Nhịp cầu bạn đọc số 7: Đề nghị làm rõ khiếu nại vụ thi hành án dân sự tại Quảng Ninh

(Dân trí) - Công dân phản ánh lãnh đạo xã Sơn Đà, huyện Ba Vì bán đất trái phép; Thi hành án sai phạm tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), bạn đọc ở Lào Cai cầu cứu vì bị cưỡng chế thu hồi đất cho dự án nhà ở thương mại... là một trong những nội dung đơn bạn đọc gửi đến báo Dân trí tuần qua, đơn thư của bạn đọc đã được báo gửi tới cơ quan chức năng có liên quan để giải quyết.

Báo Dân trí nhận được Đơn khiếu nại của bà Mai Thị Anh (SN 1978) cùng chồng là Nguyễn Tiến Đức (SN 1979), trú tại tổ 10, khu 3, phường Hồng Gai, TP Hạ Long (Quảng Ninh).

Đơn thư cho biết: “Chúng tôi có tài sản là quyền sử dụng đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BĐ 412518, số vào sổ cấp giấy chứng nhận SH 00590 do UBND thành phố Hạ Long cấp ngày 31/12/2010 mang tên chủ sở hữu/sử dụng Mai Thị Anh.

Ngày 30/7/2012, chúng tôi ký Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất nêu trên để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác số K0328/HĐTC với Ngân hàng TMCP Đông Á.

Ngày  26/8/2013 chúng tôi ký hợp đồng vay vốn số K0661/1 với Ngân hàng TMCP Đông Á để vay số tiền 3.000.000.000 đồng. Sau đó do vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên Ngân hàng TMCP Đông Á đã kiện chúng tôi ra toà.

Ngày 23/11/2016 toà án nhân dân thành phố Hạ Long đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên bản án số 11/2016/KDTM-ST về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng. Theo quyết định của bản án toà án nhân dân thành phố Hạ Long xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP Đông Á, buộc chúng tôi phải trả cho Ngân hàng TMCP Đông Á tổng số tiền là 4.474.597.947 đồng (trong đó nợ gốc là 2.993.793.056 đồng, lãi trong hạn là 409.775.425 đồng, lãi quá hạn là 1.071.029.466 đồng). Ngoài ra bản án còn tuyên về phần án phí.

Mặc dù vợ chồng tôi không nhận được các bản án theo quy định. Nhưng vấn đề mấu chốt hiện nay là thủ tục thi hành bản án nêu trên đang được Chi cục thi hành án dân sư thành phố Hạ Long và chấp hành viên của Chi cục này bất chấp pháp luật thực hiện trái quy định, cụ thể những văn bản tài liệu và thủ tục về thi hành án dân sự không được tống đạt một cách hợp lệ nhưng vẫn cố tình thực hiện, khiến quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi bị xâm phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Chúng tôi chỉ được biết duy nhất Thông báo về việc cưỡng chế thi hành án số 174/TB-THADS của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Hạ Long được dán tại cử nhà bố đẻ tôi là ông Mai Xuân Lữ, địa chỉ tại Tổ 1, khu 1, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Hạ Long trong khi tôi có đầy đủ địa chỉ thường trú và chỗ ở cũng như số điện thoại liên lạc nhưng không nhận được tống đạt trực tiếp hoặc gián tiếp qua người thân của mình.

Từ đó, dẫn đến việc tổ chức thông báo và trình tự bán đấu giá tài sản là không hợp lệ, chúng tôi không hề biết là tài sản của mình bị bán đấu giá thế nào, giá cả bao nhiêu và địa điểm tổ chức bán đấu giá ở đâu. Tất vcả những hành vi này đều do Chi cục thi hành án dân sự thành phố Hạ Long tự tổ chức thực hiện mà không thông báo cho chủ tài sản, người phải thi hành án được biết dẫn đến việc chúng tôi không có cơ hội để chuộc tài sản theo quy định của pháp luật.

