Bài 23:

Phương án giải cứu vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại HACINCO đúng hay sai luật?

(Dân trí) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành công văn số 440/UBND-KT do ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch ký quyết định phương án cổ phần hoá tại HACINCO. Tuy nhiên, luật sư Phan Thị Lam Hồng cho rằng phương án xử lý này không đúng theo các quy định của pháp luật và sẽ xâm hại trực tiếp đến quyền lợi của các nhà đầu tư.

Công văn số 440/UBND-KT của UBND TP Hà Nội do ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND ký ngày 8/2/2017 cho biết phương án thống nhất phương án xử lý tồn tại với các nhà đầu tư:

“Tổ chức phối hợp với các nhà đầu tư đã tham gia mua cổ phần lần đầu và Ban giám đốc hiện tại của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội, thống nhất phương án xử lý tồn tại của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội tại Thông báo số 2125/KL-TTCP ngày 01/9/2009 của Thanh tra Chính phủ, đã được Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại văn bản số 6561/VPCP-KNTN ngày 22/9/2009 của Văn phòng chính phủ về việc xử lý sau thanh tra. Cụ thể là:

“+ Chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán tiền mua cổ phần và công nhận kết quả bán cổ phần của Công ty

+ Giữ nguyên vốn điều lệ theo Quyết định số 7867/QĐ-UB là 47.168.600.000 đồng; chuyển 397.100.000 đồng từ cơ cấu cổ phần mua ưu đãi sang cổ đông mua đấu giá (số lượng cổ phần ưu đãi đã bán cho cán bộ công nhân viên khi cổ phần hóa khách sạn Hancinco năm 1998); công nhận kết quả Đại hội cổ đông lần thứ nhất ngày 02/12/2005 của Công ty”.

Phương án giải cứu vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại HACINCO đúng hay sai luật? - 1
Phương án giải cứu vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại HACINCO đúng hay sai luật? - 2
Phương án giải cứu vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại HACINCO đúng hay sai luật? - 3

Phương án xử lý vụ cổ phần hoá tại HACINCO của UBND TP Hà Nội dược luật sư Phan Thị Lam Hồng nhận định rằng không đúng các quy định của pháp luật.

Phương án xử lý vụ cổ phần hoá tại HACINCO của UBND TP Hà Nội dược luật sư Phan Thị Lam Hồng nhận định rằng không đúng các quy định của pháp luật.

Giao Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội chủ trì, phối hợp Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội và các Sở, ngành có liên quan tổ chức họp, báo cáo bằng văn bản kết quả (kèm theo Biên bản họp) về UBND Thành phố và gửi Sở Tài chính để tồng hợp; hoàn thành trước 28/02/2017”.

Đây là phương án khác so với 2 phương án được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thay mặt Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội ký công văn báo cáo đề xuất phương án xử lý vụ cổ phần hoá tại HACINCO tại công văn số 410-BC/BCS.

Theo đó, 2 phương án được đề xuất trước đây là: Thứ nhất, tiếp tục thực hiện Quyết định số 1886/QĐ-UNBD ngày 22/4/2010 của Ủy ban nhân dân Thành phố; Thứ hai, thực hiện điều chỉnh quy mô vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ theo giá trị thực tế góp vốn của các nhà đầu tư hợp pháp. Trong đó, vốn nhà nước được xác định theo giá trị đánh giá lại tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 31/12/2004 là 7.189.590.000 đồng.

Vậy phương án xử lý vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại Công ty HACINCO mà UBND TP Hà Nội vừa quyết định tại Công văn số 440/UBND-KT được nhìn nhận dưới góc độ pháp lý như thế nào?

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội (Đoàn luật sư TP Hà Nội).


Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Phương án xử lý vụ cổ phần hoá tại HACINCO của UBND TP Hà Nội mới quyết định không đúng theo các quy định của pháp luật và sẽ xâm hại trực tiếp đến quyền lợi của các nhà đầu tư.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Phương án xử lý vụ cổ phần hoá tại HACINCO của UBND TP Hà Nội mới quyết định không đúng theo các quy định của pháp luật và sẽ xâm hại trực tiếp đến quyền lợi của các nhà đầu tư.

