Bắc Giang - Bài 2:

Sai phạm tiền tỷ cho rút kinh nghiệm, Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ nói gì?

(Dân trí) - Nhận kết luận thanh tra chỉ rõ hàng loạt sai phạm tại dự án do Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư, vị chủ tịch hội xử lý bằng hình thức rút kinh nghiệm trước khi về làm Bí thư huyện Yên Thế.

9 tháng sau khi Thanh tra tỉnh Bắc Giang ban hành kết luận thanh tra, chỉ ra nhiều sai phạm lên tới hàng tỷ đồng tại dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư, ông Bùi Thế Chung - Chủ tịch Hội Nông dân được luân chuyển, bổ nhiệm làm Bí thư huyện uỷ Yên Thế.

Trước khi nhậm chức Bí thư huyện uỷ Yên Thế, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Bùi Thế Chung đã ký một công văn báo cáo về việc thực hiện các nội dung nêu trong Kết luận thanh tra với tinh thần… nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Sai phạm tiền tỷ cho rút kinh nghiệm, Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ nói gì? - 1

Kết luận thanh tra chỉ ra sai phạm tiền tỷ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang xử lý sai phạm bằng hình thức nghiêm túc... rút kinh nghiệm. 

Ngày 6/2/2020, làm việc với Thanh tra tỉnh Bắc Giang, PV Dân trí được cung cấp một số tài liệu liên quan đến sai phạm tại Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang.

Những sai phạm nghiêm trọng của dự án do Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư được Thanh tra tỉnh Bắc Giang chỉ ra rất cụ thể: Việc lập hồ sơ thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư của đơn vị tư vấn đã không đầy đủ, thiếu chính xác, dẫn đến khi thực hiện dự án phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần. Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công không có sơ đồ tính toán kết cấu công trình, không lập quy trình bảo trì công trình. Bước thiết kế bản vẽ thi công có một số công việc không tuân theo bước thiết kế cơ sở đã được duyệt, như công việc thi công bê tông cốt thép, gỗ làm cửa... 

Theo thống kê của Thanh tra tỉnh, kết quả kiểm tra giá trị tổng dự toán được phê duyệt đã tính sai lên tới 3,4 tỷ đồng, trong đó sai do tính toán sai khối lượng là hơn 2,3 tỷ đồng, sai do áp dụng sai định mức là 1,1 tỷ đồng…

Thế nhưng, tại Công văn số 150-BC/HNDT do ông Bùi Thế Chung, Chủ tịch Hội Nông dân ký về việc thực hiện Kết luận số 51/KL-TTr ngày 1/2/2019 của Thanh tra tỉnh Bắc Giang về kết luận thanh tra Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Cơ quan này đã tổ chức kiểm điểm và nghiêm túc rút kinh nghiệm vì đã để xảy ra những thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình triển khai thực hiện dự án đã được chỉ ra trong kết luận Thanh tra tỉnh.

Dư luận quá “dị ứng” với cách các “quan” xử lý sai phạm bằng kiểm điểm, rút kinh nghiệm

Để tiếp tục làm rõ sự việc, ngày 28/2/2020, PV Dân trí đã trực tiếp có buổi làm việc với ông Nguyễn Công Thức - Trưởng ban tổ chức Tỉnh uỷ Bắc Giang.

Sai phạm tiền tỷ cho rút kinh nghiệm, Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ nói gì? - 2

Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ Bắc Giang Nguyễn Công Thức cho biết nếu muốn làm đến cùng vấn đề cơ quan này sẽ phải làm việc lại với Thanh tra tỉnh Bắc Giang.

PV Dân trí nêu 2 vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm: Thứ nhất, trong vòng 13 tháng (từ tháng 10/2018 đến tháng 11/2019), ông Bùi Thế Chung kinh qua 3 cương vị: Phó chánh văn phòng tỉnh uỷ Bắc Giang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang và Bí thư huyện uỷ Yên Thế. Trong đó, ông Chung giữ cương vị Chủ tịch Hội Nông dân được hơn 1 năm. Thời gian đó, ngoài việc xử lý kết luận sai phạm bằng hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm, ông Chung có những thành tích, đóng góp cụ thể gì cho sự phát triển của Hội Nông dân trước khi được bầu giữ vị trí Bí thư huyện uỷ Yên Thế?

Thứ hai, ở vị trí là thủ trưởng một đơn vị, một tổ chức chính trị xã hội là Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, trong khi kết luận thanh tra rất nghiêm túc của Thanh tra tỉnh ban hành chỉ ra rất đầy đủ, chi tiết, cụ thể các sai phạm cũng như các kiến nghị xử lý sai phạm. Thế nhưng, cách xử lý của ông Bùi Thế Chung với các sai phạm này, với các tập thể cá nhân liên quan là kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Đây là một hình thức xử lý rất dễ dây dị ứng, bức xúc trong dư luận. Quan trọng nhất, đây là một hình thức xử lý kỷ luật không có trong luật. Vậy khi điều động, luân chuyển, bổ nhiệm ông Chung lên vị trí Bí thư huyện uỷ Yên Thế, Ban tổ chức tỉnh uỷ Bắc Giang có biết việc này không?