Về tài sản cưỡng chế: Tại trước thời điểm thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BĐ 412518, số vào sổ cấp giấy chứng nhận SH 00590 do UBND thành phố Hạ Long cấp ngày 31/12/2010 mang tên chủ sở hữu/sử dụng bà Mai Thị Anh, sinh năm 1978, tại ô đất số 4 Lô N11 khu A1 khu đô thị mới Cái Dăm, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chúng tôi đã cho thuê, người thuê và chúng tôi đã cùng nhau xây dựng nhà hàng kinh doanh tại đó, nhưng sau đó ông Vũ Văn Mạnh người thuê mới lại tiếp tục đầu tư và bây giờ là ông Thành đã thuê lại để tiếp tục kinh doanh nhà hàng Hoàng Minh Thành, ông Trần Anh Tiến là người quản lý, trông coi và cùng ông Thành phát triển, xây dựng và đầu tư nhà hàng. Vậy việc không xác định rõ tài sản là quyền sử dụng đất của ai, vợ chồng hoặc tài sản trên đất đang hiện hữu không có trong Hợp đồng thế chấp với Ngân hàng, không được xác định chủ sở hữu mà Chi cục thi hành án đã cho tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản là vi phạm nghiêm trọng. Một sự vô lý rõ ràng khi tại thời điểm cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định kê biên thì tài sản là nhà xây trên đất chưa được xác định chủ sở hữu là ai, điều nay vi phạm nghiêm trong nguyên tắc trong Luật Thi hành án dân sự là tài sản phải thuộc sở hữu của người phải thi hành án.

Hiện vợ chồng tôi đã gửi đơn tố cáo và đề nghị được gặp Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên quan đến vụ việc này”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn thư bạn đọc đến Bộ Tư pháp, Cục điều tra VKSND Tối cao, Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, làm rõ và hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Lưu Đình Thuận, trú tại xã Sơn Đà- Ba Vì, HN phản ánh việc lãnh đạo huyện Ba Vì và xã Sơn Đà sai phạm trong việc quản lý, sử dụng, bán đất trái phép.

Đơn có nội dung: “3 khu vực: dọc hai bên tỉnh lộ 413 thuộc thôn Đan Thê, xã Sơn Đà là ruộng sản xuất nông nghiệp của nông dân thuộc HTX nông nghiệp Đan Thê quản lý (đã được cấp sổ đỏ từ 1999); khu vực trạm thu mua thuốc lá của nhà máy thuốc lá thăng long; khu vực chợ Dầy xã Sơn Đà – đã bị lãnh đạo huyện Ba Vì cho phép UBND xã Sơn Đà bán cho dân làm nhà ở từ những năm 2000. Một số hộ đã làm nhà, một số hộ chưa làm vì chưa được cấp sổ đỏ.

Theo thông báo của xã Sơn Đà, khi thu tiền đất của những người mua đất thì sau 45 ngày nộp tiền sẽ có sổ đỏ, vậy mà đã 19 năm trôi qua vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Theo sự hiểu biết của tôi thì khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất nông nghiệp chỉ được dùng trong 2 trường hợp: sử dụng trong trường hợp quy hoạch quốc phòng và xây dựng công trình quốc gia. Cả hai trường hợp này phải do chính phủ quyết định, cấp huyện không có thẩm quyền để chuyển mục đích sử dụng.

Vậy mà xã Sơn Đà vẫn liều lĩnh bán đất sản xuất nông nghiệp, đất của cơ quan nhà nước, đất chợ dầy là công trình phục vụ sinh hoạt của nhân dân trong khu vực.”

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND TP.Hà Nội, Thanh tra Sở Tài nguyên môi trường TP Hà Nội xem xét giải quyết.

Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Ngô Trung Lập, trú tại tổ 14, P.Bình Minh, TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai với nội dung:

“Gia đình tôi bị UBND TP.Lào Cai thu hồi 5.443m2 đất có sổ đỏ (diện tích đất ở là 400m2) và 632m2 đất khai hoang để giao cho Công ty Cổ phần Kosy làm Chủ đầu tư công trình Tiểu khu đô thị số 17, Khu đô thị mới Lào Cai- Cam Đường, TP.Lào Cai phân lô bán nền.

Ngày 7/3/2019 tôi có nhận được Quyết định số 493/QĐ-UBND TP.Lào Cai do ông Tô Ngọc Liễn ký về việc cưỡng chế thu hồi đất của gia đình tôi. Tôi nhận thấy đây là một quyết định sai trái cả về luật lẫn lương tri con người. Mặc dù nhiều lần chúng tôi kiến nghị với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về tình hình cũng như chế độ chính sách mà gia đình được hưởng chính đáng theo pháp luật nhưng không được quan tâm. Cụ thể:

Theo kế hoạch 109/KH-UBND của UBND tỉnh Lào Cai ngày 26/3/2018 về việc phát triển nhà ở năm 2018 và các năm tiếp theo đến 2020 trên địa bàn tỉnh  có khẳng định dự án Tiểu khu đô thị số 17, Khu đô thị mới Lào Cai- Cam Đường là một trong các dự án phát triển nhà ở thương mại. Không có bất kỳ quy định nào của luật pháp VN quy định về việc phải thu hồi đất để phát triển dự án nhà ở thương mại. Vì vậy việc ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với gia đình tôi cũng hoàn toàn sai luật, vi phạm luật pháp.

