Đắk Nông:

Những ai đã “cho không” doanh nghiệp bến xe khách có tiền tỷ ngân sách?

(Dân trí) - Ngày 25/9, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đã giao Sở Kế hoạch – Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị khác kiểm tra, rà soát các quy định pháp luật đối với dự án Bến xe khách huyện Krông Nô.

Trước đó, Công an tỉnh Đắk Nông đã có báo cáo về một số dấu hiệu sai phạm ban đầu trong đầu tư, xây dựng Bến xe khách huyện Krông Nô. Việc xây dựng bến xe khách bằng hình thức xã hội hóa được UBND huyện thống nhất chủ trương vào năm 2013. Tuy nhiên, đến năm 2015 huyện này lại thực hiện theo hình thức Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm, tức là Nhà nước góp vốn thực hiện dự án.

Trong báo cáo kinh tế, kỹ thuật ban đầu, công trình bến xe, tổng mức đầu tư là hơn 5,7 tỷ đồng, Ngân sách Nhà nước là 2 tỷ đồng, tương đương với 35%. Tuy nhiên, đến tháng 8/2015, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô quyết định nâng mức góp vốn lên 2,569 tỷ đồng (tương đương với 45% tổng mức đầu tư).

Những ai đã “cho không” doanh nghiệp bến xe khách có tiền tỷ ngân sách? - 1
Bến xe khách huyện Krông Nô được điều chỉnh tỷ lệ góp vốn, trong đó vốn nhà nước là 2,5 tỷ đồng

Đến tháng 9/2015, Hợp đồng hai bên được ký kết, xác định UBND huyện Krông Nô giao Bến xe khách cho Công ty TNHH Nam Trường. Dù Nhà nước góp vốn 45% nhưng sau khi hoàn thành bến xe, doanh nghiệp này được toàn quyền quản lý, kinh doanh, thu phí trong thời hạn 30 năm. Ngoài ra nội dung bản hợp đồng cũng không có bất kỳ điều khoản nào quy định việc phân chia lợi nhuận, hoàn vốn đối với phần vốn Nhà nước.

Tháng 5/2016, dự án Bến xe khách huyện Krông Nô hoàn thành việc xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng. Từ đó đến nay, Công ty TNHH Nam Trường chưa nộp bất cứ một đồng tiền nào vào ngân sách Nhà nước để hoàn trả vốn của ngân sách đã đầu tư vào dự án.

Theo Công an tỉnh Đắk Nông, hình thức, cách thức góp vốn vào dự án Bến xe khách huyện Krông Nô là đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, việc UBND huyện Krông Nô quyết định việc này là không đúng thẩm quyền, không đủ điều kiện để thực hiện dự án. Chính vì thế, Công an tỉnh Đắk Nông cũng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan sớm có biện pháp khắc phục hậu quả, thu hồi vốn đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.

Những ai đã “cho không” doanh nghiệp bến xe khách có tiền tỷ ngân sách? - 2
UBND huyện K rông Nô đồng ý cho thi công bến xe trước khi phê duyệt các hồ sơ cần thiết

Trong khi đó, ông Phạm Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông– Vận tải tỉnh Đắk Nông, tất cả các bến xe trong tỉnh Đắk Nông đều được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, tức doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác. Hiện nay, các bến xe khác trên tỉnh đều là xã hội hóa, chỉ có mỗi Bến xe khách huyện Krông Nô có vốn Nhà nước.

Cũng theo lãnh đạo Sở GT-VT tỉnh Đắk Nông, đặc thù tỉnh có diện tích lớn, dân cư thưa thớt, đường Hồ Chí Minh chạy xuyên suốt từ đầu đến cuối tỉnh nên đa số các bến xe khách hoạt động kém hiệu quả. Thực tế là vậy, song Bến xe khách huyện Krông Nô vẫn được đầu tư xây dựng với diện tích quá lớn so với quy định dẫn đến vốn đầu tư lớn. Hiện nay việc vận hành, khai thác kém hiệu quả có thể gây ra lãng phí vốn của nhà nước.

Theo ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, quan điểm của UBND tỉnh Đắk Nông là phải điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong quá trình đầu tư, xây dựng Bến xe Krông Nô theo đúng các quy định pháp luật. Nhiều vấn đề về chủ trương, trình tự thủ tục thực hiện đầu tư xây dựng dự án Bến xe khách Krông Nô đều bất ổn.

Theo tìm hiểu, người ký các quyết định liên quan tới dự án bến xe khách huyện Krông Nô thời điểm đó là ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện. Ông Chiến hiện đang là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông. Ngoài ra, ông Ngô Xuân Đông, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, cũng ký hợp đồng “cho không” bến xe khách cho Công ty Nam Trường khi đang là Phó chủ tịch UBND huyện.

Dương Phong