Ông Nguyễn Công Thức, Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ Bắc Giang cho biết, kết luận thanh tra với dự án Trung tâm hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án này từ năm 2016 đến năm 2017 hoàn thành, 2018 bàn giao và quyết toán. Sau đó, Thanh tra tỉnh Bắc Giang vào cuộc và ban hành kết luận thanh tra. Ban tổ chức tỉnh uỷ Bắc Giang có nắm được kết luận.

“Tôi có hỏi lại Thanh tra tỉnh Bắc Giang rằng Thanh tra tỉnh có kiến nghị gì với Hội Nông dân. Thanh tra tỉnh trả lời rằng kiến nghị một số nội dung: Một số đơn vị tư vấn cho chủ đầu tư, sai phạm kinh tế phải giảm trừ khi chuyển tiền. Xem xét kiểm điểm trách nhiệm cán bộ liên quan của Hội Nông dân…

Sai phạm tiền tỷ cho rút kinh nghiệm, Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ nói gì? - 3

Thanh tra tỉnh Bắc Giang đã ban hành kết luận chỉ ra hàng loạt sai phạm nhưng lại chấp nhận hình thức cho kiểm điểm, rút kinh nghiệm?

Khi chuẩn bị bổ nhiệm cán bộ, tôi có giao trao đổi với các cơ quan liên quan như kiểm tra, nội chính, thanh tra… liên quan đến các vấn đề kết luận sai phạm, đơn thư, tin báo qua các nguồn từ các cơ quan tư pháp…”, ông Thức nói.

Tuy nhiên, ông Thức cho biết chỉ nắm được thông tin Thanh tra tỉnh yêu cầu Hội nông dân kiểm điểm trách nhiệm các cán bộ liên quan đến sự việc chứ không nắm được việc Chủ tịch Hội Nông dân cho xử lý các cán bộ sai phạm bằng hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Theo ông Thức, ông Bùi Thế Chung là một cán bộ được đào tạo bài bản từ trình độ chính trị cao cấp, học đại học Kinh tế quốc dân trình độ thạc sỹ, từ Chánh văn phòng Sở LĐTB&XH, về công tác tại Văn phòng tỉnh uỷ, làm Phó văn phòng tỉnh uỷ khá lâu.

Về việc, khi giữ cương vị Chủ tịch Hội Nông dân gần 1 năm, ông Chung có thành tích nổi bật gì không, ông Thức thẳng thắn cho biết: Một năm để khẳng định những gì cụ thể ở dưới sản xuất, mô hình…thì thực ra là cũng ít.

“Nhưng anh Chung, sinh năm 1978, cũng khẳng định rồi, thì cũng phải đưa anh đi cơ sở. Đi cơ sở, thực ra anh ấy là Chủ tịch Hội Nông dân mà đi bí thư huyện thì… cũng có quan điểm ngược lại là phải từ Bí thư huyện uỷ mới lên được Chủ tịch Hội Nông dân. Nhiều Bí thư huyện uỷ còn chỉ lên được phó các ban đảng trên tỉnh. Chứ Chủ tịch Hội Nông dân lên bí thư chưa hẳn đã là lên chức mà tôi cho là chức tương đương vì anh đã là tỉnh uỷ viên rồi, người ta phân công nhiệm vụ khác cho anh thôi. Mà một ý nào đó theo chiều như thế, ở dưới huyện, bí thư huyện uỷ 1, 2 khoá mới lên được tỉnh. Theo đánh giá của tôi nếu nói đây là thần tốc cũng cần phải xét xét thêm các góc độ khác”, ông Thức bảy tỏ.

Sai phạm tiền tỷ cho rút kinh nghiệm, Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ nói gì? - 4

Bí thư huyện uỷ Yên Thế Bùi Thế Chung (ảnh phải) trao Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho tân Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Nguyễn Ngọc Sơn. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Yên Thế)

Việc Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang xử lý sai phạm bằng hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, một hình thức không có trong luật, ông Thức thẳng thắn: Luật cán bộ công chức có khiển trách, cảnh cáo, hạ lương, buộc thôi việc. Trong khi đó, kỷ luật Đảng có các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Nhưng mà tuỳ theo phải áp vào các góc độ xử lý sai phạm của Bộ Chính trị ban hành.

Khi PV Dân trí đặt câu hỏi: Các anh có chấp nhận hình thức xử lý sai phạm kiểm điểm rút kinh nghiệm của lãnh đạo đứng đầu một đơn vị, nhất là khi lãnh đạo ấy được xém xét luân chuyển bổ nhiệm vào vị trí Bí thư huyện uỷ hay không?, ông Thức khẳng định: “Cái này thì để nếu muốn đến cùng vấn đề phải để chúng tôi làm việc với thanh tra”.

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH NSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Rút kinh nghiệm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 năm 2008 không thuộc các trường hợp xử lý kỷ luật cán bộ công chức.

Đây là một cách thức cơ quan quản lý cấp trên xử lý nội bộ theo cảm tính mà chưa tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành. Rút kinh nghiệm là một kiểu quản lý rất thiếu tính pháp lý, hình thức này không phải quy phạm pháp luật.

Dường như đây là cách lách luật để biến những sai phạm dù đã luật pháp điều chỉnh phải thi hành kỷ luật thành sự việc có tính nội bộ, sai phạm lớn, nghiêm trọng thành nhỏ, sai phạm nhỏ trở thành không có”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế