Nhịp cầu bạn đọc số 16: Người dân phản đối quyết định thu hồi đất của UBND quận Long Biên!

(Dân trí) - Tuần qua, báo Dân trí nhận được đơn thư của rất nhiều bạn đọc trên địa bàn TP. Hà Nội phản ánh những vấn đề bức xúc trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, việc cấp sai thông tin nguồn gốc sử dụng đất, việc ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư khiến doanh nghiệp lao đao tại Thái Nguyên...

Báo Dân trí nhận được đơn của các hộ dân gồm ông Trần Đăng Hinh, bà Nguyễn Thị Doanh, bà Nguyễn Thị Nguyên, cùng thường trú tại tổ 4 phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Đơn thư cho biết: "Chúng tôi gồm 09 hộ gia đình đang sử dụng khoảng gần 7040 m2 đất nông nghiệp tại ngõ 134, đường Thạch Bàn phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Khu đất này không còn phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, thực trạng được xác định là đất xen kẹt, liền kề khu dân cư cũ xã Thạch Bàn.

Năm 2000, các hộ dân sử dụng đất đã được UBND huyện Gia Lâm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đất không thể trồng trọt, nhu cầu chỗ ở bức thiết nên một số hộ dân trong đó có bà Nguyễn Thị Nguyên đã xây nhà cấp bốn cư ngụ tại đây.

Đất có hiện trạng xen kẹt, không còn khả năng sản xuất nông nghiệp, phù hợp với quy hoạch đất ở đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt nên nhân dân chúng tôi vững tin sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật. 

Tuy nhiên, đột ngột ngày 20 tháng 02 năm 2017 chúng tôi nhận được Thông báo thu hồi đất "Để thực hiện Dự án "Chỉnh trang hạ tầng, kỹ thuật ô đất thuộc ô quy hoạch G.3XL8, G.6LX5 phụ cận các tuyến đường quy hoạch 17,5m và 13,5m, đường vào trường THPT Thạch Bàn, phường Thạch Bàn, quận Long Biên".

Trước những thông tin chung chung, mập mờ của Dự án chỉnh trang hạ tầng do UBND quận Long Biên thực hiện có dấu hiệu rõ ràng trái pháp luật, người dân đã có đơn đề nghị gửi đến Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngày 10 tháng 11 năm 2017 Tổng Cục quản lý đất đai đã có văn bản số 2043/TCQLĐĐ-CKSQLSDĐ "V/v giải quyết đơn đề nghị của các hộ dân tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội" yêu cầu: UBND quận Long Biên rà soát, xem xét lại cho chính xác dự án này có phải dự án "chỉnh trang đô thị" hay không? Dự án chỉnh trang đô thị được HĐND cấp tỉnh chấp thuận và phải phải vì lợi ích quốc gia, công cộng thì thuộc diện Nhà nước thu hồi; yêu cầu báo cáo Tổng cục Quản lý đất đai trước ngày 30/11/2017.

Tuy nhiên, chúng tôi "chết đứng" khi ngày 07/09/2018 UBND quận Long Biên bất thình lình ban hành hàng loạt Quyết định thu hồi đất, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường đốc thúc người dân nhận tiền, buộc bàn giao đất.

Bằng tất cả sự tin tưởng của mình vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước chúng tôi kiến nghị UBND TP Hà Nội, UBND quận Long Biên bằng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền ngay lập tức vào cuộc xác minh, điều tra, đăng tải thông tin, yêu cầu báo cáo, thanh tra toàn diện đối với dự án Dự án "Chỉnh trang hạ tầng, kỹ thuật ô đất thuộc ô quy hoạch G.3XL8, G.6LX5 phụ cận các tuyến đường quy hoạch 17,5m và 13,5m, đường vào trường THPT Thạch Bàn, phường Thạch Bàn, quận Long Biên".