PV: Là luật sư bám sát và theo dõi từng diễn tiến pháp lý trong vụ cổ phần hoá tại Công ty HACINCO, bà có thể điểm lại một số mốc quan trọng nhất về diễn tiến pháp lý của vụ việc này?

Luật sư Lam Hồng: Trước tiến, tôi phải khẳng định chắc chắn, nếu tuân thủ các quy định của pháp luật thì không thể cổ phần hóa HACINCO theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 01/9/2009.

Trở lại với vụ việc cổ phần hóa vịt trời tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO), ngày 01/9/2009, Thanh tra chính phủ đã ban hành Kết luận số 2125/KL-TTCP về việc thanh tra việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần tại thành phố Hà Nội, trong đó kiến nghị đối với việc thực hiện cổ phần hóa HACINCO như sau:

“+ Chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán tiền mua cổ phần và công nhận kết quả bán cổ phần của công ty.

+ Giữ nguyên vốn điều lệ theo Quyết định số 7867/QĐ-UB là 47.168.600.000 đồng; chuyển 397.100.000 đồng từ cơ cấu vốn cổ đông mua ưu đãi sang vốn cổ đông mua đấu giá (số lượng cổ phần ưu đãi đã bán cho cán bộ công nhân viên khi cổ phần hóa khách sạn HACINCO năm 1998); công nhận kết quả Đại hội cổ đông lần thứ nhất ngày 02/12/2005 của công ty”.

Tuy nhiên do phương án này không phù hợp với quy định của pháp luật nên đã không được các cấp có thẩm quyền chấp thuận, và sau đó UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 1886/QĐ-UB về việc điều chỉnh vốn điều lệ của HACINCO, theo đó không công nhận việc chuyển nợ thành vốn góp và tính trùng số cổ phần ưu đãi của người lao động như kiến nghị của Thanh tra Chính phủ nêu trên.

Vậy nhưng, không hiểu vì lý do gì mà hơn bảy năm sau, kiến nghị này của Thanh tra Chính phủ lại được Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đề xuất là một trong những phương án cổ phần hóa HACINCO tại Báo cáo 484/BC-BCS ngày 15/12/2016 gửi Thường trực Thành ủy Hà Nội.


Phải công nhận HACINCO là công ty cổ phần để đảm bảo quyền lợi của người lao động và các nhà đầu tư hợp pháp, gấp rút hoàn thiện các thủ tục để hoàn thành cổ phần hóa HACINCO.

Phải công nhận HACINCO là công ty cổ phần để đảm bảo quyền lợi của người lao động và các nhà đầu tư hợp pháp, gấp rút hoàn thiện các thủ tục để hoàn thành cổ phần hóa HACINCO.

PV: Thưa Luật sư, Luật sư đánh giá như thế nào về phương án cổ phần hóa thứ ba được đề xuất tại Báo cáo 484/BC-BCS (phương án được Thanh tra Chính phủ đưa ra tại Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 01/9/2009) ?

Luật sư Lam Hồng: Phương án cổ phần hóa HACINCO được đề xuất tại Báo cáo 484/BC-BCS ngày 15/12/2016 của UBND TP Hà Nội căn cứ theo Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 01/9/2009 của Thanh tra Chính phủ chứa đựng những điểm không hợp lý và trái quy định pháp luật, cụ thể:

Thứ nhất, kiến nghị chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán tiền mua cổ phần và công nhận kết quả bán cổ phần của HACINCO là không đúng quy định của pháp luật bởi quá trình chuyển nợ thành vốn góp của HACINCO đối với 752.389 cổ phần, tương ứng mệnh giá: 7.523.890.000 đồng có nhiều sai phạm:

