Bài 5:

Quốc lộ “tử thần” cướp nhiều mạng người: Tình hình đã quá cấp bách!

(Dân trí) - Hàng chục vụ tai nạn chết người do quốc lộ 31 xuống cấp trầm trọng. Tỉnh Bắc Giang như “ngồi trên lửa”. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT phối hợp nhiều Bộ khẩn trương xem xét.

Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch, quan trọng bậc nhất khu vực phía Đông tỉnh Bắc Giang. Đây không chỉ là tuyến đường phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực. 

Tuy nhiên, hiện nay tuyến đường này có quy mô nhỏ hẹp, mặt đường trung bình chỉ rộng 6m và đã nhiều năm chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Dù mật độ phương tiện lớn không ngừng gia tăng nhưng nền mặt đường đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, giao thông đi lại vô cùng khó khăn. 

Rùng mình ẩn hoạ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 31 xuống cấp trầm trọng

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thế Sơn - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bắc Giang về phương án hoá giải hiểm hoạ tai nạn trên tuyến Quốc lộ 31.

PV: Quốc lộ 31 là trục giao thông huyết mạch khu vực phía Đông của tỉnh Bắc Giang nhưng nhiều năm nay chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Xin có thể cho biết thực trạng mới nhất về độ xuống cấp và nguy hiểm tiền ẩn trên quốc lộ này? Trong đó, đoạn tuyến nào là nguy hiểm cần xử lý khẩn?

Ông Bùi Thế Sơn: Quốc lộ 31 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang dài khoảng 97km; điểm đầu Km2+330 giao với tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, điểm cuối Km99+00 tại Hữu Sản, Sơn Động tiếp giáp với tỉnh Lạng Sơn. Đây là tuyến giao thông huyết mạch về phía Đông của tỉnh Bắc Giang, chạy qua địa bàn thành phố Bắc Giang và các huyện Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, kết nối với tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh lân cận. Đặc biệt là việc lưu thông vận chuyển vải thiều huyện Lục Ngạn (vùng vải thiều lớn nhất cả nước).

Tuyến QL31 đã được cải tạo, nâng cấp lần gần nhất từ năm 2000, từ thời điểm đó đến nay, trên từng đoạn tuyến được duy tu, sửa chữa định kỳ để đảm bảo an toàn giao thông đi lại cho nhân dân với kết cấu mặt đường cơ bản là bê tông nhựa, một số đoạn mặt đường láng nhựa.

Tuy nhiên, do mật độ giao thông ngày càng tăng cao (nhất là vụ vải thiều hàng năm) và mặt cắt đường hẹp, không được đầu tư nâng cấp, cùng với việc tuyến đi qua nhiều trung tâm các huyện, khu đông dân cư hạn chế khả năng thoát nước dẫn đến kết cấu mặt đường hiện trạng bị hư hỏng nhiều (tình trạng trồi lún mặt đường, ổ gà bong bật sâu, cóc gặm mép mặt đường… xuất hiện thường xuyên), có thời điểm có đoạn mặt đường bị phá hoại gần hết chiều rộng mặt đường, đặc biệt là đoạn Lục Nam – Chũ … ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân và các phương tiện, và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Quốc lộ “tử thần” cướp nhiều mạng người: Tình hình đã quá cấp bách! - 1
Quốc lộ “tử thần” cướp nhiều mạng người: Tình hình đã quá cấp bách! - 2

Quốc lộ 31 là "huyết mạch" kinh tế, quốc phòng tại Bắc Giang cần phải được khắc phục, xử lý khẩn.

Trong  hai năm 2018-2019, trên tuyến QL31 xẩy ra 47 vụ tai nạn, làm chết 49 người, bị thương 15 người.

Hiện nay, giao thông đi lại trên cả tuyến đều khó khăn nhưng đoạn Km 17+800 - Km 38+600 (từ thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam đến thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn) là đoạn xung yếu nhất, khó khăn nhất do tập trung mật độ giao thông qua lại hàng ngày rất lớn.

PV: Quốc lộ 31 là điểm kết nối thủ phủ vải thiều Lục Ngạn (tổng sản lượng hàng trăm nghìn tấn) với thị trường trong, ngoài nước. Đặc biệt, Quốc lộ này còn là huyết mạch đến Trường bắn quốc gia KV1. Vậy UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá thế nào về ý nghĩa kinh tế và ý nghĩa an ninh quốc phòng của Quốc lộ 31?

