Những “vết chàm” của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ!

(Dân trí) - Xung quanh nghi án “giải cứu” phân bón giả ở Sóc Trăng, dư luận người dân rất bất bình khi biết thêm những “vết chàm” của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (KKNPB Nam Bộ) dẫn tới việc bị Bộ Công thương hủy bỏ quyết định chỉ định tổ chức thử nghiệm và chứng nhận phân bón vô cơ đã cấp cho Trung tâm này.

Vào tháng 5/2015, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh thông tin Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) công bố danh sách của 11 tổ chức được Cục Trồng trọt chỉ định được phép chứng nhận chất lượng, thử nghiệm phân bón có dấu hiệu sai phạm. Trong danh sách 11 tổ chức này, điển hình nhất là Trung tâm KKNPB Nam Bộ.

Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, Trung tâm KKNPB Nam Bộ là tổ chức được chứng nhận khi chưa đủ năng lực theo Luật Tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật. Đáng nói, Trung tâm này khi được Cục Trồng trọt ra quyết định chỉ định là tổ chức chứng nhận phân bón đã không có Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động. Phòng thử nghiệm phân bón của Trung tâm cũng không có Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm.

Với những yếu kém, sai từ gốc như vậy, Trung tâm KKNPB Nam Bộ đã thực hiện chứng nhận, kiểm nghiệm cho hàng ngàn sản phẩm, hàng trăm doanh nghiệp với mức độ sai phạm được cho là “rất nghiêm trọng”.

Cụ thể, Trung tâm này đã chứng nhận hợp quy cho 496 sản phẩm không nằm trong danh mục quy định của Bộ NN&PTNT, vi phạm quy định Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá (CLSPHH). Nghiêm trọng hơn nữa, Trung tâm này còn chứng nhận cho 1.274 sản phẩm phân bón vô cơ trong khi Trung tâm không hề được chỉ định chức năng trên (chỉ được chứng nhận phân bón DAP và phân lân nung chảy). Đây là hành vi “chứng nhận ngoài phạm vi được chỉ định” mà Nghị định 80/2013/NĐ-CP đã nghiêm cấm. Sau khi chứng nhận xong, Trung tâm KKNPB Nam Bộ cũng không hề lưu mẫu.

Tất cả điều này dẫn đến hàng ngàn sản phẩm phân bón của 276 doanh nghiệp đã không được kiểm soát về chất lượng, chứng nhận sai, nhiều sản phẩm nằm ngoài danh mục cho phép,... nhưng đã được đóng dấu “hợp quy”, bán tràn lan trên thị trường.

Đặc biệt, Cục Trồng trọt cũng có Công văn số 1754 gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc hoạt động chứng nhận hợp quy phân bón của Trung tâm KKNPB Nam Bộ. Cục Trồng trọt kết luận, Trung tâm này cấp sai giấy chứng nhận hợp quy 35 loại phân bón cho Công ty Cổ phần Thuận Phong (Công ty Thuận Phong, Đồng Nai) để làm phân bón giả.

Cụ thể, Thông tư số 29/2014-TT-BCT của Bộ Công thương đến ngày 27/11/2014 mới có hiệu lực thi hành, nhưng tại thời điểm đánh giá ngày 6/11/2014 khi Thông tư này chưa có hiệu lực nhưng Trung tâm KKNPB Nam Bộ vẫn cấp 35 giấy chứng nhận hợp quy cho Công ty Thuận Phong.

Theo kết quả kiểm tra, trong bản ghi chép đánh giá đối với 37 loại phân bón mà Trung tâm KKNPB Nam Bộ thực hiện cho Công ty Thuận Phong không thể hiện việc đánh giá quá trình sản xuất theo phương thức 5 cho loại phân bón nào, vào thời điểm nào, của ngày nào.

Trong biên bản lấy mẫu phân bón số 117 ngày 6/11/2014 của Trung tâm KKNPB Nam Bộ chỉ có một người (ông Võ Thành Đạt) thực hiện lấy 37 mẫu phân bón trong thời gian một giờ 15 phút, theo Cục Trồng trọt là không thể thực hiện được.

Tại Quyết định số 201 ngày 4/11/2014 thành lập đoàn chuyên gia đánh giá và Quyết định số 237 ngày 11/12/2014 của Trung tâm KKNPB Nam Bộ cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 35 sản phẩm của Công ty Thuận Phong. Trung tâm KKNPB Nam Bộ căn cứ Quyết định số 54 ngày 19/11/2012 của Cục Trồng trọt để thành lập đoàn chuyên gia đánh giá hợp quy phân bón vô cơ do Bộ Công Thương quản lý là sai quy định.