Một là, sai phạm trong việc chuyển nợ thành vốn góp của một số nhà đầu tư: Trong vụ việc cổ phần hóa HACINCO, phương án chuyển nợ vay thành vốn góp cổ phần không được HACINCO xây dựng trong phương án cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. HACINCO đã tự ý lập hồ sơ đề nghị chuyển nợ đối với những người không có số dư nợ vay hoặc số đề nghị chuyển nợ lớn hơn số tiền dư nợ cho công ty vay để mua cổ phần theo kết quả đấu giá là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần và điểm e khoản 1.3 mục B Thông tư số 126/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 187/2004/NĐ-CP. Hậu quả là tổng số cổ phần được chuyển nợ theo đúng quy định chỉ có: 754.111 cổ phần tương ứng mệnh giá 7.541.110.000 đồng. Tổng số cổ phần không đủ điều kiện chuyển nợ thành vốn góp cổ phần theo quy định là: 752.389 cổ phần, tương ứng mệnh giá: 7.523.890.000 đồng do không có số dư nợ tại Công ty hoặc số tiền đề nghị chuyển nợ vay thành vốn góp lớn hơn so với số dư nợ vay.

Sai phạm này của HACINCO đã được khẳng định tại rất nhiều văn bản của các cơ quan có thẩm quyền: Công văn số 5494/UBND-CN gửi đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội báo cáo việc thực hiện cổ phần HACINCO ngày 24/11/2006, Công văn số 1312/UBND-CN gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo việc thực hiện cổ phần hóa HACINCO, Báo cáo số 847/BC-STC/TCDN ngày 20/3/2006 của Sở Tài Chính thành phố Hà Nội gửi UBND thành phố Hà Nội về quá trình cổ phần hóa HACINCO….Cụ thể, tại điểm a Mục 1 Công văn số 1312/UBND-CN gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo việc thực hiện cổ phần hóa HACINCO, UBND TP Hà Nội đã khẳng định:

“a) Những sai phạm của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 trong quá trình cổ phần hóa:

…Thứ hai: Thực hiện chuyển nợ vay thành vốn góp cổ phần không đúng quy định, cụ thể như sau:

- Phương án chuyển nợ vay thành vốn góp cổ phần không được HACINCO xây dựng trong phương án cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Tự ý thực hiện chuyển nợ thành vốn góp cho một số đơn vị, cá nhân và việc chuyển nợ có sai sót lớn…”

Hai là, sai phạm trong việc chuyển nợ lương của người lao động tại HACINCO thành số tiền mua cổ phần.

Trong quá trình cổ phần hóa, HACINCO đã quyết định chuyển nợ lương của cán bộ công nhân viên tháng 7, 8, 9/2005 thành vốn góp để mua cổ phần ưu đãi với số tiền đề nghị chuyển là 581.104.100 đồng (Theo Báo cáo số 29/BC-TL ngày 12/02/2006 của HACINCO). Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, Điều 12, Nghị định số 187/2004/NĐ-CP thì: “Doanh nghiệp phải huy động các nguồn để thanh toán các khoản nợ đến hạn trả trước khi cổ phần hoá hoặc thoả thuận với các chủ nợ để xử lý hoặc chuyển thành vốn góp cổ phần”. Trên thực tế, cho đến thời điểm ngày 31/12/2004, HACINCO không nợ lương cán bộ công nhân viên, mà chỉ phát sinh nợ lương vào thời điểm tháng 7, 8, 9/2005. Vậy nên đối với các khoản nợ lương phát sinh sau ngày xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá đều không được chuyển thành vốn góp cổ phần.

Sai phạm này của HACINCO cũng đã được khẳng định tại các văn bản: Công văn số 5494/UBND-CN gửi đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội báo cáo việc thực hiện cổ phần HACINCO ngày 24/11/2006, Báo cáo số 847/BC-STC/TCDN ngày 20/3/2006 của Sở Tài Chính thành phố Hà Nội gửi UBND TP Hà Nội về quá trình cổ phần hóa HACINCO, Công văn số 830/UBND-KT của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ…Cụ thể, tại Công văn số 830/UBND-KT, UBND TP Hà Nội đã khẳng định: “…Ngoài ra, còn có 42.221 cổ phần ưu đãi chuyển nợ thành vốn góp không đúng quy định do chuyển nợ lương thành vốn góp của CBCNV, các khoản nợ lương phát sinh sau ngày xác định giá trị doanh nghiệp 31/12/2004…”

Như vậy, kiến nghị của Thanh tra chính phủ về việc chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp của HACINCO là không có căn cứ, trái với quy định pháp luật.

