Nhịp cầu bạn đọc số 13: Công dân đề nghị phường Văn Miếu, phường Quán Thánh giải quyết đơn thư!

(Dân trí) - Tuần qua, báo Dân trí nhận được rất nhiều đơn thư của bạn đọc phản ánh những vấn đề khiếu kiện liên quan đến tranh chấp đất đai, việc thu hồi đất rừng phòng hộ ở tỉnh Kiên Giang khiến nhiều gia đình có công với cách mạng bị ảnh hưởng; san lấp đá lấn chiếm lòng sông ở tỉnh Hòa Bình... Báo Dân trí đã chuyển đơn thư bạn đọc đến các cơ quan có chức năng giải quyết theo thẩm quyền.

Báo Dân trí nhận được đơn của các ông Nguyễn Ngọc Hải, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Mạnh Lâm, đại diện cho con, cháu, chắt của cụ Nguyễn Văn Mỹ, là nguyên chủ hợp pháp của căn nhà số 2 phố Trần Quý Cáp, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, HN (nay là số 1 ngõ Ngô Sỹ Liên) với nội dung:

“Ngôi nhà chúng tôi đang ở là thuộc quyền sở hữu của ông nội chúng tôi là cụ Nguyễn Văn Mỹ, sau 1954, cụ đã cho Nhà nước mượn sử dụng một phần diện tích ngôi nhà. Từ ngày 1/1/1964 cụ đã giao cho Nhà nước quản lý và sử dụng ngôi nhà số 2 Trần Quý Cáp, gia đình chỉ còn sử dụng một phần tầng 2 và toàn bộ tầng 3 ngôi nhà (trong đó một phần tầng 3 là diện tích thờ cúng của gia đình).

Khi cụ Mỹ mất không có di chúc nên phần diện tích nhà đó theo luật là sở hữu của toàn bộ con cháu cụ, nhưng năm 1998, con gái út của cụ là Nguyễn Thị Hiền đã tự ý giao phần tầng 2 cho một người khác. Khi đó bố tôi là Nguyễn Văn Chung (con trưởng của cụ Mỹ) đã làm đơn gửi lên UBND quận đề nghị ngăn chặn việc chuyển nhượng trái phép này, tuy nhiên việc này vẫn diễn ra và không có bất kỳ giấy tờ hợp pháp nào.

Đến đầu năm 2018, người được bà Hiền chuyển giao bất hợp pháp phần diện tích tầng 2 của gia đình chúng tôi đã bán lại phần diện tích nêu trên cho một người khác.

Người này sau đó đã có các hành động thay đổi kết cấu căn nhà trong phần diện tích đã mua bán bất hợp pháp gây nguy hiểm cho gia đình chúng tôi và các hộ sinh sống trong ngôi nhà (vì căn nhà xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ 20). Việc này đã phá hỏng đường thoát nước của chúng tôi từ trên tầng 3, làm nước thải chảy tràn xuống đường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của gia đình tôi cũng như các hộ tầng 1. Các hộ tầng 1 đã làm đơn kiến nghị ra phường nhưng chưa được giải quyết.

Đỉnh điểm là ngày 05/5/2018, họ cho thợ làm khung sắt rào kín và lợp tôn lên khu vực tầng 3, ngoài phần diện tích mua bán bất hợp pháp nêu trên, bịt kín cả cửa sổ cũng như hành lang đi ra khu vực bể nước. Đến ngày 06/5, họ lại tiếp tục lấn chiếm và quây thành 1 tầng, lợp tôn kín.

Kính mong các cơ quan chức năng xem xét lại việc mua bán bất hợp pháp diện tích tầng 2 nói trên để đảm bảo quyền lợi thừa kế của các con, cháu, chắt cụ Nguyễn Văn Mỹ; đồng thời không cấp Giấy chứng nhận QSD nhà và đất ở cho bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào cho đến khi việc xử lý tài sản thừa kế được hoàn thành theo đúng pháp luật”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến Chủ tịch UBND thành phố HN, Sở Xây dựng HN, UBND quận Đống Đa, UBND phường Văn Miếu xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

 Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Nguyễn Thế Phong, trú tại số nhà 66, phố Quán Thánh -  Ba Đình (Hà Nội). 

 Đơn kêu cứu cho biết: "Tôi là thành viên trong hợp đồng thuê nhà số 699/QLN ngày 15/3/1985 do bà Trương Thị Ngữ đứng tên chủ hợp đồng. Khu nhà ở tại địa chỉ 66 Quán Thánh trải qua nhiều chục năm không thống nhất được việc chia tách hợp đồng nhà dẫn đến vẫn còn nhiều khu diện tích sử dụng chung. 

