Nhịp cầu bạn đọc số 1: Công ty đa cấp bị tố lừa đảo, phường Văn Miếu cần trả lời công dân!

(Dân trí) - Báo Dân trí tiếp tục nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc trên cả nước phản ánh những vụ việc: bị cưỡng chế có dấu hiệu trái pháp luật, công ty đa cấp có dấu hiệu lừa đảo, phường thờ ơ với công trình xây trái phép “hành dân”, cư dân khốn khổ với chung cư đầy sai phạm… Báo Dân trí đã chuyển các đơn thư đến các cơ quan chức năng xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của ông Trần Văn Vinh (65 tuổi), trú tại 187 Nguyễn Lương Bằng, Quận Đống Đa, Hà Nội.

Đơn kêu cứu cho biết: Tháng 4/2015, tôi bị công ty TNHH Đầu tư Thương mại Trường Giang VN (sau đây gọi là công ty Trường Giang) có địa chỉ trụ sở chính tại: Tầng 1 tòa nhà CT3 Khu đô thị Văn Quán, Phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt số tiền là 346.000.000 đồng với hình thức huy động vốn.

Tháng 4/2016, Công ty Trường Giang bị Thanh tra Sở Công Thương Hà Nội xử phạt 420 triệu đồng với 9 lỗi về hoạt động bán hàng đa cấp và thực hiện khuyến mại.

Tháng 6/2016, Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành quyết định xử phạt đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam số tiền 350 triệu đồng do phát hiện một số sai phạm của công ty trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Tháng 7/2016, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Trường Giang.

Việc thu hồi Giấy chứng nhận không giải phóng doanh nghiệp này khỏi các nghĩa vụ của mình trước pháp luật, trong đó có nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà phân phối và người tham gia bán hàng đa cấp trong mạng lưới của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sau khi công ty bị rút giấy phép hoạt động, tôi đã nhiều lần đến trụ sở công ty yêu cầu hoàn trả cho tôi số tiền trên, nhưng lãnh đạo công ty tắt điện thoại không gặp và công ty đã tháo dỡ biển hiệu.

Ngày 14/4/2016, tôi gửi đơn tố giác đến Công an Thành phố Hà nội, Công an quận Hà Đông.

Mãi tới 2 năm sau, ngày 23/7/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông mới gửi thông báo cho tôi, kết luận không khởi tố hình sự.

Cho rằng kết luận của công an quận Hà Đông là không thỏa đáng, tôi đã gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra CATP Hà Nội. Thanh tra CATP Hà Nội đã gửi lại đơn khiếu nại của tôi cho thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra CA quận Hà Đông giải quyết.

Vậy tôi làm đơn này, đề nghị được làm rõ tại sao tôi tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng trăm triệu đồng, có chứng từ là phiếu thu đóng dấu đỏ, có chữ ký của giám đốc công ty mà cơ quan Công an quận Hà Đông lại căn cứ trên phiếu xuất kho để kết luận không khởi tố, chuyển sang tranh chấp dân sự để giải quyết?".

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn của ông Trần Văn Vinh đến Công an TP Hà Nội, VKSND TP Hà Nội, Công an quận Hà Đông, VKSND quận Hà Đông xem xét, giải quyết, hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí tiếp tục nhận được đơn của ông Nguyễn Ngọc Hải (SN 1944), trú tại số 2 Trần Quý Cáp, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội.

Đơn kêu cứu cho biết: "Bà Hồ Thị Kim Chung người mua căn hộ ở tầng 2 nhà số 2 Trần Quý Cáp đã sửa chữa làm thay đổi kết cấu ngôi nhà làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của gia đình chúng tôi cũng như các hộ tầng 1.

Ngày 5/5/2018, bà Chung đã cho thợ làm khung sắt rào kín và lợp tôn lên khu vực tầng 3. Mái tôn áp sát vào  tường buồng thờ che kín các cửa sổ từ trên mái hắt (ô văng) xuống tận máng thoạt nước và khu vực kỹ thuật cấp thoát nước, bố trí điện, điều hòa, cáp truyền hình, internet… của gia đình nhà chúng tôi. Chúng tôi đã mời công an Phường can thiệp. Sau đó, cán bộ ủy ban phường, công an phường đến làm việc, lập biên bản ghi nhận hiện trạng ngày 5/5/2018.

