm kinh doanh mới chỉ là mái tôn tạm bợ, xung quanh không có gì che chắn, khó dự trữ và bảo quản đồ đạc vào ban đêm. Chỗ kinh doanh mới mỗi ô chỉ rộng 1,8m có giá cho thuê 500.000 đồng/tháng, buôn bán lớn như tôi phải thuê 4 ô, trong khi chỗ cũ mỗi tháng chỉ đóng thuế 300.000 đồng”.

Còn ông Lê Hon (phường 1, thị xã Vĩnh Châu) bức xúc: “Tôi bán rau cải ổn định từ năm 1992 ở chợ cũ. Nay dời qua chợ mới được bố trí địa điểm ngoài trời gần mé sông là không phù hợp, cần phải được vào ki-ốt”.

Không vào thuê quầy, người dân buôn bán tại nhà và lề đường.
Không vào thuê quầy, người dân buôn bán tại nhà và lề đường.

Không chỉ biến bờ kè ven sông Trà Niên thành nơi kinh doanh thịt gia súc, Cty Tổng Kỳ Hòa còn bị “tố” đã “qua mặt” chính quyền địa phương để bán nền nhà đường 1/5 - tuyến chính vào Trung tâm thương mại.

Theo hợp đồng “góp vốn xây nhà ở” do ông Phạm Văn Són (Giám đốc Cty Tổng Kỳ Hòa) ký với người dân thì giá “khoán gọn” là 2,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, doanh nghiệp thu của người mua nền nhà là 13 triệu đồng/m2.

Theo một người dân, bà con mua nền trên 83m2, nhưng hợp đồng ghi là xây nhà 1 trệt, 2 lầu. Giá theo hợp đồng thì giai đoạn 1 chỉ nộp 209,2 triệu đồng nhưng thực tế người dân đã nộp cho Cty Tổng Kỳ Hòa trên 1 tỷ đồng.

Chính vì doanh nghiệp bán nền nên nhiều người đã tự ý xây dựng sai quy cách, phá vỡ quy hoạch. Tuyến đường 1/5 theo quy định 1 trệt, 2 lầu nhưng hiện nay có nhà 1 trệt, 1 lầu hoặc nhà trệt.

Các ki-ốt bán thịt vắng lặng.
Các ki-ốt bán thịt vắng lặng.
Nhiều ki-ốt đóng cửa.
Nhiều ki-ốt đóng cửa.

Theo ông Dương Quốc Việt- Giám đốc Sở Xây dựng Sóc Trăng, qua kiểm tra đã phát hiện rất nhiều sai phạm tại dự án Trung tâm thương mại. Theo đó, Cty Tổng Kỳ Hòa đã xây dựng nhà ở theo từng căn riêng lẻ, quy mô không đồng bộ về số tầng, số tầng không đúng với quy hoạch được phê duyệt. Nhà đầu tư tự ý xây dựng 128 ki-ốt, lô sạp tiền chế trên bờ kè trong dự án tại bờ sông Vĩnh Châu.

Đồng thời, công ty này còn kinh doanh nhà ở dưới hình thức huy động vốn theo hình thức bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đáp ứng điều kiện kinh doanh bất động sản.

Khu chợ cũ đã bị san phẳng.
Khu chợ cũ đã bị san phẳng.

Trao đổi với báo chí vào giữa năm 2017, ông Trần Hoàng Thắng- Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, địa phương đã báo cáo với UBND tỉnh Sóc Trăng về những sai phạm của Cty Tổng Kỳ Hòa.

Cụ thể, doanh nghiệp không xây thô và hoàn chỉnh mặt tiền khu nhà phố thương mại để kinh doanh mà phân lô bán nền; công ty tự ý xây ki-ốt trên bờ kè để cho tiểu thương bán thịt gia súc, trong khi quy hoạch khu vực này là trồng cây xanh để tạo mỹ quan đô thị.

Theo ông Thắng, doanh nghiệp giải thích rằng phân lô bán nền là để huy động vốn; còn xây ki-ốt ven bờ kè để bán thịt là do trong Trung tâm thương mại chỉ có 232 lô sạp, nhưng có đến 319 hộ đăng ký kinh doanh nên phải xây thêm.