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc không thỏa thuận được giữa các hộ chính là phần diện tích sử dụng chung bị lấn chiếm nghiêm trọng.   Cụ thể, ngoài lối đi chung bị lấn chiếm, vị trí nhà vệ sinh chung bị đặt sai với mục đích lấn chiếm diện tích chung, phần trên nóc nhà vệ sinh bị lấn chiếm…, thì  một số hộ còn lấn chiếm cả phần diện tích phía trên bể phốt để xây nhà. Đây cũng chính là vấn đề gây nhức nhối từ nhiều năm nay. 

 Hiện tại, vị trí mặt bằng trên bể phốt đang bị nhà ông Hưng, ông Bình và ông Sùng xây nhà bên trên để lấn chiếm. Trong biên bản cuộc họp ngày 4/4/2012 với thành phần tham dự là đại diện 4 hộ gồm các ông: Nguyễn Thế Phong, Nguyễn Thế Hưng, Nguyễn Thế Sùng, Nguyễn Thế Bình và đại diện Tổ dân phố là ông Nguyễn Phú Thịnh (Tổ trưởng đã đề cập vấn đề này. 

 Theo đó, các hộ đều đã thống nhất "Trả lại diện tích mặt bằng của sân bể phốt để tạo điều kiện cho các hộ khi có nhu cầu để hút, không để lấn chiếm phần trên bể". Biên bản này có đầy đủ chữ ký của những người tham gia. Tuy nhiên, suốt từ đó đến nay, gia đình tôi đã nhiều lần đề nghị Xí nghiệp nhà cũng như UBND phường Quán Thánh khẩn trương xử lý việc này nhưng không được giải quyết.

 Chính sự chậm trễ đó của cơ quan chức năng đã dẫn đến việc gia đình chúng tôi luôn phải làm một việc rất trớ trêu đó là: Mỗi lần có nhu cầu hút bể phốt chung của các hộ, tôi phải gửi thông báo cho các ông Hưng, Sùng, Bình để xin các ông ấy mở cửa ngôi nhà đang lấn chiếm mặt bằng bể phốt cho công ty môi trường đô thị vào hút. Do gia đình tôi ở đây thường xuyên, còn hộ nhà ông Hưng và ông Sùng thì không ở mà cho người lạ đến ở và thuê kinh doanh, nên chỉ có gia đình tôi có nhu cầu hút bể phốt chung để bảo đảm môi trường sống. 

Đáng lo ngại hơn, các ông Nguyễn Thế Hưng, Nguyễn Thế Sùng, Nguyễn Thế Bình cũng đều ở tuổi gần 80. Sáu năm qua, các ông này đã không thực hiện giải phóng diện tích mặt bằng trên bể phốt cũng như các diện tích lấn chiếm khác. 

Rõ ràng, việc lấn chiếm diện tích sử dụng chung ở khu nhà 66 Quán Thánh đang ngày càng nghiêm trọng và xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của gia đình tôi. Vì vậy, tôi khẩn thiết mong Xí nghiệp quản lý & phát triển nhà Ba Đình, Ủy ban nhân dân phường Quán Thánh cùng các cơ quan chức năng sớm giải quyết việc lấn chiếm diện tích sử dụng chung này để bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân".

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn thư bạn đọc đến UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng TP Hà Nội, UBND quận Ba Đình, UBND phường Quán Thánh và Xí nghiệp quản lý & phát triển nhà Ba Đình xem xét, giải quyết và hồi âm đơn thư bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của ông Bùi Thành Kỷ, trú tại 20 đường số 8, khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM với nội dung:

“Gia đình tôi đến canh tác, sử dụng 3.000m2 từ năm 1979 đến năm 1992 thì phát sinh tranh chấp với ông Bùi Văn Bảy do ông Bảy sử dụng giấy chuyển nhượng giả mạo để mưu đồ chiếm đoạt toàn bộ đất đai gia đình tôi đã canh tác từ năm 1979 của người ông Bùi Văn Súy giao cho sử dụng.

Thanh tra nhà nước sau đó đã cho trưng cầu giám định chữ ký trên giấy tờ của ông Bảy thì kết luận là chữ ký giả của ông Súy; cùng đó là việc tẩy xóa, làm giả và cạo chữ một số giấy tờ khác nên Thanh tra nhà nước và Thủ tướng chính phủ yêu cầu UBND TP.HCM giữ nguyên hiện trạng đất cho tôi và tôi được UBND quận Thủ Đức cấp giấy CNQSDĐ trên phần đất mà tôi sử dụng từ năm 1979.

Đến 2006, theo yêu cầu của PTT Trương Vĩnh Trọng, Thanh tra CP cho thành lập đoàn thanh tra xem xét lại sự việc do ông Võ Văn Đồng làm trưởng đoàn. Sau khi kết thúc thanh tra, ông Đồng chỉ đạo UBND TP.HCM thu hồi toàn bộ đất đai mà tôi đã được cấp GCN QSDĐ và chỉ cho tôi 600m2.