Ngày 7/5/2018, Ủy ban nhân dân phường Văn Miếu đã mời bà Chung ra phường làm việc, có lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu bà Chung đến hết ngày 25/5/2018 phải tháo dỡ xong phần vi phạm xây dựng lấn chiếm trái phép đó. Tuy nhiên bà Chung vẫn cố tình tiếp tục thi công.

Ngày 29/09/2018, sau nhiều lần Ủy ban làm việc với hai bên không có kết quả, Ủy ban Nhân dân phường Văn Miếu đã phải tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của Chủ tịch phường và các thành viên Ủy ban cùng đại diện hai bên, cuộc họp đã đi đến kết luận "Về việc lắp dựng lồng sắt, các bên nhất trí là bà Chung sẽ dỡ bỏ từ phần tường cửa sổ tầng 3 của nhà ông Hải trở ra trong vòng 15 ngày kể từ ngày hôm nay (tức ngày 29/09/2018)"Nhưng sau đó bà Chung hoàn toàn không thực hiện việc tháo dỡ phần xây dựng trái phép như đã thống nhất trong cuộc họp trên.

Đến nay, gia đình chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi của Ủy ban Nhân dân phường Văn Miếu, và công trình lấn chiếm của bà Chung vẫn ngang nhiên tồn tại.

Việc lấn chiếm ngang nhiên của bà Chung tồn tại thách thức dư luận gây bức xúc trong dân. Chúng tôi không hiểu vì sao mọi việc rõ như ban ngày, bà Hồ Thị Kim Chung đã ngang nhiên cơi nới trái phép, bành trướng và xâm chiếm vào diện tích nhà ở, không gian sống của nhà chúng tôi mà chưa bị xử lý dứt điểm".

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn kêu cứu của người dân đến Sở Xây dựng TP Hà Nội, UBND quận Đống Đa, UBND phường Văn Miếu xem xét, giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bà Đỗ Hải Lan (SN 1960), trú tại bản Phung, phường Chiềng Sinh TP Sơn La (Sơn La).

Đơn kêu cứu cho biết: "Tôi xin kêu cứu về việc Chủ tịch UBND thành phố Sơn La chỉ đạo cưỡng chế phá dỡ chuồng trại chăn nuôi của tôi có dấu hiệu trái pháp luật.

Gia đình tôi có một mảnh đất nhận chuyển nhượng của bà Tòng Thị Khừa, địa chỉ tại bản Mạy, phường Chiềng Sinh , thành phố Sơn la, tỉnh Sơn La. Diện tích nhận chuyển nhượng là 680m2  trên đất có một căn nhà cấp 4, một bể đựng nước 21m3 , còn lại là đất nương rẫy (đất trồng cây hàng năm). Mảnh đất trên 2 bên mua bán sử dụng ổn định không có tranh chấp.

Tháng 8/2018, tôi xây dựng chuồng trại chăn nuôi trên phần đất nương rẫy (đất trồng cây hàng năm).

Ngày 03/11/2018, tôi nhận đươc Quyết định 3188/QĐ-UBND ngày 31/10/2018 của UBND thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La về việc cưỡng chế phá dỡ chuồng trại chăn nuôi của tôi, tại bản Mạy phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.

Ngày 05/11/2018, tôi làm "Đơn kêu cứu khẩn cấp (lần I) về việc cưỡng chế trái pháp luật" gửi lên ông chủ tịch UBND thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.

Ngày 23/11/2018, tôi nhận được công văn số 2415/UBND-QLĐT Sơn La ngày 22/11/2018 của UBND thành phố Sơn La trả lời đơn kêu cứu của tôi. Nội dung văn bản trả lời tôi vẫn trái quy định của pháp luật và không thỏa đáng.

Ngày 25/11/2018, tôi làm "Đơn khiếu nại" gửi lên ông chủ tịch UBND thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La để tiếp tục khiếu nại Quyết định 3188/QĐ-UBND về việc cưỡng chế trái pháp luật,và khiếu nại công văn số 2415/UBND-QLĐTvề việc trả lời đơn kêu cứu của tôi trái quy định của pháp luật và không có căn cứ.

