Sóc Trăng: Cơ quan chức năng ỡm ờ, hậu quả dân lãnh đủ!

(Dân trí) - Thời gian qua, một số hộ dân kinh doanh vận tải hành khách qua sông thuộc địa bàn các huyện Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) bị thiệt thòi rất nặng, mà nguyên nhân chính là sự ỡm ờ, bất nhất của cơ quan có thẩm quyền ở địa phương.

Dân kêu cứu, chính quyền đứng ngoài cuộc

Ông Hứa Văn Lến (ngụ xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, người khai thác bến phà khách ngang sông Hậu từ huyện Kế Sách qua huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) phản ánh: Năm 2005, ông Lến và ông Ngô Văn Chót (ngụ tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) cùng đầu tư khai thác việc đưa khách qua sông từ Sóc Trăng sang Trà Vinh, được UBND huyện Kế Sách (Sóc Trăng) và UBND huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cấp giấy phép.

Theo thỏa thuận, ông Chót chịu trách nhiệm đầu tư và làm chủ sở hữu bến bờ Cầu Kè (Trà Vinh), ông Lến chịu bến bờ Kế Sách (Sóc Trăng), hoạt động theo hình thức đối lưu.

Giữa tháng 4/2011, hợp đồng thuê bến của mình chấm dứt, chủ đất không cho thuê nên ông Lến đã thuê đất của một người dân khác cách bến cũ khoảng 50m mở bến mới và được cấp giấy phép.

Tuy nhiên, sau đó, ông Chót lại thuê đất nơi bến cũ và cũng được UBND huyện Kế Sách cấp phép. Việc cấp phép mở bến cho ông Chót bị người dân phản ứng vì gây khó khăn cho người dân và cho ông Lến. Vì vậy, Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) tỉnh Sóc Trăng đã khảo sát và có công văn gửi UBND huyện Kế Sách với nội dung: “Đề nghị UBND huyện Kế Sách chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cần nghiên cứu trong việc tổ chức quản lý hoạt động bến khách ngang sông Trà Ếch - Đường Đức theo hướng hợp nhất 2 bến, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho hành khách qua lại”.

Ngày 20/6/2013, Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng và UBND huyện Kế Sách họp với ông Lến và ông Chót, thống nhất sáp nhập vào một bến do ông Lến chịu trách nhiệm thuê đất và ông Chót cũng đồng ý. Sau đó, UBND huyện Kế Sách không cấp phép hoạt động cho bến của ông Chót. Tuy nhiên, ông Chót lại làm ngược khi vẫn tiếp tục sử dụng bến không được cấp phép hoạt động.

Tiếp đó, ngày 21/5/2014, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kế Sách đã họp với ông Ngô Văn Chót và ông Hứa Văn Lến, để triển khai ý kiến của Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng và UBND huyện Kế Sách là “Thống nhất mở một bến tại vị trí bến do ông Hứa Văn Lến đầu tư xây dựng để quản lý cho tốt”. Đồng thời, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kế Sách cũng tham mưu UBND huyện không cấp phép mở bến cho ông Ngô Văn Chót ở phía bờ Sóc Trăng.

Thế nhưng, việc hợp nhất bến vẫn không thành do ông Ngô Văn Chót chây ì không chịu đưa phà của mình vào hoạt động tại bến của ông Lến mà tiếp tục đưa đón khách ở bến không được cấp phép cho đến tận bây giờ, mà không một cơ quan nào xử lý.

Bến phà không phép của ông Ngô Văn Chót vẫn ngang nhiên hoạt động trước sự bất lực của cơ quan chức năng.
Bến phà không phép của ông Ngô Văn Chót vẫn ngang nhiên hoạt động trước sự "bất lực" của cơ quan chức năng.

Theo trình bày của ông Lến, khi ông Chót chưa bị xử lý với hành vi hoạt động tại bến không phép, thì ông này có tác động với gia đình ông Lê Công Dũng (người cho ông Lến thuê đất mở bến đến năm 2021 hết hợp đồng) “bẻ kèo” kiện ông Lến ra tòa yêu cầu hủy hợp đồng cho thuê đất, để ông Chót hợp thức hóa việc không sáp nhập bến và độc quyền khai thác bến do ông thuê. Tuy nhiên, tại 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Lê Công Dũng bị tòa bác yêu cầu khởi kiện vì không có cơ sở để chấp nhận.

Mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng ông Lê Công Dũng tiếp tục thực hiện hành vi cản trở việc thực hiện quyền sử dụng đất của ông Hứa Văn Lến khi ông này liên tục có hành vi vi phạm pháp luật, ngăn cản các hoạt động liên quan đến việc kinh doanh vận tải hành khách qua sông, không cho ông Lến sửa chữa đường dẫn lên xuống phà do bị hư hỏng.