Ngoài ra, Cục Trồng trọt không chỉ định Trung tâm KKNPB Nam Bộ chứng nhận hợp quy cho các loại phân bón NPK, phân trung lượng, phân vi lượng. Do đó, Trung tâm này không được phép cấp giấy chứng nhận hợp quy phân bón này.

Tại Quyết định số 201 của Trung tâm KKNPB Nam Bộ,  đoàn chuyên gia đánh giá được thành lập dựa trên căn cứ Quyết định 548 của Cục Trồng trọt, nhưng thực hiện việc đánh giá, lấy mẫu 37 loại phân bón, cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 35 loại phân bón lại căn cứ theo Thông tư 29 của Bộ Công thương về phân bón vô cơ là sai về căn cứ chứng nhận.

Cục Trồng trọt kết luận: Trung tâm KKNPB Nam Bộ không được cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 35 loại phân bón khi chưa được Bộ Công thương chỉ định chứng nhận hợp quy đối với 35 loại phân bón này.

Theo văn bản số 1295 ngày 5/7/2012 của Cục Trồng trọt về việc đăng ký phân NPK, phân trung lượng vào danh mục gửi Công ty Thuận Phong thì 5 loại phân bón (phân NPK Thuận Phong 1, 2, 3, 4 và 5) là loại phân bón rễ. Tuy nhiên, tại bản mô tả chung về sản phẩm phân bón do Công ty Thuận Phong ký đóng dấu thì có 5/35 loại phân bón (là loại nhập khẩu) đã được cấp giấy chứng nhận hợp quy (gồm phân bón lá NANO 901, 802, 803, 804 và 805) không được phép sử dụng tại Việt Nam, song Trung tâm KKNPB Nam Bộ vẫn thực hiện đánh giá chứng nhận hợp quy cho các sản phẩm này.

Cục Trồng trọt còn kết luận, một số phân bón Trung tâm KKNPB Nam Bộ cấp giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm không đúng với loại phân bón mà Trung tâm này đã hợp đồng chứng nhận hợp quy sản phẩm với Công ty Thuận Phong. Kết quả kiểm nghiệm các loại phân bón (gồm Cuộc sống mới 9999, Cuộc sống mới 888, Thuyền Buồm, ZAP) do Công ty Thuận Phong hợp đồng với Trung tâm KKNPB Nam Bộ khảo nghiệm chưa đạt yêu cầu. Công ty Thuận Phong phải khảo nghiệm bổ sung nhưng nội dung chưa phù hợp theo Thông tư số 41 của Bộ NN&PTNT.

Theo Cục Trồng trọt, Trung tâm KKNPB Nam Bộ không chỉ cấp sai giấy chứng nhận hợp quy cho Công ty Thuận Phong để làm phân bón giả, một số Sở NN&PTNT và doanh nghiệp còn gửi công văn khiếu nại tới thanh tra, lãnh đạo Bộ NN&PTNT khi tài liệu về quy trình tiến hành hoạt động chứng nhận của Trung tâm KKNPB Nam Bộ có nhiều vi phạm, không phù hợp quy định pháp luật, tạo điều kiện cho một số cơ sở làm phân bón kém chất lượng.

Như vậy cho thấy Trung tâm KKNPB Nam Bộ đã có quá trình “dính chàm” nhiều lần với mức độ nghiêm trọng, dẫn tới bị hủy bỏ quyết định chỉ định tổ chức thử nghiệm và chứng nhận phân bón vô cơ và bị chấm dứt hoạt động từ ngày 15/8/2016.

Bên cạnh Trung tâm KKNPB Nam Bộ, Công ty Cổ phần chứng nhận và giám định Vinacert cũng là một trong số 11 tổ chức có sai phạm như nêu trên.

Cụ thể, công ty này ngoài các vi phạm hành chính còn bị phát hiện lỗi vi phạm có dấu hiệu hình sự như có dấu hiệu làm giả chữ ký để cấp chứng nhận hợp quy cho 36 sản phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ cao quốc tế Con Cò Vàng. Từ đó, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu  Thanh tra Bộ NN&PTNT chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Bộ Công an để điều tra làm rõ hành vi giả mạo quyết định chứng nhận hợp quy 36 sản phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ cao quốc tế Con cò vàng.