Khi chúng tôi đặt vấn đề vì sao doanh nghiệp để xảy ra nhiều sai phạm theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”, thì Chủ tịch thị xã Vĩnh Châu cho rằng, quan điểm của địa phương là tạo thông thoáng cho nhà đầu tư vì nhiều năm qua Vĩnh Châu chưa thu hút được dự án nào.

Nhiều khu đất phân lô bán nền.
Nhiều khu đất phân lô bán nền.

Phản ứng lại lập luận của lãnh đạo thị xã Vĩnh Châu, một tiểu thương nói: “Chúng tôi thuê ki-ốt ven bờ kè để bán thịt mà sau này đập bỏ thì biết di dời vào đâu. Làm kiểu này chẳng khác nào mang con bỏ chợ, chỉ có người dân là thiệt thòi”.

Đặc biệt, tiểu thương ở Trung tâm thương mại đã nhiều lần ảnh ánh về những bất cập của khu chợ dựng trên bờ kè. Trước những phản ánh này, ông Trần Hoàng Thắng thừa nhận chủ đầu tư Trung tâm thương mại thị xã Vĩnh Châu xây chợ trên bờ kè là sai với thiết kế ban đầu.

Trong một lần đối thoại với tiểu thương, ông Trần Hoàng Thắng khẳng định, việc dọn sang chợ mới hay ở lại chợ cũ là tùy theo sự lựa chọn của tiểu thương, chính quyền sẽ không ép buộc. Vì thế, các tiểu thương đã đồng thuận với kết luận này.

Thế nhưng, bà Trịnh Thị Thu Vân (tiểu thương) bức xúc: “Gia đình tôi bán thịt heo đã trên 30 năm ở tại nhà (khu vực chợ trung tâm cũ) không thuộc diện phải giải tỏa di dời nhưng chính quyền vẫn buộc tôi vào thuê sạp ở trong Trung tâm thương mại mới xây dựng. Khi tôi yêu cầu phải cho tôi chọn sạp buôn bán và sạp phải có diện tích rộng, phải đủ điện nước thì chính quyền không đồng ý nên tôi không vào. Để ép tôi, họ cho công an chặn đường không cho khách quen của tôi chạy xe vào sạp của tôi mua hàng khiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn”.

Không chỉ bà Vân, nhiều hộ khác cũng rơi vào cảnh như vậy. Tiêu biểu như hộ ông Lâm Thanh Sơn, vốn có nhà đất, kinh doanh ổn định ở chợ trung tâm cũ, cũng bị buộc di dời nhưng ông không đồng ý. Kết quả, gia đình ông bị tổ chức cưỡng chế tháo dỡ vào lúc nửa đêm.

Nhiều căn nhà đang xây dựng.
Nhiều căn nhà đang xây dựng.

Trong ngày 2-3/7, chúng tôi trở lại Trung tâm thương mại thì thấy các dãy ki-ốt vắng hoe, chỉ có một khu mua bán khá đông, còn lại “sôi động” nhất là… xây dựng nhà ở. Còn Trung tâm thương mại (chợ nhà lồng cũ) đã bị san phẳng trong sự nuối tiếc của khoảng 200 tiểu thương đã từng kinh doanh ổn định ở đây từ mấy chục năm qua.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hàn Văn Hóa- Chủ tịch UBND phường 1 (thị xã Vĩnh Châu) cho rằng: “Không phải cưỡng chế mà chỉ là tháo dỡ phần lấn chiếm lòng lề đường. Bà con nói cưỡng chế vào ban đêm là không đúng mà là do lực lượng làm suốt từ chiều cho đến khi xong việc là vào quá nửa đêm. Còn chợ nhà lồng cũ đã đập xong, chuẩn bị trải thảm nhựa”.

Chúng tôi đến Văn phòng UBND thị xã Vĩnh Châu trình bày nội dung thì được một nam nhân viên đưa đẩy: “Vụ này do Phòng Kinh tế tham mưu cho ủy ban. Vậy các anh đến đó để được trả lời”. Tuy nhiên, khi đến Phòng Kinh tế liên hệ với ông Lê Minh Trưởng (Trưởng phòng) qua điện thoại thì ông này nói “Tôi đang bận”.

Người dân cũng như tiểu thương ở Vĩnh Châu rất mong chính quyền và ngành chức năng khẩn trương giải quyết dứt điểm vụ việc, trả lại bình yên cuộc sống và sản xuất kinh doanh cho bà con ở thị xã miền biển này.

Bạch Dương