Phút nói thật số 45.2008

(Dân trí) - Nhìn lại năm 2008, những con số báo cáo trước QH mà xót xa khi 76 TCty, tập đoàn kinh tế nhà nước - những anh cả của nền kinh tế - được giao gần 403 nghìn tỉ đồng và được vay thêm 514 nghìn tỉ đồng, nhưng làm ăn thì không hiệu quả:

Chất lượng tăng trưởng nhìn chung chỉ đạt 5,9%, thấp hơn doanh nghiêp nước ngoài (17,9%) và DN ngoài nhà nước (20,9")...; 8/25 chỉ tiêu về môi trường và xã hội do QH đề ra đã không được đảm bảo hoàn thành; lạm phát tăng cao... (Bài Quốc hội là... "chủ đầu tư"?, báo Lao Động, thứ Năm ngày 30/10/2008).

Trong chèo cổ có nhân vật là anh cả... sứt!

- "Sao cùng bơi trên biển nhưng khi gặp khó khăn do lạm phát thì TĐ, TCT được nhận phao cứu sinh của Chính phủ dù đó là lúc họ phải thể hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế? Trong lúc đó thì người nông dân vừa phải tự bơi vừa phải gánh hậu quả do dự báo sai của Chính phủ". ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) - Bài Cùng bơi trên biển, sao chỉ tập đoàn được phao cứu sinh? Vietnam Net ngày 28/10.

Xin mượn lời bình của ĐB Huỳnh Ngọc Đáng trên VNN: DNNN như công tử con quan... muốn gì được nấy.

- ...Công tác chống tham nhũng hiện không chùng xuống, nếu chùng xuống thì chỉ có báo chí chùng, còn các cơ quan chống tham nhũng khác không chùng. Trước đây tôi thấy báo chí hăng hái nêu rất nhiều, gần như số nào cũng có. Nhưng gần đây lại thấy rất trầm lắng. (Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền - Bài Báo chí chùng, chứ cơ quan hữu quan không chùng, báo Tuổi trẻ TP. HCM, thứ Sáu ngày 31/10/2008).

Các nhà báo ơi, đừng “chùng xuống” nữa nhé!

- Hiện nay, hàng triệu học sinh phổ thông Việt Nam trong nhiều năm trời ngày đêm miệt mài, đánh vật với các con số để giải các bài Toán, Lý, Hóa... mà kết quả đã biết từ hàng trăm năm trước rồi. Kết quả này không cần cho tổ chức, cá nhân nào cả, hầu như không giúp gì cho cuộc sống sau này. Thật vô cùng lãng phí". - Trường phổ thông chi nên dạy kiến thức phổ thông - Tuân Viêt Nam ngày 22/10.

Đây là hiện tượng "Trò lên lớp - Thầy lưu ban".

BĐC