Thứ hai, việc đền bù tái định cư cũng sai với quy định ở chỗ: đơn giá áp dụng tùy tiện, cố tình cắt xén chế độ hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm;  Bớt xén chế độ của gia đình có công với cách mạng; lạm quyền, tạo đặc lợi riêng cho công ty Kosy”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND tỉnh Lào Cai, Sở TN&MT tỉnh Lào Cai xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của nhân dân đang sinh sống tại tổ 32 khu phố 5, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với nội dung:

“Ngày 16/1/2019 và 28/2/2019 chúng tôi nhận được thư mời dự họp được ký bởi Chủ tịch UBND phường Bửu Long về việc triển khai xử lý chất độc Dioxin tại địa phương và Triển khai thu hồi đất để xử lý dioxin.

Cả hai cuộc họp đều chưa minh bạch và dân chủ, những vấn đề thắc mắc của các hộ dân vẫn không được giải quyết rõ ràng, những nghị định, thông tư, nghị quyết… của các cấp lãnh đạo không được phổ biến rộng rãi cho người dân.

Chúng tôi khẳng định từ đoạn đường ngã ba Ngạc nai lên đoạn đường cầu Rạch Gốc là không có bất kỳ hộ gia đình nào bị nhiễm chất độc dioxin, bao nhiêu con người sinh ra lớn lên tại khu vực này đều khỏe mạnh, thân thể lành lặn.

Nếu khu vực này cần xử lý dioxin thì chúng tôi có nguyện vọng được biết, hiểu các quy định của Trung ương, Đồng Nai, các quyết định thể hiện vị trí xử lý, tọa độ, tất cả các kiểm nghiệm môi trường để chứng minh việc khu vực chúng tôi ở nhiễm dioxin cần xử lý.

Trong tất cả các cuộc họp chưa có các văn bản pháp luật, các quyết định có liên quan về việc xử lý dioxin một cách dân chủ, công khai. Một số hộ dân ý kiến, đặt câu hỏi xoay quanh việc ô nhiễm dioxin, muốn quan tâm đến lợi ích từ việc xử lý nhiễm dioxin thì đều nhận câu hỏi không đúng chủ đề, bà chủ tịch phường chỉ xoay quanh việc thu hồi đất và giá tiền đền bù.

Chúng tôi đặt ra nghi vấn mượn chuyện dioxin để đầu tư vào mục đích khác? Chưa xử lý việc đất nhiễm dioxin lại rộ lên việc đầu tư phân lô bán nền tại khu vực này?”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND tỉnh Đồng Nai, UBND TP.Biên Hòa, Thanh tra Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đồng Nai xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Nguyễn Văn Hoán, trú tại thôn Trung Bạn, Thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Đơn có nội dung: “Anh ruột tôi là Nguyễn Văn Hệ hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước đã lên đường nhập ngũ, sau đó được điều động về công tác tại nhà máy Z131 tại Phổ Yên, Thái Nguyên.

Ngày 30/9/1970 theo thông báo của nhà máy, anh tôi bị cảm đột ngột chết tại doanh trại đơn vị và được truy điệu, an táng tại nghĩa trang của đơn vị. Đến 1972, gia đình cùng với đơn vị đã làm lễ bốc hót và đưa hài cốt anh về quê hương.

Vào khoảng những năm 2000-2003, UBND thị trấn Chờ tiến hành trùng tu và sửa sang nghĩa trang liệt sĩ, sau khi nghĩa trang được trùng tu xong thì gia đình chúng tôi không còn thấy phần mộ của anh trai ở đâu nữa. Gia đình đã nhiều lần có ý kiến và đề nghị UBND thị trấn xác minh và trả lại phần mộ của anh tôi nhưng cũng không được giải quyết.

Gia đình chúng tôi vẫn hy vọng một lãnh đạo có tâm, có tầm sẽ giải quyết được việc này cho gia đình chúng tôi, bởi đây là quyền lợi chính đáng của công dân, mà công dân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thiêng liêng với tổ quốc”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch UBND huyện Yên Phong, Phòng LĐ TB&XH huyện Yên Phong, Ban lãnh đạo nhà máy Z131- đơn vị 9009 cục quân giới xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc.

Ngọc Hân (tổng hợp)