Sàm sỡ phụ nữ chỉ bị phạt tối đa 300 nghìn đồng là quá bất cập!

(Dân trí) - Vụ việc diễn ra tại tỉnh Khánh Hòa như Dân trí đã đăng tải, người đàn ông bịt mặt trên đường liên tiếp thực hiện những hành vi sàm sỡ với nhiều phụ nữ trong một thời gian dài, gây hoang mang sợ hãi. Luật sư cho rằng hành vi này chỉ phạt hành chính tối đa 300 nghìn đồng là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Vụ việc diễn ra tại tỉnh Khánh Hòa như Dân trí đã đăng tải, trên đường đi làm, T. chạy xe máy, bịt kín mặt, áp sát các xe máy chạy ngược chiều để thực hiện hành vi sàm sỡ với nhiều phụ nữ trong một thời gian dài. Hành vi của T đã gây hoang mang, bất an với người dân trên tuyến đường này, đặc biệt là chị em phụ nữ. Trước hành vi của T, nhiều phụ nữ chỉ biết la hét, hô hoán người dân gần đó.

Nhận xét về sự việc Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Đối với hành vi của T, cần phải xác định luôn đây là hành vi “quấy rối tình dục”. Xét về mặt xã hội, hành vi này hết sức đáng lên án, gây bất bình và hoang mang trong dư luận, đặc biệt là chị em phụ nữ. Tuy nhiên, để xác định xem hành vi của T liệu có bị xử lý hình sự hay không thì phải xem xét kỹ về hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả. Hành vi này có thể hướng tới dấu hiệu của tội Gây rối trật tự công cộng, phá vỡ tình trạng ổn định, có kỷ luật, có tổ chức ở nơi công cộng. Tuy vậy, xét về hành vi thực tế của T, T thực hiện hành vi vào lúc sáng sớm trên đường đi làm. Lúc này là thời gian và địa điểm vắng người, mặt khác, T thực hiện hành vi một cách chớp nhoáng rồi bỏ chạy. Như vậy, xét về mặt hậu quả thì chưa thể xác định đây là “hậu quả nghiêm trọng” để xử lý hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” đối với T.

Cần có mức hình phạt nặng hơn nữa với những yêu râu xanh trên đường phố. (Ảnh minh họa)
Cần có mức hình phạt nặng hơn nữa với những "yêu râu xanh" trên đường phố. (Ảnh minh họa)

“Ngoài ra, hành vi của T, tôi có nghĩ đến tội danh làm nhục người khác. Bởi giữa chốn công cộng, có nhiều người qua lại, hành vi này có thể làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của những bị hại này. Tuy nhiên, để truy cứu tội danh hay áp dụng hệ thống pháp luật nào, còn tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể. Theo quy định của luật, việc sàm sỡ trên phải gây ra hậu quả nghiêm trọng và người bị xâm hại có cảm giác bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Quay về trường hợp cụ thể, ở đây tôi chưa thấy rõ hành vi xúc phạm nghiêm trọng, như việc tấn công tình dục liên tiếp một phụ nữ, tiếp cận, sàm sỡ, hoặc có những hành vi khác để nạn nhân cảm thấy mình bị nhục nhã, ê chề trước đám đông. Chính vì vậy, để xử lý hình sự đối với T về hành vi “làm nhục người khác” cũng chưa đủ căn cứ. Để xử lý được hành vi của T, các cơ quan chức năng cần phải xem xét, cân nhắc một cách kỹ lưỡng và điều tra sâu hơn” - Luật sư Hòe nói.

Theo đó, hành vi của T, tuy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nhưng chiếu theo các quy định của pháp luật hình sự thì chưa đủ căn cứ cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật cũng đã có quy định để xử lý đối với hành vi này. Theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi của T có thể bị phạt tiền.

“Tôi đồng tình với việc hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, mức phạt này là quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Hành vi này hết sức “bệnh hoạn”, tuy không gây nên “hậu quả nghiêm trọng” nhưng lại tạo nên tâm lý hoang mang, sợ hãi cho chị em phụ nữ. Trên thực tế, tôi cũng thấy khá nhiều trường hợp tương tự xảy ra, đặc biệt là ở các trường học. Tôi đã từng được nghe kể về rất nhiều trường hợp các em nữ sinh, trên đường đến trường hoặc từ trường về, bị một số đối tượng đi xe máy rồ ga lên trêu ghẹo, sàm sỡ… rồi bỏ chạy. Hay ở những khu công nghiệp, nhiều công nhân nữ cũng thường xuyên xảy ra những trường hợp như vậy. Gặp phải tình huống éo le này, các em chỉ biết la hét, cầu cứu người dân xung quanh, hay khóc thút thít chứ không thể làm gì để bảo vệ mình. Thậm chí còn có trường hợp do bị bất ngờ, giật mình nên các em không làm chủ được tay lái của mình, dẫn tới bị tai nạn giao thông. Trong khi đó các đối tượng kia vẫn được nhởn nhơ” - Luật sư Hòe bức xúc.

Theo luật sư Hòe, với mức xử lý như hiện nay, chỉ tối đa là 300.000 đồng thì quá nhẹ, quá bất cập không thể đủ sắc răn đe các đối tượng biến thái. Thiết nghĩ cần phải xử lý nghiêm minh với các đối tượng có hành vi vi phạm, mức xử phạt phải đủ sức răn đe, nặng gấp nhiều lần so với mức phạt hiện nay. Chỉ có vậy mới có thể bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng cho nạn nhân, và cũng ngăn chặn tình trạng “sàm sỡ” này tiếp diễn.

Phạm Thanh (ghi)