Sau đó 03 ngày, lãnh đạo UBND TP.HCM có công văn số 8029/UBND-PC ngày 27/10/2006 kiến nghị lãnh đạo thanh tra chính phủ cân nhắc trình cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo vụ việc trên cơ sở hợp lý, hợp tình, đúng pháp luật (trích Bút lục 110). Tuy nhiên sự việc sau đó diễn ra như đề xuất của ông Đồng.

Gần 10 năm qua gia đình tôi ôm mối bức xúc, uất hận nhưng không biết kêu và bày tỏ cùng ai, mong báo Dân trí giúp gia đình tôi làm sáng tỏ sự việc!”

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến Thanh tra Chính phủ, UBND TP.HCM xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định!

Báo Dân trí nhận được đơn của bà Vũ Thị Kiều Oanh, trú tại tổ 4 phường Gia Sàng, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên về việc kiến nghị dừng ngay hoạt động dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng-Thái Hưng Eco city.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn bạn đọc đến Thanh tra Chính phủ, Lãnh đạo Bộ xây dựng, Bộ Công thương xem xét giải quyết sự hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bà con nhân dân thôn Năm Lu, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình – đại diện là bà Lê Thị Quế .

Nội dung đơn như sau: “Dòng sông Bùi đoạn ven đường quốc lộ 6 Km38 đường Hà Nội đi Hòa Bình thuộc địa phận tổ 3, thôn Năm Lu, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn hiện đang bị gia đình bà Hoài lấp khoảng 8.000m3 đất đá tương đương 2/3 lòng sông. Khi chính quyền cơ sở ra kiểm tra thì gia đình bà Hoài nói đã có sổ đỏ do UBND huyện Lương Sơn cấp, nếu đúng là có bìa đỏ thật thì UBND huyện Lương Sơn đã cấp bìa cho cả phần đất hành lang giao thông và lòng sông Bùi.

Sông Bùi là dòng chảy duy nhất tiêu thoát nước cho huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Kỳ Sơn của tỉnh Hòa Bình và đặc biệt khu vực thị trấn Lương Sơn và đường quốc lộ số 6 đoạn chạy qua thị trấn Lương Sơn.

Chúng tôi đã gửi đơn lên phòng TNMT và UBND huyện Lương Sơn, Sở TNMT và UBND tỉnh Hòa Bình đã nhiều ngày nay vẫn chưa được giải quyết.

Hiện nay mùa mưa lũ đã đến, chúng tôi khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp và giải phóng để trả lại dòng sông tiêu nước, bảo vệ tài sản, hoa màu nhà cửa cho nhân dân trong mùa mưa bão”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND tỉnh Hòa Bình, Sở TNMT tỉnh Hòa Bình, Phòng cảnh sát môi trường tỉnh Hòa Bình xem xét giải quyết.

Báo Dân trí nhận được đơn khiếu nại về sự việc thu hồi đất rừng phòng hộ tại tỉnh Kiên Giang của các ông, bà: Đặng Thanh Hùng, Nguyễn Thị Huỳnh Nga, Nguyễn Thị Hòa Bình, Phan Trung Liệt, Phạm Thị Lang, Đặng Văn Ton, Đoàn Văn Tiến, Trần Văn Đằng và Võ Thị Phi - đại diện là ông Phan Trung Liệt, Đại tá về hưu nguyên là Tỉnh đội trưởng tỉnh Kiên Giang.

Đơn có nội dung: “Chúng tôi là những hộ dân nhận khoán đất rừng phòng hộ tại xã Đông Hưng B, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.

Ngày 17/2/2009, chúng tôi đã bị Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang không căn cứ vào pháp luật ban hành quyết định trái pháp luật thu hồi đất rừng phòng hộ trước thời hạn 43 và 45 năm để giao khoán cho người khác theo quyết định 795/QĐ-UBND ngày 26/3/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.

Sau đó có một số hộ dân là Nguyễn Thị Hòa Bình và Võ Thị Phi đã khởi kiện ra Tòa hành chính Tòa án tỉnh Kiên Giang. Tòa yêu cầu phía thu hồi phải chấp hành đúng chủ trương chính sách pháp luật của nhà nước, phải thực hiện đúng hợp đồng với dân, không được thu hồi để giao khoán.

Bản án đã xử có hiệu lực pháp luật từ 2013 nhưng đến nay Sở NN&PTNT Kiên Giang vẫn không chấp hành mà tiếp tục ra thông báo thu hồi đất rừng của chúng tôi".

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh, Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Kiên Giang xem xét giải quyết để có phương án đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân.

Ngọc Hân (tổng hợp)