Thứ hai: kiến nghị giữ nguyên vốn điều lệ theo Quyết định số 7867/QĐ-UB là 47.168.6000.000 đồng, chuyển 397.100.000 đồng từ cơ cấu vốn cổ đông mua ưu đãi sang vốn cổ đông mua đấu giá (số lượng cổ phần ưu đãi đã bán cho cán bộ công nhân viên khi cổ phần hóa khách sạn HACINCO năm 1998) là không phù hợp với quy định của pháp luật vì quá trình cổ phần hóa HACINCO đã có sai phạm trong việc tính toán số cổ phần ưu đãi cho người lao động.

Một trong những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa là căn cứ vào phương án lao động do HACINCO lập, Tổ thẩm định phương án lao động của thành phố (Sở Lao động - Thương binh và xã hội và Liên đoàn Lao động thành phố) đã tính trùng số năm công tác của người lao động dẫn đến việc tính toán số cổ phần ưu đãi thiếu chính xác.

Ngày 30/5/2006, Sở Lao động Thương binh xã hội Hà Nội có Công văn số 554/LĐTBXH-CSLĐVL gửi Bộ Lao động Thương binh xã hội đề nghị giải đáp chính sách mua cổ phần ưu đãi giảm giá đối với người lao động. Ngày 19/7/2006, Bộ Lao động Thương binh xã hội đã có Công văn số 2443/LĐTBXH-LĐVL giải đáp chính sách mua cổ phần ưu đãi giảm giá đối với người lao động tại HACINCO như sau:

“Đối với người lao động đã được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa bộ phận doanh nghiệp (khách sạn Hacinco) cần được xóa bỏ hoặc giảm trừ quyền mua cổ phần ưu đãi của những người này khi cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội”

Theo xác định của các Sở ngành Thành phố: Tổng số năm công tác được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa HACINCO là: 5.590 năm. Năm 1998 khi cổ phần hóa bộ phận Khách sạn HACINCO đã có 169 CBCNV HACINCO mua 3.861 cổ phần ưu đãi (mệnh giá 100.000 đồng/1cổ phần, tổng giá trị cổ phần 386.100.000 đồng, giá trị ưu đãi được hưởng: 115.830.000 đồng) tương ứng với 3.278 năm công tác. Thực tế tại thời điểm đó một năm công tác người lao động chỉ được mua 1.178 cổ phần. Số năm công tác được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa HACINCO bị giảm trừ do đã mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa bộ phận Khách sạn HACINCO là: 3.278 năm. Như vậy, theo quy định số năm công tác còn được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần HACINCO là 2.312 năm (tương ứng với số tiền 2.312.000.000 đồng).

Như vậy, số cổ phần ưu đãi tính trùng cho người lao động khi cổ phần hóa HACINCO phải được xóa bỏ hoặc giảm trừ theo đúng nội dung giải đáp của Bộ Lao động Thương binh xã hội tại Công văn số 2443/LĐTBXH-LĐVL ngày 19/7/2006 chứ không thể chuyển từ cơ cấu cổ phần mua ưu đãi sang cổ đông mua đấu giá.

Sai phạm của HACINCO trong việc tính sai số cổ phần ưu đãi cho người lao động đã được khẳng định tại điểm a Mục 1 Công văn số 1312/UBND-CN gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo việc thực hiện cổ phần hóa HACINCO, cụ thể UBND TP Hà Nội đã khẳng định:

“a) Những sai phạm của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 trong quá trình cổ phần hóa:

Thứ nhất: Kê khai trùng số năm công tác của người lao động để tăng số tiền được Nhà nước ưu đãi khi mua cổ phần. Số cổ phần ưu đãi tính trùng là: 3.281 năm, số tiền ưu đãi tính thừa là: 3.281 năm x 100 cổ phần/năm x 10.001 đồng/1 cổ phần x 40% = 1.312.531.240 đồng…”

Thứ ba: kiến nghị công nhận kết quả Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất ngày 02/12/2005 của HACINCO là không có căn cứ vì Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của HACINCO được tiến hành không đúng quy định pháp luật, còn nhiều sai sót.