Đề nghị các cấp chính quyền xem xét điều chỉnh, huỷ bỏ việc thu hồi đất của người dân. Tạo điều kiện cho người dân được chuyển đổi phần đất còn lại sau thu hồi làm đất ở theo đúng quy định pháp luật".

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn thư của các hộ dân đến Bộ TN&MT, UBND TP Hà Nội, Sở TN&MT, UBND quận Long Biên xem xét, giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của các ông, bà Hoàng Văn Hiên, Nguyễn Thị Tính, Nguyễn Đắc Tình, Hoàng Văn Mạnh, Phạm Thị Chiến, Hoàng Văn Ngân, Khuất Duy Mạnh, Khuất Duy Hải cùng trú tại xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Đơn có nội dung: “Chúng tôi là các hộ dân hiện đang có đất bị thu hồi tại xã Thụy An để thực hiện dự án Đầu tư tiếp nước, cải tạo sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì đoạn qua địa phận xã Thụy An. Trong quá trình thu hồi đất để thực hiện dự án này, UBND huyện Ba Vì và các cơ quan có thẩm quyền liên quan đã thực hiện việc thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản gắn liền với đất cho chúng tôi trái với quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của chúng tôi.

Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi không nhận được bất kỳ một văn bản nào nêu trên từ phía UBND huyện Ba Vì về việc thu hồi đất của chúng tôi. Điều này cũng dẫn đến nhiều hành vi không đúng quy định pháp luật của UBND huyện Ba Vì và các cơ quan có thẩm quyền liên quan, chẳng hạn như: không giao cho người dân thông báo thu hồi đất mà đã tiến hành đo đạc, kiểm đếm, ra quyết định phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ mà đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ…

Chúng tôi đã làm đơn khiếu nại việc thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản gắn liền với đất cho chúng tôi trái quy định của UBND huyện Ba Vì và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

Tuy nhiên trong quá trình giải quyết khiếu nại, UBND huyện Ba Vì, Trung tâm phát triển quỹ đất đã không tiến hành thụ lý giải quyết đơn theo trình tự khiếu nại, không xác minh nội dung khiếu nại, không tổ chức đối thoại, không có quyết định giải quyết khiếu nại mà chỉ ban hành Văn bản trả lời đơn thư. Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Ba Vì đã cố ý nhập nhằng giữa việc giải quyết kiến nghị với việc giải quyết khiếu nại.

Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Ba Vì lại viện dẫn và cho rằng chế độ, chính sách áp dụng cho các hộ dân chúng tôi được hỗ trợ 50% là theo Văn bản số 8846/UBND-TNMT ngày 14/11/2014 của UBND TP.HN về chính sách hỗ trợ GPMB để thực hiện một số dự án trên địa bàn huyện Ba Vì (kèm theo tờ trình số 982/TTr-BCĐ ngày 04/11/2014 của Ban chỉ đạo GPMB thành phố về việc bổ sung một số cơ chế, chính sách GPMB khi thu hồi đất thực hiện dự án trên địa bàn huyện Ba Vì).

Tuy nhiên văn bản số 8846 và Tờ trình số 982 nêu áp dụng cho “đất nông nghiệp thuộc quỹ đất nông nghiệp để lại không giao lâu dài cho các hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 64/CP”. Tuy nhiên, UBND xã Thụy An chưa bao giờ xác nhận đất của chúng tôi thuộc loại đất này. Và theo nguồn gốc đất mà UBND xác nhận của gia đình chúng tôi cũng không phải loại đất này. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, UBND xã đã khẳng định nguồn gốc đất cũng không phải loại đất này”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND TP. Hà Nội, Sở Tài nguyên môi trường TP.HN, UBND huyện Ba Vì xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Trần Văn Thắng, trú tại tổ 14, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội với nội dung:

“Ngày 16/4/2018, tôi được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CI 887077 (tại thửa đất số 71-1-2; Tờ Bản đồ số 4, có địa chỉ tại tổ 37, cụm 5, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) tách từ thửa đất số 71, tại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất số 10103130020 do UBND Thành phố Hà nội cấp ngày 14/02/2000.

