Nỗi lo của cha mẹ học sinh

Sau khi Diễn đàn Dân trí đăng một số ý kiến phản ảnh về tình trạng học rất vất vả của con em chúng ta, rất nhiều phụ huynh học sinh tiếp tục gửi bài đến Diễn đàn để tỏ bày nỗi lòng của mình.

Dưới đây xin trích đăng hai ý kiến nói về nỗi lo của cha mẹ học sinh mới chỉ học… lớp 1:

1. Đọc bài viết về Chương trình lớp 1 của các phụ huynh học sinh, chúng tôi rất thông cảm vì bản thân đêm nào cũng phải học "bổ túc" lớp 1 cùng với con mình.

Cứ mỗi lần đón con về là chúng tôi vội mở ngay bài vở ra xem thử tối nay có bài tập viết hay không để còn tranh thủ cơm nước tắm gội xong là lao vào học ngay cho kịp giờ đi ngủ. Toàn bộ thời gian buổi tối lẽ ra chúng tôi phải được giải trí thì lại tiêu tốn hết cho việc theo sát kèm cặp con cái hoàn thành bài vở của ngày hôm đó. Nhớ lại ngày trước chúng tôi học tiểu học đâu có khổ như thế này, bài vở đâu có chồng chất và môn học không đầy rẫy như thế này mà chúng tôi vẫn học thành người có đủ vốn kiến thức và nắm được phương pháp học để tiếp tục học lên trên và tự học suốt đời.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Đặc biệt hiện nay các trường các lớp lại chạy theo thành tích kết quả học tập một cách hình thức (thể hiện số điểm cao) mà không coi trọng việc phát huy khả năng tự học và sáng tạo của mỗi học sinh. Thử hỏi toàn bộ học sinh đều đạt học sinh xuất sắc, giỏi, khá là do đâu mà ra. Có phải từ động cơ thành tích, hoặc danh tiếng ảo của thầy, của trường? Nếu thực lực các em tiểu học giỏi như thế thì tại sao khi lên trung học, đại học không còn duy trì được kết quả này.

Qua các bài viết phản ánh nỗi bức xúc về chương trình học tiểu học hiện nay, chúng tôi mong rằng Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nên có cuộc khảo sát, điều tra tính hiệu quả và tính thiết thực của chương trình học một cách nghiêm túc bằng cách thăm dò ý kiến trực tiếp của những phụ huynh và các giáo viên, chứ không nên thông qua các cán bộ của sở Giáo dục.

Là phụ huynh, chúng tôi e rằng chương trình học quá tải sẽ làm cho các em biến thành cái máy, không nhận thấy việc học là công việc thích thú mà chỉ học để đối phó, lấy điểm cho qua chuyện. Điều này càng nguy hiểm hơn nếu chúng không có phương pháp học tập khoa học và khi học lên đại học cần nghiên cứu lại không biết tư duy và sáng tạo là gì.

Lê Nhật Khương
(Nha Trang)

2. Khi con gái tôi bước vào tiểu học, gia đình đã đi tìm mua cho cháu chiếc cặp sách siêu nhẹ để những mong giảm bớt cân nặng khi cháu mang cặp đến trường... nhưng cuối cùng tôi vẫn phải thay bằng loại cặp kéo tay để đôi vai của cháu bớt đi "gánh nặng"...

Ngày nào cũng đầy đủ: 1quyển sách toán, 1 quyển sách Tiếng Việt, 6 quyển vở viết ở lớp và bán trú + đồ dùng học tập và sách bài tập + sách vở các môn phụ...Tổng cộng chiếc cặp sách của con tôi cũng nặng cỡ vài kg. Trong khi trọng lương cơ thể của cháu chỉ là 22kg.

Tôi không hiểu chương trình cải cách giáo dục thế nào mà mỗi năm chiếc cặp sách của các cháu tiểu học như ngày càng nặng thêm??? Tôi tha thiết mong các nhà "làm" giáo dục hãy quan tâm đến sự ứng dụng vào thực tế các môn học phù hợp với lứa tuổi tiểu học. Hãy cải cách tình trạng "cái gì cũng học, nhưng chẳng biết cái gì" của nền giáo dục Việt Nam!!!

Nguyễn Chung Thuỷ

LTS Dân trí - Đánh giá về thực trạng giáo dục phổ thông của chúng ta, rất nhiều ý kiến gửi đến Diễn đàn Dân trí thống nhất nhận định: hầu như cái gì cũng bắt học sinh học, nhưng chẳng biết cái gì cho ra hồn! Hay nói cách khác là chúng ta luôn nhấn mạnh mục tiêu giáo dục toàn diện, nhưng rất đáng buồn là “chẳng diện nào ra diện nào”. Chính vì vậy mà học sinh bây giờ phải học rất nhiều nhưng trình độ không được nâng lên, mà ngược lại  thể hiện rõ những lỗ hổng kiến thức cơ bản (nhiều khi đến kinh ngạc!) qua các kỳ thi.

Vì vậy, cần mạnh dạn tinh giản chương trình, loại bỏ những nội dung không thiết thực, không phù hợp với lứa tuổi. Trong thời đại “bùng nổ thông tin”, không thể tham lam nhồi nhét kiến thức cho học sinh mà cần biết chọn lọc và tích hợp những kiến thức cơ bản nhất, và điều quan trọng là trang bị cho học sinh phương pháp học tập tốt, để biết tự học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, từ đấy “học một biết mười” như người  xưa đã dạy về phương pháp học tập sáng tạo.