Bị ông Dũng ngăn cản, ông Lến khởi kiện ra tòa án. Qua 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, tòa tuyên buộc ông Dũng phải chấm dứt hành vi cản trở ông Hứa Văn Lến sửa chữa đoạn đường dẫn lên xuống phà trên phần đất ông Lến thuê của ông Dũng.

Lại thêm một lần nữa, ông Lê Công Dũng vẫn ngang nhiên ngăn cản việc thực hiện quyền sử dụng đất của ông Lến khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ông Lến gặp khó khăn, thiệt hại rất nhiều. Điều đáng nói, khi bị ông Dũng ngăn cản, ông Lến trình báo với chính quyền địa phương nhưng đều không được can thiệp.

Ông Hứa Văn Lến nói: “Tôi làm ăn hợp pháp, được pháp luật bảo hộ nhưng khi bị ông Ngô Văn Chót và ông Lê Công Dũng gây khó khăn, dù tôi đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi từ xã, huyện cho tới tỉnh nhưng đều không được giải quyết. Với kiểu hành xử này, tôi thấy làm ăn lương thiện, chân chính sao khó quá. Tôi gửi đơn đến Ban Nội chính tỉnh thì nơi đây hướng dẫn tôi đến các cơ quan chức năng khác. Không biết bao giờ các cấp thẩm quyền mới giải quyết cho tôi để tôi yên tâm làm ăn”.

Cho một đường, làm một nẻo

Với trường hợp bà Lê Thị Lệ Thủy (ngụ ấp Hòa Hinh, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) còn oái oăm hơn. Năm 2012, ông Nguyễn Văn Út (ngụ phường 4, TP Sóc Trăng) xin phép các cơ quan chức năng của huyện Long Phú và Cù Lao Dung cũng như Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng mở bến phà đưa khách ngang sông từ Rạch Mười Chiến thuộc xã Long Phú (huyện Long Phú) sang Vàm Rạch Lớn thuộc xã Đại Ân 1 (huyện Cù Lao Dung) và ngược lại. Đơn của ông Út được UBND xã Đại Ân 1 và UBND xã Long Phú xác nhận đủ điều kiện mở bến.

Ngày 25/6/2012, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Long Phú có công văn gửi Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng, xin chủ trương vị trí đấu nối vào quốc lộ Nam Sông Hậu để mở bến khách ngang sông tại vị trí ông Út xin mở bến và được Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng chấp thuận bằng văn bản ngày 20/7/2012. Có được những thủ tục ban đầu này, ông Nguyễn Văn Út tiến hành đầu tư xây dựng bến.

Tuy nhiên, giữa lúc đang tiến hành xây dựng, vì lý do riêng, ông Nguyễn Văn Út không thể tiếp tục thực hiện xây dựng, nên đã ủy quyền lại cho bà Lê Thị Lệ Thủy tiếp tục thực hiện xây dựng bến. Việc ủy quyền được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật tại Văn phòng công chứng Thanh Dũng (phường 8, TP Sóc Trăng).

Người dân Cù Lao Dung rất cần, nhưng phà bỏ không vì không được cấp phép.
Người dân Cù Lao Dung rất cần, nhưng phà bỏ không vì không được cấp phép.

Sau khi bà Lê Thị Lệ Thủy tiếp nhận công trình do ông Út ủy quyền, thì liên tục gặp rắc rối từ phía chính quyền và Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng. Cụ thể, khi bà Thủy làm đơn xin cấp phép mở bến đều được UBND các xã Long Phú và Đại Ân 1 xác nhận và chuyển về Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện Long Phú và Cù Lao Dung cùng Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng xem xét, giải quyết.

Ngày 18/12/2014, ông Trần Bé Tư (Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung) có công văn trà lời bà Thủy với nội dung “Vị trí xin mở bến và vị trí bến khách Đại Ân 1 (đã có từ nhiều năm trước- PV) có khoảng cách tương đương 3 km sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác kinh doanh vận tải của 2 bến. Hiện tại, bến Đại Ân 1 (bến có trước) đã đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và đảm bảo an toàn giao thông. Không cần thiết mở thêm bến Vàm Rạch Lớn”.

Còn UBND huyện Long Phú cũng trả lời là “thống nhất với huyện Cù Lao Dung”. Ngoài ra, huyện Long Phú cũng cho biết, “vị trí đấu nối đường dẫn của bến vào quốc lộ Nam Sông Hậu không nằm trong vị trí quy hoạch đấu nối của UBND tỉnh thỏa thuận với Bộ GT-VT”.

Điều trái ngược là tại công văn số 639 ngày 20/7/2012, ông Trần Anh Việt (Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng) khẳng định: “Sở GT-VT đã xem xét và bổ sung vị trí đấu nối đường dẫn từ bến khách ngang sông Mười Chiến - Vàm Rạch Lớn vào quy hoạch đường gom và các điểm đấu nối đường giao thông công cộng vào các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng”.

