Sóc Trăng: Nhiều công trình ở trường Cao đẳng cộng đồng không phát huy hiệu quả

(Dân trí) - Theo phản ánh của nhiều cán bộ, giảng viên của trường Cao đẳng cộng đồng (CĐCĐ) tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, lãnh đạo trường này đã đầu hàng tỷ đồng để xây dựng nhiều công trình nhưng không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn cho ngân sách.

Cụ thể, trường đầu tư khoảng 500 triệu đồng xây dựng nhà thi đấu đa năng, nhưng chỉ sử dụng được cho môn bóng bàn với vài bàn cho môn thể thao này nhưng rất ít người chơi, nên hiện nay gần như… đóng cửa.

Trường đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng 3 sân bi sắt (pétanque) nhưng hầu như rất ít người chơi, còn trường mỗi năm chỉ tổ chức được khoảng từ 1-2 lần cho sinh viên nên hiện nay 3 sân chơi bi sắt này cũng bỏ không.

Nhà thi đấu đa năng chỉ trơ trọi mấy bàn đánh bóng bàn.
Nhà thi đấu đa năng chỉ trơ trọi mấy bàn đánh bóng bàn.

Dù trường không có khu nội trú nhưng lãnh đạo trường cũng đầu tư 50 triệu đồng xây bếp ăn khá… quy mô, nhưng mỗi năm chỉ sử dụng được ít lần vào các ngày lễ, giao lưu, sinh hoạt tập thể cho cán bộ, giáo viên của trường. Hiện nay, nhà ăn này “vắng như chùa bà Đanh”.

Với lý do để phục vụ cho giáo viên thỉnh giảng, trường này cho xây dựng hàng chục phòng nghỉ với kinh phí hàng trăm triệu đồng, nhưng hiện nay không có người ở nên lãnh đạo trường cho sinh viên cao học thuê nghỉ ngắn hạn.

Ngoài ra, trường cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm trang thiết bị dạy học mà theo nhiều giảng viên thì quá lãng phí và không khoa học. Cụ thể, trường mua bảng Active board trị giá trên 100 triệu đồng, bảng này không phù hợp đối với môi trường cao đẳng, đại học và hiện giờ không có giáo viên nào sử dụng. Cấp trưởng phòng của trường được mua cho mỗi người một chiếc máy tính bảng và máy tính xách tay.

Bếp ăn của trường chỉ vào những ngày lễ, giao lưu mới sử dụng.
Bếp ăn của trường chỉ vào những ngày lễ, giao lưu mới sử dụng.

Trao đổi với PV về những phản ánh trên, ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Hiệu trưởng trường CĐCĐ tỉnh Sóc Trăng thừa nhận: "Đúng là trường có xây dựng các công trình như phản ánh và nay hoạt động không hết công suất là có thật".

Ông Tâm lý giải, nhà thi đấu đa năng trước đây còn sinh viên nhiều thì học thể dục đều đưa vào đó; ngoài ra còn là sân chơi cầu lông cho các em sinh viên chứ không phải chỉ có môn bóng bàn. Tuy nhiên, vài năm gần đây, số lượng sinh viên tuyển vào bị thu hẹp nên không hoạt động xôm tụ như trước. Còn sân bi sắt cũng tương tự như vậy.

Riêng về bếp ăn, do trường thường tổ chức các hoạt động giao lưu vào các ngày lễ nên cũng tổ chức liên hoan. Nhận thấy đặt món ăn ở bên ngoài vừa tốn kém lại vừa không đảm bảo vệ sinh nên nhà trường xây bếp ăn để tự phục vụ cho tiện.

Khu nhà nghỉ cho giảng viên thỉnh giảng cũng trống trơn.
Khu nhà nghỉ cho giảng viên thỉnh giảng cũng trống trơn.

Với nhà nghỉ cho giáo viên thỉnh giảng theo ông Tâm là phải có, bởi hàng năm trường phải thỉnh giảng giáo viên từ các tỉnh, TP về giảng dạy, nhất là ở Hà Nội và TPHCM.

“Nếu đi thuê khách sạn cho thầy, cô ở thì lãng phí nên phải xây trong khu vực trường để bố trí chỗ ở cho thầy, cô. Trước đây, một phòng bố trí từ 2-3 giường nhưng thầy, cô là người lớn tuổi, ít chịu ở chung phòng nên trường phải xây thêm nhiều phòng để bố trí mỗi người ở một phòng. Cũng vì quy mô sinh viên thu hẹp nên không còn thỉnh giảng giáo viên. Vì vậy, phòng để trống cũng lãng phí nên chúng tôi cho sinh viên cao học thuê nghỉ trong thời gian họ đi học để thu tiền chi phí cho công tác bảo quản, chi trả tiền điện nước cho khu nhà này”, ông Tâm phân trần.

Bạch Dương