Ông Bùi Thế Sơn: Quốc lộ 31 là tuyến giao thông huyết mạch, có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến việc phát triển kinh tế- xã hội của khu vực phía Đông của tỉnh Bắc Giang và các huyện lân cận của tỉnh Lạng Sơn. Ngoài ra tuyến đường phục vụ cho nhiệm vụ an ninh quốc phòng, là tuyến giao thông chính phục vụ phòng thủ chủ yếu để bảo vệ phía Bắc Hà Nội, phát triển giao thông kết hợp với củng cố các tuyến chiến lược phát triển quốc phòng, tăng cường khả năng cơ động cho các lực lượng quốc phòng đối với vùng Đông bắc tổ quốc. Đặc biệt đây là tuyến giao thông chính phục vụ các hoạt động trường bắn quốc gia TB1 và phục vụ cho vận chuyển tiêu thu Vải thiều khu vực huyện Lục Ngạn, là nơi có vùng vải thiều và vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất cả nước. Mỗi năm vào vụ thu hoạch vải thiều số lượng phương tiện lưu thông trên tuyến tăng mạnh và tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ vải thiều và đời sống nhân dân.

Quốc lộ “tử thần” cướp nhiều mạng người: Tình hình đã quá cấp bách! - 3

Vào vụ vải thiều, giao thông hỗn loạn trên quốc lộ 31.

Quốc lộ “tử thần” cướp nhiều mạng người: Tình hình đã quá cấp bách! - 4

Một vụ tai nạn giao thông kinh hoàng vừa xảy ra trên Quốc lộ 31 vào tháng 5/2020.

PV: Đánh giá vai trò đặc biệt quan trọng của QL 31 như vậy, Sở đã có tham mưu, đề xuất gì cho UBND tỉnh Bắc Giang để khắc phục những khó khăn, bất cập hiện nay? 

Ông Bùi Thế Sơn: Trước những khó khăn, hạn chế về kết cấu hạ tầng trên tuyến QL31, năm 2015 Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đoạn Km 2+400-Km 38+686 (thành phố Bắc Giang – Chũ) theo hình thức hợp đồng BOT tại Quyết định số 1242/QĐ-BGTVT ngày 09/4/2015, với quy mô đường cấp III đồng bằng, tổng mức đầu tư 1320 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó dự án phải dừng thực hiện do chủ trương của trung ương không thực hiện các dự án BOT trên các tuyến đường độc đạo, hiện hữu.

Sau khi phải dừng thực hiện dự án theo hình thức BOT, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo, đề nghị Bộ GTVT đầu tư, cải tạo nâng cấp tuyến đường. Tuy nhiên, do chưa cân đối được nguồn vốn nên đến nay chưa được triển khai thực hiện. Hiện trạng tuyến đường ngày càng xuống cấp, đi lại hết sức khó khăn. Để giải quyết những khó khăn trước mắt, năm 2019 Sở cũng đã đề xuất UBND tỉnh báo cáo Bộ GTVT cho phép tỉnh được đầu tư cải tạo, nâng cấp đoạn Km 17+800 - Km 38+600 (từ thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam đến thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn), là đoạn đường xung yếu nhất bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh. Song, do quốc lộ thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải nên theo quy định của Luật ngân sách phải thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách trung ương.  Vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã có ý kiến trả lời làm rõ. 

Vừa qua, Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản số 79/UBND-GT ngày 09/4/2020 báo cáo và đề nghị Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn ngân sách trung ương đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp tuyến QL31 đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Giang, trong đó ưu tiên đầu tư trước đoạn tuyến Km17+800 - Km38+600 (từ thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam đến thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn) trong năm 2021; các đoạn còn lại tiếp tục đầu tư hoàn thiện trong giai đoạn đến năm 2025.

Quốc lộ “tử thần” cướp nhiều mạng người: Tình hình đã quá cấp bách! - 5

Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính cho biết việc đầu tư các tuyến quốc lộ bằng ngân sách địa phương là không đúng Luật Ngân sách, do đây thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương. Vì vậy, tỉnh Bắc Giang kiến nghị Chính phủ và Bộ GTVT nhanh chóng sắp xếp vốn nâng cấp, sửa chữa tuyến quốc lộ quan trọng này.

Hiện nay, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ lập chủ trương đầu tư cải tạo nâng cấp QL31 giai đoạn 2021-2025, trong đó có đoạn thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang với chiều dài 98,43km, kinh phí dự kiến là 2.150,5 tỷ đồng.

PV: Nếu được Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan chấp thuận, bố trí kinh phí đúng Luật Ngân sách để nâng cấp, sửa chữa Quốc lộ 31, theo ông thời điểm nào tiến hành khởi công là phù hợp nhất?

Ông Bùi Thế Sơn: Hiện nay giao thông đi lại trên tuyên hết sức khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao nên các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang đang rất mong đợi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương quan tâm bố trí vốn để thực hiện dự án sớm ngày nào dân được nhờ ngày đó. Trong đó, đoạn Km17+800 - Km38+600 (từ thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam đến thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn) cần nâng cấp, mở rộng khẩn cấp để giải quyết yêu cầu bức thiết hiện nay. Các đoạn còn lại tiếp tục đầu tư đồng bộ hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2025. 

Xin cảm ơn ông!

Anh Thế (thực hiện)