Bài 14:

Phải thực hiện bồi thường cho dân trong vụ thi hành án kiểu “sống chết mặc bay”

(Dân trí) - Sau loạt bài điều tra nhiều kỳ của báo Dân trí về vụ “om” tài sản trúng đấu giá của người dân suốt hơn 10 năm tại huyện Đông Anh (Hà Nội), vụ việc đã dần sáng tỏ khi Cục thi hành án TP Hà Nội vừa ban hành quyết định chỉ rõ sai phạm nghiêm trọng trong vụ việc thi hành án kiểu “sống chết mặc bay” này, đồng thời yêu cầu xử lý trách nhiệm với Chi cục trưởng chi cục thi hành án huyện Đông Anh và chấp hành viên.

Liên quan đến việc Đội thi hành án dân sự huyện Đông Anh “om” tài sản của người trúng đấu giá là bà Lê Thị Hồng Hạnh hơn 10 năm nay mà vẫn không thể bàn giao, theo khẳng định của Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 24/QĐ-CTHA ngày 13.4.2016 gửi cho bà Hạnh thì: “Cơ quan thi hành án cũng không xác định đây là trường hợp có sự kiện bất khả kháng, kết quả bán đấu giá không bị huỷ theo quy định của pháp luật và đương sự cũng không có thoả thuận khác”.

Như vậy, theo kết luận này thì kết quả bán đấu giá tài sản không bị hủy theo quy định của pháp luật. Vậy lý do tại sao cơ quan thi hành án vẫn không thể bàn giao tài sản cho người mua? Việc bàn giao tài sản cho người mua sau khi trúng đấu giá được pháp luật quy định như thế nào và chấp hành viên trong vụ việc có những sai phạm ra sao? Chúng tôi đã có buổi trao đổi với Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội để làm rõ hơn về nội dung này.

Phải thực hiện bồi thường cho dân trong vụ thi hành án kiểu “sống chết mặc bay” - 1

Người dân nộp hơn 80 triệu đồng sau khi trúng đấu giá tài sản từ năm 2002 nhưng sau 10 năm vẫn chưa được nhận bàn giao tài sản.

Người dân nộp hơn 80 triệu đồng sau khi trúng đấu giá tài sản từ năm 2002 nhưng sau 10 năm vẫn chưa được nhận bàn giao tài sản.

PV: Thưa luật sư, xin luật sư cho biết việc bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá tại thời điểm bà Hạnh trúng đấu giá được pháp luật quy định như thế nào và trách nhiệm của cơ quan thi hành án, trung tâm bán đấu giá tài sản đối với việc bàn giao tài sản cho người mua được quy định ra sao?

Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Căn cứ theo quy định tại Điều 25, Điều 26 Quy chế bán đấu giá tài sản ban hành kèm Nghị định số 86/CP ngày 19/12/1996 (sau đây gọi tắt là Quy chế bán đấu giá tài sản) thì:

Điều 25.- Thời hạn giao tài sản bán đấu giá

Đối với tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu, thì người bán đấu giá phải giao ngay tài sản cho người mua sau khi lập văn bản bán đấu giá và người mua đã thanh toán xong tiền mua tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu, thì người bán đấu giá phải giao ngay tài sản cho người mua sau khi người mua đã thanh toán xong tiền mua tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 26.- Địa điểm giao tài sản bán đấu giá

Địa điểm giao tài sản bán đấu giá được xác định như sau:

1. Nơi có bất động sản bán đấu giá.

2. Nơi bán đấu giá tài sản là động sản, trừ trường hợp người bán đấu giá và người mua tài sản có thoả thuận khác.”

Như vậy, theo các quy định này thì ngay sau khi bà Hạnh thanh toán xong tiền mua tài sản, người bán đấu giá phải giao ngay tài sản cho bà Hạnh, đối với bất động sản việc bàn giao sẽ được tiến hành tại nơi có bất động sản bán đấu giá. Người bán đấu giá được xác định theo quy chế trên là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản – Sở Tư pháp Hà Nội.

Bên cạnh đó, tại Hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản số 29/2002/HĐUQ ký ngày 03/6/2002 giữa Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và Đội Thi hành án dân sự huyện Đông Anh ký cũng đã nêu rõ: “…bàn giao tài sản cho người mua chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày người trúng đấu giá nộp đủ tiền cho bên B”.

Điều này có nghĩa là theo thỏa thuận trong Hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản thì việc bàn giao tài sản phải được thực hiện chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày bà Hạnh nộp đủ tiền mua tài sản.

Sau khi tổ chức bán đấu giá tài sản và hoàn thành việc bán đấu giá tài sản, ngày 11/10/2002, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản đã có văn bản số 100/2002/CV-TT do Phó giám đốc Cao Anh Thắng gửi Đội thi hành án huyện Đông Anh đề nghị khẩn trương tổ chức bàn giao tài sản cho khách hàng. Tuy nhiên, cho tới nay, việc bàn giao tài sản vẫn chưa tiến hành xong. Việc Đội thi hành án và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản không tiến hành các công việc trên để bàn giao lại tài sản trúng đấu giá cho bà Hạnh trong khi bà Hạnh trúng đấu giá và đã hoàn thành việc nộp tiền mua tài sản đấu giá ngày 17/07/2002 (có giấy tờ xác nhận về việc chuyển khoản qua ngân hàng) là vi phạm các quy định của pháp luật.

PV: Vậy trong trường hợp đã đủ cơ sở để bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá mà có người cản trở việc bàn giao tài sản thì cơ quan thi hành án phải xử lý như thế nào thưa luật sư?

Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Căn cứ theo quy định tại điểm c mục 3 Phần IV Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT/BTP-VKSNDTC ngày 26/02/2001 Hướng dẫn thực hiện một số quy định pháp luật về thi hành án dân sự thì:

“c. Trong trường hợp trả nhà, giao nhà cho người mua theo thủ tục đấu giá hoặc người được thi hành án nhận nhà để thi hành án, thì cơ quan thi hành án yêu cầu người phải thi hành án và gia đình tự chuyển tài sản ra khỏi nhà. Nếu người phải thi hành án và gia đình họ không tự nguyện, thì cơ quan thi hành án lập biên bản liệt kê chi tiết các loại tài sản, cho chuyển tài sản ra khỏi nhà và yêu cầu người phải thi hành án và gia đình họ nhận lại tài sản. Nếu người phải thi hành án và gia đình từ chối nhận tài sản thì cơ quan thi hành án thuê bảo quản tài sản, thông báo và ấn định thời hạn thích hợp (ít nhất là ba tháng) để người phải thi hành án và gia đình họ đến nhận lại tài sản….”.

Như vậy, Đội thi hành án cũng có trách nhiệm trong việc bàn giao nhà đất mà bà Hạnh đã trúng đấu giá đó là có nghĩa vụ yêu cầu người phải thi hành án và gia đình chuyển tài sản ra khỏi nhà.


Ngôi nhà 4 tầng xây trái phép trên đất công nhiên chiếm đoạt đã lọt qua tất cả sự kiểm soát, thách thức pháp luật của hệ thống chính quyền huyện Đông Anh.

Ngôi nhà 4 tầng xây trái phép trên đất công nhiên chiếm đoạt đã lọt qua tất cả sự kiểm soát, thách thức pháp luật của hệ thống chính quyền huyện Đông Anh.

Mặt khác, theo quy định tại Pháp lệnh THADS năm 1993, Pháp lệnh THADS năm 2004, Luật THADS năm 2008, Luật THADS năm 2014 và quy định tại Điều 37 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 thì sau khi bán đấu giá thành, cơ quan THADS phải tổ chức giao tài sản cho người mua đươc tài sản. Trong trường hợp người phải thi hành án, người đang quản lý tài sản không tự nguyện bàn giao tài sản thì phải tổ chức cưỡng chế bàn giao tài sản.

Cụ thể, để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án, Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; quyết định thi hành án; tính chất, mức độ, nghĩa vụ thi hành án; điều kiện của người phải thi hành án; yêu cầu bằng văn bản của đương sự và tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án thích hợp. Đặc biệt, trong trường hợp cần thiết, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ít nhất là 05 ngày làm việc trước khi tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn theo quy định tại của Luật THADS.

Thực tế, trong vụ việc này, sau khi bán đấu giá tài sản, các đương sự không khiếu nại, không khởi kiện về kết quả bán đấu giá; Kết quả bán đấu giá ko bị cơ quan có thẩm quyền huỷ bỏ. Do vậy, có thể thấy rằng đã đủ cơ sở để bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá theo Điều 103 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014, đó là:

“Điều 103. Bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án

1. Người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó.

2. Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác.”.

Tuy nhiên, trong quá trình cưỡng chế thi hành án, gia đình ông Mai đã tổ chức lực lượng chống đối, ngăn cản quyết liệt việc thi hành án đó là đưa người già, trẻ em, phụ nữ tụ tập cản trở, chống đối việc cưỡng chế bàn giao tài sản. Điều này cho thấy rằng việc xây dựng kế hoạch cưỡng chế chưa được đầy đủ, chưa nắm bắt được tình hình chống đối của đương sự dẫn đến việc cưỡng chế ngày 10/11/2004 không thành công. Bên cạnh đó, sau khi tổ chức cưỡng chế không thành công, chấp hành viên phụ trách vụ việc cũng chưa xây dựng, đề xuất kế hoạch để tiếp tục tổ chức cưỡng chế, giao tài sản cho người trúng đấu giá để giải quyết dứt điểm vụ việc, dẫn tới việc ông Mai tiếp tục xây dựng công trình trên đất, hủy hoại tài sản đã kê biên, bán đấu giá. Chính điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của bà Hạnh.

Có thể thấy, trong rất nhiều các văn bản pháp luật đã xác định rõ quyền và nghĩa vụ của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá nên cơ quan này và Đội thi hành án sẽ phải chịu trách nhiệm về việc không thực hiện đúng quy định về việc bàn giao tài sản và đăng ký quyền sở hữu cho bà Hạnh. Rõ ràng, sai phạm dẫn đến việc chậm bàn giao tài sản cho gia đình bà Hạnh thuộc về cả Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và cơ quan thi hành án. Hai cơ quan này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sai phạm của mình và phải bồi thường cho bà Hạnh theo quy định của pháp luật đối với những thiệt hại thực tế phát sinh trong suốt hơn 10 năm qua.

Sau loạt bài điều tra nhiều kỳ của báo Dân trí về vụ “om” tài sản trúng đấu giá của người dân suốt hơn 10 năm tại huyện Đông Anh (Hà Nội), vụ việc đã dần sáng tỏ khi Cục thi hành án TP Hà Nội vừa ban hành quyết định chỉ rõ sai phạm nghiêm trọng trong vụ việc thi hành án kiểu “sống chết mặc bay” này, đồng thời yêu cầu xử lý trách nhiệm với Chi cục trưởng chi cục thi hành án huyện Đông Anh và chấp hành viên.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về sự việc!

Anh Thế (thực hiện)