Ngay việc xác định khoảng cách giữa bến cũ và bến mới do bà Thủy xin mở cũng không thống nhất đã “góp phần” cản trở việc kinh doanh của bà Thủy. Cụ thể, trong văn bản xác nhận khi ông Út xin cấp phép, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cù Lao Dung xác nhận khoảng cách giữa 2 bến là 5 km; còn công văn của UBND huyện Cù Lao Dung lại cho rằng khoảng cách giữa 2 bến tương đương 3 km. Trong khi đó, công văn trả lời cho bà Thủy do Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng ký ngày 25/9/2015 khẳng định khoảng cách giữa 2 bến khoảng 4 km. Không chỉ có như vậy, công văn của Sở GT-VT còn cho rằng, việc xin mở bến khách ngang sông của bà Thủy tại vị trí nêu trên không phù hợp với quy hoạch và không phù hợp với nhu cầu thực tế của huyện Long Phú và huyện Cù Lao Dung”. Từ đó, trong công văn nói trên, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng cũng “khuyên” bà Thủy “tìm vị trí khác phù hợp mở bến”.

Trên thực tế, hàng trăm người dân ở xã Đại Ân 1 lại tha thiết xin được có bến mới tại vị trí mà bà Thủy xin phép. Trong đơn kiến nghị, ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ xã Đại Ân 1) cho biết: “Chúng tôi là dân nghèo, sống bằng làm thuê làm mướn, hàng ngày luôn qua lại trên bến phà Long Phú - Cù Lao Dung. Từ chỗ chúng tôi đến bến phà Đại Ân 1 (bến cũ) phải chạy xe gần một giờ đồng hồ, lại phải chờ phà khá lâu nên ảnh hưởng rất lớn đến công việc cũng như tốn kém hơn. Trong khi đó, nếu đi phà từ Vàm Rạch Lớn sang Long Phú chỉ mất chừng 10-15 phút chạy phà”.

Khi biết bà Thủy đầu tư mở bến tại địa phương mình, nhiều người dân rất phấn khởi vì từ đó sang Long Phú gần hơn rất nhiều so với đi bến cũ. Để tiếp sức cho bà Thủy, một hộ dân ở xã Đại Ân 1 đã cho bà Thủy sử dụng khoảng 800 m2 đất của gia đình mình để làm đường mà không lấy một xu nào. Hiện nay, bà Thủy đã đầu tư khoảng 3 tỷ đồng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển hành khách an toàn nhưng không được Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng cấp phép.

Lý giải việc này, ông Trần Anh Việt- Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: “Theo quy định, khi bà Thủy xin cấp phép mở bến thì phải được sự đồng ý chấp thuận của UBND huyện Cù Lao Dung và huyện Long Phú, bởi nơi đây là nơi cấp phép theo ủy quyền của UBND tỉnh. Còn việc bà Thủy đầu tư xây dựng tốn kém thì bà phải chịu chứ không thể trách chính quyền được”.

Đầu tư tiền tỷ vào xây dựng bến phà, nhưng bà Thủy gánh hậu quả vì không được cấp phép do các cơ quan chức năng bất nhất.
Đầu tư tiền tỷ vào xây dựng bến phà, nhưng bà Thủy gánh hậu quả vì không được cấp phép do các cơ quan chức năng bất nhất.

Bà Lê Thị Lệ Thủy bức xúc: “Khi ông Út xin mở bến, Phòng Kinh tế - Hạ tầng của 2 huyện và Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng đều có văn bản xác nhận “vị trí mở bến không nằm trong khu vực cấm xây dựng, không ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển cơ cấu hạ tầng giao thông giao thông đường thủy nội địa. Thậm chí, Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng còn đề nghị ông Út đầu tư đường dẫn, cầu bến và lắp đặt biển báo hiệu loại C4.6 kết hợp với báo hiệu thông báo phụ loại C5.3 cho 2 đầu bến. Đồng thời, liên hệ với UBND huyện Long Phú và huyện Cù Lao Dung lập thủ tục mở bến. Mọi yêu cầu chúng tôi đã đáp ứng nhưng cuối cùng lại không cho cấp phép. Làm như vậy không khác gì đưa chúng tôi vào chỗ chết”.

Quá nóng ruột vì đã đầu tư khoảng 3 tỷ đồng để mở bến nhưng chờ không thấy cấp phép, cách đây khoảng nửa tháng, bà Lê Thị Lệ Thủy đánh liều hoạt động thì huyện Long Phú cho lực lượng chức năng xuống túc trực tại bến phà, ngăn cản không cho người dân đi phà của bà Thủy mà buộc họ phải đi bến phà của người khác, cách đó khoảng 5 km khiến cho phà của bà Thủy… chết yểu.

Theo nhiều người dân địa phương, việc không cấp phép cho bà Thủy là “có vấn đề”, bởi chính Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản “mở đường” cho ông Út (và sau này là bà Thủy) xây dựng bến phà trong sự chờ đợi của người dân, nhưng sau khi bà Thủy xây dựng xong lại không cấp phép với lý do “không phù hợp”.

Bạch Dương