Quảng Bình: Hàng ngàn hộ dân lo "thắt ruột" vì nhà máy gỗ án ngữ đầu nguồn nước!

(Dân trí) - Một nhà máy chế biến gỗ đang khiến hàng ngàn hộ dân tại xã Hạ Trạch “mất ăn, mất ngủ” vì lo ô nhiễm nguồn nước. Điều đáng nói, mặc dù đã bị tạm đình chỉ thi công dự án nhưng nhà máy nói trên vẫn ngang nhiên triển khai các hạng mục.

Bị tạm đình chỉ, nhà máy chế biến gỗ vẫn ngang nhiên xây dựng

Cả xã lo lắng vì nhà máy sừng sững đầu nguồn

Hàng ngàn hộ dân tại xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đang hết sức lo lắng khi một nhà máy chế biến gỗ, dăm gỗ đang mọc lên phía đầu nguồn hồ Vực Sanh thuộc xã Sơn Lộc (huyện Bố Trạch).

Người dân lo lắng bởi lẽ, hồ Vực Sanh là nơi duy nhất cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho hơn 4.000 người dân tại xã Hạ Trạch. Khi nhà máy này đi vào hoạt động sẽ có nguy cơ xả thải xuống thượng nguồn hồ Vực Sanh, ảnh hưởng đến nguồn nước.

“Người dân xã Hạ Trạch chúng tôi đều sử dụng nước từ hồ Vực Sanh, khi thấy một nhà máy xây dựng ngay đầu nguồn chúng tôi rất lo. Rồi chất thải, rác thải cũng sẽ theo dòng chảy đổ hết về hồ Vực Sanh, nguồn nước chắc chắn sẽ bị ô nhiễm rồi sinh tật bệnh”, ông Nguyễn Văn Lý, một người dân tại xã Hạ Trạch bức xúc.

Quảng Bình: Hàng ngàn hộ dân lo thắt ruột vì nhà máy gỗ án ngữ đầu nguồn nước! - Ảnh 2.

Hồ Vực Sanh, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân tại xã Hạ Trạch.

Được biết, nhà máy chế biến gỗ nói trên là của Công ty CP Lâm nghiệp Thuận Đức, công ty này được UBND tỉnh Quảng Bình cho thuê đất tại địa bàn xã Sơn Lộc - khu vực phía thượng nguồn hồ Vực Sanh với thời hạn 50 năm để xây dựng nhà máy chế biến gỗ, dăm gỗ.

Ông Lưu Văn Tác, Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch cho biết, từ khi có dự án xây dựng nhà máy chế biến gỗ, dăm gỗ của Công ty CP Thuận Đức, người dân địa phương Hạ Trạch đã phản đối hết sức gay gắt. Nhiều người đã gửi đơn kiến nghị, kêu cứu khắp nơi vì lo lắng.

“Chúng tôi cũng không hiểu tại sao các cấp, ban ngành lại cấp phép cho doanh nghiệp này xây dựng nhà máy ngay ở đầu nguồn hồ Vực Sanh. Nếu để nhà máy đi vào hoạt động, nguy cơ ô nhiễm cho nguồn nước sinh hoạt là rất cao. Chúng tôi kiến nghị cấp trên xem xét”, ông Tác nói.

Vẫn thi công dù bị tạm đình chỉ

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc thi công dự án nhà máy chế biến gỗ của Công ty CP Lâm nghiệp Thuận Đức đã bị Sở TN - MT Quảng Bình tạm đình chỉ vào tháng 1/2017. Bên cạnh đó, đến tháng 2/2018, UBND huyện Bố Trạch tiếp tục gửi công văn yêu cầu công ty này CP Lâm nghiệp Thuận Đức tạm dừng thi công dự án và giao UBND 2 xã Hạ Trạch, Sơn Lộc giám sát.

Thế nhưng theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại nhà máy chế biến gỗ của Công ty CP Lâm nghiệp Thuận Đức vẫn đang tiến hành xây dựng các hạng mục. Nhiều phương tiện, đội ngũ công nhân hoạt động xây dựng tấp nập. Bên trong công trường luôn rào kín, các bãi tập kết vật liệu, máy móc luôn túc trực để phục vụ cho việc đào móng, xới đất.

Quảng Bình: Hàng ngàn hộ dân lo thắt ruột vì nhà máy gỗ án ngữ đầu nguồn nước! - Ảnh 3.
Quảng Bình: Hàng ngàn hộ dân lo thắt ruột vì nhà máy gỗ án ngữ đầu nguồn nước! - Ảnh 4.

Dù bị tạm đình chỉ xây dựng nhưng nhà máy chế biến gỗ này vẫn triển khai thực hiện các hạng mục.

Ông Lê Quan Nho, Bí thư Đảng ủy xã Hạ Trạch khẳng định, việc cơ quan chức năng chưa cho phép mà doanh nghiệp cố tình vi phạm là không thể chấp nhận được. Khi phát hiện Công ty CP Thuận Đức không chấp hành mà tiếp tục thi công dự án, chính quyền xã Hạ Trạch cũng đã làm báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền.

Liên quan đến sự việc này, bà Phan Thị Hoa, Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc cũng khẳng định hiện chưa có văn bản nào của UBND huyện hay Sở TN-MT đồng ý cho phép Công ty CP Lâm nghiệp Thuận Đức thi công dự án nhà máy chế biến gỗ, dăm gỗ trở lại.

“Khi phát hiện doanh nghiệp lén lút thi công, chúng tôi đã làm văn bản gửi Phòng TN-MT huyện. Đến nay thì có 2 đoàn kiểm về kiểm tra, tôi cũng có cử cán bộ địa chính liên tục giám sát hoạt động của dự án nhưng họ vẫn cố ý xây dựng trái phép. Trong khi đó, địa phương lại không có thẩm quyền gì xử lý”, bà Hoa nói.

Cũng theo bà Hoa, khi phát hiện sự việc các công trình thi công trái phép trở lại, bà đã chủ động điện cho lãnh đạo Công ty CP Lâm nghiệp Thuận Đức. Tuy nhiên phía công ty này lý giải rằng, do đã đầu tư vào nhiều mà mãi chưa thấy Sở TN – MT hay UBND huyện cho phép thi công trở lại nên đành tiếp tục xây dựng.

Nhóm PV