Những “vết chàm” của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ! - Ảnh 1.
Những “vết chàm” của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ! - Ảnh 2.

Công văn 8288 của Bộ Công thương về việc xử lý đối với sản phẩm phân bón vô cơ đã được công bố hợp quy sai quy định.

Do những sai phạm trong việc chứng nhận hợp quy của một số phòng thử nghiệm phân bón vô cơ, ngày 6/9/2016, Bộ Công thương phát đi Công văn số 8288/BCT-HC do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng ký, gửi Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xử lý đối với sản phẩm phân bón vô cơ đã được công bố hợp quy sai quy định.

Cụ thể, Bộ Công thương đã có 2 quyết định về việc hủy bỏ quyết định chỉ định tổ chức thử nghiệm và chứng nhận phân bón vô cơ đã cấp cho Trung tâm KKNPB Nam Bộ và Công ty Cổ phần chứng nhận và giám định Vinacert

Công văn yêu cầu các tổ chức, cá nhân có sản phẩm phân bón vô cơ đã được cấp dấu chứng nhận hợp quy do 2 tổ chức này cấp phải có trách nhiệm thu hồi toàn bộ sản phẩm phân bón vô cơ đang lưu thông trên thị trường và báo cáo số liệu cho Sở Công thương trước ngày 15/10/2016.

Đồng thời, các tổ chức, cá nhân này phải tiến hành lại việc chứng nhận hợp quy đối với các sản phẩm đã thu hồi nêu trên tại các tổ chức thử nghiệm được Bộ Công thương chỉ định và thực hiện thủ tục công bố hợp quy tại Sở Công thương theo quy định. Các sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng mới được phép lưu thông trên thị trường.

Không dừng lại ở đó, sau khi chứng nhận hợp quy lại, các bao bì còn tồn kho hoặc sau khi thu hồi, nếu mẫu sản phẩm nào phù hợp thì được phép xóa dấu chứng nhận hợp quy cũ, in bổ sung dấu chứng nhận hợp quy mới trước khi đưa lưu thông trên thị trường.

Bộ Công thương cũng yêu cầu: Sở Công thương các tỉnh, thành phố phải thực hiện kiểm tra, giám sát việc thu hồi các sản phẩm phân bón vô cơ vi phạm trên thị trường, ghi biên bản xác định số lượng sản phẩm, bao bì tồn kho, sản phẩm phân bón do các tổ chức, cá nhân thu hồi để theo dõi trong việc tiếp nhận và thông báo xác nhận công bố hợp quy theo quy định. Ngoài ra, phải tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân chưa được cấp phép sản xuất phân bón vô cơ phải tạm dừng sản xuất cho đến khi được cấp phép.

Đây là 2 trong 11 đơn vị có nhiều sai phạm liên quan đến chứng nhận và kiểm nghiệm phân bón mà Thanh tra Bộ NN&PTNT công bố hồi tháng 5/2016. Theo đó, các đơn vị này đã không thực hiện đánh giá chất lượng sản phẩm nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm phân bón lưu thông trên thị trường, sử dụng phòng thử nghiệm chưa được chỉ định để phân tích các chỉ tiêu phân bón,…

Những “vết chàm” của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ! - Ảnh 3.

Chi cục Quản lý thị trường Sóc Trăng, nơi có 2 cán bộ vừa qua bị khởi tố.

Như Dân trí đã thông tin, vào tháng 4/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Châu Hoài Phương (Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Sóc Trăng) làm trưởng đoàn, đã kiểm tra, tạm giữ 148 bao phân bón gồm 3 loại phân khác nhau của DNTN Hồ Mỹ Nhiên (phường 1, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng).

Kết quả giám định lần đầu, cả 3 mẫu phân bón bị tạm giữ đều không đạt chất lượng. Doanh nghiệp khiếu nại nên kiểm định lần 2 vẫn không đạt. Tuy nhiên, các mẫu này sau đó được đưa đi kiểm định lần 3 tại Trung tâm KKNPB Nam Bộ (ngày nhận mẫu là 17/6/2016, ngày trả kết quả thử nghiệm 28/6/2016) thì kết quả lại đạt chất lượng nên toàn bộ số phân bị tạm giữ được giải phóng, trả lại cho doanh nghiệp tiêu thụ.

Hơn một năm sau, cơ quan điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 người là ông Châu Hoài Phương và ông Ung Văn Thanh về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bạch Dương