Quản lý quỹ thời gian một cách khoa học

(Dân trí) - Tổ chức thời gian là một trong những kỹ năng mà bất cứ ai cũng cần có để sống trong một XH công nghiệp. Người ta thường nói “thời gian là vàng bạc” và “đúng hẹn là phép lịch sự” của người biết coi trọng văn hóa ứng xử.

Sinh học về thời gian là một môn quan trọng trong y khoa. Chẳng những vì mỗi con người sinh ra, lớn lên rồi già đi như một trật tự của tạo hóa với những đặc điểm khác nhau và những bệnh tật khác nhau. Nhưng mỗi ngày, cái đồng hồ nội tại trong cơ thể ta cũng làm việc theo một thứ tự rõ ràng, các tuyến nội tiết  (hormones, cortisone, mélatonine,...) làm việc theo đồng hồ ấy.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

Xã hội cũng bắt buộc ta phải sống theo cách tổ chức thời gian của các cơ quan hay trường học. Xe lửa, xe bus cũng chạy theo giờ nhất định. Người Pháp có thành ngữ nói rằng mỗi ngày của họ là dành cho ba việc “métro, boulot, dodo” - đi xe điện ngầm, làm việc rồi về nhà ngủ . Xã hội học về thời gian cũng là một môn quan trọng.

 

Quản lý thời gian một cách khoa học
 

Tổ chức thời gian là một trong những kỹ năng mà bất cứ ai cũng cần có để sống trong một xã hội công nghiệp. Người ta vẫn nói “thời gian là vàng bạc” và “đúng hẹn là phép lịch sự ” cuả người biết coi trọng văn hóa ứng xử. Thế nào là quản lý thời gian một cách khoa học?

 

Quỹ thời gian : 24 giờ mỗi ngày dựa vào đâu để tổ chức phân chia?

 

Cấu trúc đại cương của quỹ thời gian cho mỗi người :

            . thời gian sinh lý để ngủ, ăn uống, thể thao và làm vệ sinh: 12 giờ

            . thời gian đi làm, đi học, kể cả di chuyển, học ở nhà: 8 giờ

            . thời gian giải trí, sống cho cá nhân: 2 giờ 

            . thời gian xã hội, sống với gia đình bạn bè: 2 giờ 

 

Quỹ thời gian này co giãn linh động tùy theo nhiều yếu tố khác nhau (giới tính, tuổi tác, công việc, nơi sống thôn quê hay thành thị...)
 
Quản lý quỹ thời gian một cách khoa học - 1

(nguồn ảnh: internet)

 

Các em ở dưới  6 tuổi cần ít nhất 12 giờ ngủ mỗi ngày. Phải bảo vệ giấc ngủ của trẻ, ngủ đủ giờ thì các cháu sẽ có đủ giờ ngủ mơ, để sự phát triển não của các cháu được hoàn thiện, bảo đảm phát triển trí tuệ. Kế đó là thì giờ để ăn uống sinh hoạt cơ thể, vệ sinh... thêm 2 tiếng nữa. Như vậy là các em hoàn thành hết nhu cầu về sinh lý. Nhưng các em không phải làm việc, thay vào đó các em cần những lúc chơi và sống với gia đình, xã hội để phát triển trí tuệ và tâm lý hài hòa.

 

Học sinh đến trường : 8 giờ học mỗi ngày là giới hạn tối đa. Về sinh lý và tâm lý mà nói, trẻ không có khả năng học nhiều hơn. Chính vì vậy, nếu có thể được, các em nên đi học gần nhà để đỡ thời gian di chuyển, không học thêm để tránh quá tải!

 

Phụ nữ nặng trọng trách việc nhà. Ở châu Âu, nhiều phụ nữ phải hi sinh giờ giải trí và giờ ngủ để đảm trách vừa nghề nghiệp vừa việc nhà. Đó là một trong những nguyên nhân khiến bệnh trầm cảm và bệnh mất ngủ nơi các bà cỡ tuổi sau 30-40 cao hơn ở nam giới. 

 

Tuy nhiên, trên thực hành, nhiều khoản thời gian không dùng cho một tiết mục : ở trường  8 giờ không có nghĩa là học liền  8 giờ mà trong đó có giờ chơi, giờ sinh hoạt xã hội. Ăn cơm với gia đình là một sinh hoạt vừa ở trong thời gian sinh lý, vừa thuộc quỹ thời gian xã hội...