Đại hội cổ đông lần thứ nhất ngày 02/12/2005 của HACINCO được tiến hành không đúng quy định pháp luật, còn rất nhiều sai sót trong việc gửi Giấy triệu tập Đại hội và tài liệu không đảm bảo thời gian tối thiểu là 15 ngày theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 74 Luật doanh nghiệp 1999, sai sót trong việc lập danh sách cổ đông khi tiến hành Đại hội không đảm bảo về thời gian quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật doanh nghiệp năm 1999.


Văn phòng Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại Hacinco.

Văn phòng Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại Hacinco.


23 nhà đầu tư đã thanh toán hơn 21 tỷ đồng cho một công ty thuộc quản lý của UBND TP Hà Nội nhưng suốt 10 năm đã bị ém nhẹm trái pháp luật.

23 nhà đầu tư đã thanh toán hơn 21 tỷ đồng cho một công ty thuộc quản lý của UBND TP Hà Nội nhưng suốt 10 năm đã bị "ém nhẹm" trái pháp luật.

Sai phạm này của HACINCO đã được khẳng định tại Công văn số 1312/UBND-CN ngày 13/3/2007 gửi Thủ tướng chính phủ báo cáo việc thực hiện cổ phần hóa HACINCO, cụ thể:

“a) Những sai phạm của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 trong quá trình cổ phần hóa:

…. Thứ tư: Quá trình tổ chức Đại hội cổ đông còn nhiều sai sót: Việc gửi giấy tập Đại hội và tài liệu không đảm bảo thời gian tối thiểu quy định tại khoản l khoản 2, điều 74 Luật Doanh nghiệp là 15 ngày (gửi cho Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội chỉ trước ngày chính thức khai mạc Đại hội cổ đông 01 ngày); việc lập danh sách cổ đông không đảm bảo về thời gian quy định tại khoản 1 điều 72 Luật Doanh nghiệp (đến thời điểm đại hội chưa cung cấp được danh sách cổ đông sở hữu cồ phần)…”

Quan trọng hơn, ngay cả trong trường hợp không xem xét đến sai phạm về việc gửi Giấy triệu tập Đại hội và việc lập danh sách cổ đông thì kết quả Đại hội đồng cổ đông của HACINCO cũng không thể được công nhận bởi nó được tiến hành với sự tham dự và biểu quyết của cả những nhà đầu tư mua cổ phần không hợp pháp, hợp lệ - những người chưa hoàn thành việc thanh toán tiền mua cổ phần, không đảm bảo tư cách cổ đông tại HACINCO, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật doanh nghiệp năm 1999 về Đại hội đồng cổ đông. Sở Tài Chính Hà Nội đã rất nhiều lần kiến nghị hủy bỏ kết quả Đại hội cổ đông ngày 02/12/2005 của HACINCO tại các văn bản như: Công văn số 441/STC/TCDN-P2 của Sở Tài Chính Hà Nội ngày 17/02/2006 gửi UBND TP Hà Nội và Ban Đổi mới phát triển doanh nghệp và Báo cáo số 847/BC-STC/TCDN của Sở Tài Chính Hà Nội ngày 20/3/2006 gửi UBND TP Hà Nội báo cáo về quá trình bán cổ phần và tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu tại HACINCO. Cụ thể, tại phần 2 mục III Báo cáo số 847/BC-STC/TCDN, Sở Tài Chính Hà Nội kiến nghị:

“…a) Hủy bỏ kết quả Đại hội cổ đông lần đầu của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 do số nhà đầu tư tham dự và biểu quyết tại Đại hội chưa hoàn thành việc thanh toán mua cổ phần, không đảm bảo tư cách cổ đông dự Đại hội…”

Do đó, không thể công nhận kết quả Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất ngày 02/12/2005 của HACINCO.