Tuy nhiên tại phần Mục e, phần Thửa đất của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CI 887077 mới cấp cho tôi có ghi chú “Đất VLK: Sử dụng đến ngày 14/02/2020”. Trong khi đó tạiGiấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất số 10103130020 do UBND Thành phố Hà nội cấp ngày 14/02/2000 cũng tại Mục e ghi chú “Thời hạn sử dụng: Lâu dài” và tại phần Mục gphần Thửa đất của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CI 887077 mới cấp cho tôi có ghi chú: “Nhận chuyển nhượng đất được công nhận QSDĐ như giao đất có thu tiền sử dụng đất: 30m2;không thu tiền sử dụng đất 24,4m2”.Trong khi đó tạiGiấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất số 10103130020 do UBND Thành phố Hà nội cấp ngày 14/02/2000 cũng tại Mục g ghi chú: “Nhận tặng cho đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất”.

Do đó khi tôi nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với loại đất được sử dụng ổn định lâu dài thì được sử dụng ổn định lâu dài. Như vậy, trong trường hợp này, mảnh đất mà tôi mua là đất ở được sử dụng ổn định lâu dài như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CA 186253 đã ghinên khi nhận chuyển nhượng thì được sử dụng lâu dài mà không phải là có thời hạn đến ngày 14/02/2020 như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CI 887077 đãghi. Do đó trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CI 887077của tôi có sai sót thông tin về thửa đất là: thời hạn sử dụng đất và nguồn gốc sử dụng; thời hạn sử dụng đất và nguồn gốc sử dụng đất ghi chú trên hai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất không thống nhất (đính kèm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CI 887077 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CA 186253).

Sau khi đến làm việc về sự sai sót thông tin này với Sở TN&MT, tôi được chỉ về Văn phòng đăng kí đất đai Hà Nội - Chi nhánh Tây Hồ. Tại đây đồng chí Phó Giám đốc Văn phòng đăng kí đất đai không trả lời được câu hỏi của tôi về sự không thống nhất về nguồn gốc sử dụng và thời hạn sử dụng đất trên 2 sổ đỏ trên. Sau đó đồng chí này bảo tôi gửi đơn cho đầy đủ các ban bệ theo đường Bưu điện, nhưng khi tôi gửi Đơn kiến nghị cho Văn phòng đăng kí đất đai Hà Nội Chi nhánh Tây Hồ và Giám đốc Văn phòng đăng kí đất đai Hà Nội Chi nhánh Tây Hồ lại từ chối thư chuyển phát nhanh, từ chối trả lời bằng văn bản cho tôi. Tôi tiếp tục gửi đơn lần 2 nhưng vẫn bị trả về”.

Báo Dân trí kính chuyển Sở Tài Nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội; Chủ tịch UBND Quận Tây Hồ; Giám đốc Văn phòng Đăng kí đất đai Hà Nội – Chi nhánh Tây Hồ; Văn phòng Đăng kí đất đai Hà Nội – Chi nhánh Tây Hồ kiểm tra hồ sơ và có thông tin chính thức trả lời cho người dân.

Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu của lãnh đạo Công ty TNHH Hồng Hưng có trụ sở tại tổ 23, phường Trưng Vương, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên với nội dung:

“Công ty TNHH Hồng Hưng hưởng ứng chủ trương kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực khách sạn thương mai, du lịch, được tỉnh Thái Nguyên trải thảm đỏ. Từ năm 2011, Công ty đã quyết định đầu tư “là chủ đầu tư Dự án trung tâm thương mại,dịch vụ, khách sạn Hồng Hưng” tại tổ 23, phường Trưng Vương, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND TP. Thái Nguyên, các biên bản họp liên ngành, Công ty Hồng Hưng đã triển khai thực hiện dự án đầu tư theo quy định. Hiện công ty đang là người sử dụng hợp pháp diện tích đất đã được giao để thực hiện dự án, nộp tiền sử dụng đất hàng năm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, ngày 11/8/2017, UBND tỉnh ban hành quyết định số 2409/QĐ-UBND về việc thu hồi và chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty tôi với lý do “Dự án không phù hợp với quy hoạch theo Quyết định của Thủ tướng CP về việc điều chỉnh quy hoạch chung TP.Thái Nguyên đến năm 2035, Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên và theo ý kiến chỉ đạo của thường trực tỉnh ủy tại các thông báo sau đó”.