 

Phân chia quỹ thời gian trên chỉ có tính cách hướng dẫn mà thôi. Mỗi người sẽ co giãn áp dụng cho bản thân mình trong “mẫu” và đường hướng trên. Nhưng mẫu trên cho ta một số điểm căn bản cần tôn trọng. 

 

“Gà gáy sáng” hay “con dơi ăn ban đêm” ? Cần ngủ nhiều hay ít ?

           

Ở châu Âu, đại đa số dân thuộc thành phần “dơi ăn đêm” : buổi sáng họ dậy trễ nhưng thức khuya không là một khó khăn đối với họ. Công sở vẫn mở cửa từ 9 giờ, trường học từ 8 giờ 30 vì những lý do tổ chức sinh hoạt xã hội. Thứ bảy, chủ nhật và hè, nhiều người phải ngủ bù là thế.

 

Trái lại có những người thích làm việc từ 5 giờ sáng và đi ngủ cùng giờ với gà vào chuồng từ lúc chạng vạng tối. Có thể phần đông nông dân ở xứ ta thuộc vào thành phần này.

 

Có người nhu cầu ngủ không cao, họ giỏi tận dụng thời gian ngủ để hồi phục sức lực. Thực ra, khi ngủ họ chìm vào ngủ sâu và ngủ mơ rất nhanh nên cần ít giờ hơn. Có người cần ngủ nhiều  vì họ phải chập chờn ngủ nông một lúc lâu mới thực vào ngủ sâu. Ở người lớn, nhu cầu ngủ vào khoảng 6 - 9 giờ tùy người. 

 

Giấc ngủ của ta được cấu thành bởi những giai đoạn khác nhau và liên tục nhau: ngủ nông, ngủ sâu, ngủ mơ và cứ thế bốn hoặc năm chu kỳ trong đêm. Phần ngủ sâu chiếm khoảng 20% tổng số thời gian ngủ mỗi đêm, phần ngủ mơ cũng bằng 20%  nữa.

 

Phải biết mình thuộc “loại” nào để tổ chức thời gian hợp theo thời dụng biểu sinh lý của mình.

 

Muốn biết, rất dễ : trong lúc hè, khi không bị ràng buộc xã hội, để ý xem chúng ta thức ngủ ra sao - buồn ngủ tự nhiên và thức giấc lúc nào. Có người cứ tám giờ tối là gục lên gục xuống, nhưng năm giờ sáng là đã thức dậy. Ngược lại có người thức chơi, làm việc đến mười giờ tối hoặc đến khuya dễ dàng nhưng tám giờ sáng hôm sau vẫn còn nằm trên giường.

 

Nhưng dù là “người của buổi sáng” (nói ví von “như gà”) hay “người của buổi chiều” (hay như nói ở trên “giống dơi”), chúng ta đều ngủ ban đêm và làm việc ban ngày, chỉ chênh lệch khác nhau vài giờ .

 

Biết thời dụng biểu sinh lý của mình, ta sẽ sắp xếp các công việc cần trí tuệ vào những lúc thích hợp. Không học, làm việc trí tuệ  khi não cần ngủ chẳng hạn.

 

Những người làm theo ca và giá trị sống

 

Thế giới công nghệ có những dây chuyền sản xuất làm việc suốt ngày đêm. Có những dịch vụ như y tế, an ninh, bảo vệ, phòng chữa cháy, các hãng hàng không... phục vụ 24/24 giờ hoặc làm việc ban đêm. Tổng cộng, khoảng một phần ba công nhân viên phải làm việc theo ca  (shift work hay  travail à pauses variables).

 

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy: những người làm theo ca thường có sức khỏe kém hơn, hay bị tai nạn nghề nghiệp hơn, hay lạm dụng thuốc an thần, hay uống rượu ... hơn. Họ lại có thể bị mất giá trị sống và mất tuổi thọ nếu làm liên tục trên 15 năm theo chế độ ấy.

 

Những yếu tố tâm lý về tổ chức thời gian

 

  • một công việc đang làm dở dang phải ngưng, khi làm tiếp phải mất thì giờ nhiều hơn là làm một mạch.

  • một công việc làm với hứng thú sẽ làm nhanh hơn, lại có cảm tưởng là công việc nhẹ nhàng hơn.

  • một công việc làm cùng với bạn, làm tập thể thì làm nhanh hơn và tốt hơn.