PV: Thưa luật sư, theo bà, kết luận số 2125/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ là trái quy định pháp luật tuy nhiên UBND TP Hà Nội lại chỉ đạo cổ phần hóa HACINCO theo kiến nghị tại Kết luận 2125/KL-TTCP nêu trên, Luật sư có nhận xét như thế nào về vấn đề này?

Luật sư Lam Hồng: Trong diễn biến mới nhất của vụ việc, ngày 10/11/2016, Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã có Báo cáo số 410/BC-BCS báo cáo Thường trực thành uỷ Hà Nội về quá trình thực hiện cổ phần hóa và đề xuất 02 phương án xử lý tồn tại vướng mắc để chuyển HACINCO thành Công ty cổ phần:

- Phương án thứ nhất: Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1886/QĐ-UNBD ngày 22/4/2010 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Phương án thứ hai: Thực hiện điều chỉnh quy mô vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ theo giá trị thực tế góp vốn của các nhà đầu tư hợp pháp.

Ngày 15/12/2016, Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội có Báo cáo số 484/BC-BCS gửi Thường trực thành ủy Hà Nội bổ sung phương án xử lý tồn tại, vướng mắc để chuyển HACINCO thành Công ty cổ phần. Theo đó, Báo cáo 484/BC-BCS bổ sung phương án thứ ba, bên cạnh hai phương án đã được đề xuất tại Báo cáo số 410/BC-BCS:

- Phương án thứ ba: Điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ khi xử lý cổ phần ưu đãi tính trùng và xử lý số cổ phần chuyển nợ để thanh toán tiền mua cổ phần theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 01/9/2009.

Mặc dù phương án này được nhiều chuyên gia pháp lý nhận định là trái pháp luật và không thể thực hiện được, tuy nhiên bất ngờ vào ngày 30/12/2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 514/TB-TU thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về việc chuyển Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội thành Công ty cổ phần, theo đó đồng ý cổ phần hóa HACINCO theo phương án thứ ba được Ban cán sự Đảng UBND TP đề xuất tại Báo cáo 484/BC-BCS.

Đến ngày 08/02/2017, UBND TP Hà Nội tiếp tục có Công văn số 440/UBND-KT về việc triển khai thực hiện chuyển HACINCO thành Công ty cổ phần với nội dung chấp thuận cổ phần hóa HACINCO theo phương án được Thanh tra Chính phủ nêu ra tại Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 01/9/2009.

Chỉ đạo này của UBND TP Hà Nội khiến cho các nhà đầu tư, những người lao động, các chuyên gia pháp lý, các đơn vị có liên quan hết sức bất ngờ, không chỉ vì phương án cổ phần hóa theo nội dung Kết luận số 2125/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ là trái pháp luật mà đây còn là phương án đã không được chính UBND TP Hà Nội lựa chọn kể từ năm 2009 đến nay.

Như đã phân tích ở trên, phương án thứ ba được đề xuất tại Báo cáo số 484/BC-BCS ngày 15/12/2015 của Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội căn cứ vào Kết luận số 2125/KL-TTCP để cổ phần hóa dứt điểm HACINCO chứa đựng nhiều nội dung trái quy định pháp luật và không thể thực hiện được trên thực tế. Vì vậy, việc UBND TP Hà Nội chấp thuận phương án thứ ba nêu trên và chỉ đạo cổ phần hóa dứt điểm HACINCO theo hướng này là rất bất hợp lý và không có cơ sở. Đây không phải là “đáp án đúng” cho bài toán cổ phần hóa HACINCO, nếu được triển khai thực hiện sẽ tiếp tục khiến quyền lợi của các nhà đầu tư và những người lao động bị xâm phạm nghiêm trọng, khiến quá trình cổ phần hóa HACINCO bị cuốn vào những “mớ bòng bong” không có hồi kết, bởi các nhà đầu tư và người lao động sẽ không bao giờ chấp nhận một phương án trái pháp luật và sẽ phải khiếu nại hoặc khởi kiện để bảo vệ quyền - lợi ích hợp pháp của mình .

Xin cảm ơn Luật sư!

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Anh Thế (thực hiện)