Sóc Trăng: Doanh nghiệp tự trồng trụ điện kéo qua vườn cây ăn trái của dân

(Dân trí) - Một doanh nghiệp tự trồng nhiều trụ điện để kéo điện phục vụ vùng nuôi cá tra của mình đi qua vườn trồng cây ăn trái của người dân nhưng không thỏa thuận, không bồi thường thiệt hại nên bị khiếu nại.

Những ngày vừa qua, nhiều hộ dân ở khu vực Cồn Bùn (ấp Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) khiếu nại đến các cơ quan chức năng yêu cầu can thiệp việc Công ty Biển Đông tự “trồng” nhiều trụ điện để kéo điện 3 pha phục vụ vùng nuôi cá tra của doanh nghiệp này.

Điều đáng nói, đường dây điện đã đi qua đất vườn của các hộ dân nhưng không bồi thường giá trị đất đai, hoa màu và cây ăn trái ở khu vực bị ảnh hưởng lưới điện.

Theo phản ánh, đầu tháng 2/2020, UBND xã Nhơn Mỹ kết hợp cùng điện lực Kế Sách tổ chức họp dân để thông tin về việc triển khai lưới điện phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Biển Đông, đồng thời cho bà con biết dự án này không bồi thường gì cho những hộ có lưới điện đi qua.

Khi nghe thông tin này, người dân không đồng ý mà yêu cầu UBND xã cùng điện lực Kế Sách phải cung cấp đầy đủ thông tin về dự án kéo điện này, như: Quyết định của cấp có thẩm quyền thi công công trình, phương án thu hồi đất, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng… để trên cơ sở đó nhân dân cùng hợp tác.

Tuy nhiên, đại diện UBND xã và cán bộ điện lực Kế Sách không cung cấp được mà chỉ trả lời ngắn gọn là “công trình này không bồi thường”.

Sóc Trăng: Doanh nghiệp tự trồng trụ điện kéo qua vườn cây ăn trái của dân - 1

Đơn khiếu nại của các hộ dân.

Ông Trần Anh Văn (người dân có đất và cây ăn trái dưới lưới điện) cho biết, mặc dù người dân phản đối việc không bồi thường nhưng đơn vị thi công vẫn đào hố dựng trụ bê-tông ngay trên đất của người dân.

“Khi nghe tin đơn vị thi công đào hố để dựng trụ điện, tôi ngăn cản thì đơn vị thi công đào bên đất hàng xóm. Bà con chúng tôi phản ứng thì lãnh đạo điện lực huyện nói muốn thưa thì cứ đi thưa”, ông Văn bức xúc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Nam - Giám đốc điện lực huyện Kế Sách, nói: “Khi triển khai, doanh nghiệp có phối hợp với điện lực và xã để mời dân thông qua dự án của doanh nghiệp và cho bà con biết dự án này của doanh nghiệp chứ không phải của nhà nước.

Việc trồng các trụ điện trên đất vườn của người dân là có nhưng không phải trồng trụ mới hoàn toàn mà chủ yếu là trồng đúng vị trí cột điện hạ thế có sẵn trước đây, chỉ có một số trụ mới là trồng ở vị trí mới trên đất của người dân. Trước khi thi công dự án này, doanh nghiệp cho biết là sau khi làm xong họ sẽ bàn giao cho ngành điện lực khai thác.

Doanh nghiệp cũng lắp trạm trung thế để sau này ngành điện khỏi đầu tư. Thấy việc này rất có lợi cho địa phương về sau không tốn tiền đầu tư đường dây điện và trạm điện trung thế nên ngành điện phối hợp với UBND xã vận động các hộ dân ủng hộ. Doanh nghiệp họ đầu tư khoảng một tỷ đồng để thực hiện dự án này”.

Theo ông Nam, ban đầu chỉ có một hộ dân đòi bồi thường, nhưng khi dựng trụ điện gần xong thì có người “xúi” nên mới có danh sách 15 hộ đòi thưa.

“Hôm đó, Chủ tịch UBND xã có dự họp, tôi nói mấy anh thưa thì tôi không biết sao vì thưa là quyền công dân. Tôi đã phân tích cho bà con thấy được cái lợi cho dân trong khu vực nhưng bà con cứ đòi bồi hoàn. Doanh nghiệp nói trong quá trình thi công nếu có hư hỏng cây cối thì bồi hoàn theo đơn giá của tỉnh.

Nói thật là nếu sau này ngành điện thực hiện dự án kéo đường dây trung thế thì thực hiện bồi thường cho bà con nhưng không bao nhiêu tiền vì mỗi trụ điện có mấy mét vuông thôi”, ông Nam nói.

Sóc Trăng: Doanh nghiệp tự trồng trụ điện kéo qua vườn cây ăn trái của dân - 2

Doanh nghiệp kéo điện qua vườn cây ăn trái của người dân. Người dân cho rằng là có ảnh hưởng.

Liên hệ với cán bộ có trách nhiệm ở điện lực Sóc Trăng thì đại diện đơn vị này khẳng định: “Dự án đó là của doanh nghiệp thuê một đơn vị khác trồng trụ điện, kéo dây ngang đất của bà con chứ không phải do ngành điện lực thực hiện. Việc làm đó là không đúng rồi. Họ hợp đồng với thầu bên ngoài thi công và kéo phục vụ sản xuất của họ thì họ phải có trách nhiệm thỏa thuận, bồi hoàn cho người dân”.

Chúng tôi liên hệ với ông Lê Vũ Đức- Chủ tịch UBND huyện Kế Sách, thì ông Đức cho biết: “Chúng tôi cũng đã nghe thông tin và đang giao cho một Phó Chủ tịch UBND huyện giải quyết”.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

D.B