  • sự mệt mỏi trí tuệ làm sụt năng suất làm việc. Khi mệt, có thể nên đi ngủ, nên đi chơi ... rồi sẽ làm tiếp sau đó (dù biết rằng làm đứt đoạn công việc sẽ  mất nhiều thì giờ, nhưng bù lại năng suất sẽ cao hơn nhiều).

Vài lời khuyên :

 

  • Tôn trọng thời dụng biểu sinh lý của bản thân.

            Ngủ đủ giờ, săn sóc cơ thể, có giờ chơi, giải trí trong lịch trình làm việc. Cái  nợ giấc ngủ là một cái nợ phải trả. Khi thiếu ngủ tai nạn lao động, tai nạn giao thông cao hơn. Học sinh thì không chăm chú được, trí não trẻ con phát triển kém hơn...

 

  • Trong công việc, đặt ra thứ tự ưu tiên cái nào bắt buộc phải hoàn tất, cái nào chỉ làm nếu còn thì giờ và sức lực.

  • Làm thời dụng biểu – hàng tuần để ra vài phút kiểm điểm những việc đã xong và những việc còn dở dang. Chủ nhật là ngày để “chạy” cho hoàn tất cái còn trễ hay để ngủ bù.

  • Đừng để lại ngày mai công việc hôm nay vì ngày nào có việc nấy, để dồn thì sự chậm trễ có khả năng dồn chất thành núi, đến một lúc nào đó sẽ không giải quyết nổi .

  • Làm một việc, không đãng trí lo trăm thứ cùng một lúc. Nếu não phải làm nhiều việc thì hiệu quả sẽ kém hơn.

  • Có thứ tự : sắp xếp dụng cụ, sách, tài liệu và vật dụng để không mất thì giờ. Sắp xếp cho có thứ tự tốn ít thời gian hơn là bỏ đống, rồi sau đó phải đi tìm kiếm.

  • Tự trọng và tuân thủ theo chương trình của mình. Biết nói “không” với mình, với những quyến rũ bên ngoài và với người khác trong lúc làm việc, giải trí hay lúc cần nghỉ ngơi.

  • Đối thoại với  người xung quanh để họ tôn trọng thời dụng biểu của mình.

  • Dự trù những diễn biến bất ngờ và dự trù thì giờ cho các trường hợp này – 30 phút mỗi ngày chẳng hạn . Nếu không có bất biến thì thời gian này sẽ dành cho giải trí - một “món quà” cho người biết phòng xa và biết tổ chức!

Quản lý thời gian và giá trị sống

 

Tổ chức thời gian hợp lý rất là cần thiết : sức khỏe sinh lý và tâm lý chúng ta được tôn trọng,  giúp ta ít mệt hơn, sống hài hòa và nhất là tránh stress vì trễ giờ, vì làm việc chưa xong...

 

                                                      Nguyễn Huỳnh Mai

                                                              Liège, Bỉ

 

LTS Dân trí - Quỹ thời gian là vốn quý của mọi người. Các cụ ta thường nói: Đời người thoáng chốc như cánh chim câu qua cửa sổ. Quỹ thời gian của một đời người quả thật là hạn chế. “Tháng ngày vùn vụt thoi đưa /Nó đi đi mãi có chờ ai đâu!”

 

Làm sao sống có ích và biết tận dụng một cách hợp lý quỹ thời gian rất có hạn của một đời người? Đấy là mong ước của nhiều người, nhưng thực hiện được điều này không đơn giản chút nào. Không chỉ cần có quyết tâm mà còn cần có những hiểu biết nhất định về quy luật hoạt động của chiếc “đồng hồ sinh học” tồn tại một cách khách quan trong cơ thể mỗi người. Và tùy theo hoạt động nghề nghiệp mà xây dựng cho mình thời gian biểu hợp lý cho hoạt động hằng ngày để vừa đạt hiệu quả làm việc cao, vừa có thời gian nghỉ ngơi, giải trí và chăm lo cho cuộc sống gia đình.

 

Bài viết trên đây cho ta những gợi ý tốt trong việc sử dụng hợp lý quỹ thời gian có hạn hằng ngày. Tránh sự tùy tiện gặp chăng hay chớ, gây ra sự lãng phí "cái vốn" quý báu trời cho mà không biết tận dụng thì quả thật đáng tiếc!