Đối chiếu vơí quy định của Luật Đầu tư, việc UBND tỉnh Thái Nguyên lấy lý do thu hồi dự án là không có căn cứ pháp lý và trái pháp luật.

Đối chiếu việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Hồng Hà với việc Dự án có phù hợp với Quy hoạch theo quyết định số 2486/QĐ-TTg ngày 20/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Thái Nguyên – chúng tôi khẳng định Dự án của Công ty Hồng Hà hoàn toàn phù hợp với Quyết định của Thủ tướng. Việc UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty Hồng Hưng là trái với quyết định của Thủ tướng.

Quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Hồng Hưng. Đây là sự việc đặc biệt nghiêm trọng về quy trình thủ tục hành chính đối với dự án đầu tư; sự vô tâm, vô cảm của một số cấp lãnh đạo đối với người dân và doanh nghiệp, đi ngược với tinh thần kiến tạo doanh nghiệp của Thủ tưởng Chính phủ”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Nguyên và môi trường, UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND TP.Thái Nguyên xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Giang Thị Vân, trú tại Đầm Ba Trạ, vệ đường quốc lộ 1A, thôn Phương Nhị, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội – là người đại diện cho hơn 34 hộ dân thuộc xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì phản ánh sự việc như sau:

“Khoảng cuối năm 1989, lãnh đạo xã Liên Ninh có Nghị quyết về việc cấp đất, bán đất đấu thầu để cho một số hộ gia đình kinh doanh dọc theo quốc lộ 1A. Sau khi mua được đất, các hộ dân đã đầu tư san lấp mặt bằng, xây dựng nhà ở và công trình sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993 mà không có tranh chấp, luôn chấp hành đầy đủ các quy định của nhà nước về quản lý đất đai, có nộp tiền sử dụng đất và đã được ghi nhận trên bản đồ địa chính năm 1994 là đất thổ cư.

Năm 2013 Nhà nước có chủ trương cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A, UBND huyện Thanh Trì đã thu hồi một phần đất của chúng tôi, UBND huyện phê duyệt phương án bồi thường chỉ hỗ trợ tài sản trên đất, không thực hiện bồi thường thiệt hại về đất.

Ngày 14/9/2018, UBND huyện Thanh Trì lại ra quyết định về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì. Chúng tôi thấy chưa thỏa đáng, không khách quan, không đúng sự thật trong việc sử dụng đất của các hộ dân chúng tôi.

Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho rằng chúng tôi sử dụng đất canh tác do xã quản lý, đất lưu không quốc lộ 1A là không đúng sự thật;

Không bồi thường thiệt hại về đất khi bị Nhà nước thu hồi mà chỉ hỗ trợ tài sản trên đất là không đúng quy định của pháp luật. Điều này gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống của người dân chúng tôi. Trong khi đền bù áp dụng cho từng hộ dân bất hợp lý và không công bằng, có hộ dân được cấp Giấy CNQSDĐ, có hộ dân thì không đủ điều kiện để được bồi thường về đất. Một số hộ dân đã bị thu hồi đất trước thì toàn bộ diện tích đất, kể cả lấn chiếm vẫn được bồi tường 100% về đất, bồi thường 100% về tài sản trên đất. Vậy tại sao chúng tôi không được bồi thường?”

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND TP.Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì, Ban quản lý dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Ngọc Hân