Tôi đề nghị được đối thoại với lãnh đạo UBND thành phố Sơn La để tôi được trình bày, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Nhưng ông Chủ tịch UBND thành phố đã không xem xét đến đơn khiếu nại của tôi, tiếp tục ra Quyết định số: 3614/QĐ-UBND ngày 11/12/2018 để cưỡng chế phá dỡ chuồng trại chăn nuôi của tôi.

Tôi tiếp tục làm đơn khiếu nại lần 2 gửi lên ông chủ tịch UBND thành phố Sơn La để khiếu nại nhưng đơn của tôi không được xem xét giải quyết mà Chủ tịch thành phố lại tiếp tục ra quyết định cưỡng chế phá dỡ chuồng trại chăn nuôi của tôi.

Tôi cho rằng việc Chủ tịch UBND thành phố ra quyết định cưỡng chế là hoàn toàn trái pháp Luật bởi vì: Trước khi liên tiếp có các quyết định cưỡng chế chuồng trại chăn nuôi, tôi không bị lập bất cứ một biên bản nào cho là tôi vi phạm về việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi trên đất nương rẫy; Tôi cũng không nhận được thông báo yêu cầu tự tháo dỡ chuồng trại chăn nuôi của tôi; Tôi cũng không được bất cứ một cá nhân, tổ chức nào đến vận động thuyết phục về việc tháo dỡ công trình xây dựng chuồng trại.

Đến nay tôi không hiểu vì lý do gì mà ông chủ tịch UBND thành phố Sơn La liên tục ba lần ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình chuồng trại của tôi".

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung kêu cứu của bạn đọc đến UBND tỉnh Sơn La, Sở Xây dựng tỉnh Sơn La, UBND TP Sơn La xem xét, giải quyết, hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo điện tử Dân trí nhận được đơn của Ban quản trị tòa nhà M5 phản ánh về những sai phạm của Công ty Sao Mai tại tòa nhà M5, 91 Nguyễn Chí Thanh, HN.

Đơn có nội dung: “Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ M5” được xây dựng căn cứ trên các tài liệu: công văn số 642/QHKT-P2 ngày 29/3/2005 của Sở Kế hoạch kiến trúc HN và Quyết định số 313-QĐ/BTCQTTU ngày 12/9/2005 của Ban tài chính quản trị Thành ủy HN.

Ngày 27/12/2011, Văn phòng Thành ủy HN ban hành quyết định về việc điều chuyển tài sản, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất tại tòa nhà M5 từ Công ty TNHH MTV đầu tư xây lắp và phát triển nhà giao cho Công ty Sao Mai.

Tuy nhiên từ thời điểm nhận bàn giao đến nay, trải qua 09 năm nhưng công ty Sao Mai đã không làm tròn trách nhiệm của một đơn vị đại diện chủ đầu tư, liên tục vi phạm (tái phạm) có hệ thống các quy định hành chính về quản lý, sử dụng vận hành nhà chung cư; quy định về phòng cháy chữa cháy; có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến các việc chiếm dụng tài sản, lừa đảo chiếm đoạt…

Đại diện cư dân chúng tôi đã nhiều lần làm đơn, thư kiến nghị gửi các cấp chính quyền nhưng Công ty Sao Mai vẫn chây ì, lẩn tránh, đổ lỗi cho khách quan, không hợp tác với cư dân M5, Ban đại diện và Ban quản trị để xử lý dứt điểm các tồn tại đã được các cơ quan chức năng chỉ ra”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn thư của bạn đọc đến Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội, Phòng Cảnh sát PCCC số 2, UBND quận Đống Đa, UBND phường Láng Hạ xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của ông Trần Công Trí, Chủ tịch HĐQT HTX Yên Bình, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định khiếu nại việc Tổng Công ty dệt may Nam Định tự ý phá hủy tài sản và tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng công trình, chuyển nhượng trái phép trên đất của HTX khi chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Đơn có nội dung: “HTX Yên Bình có trụ sở làm việc cùng với hệ thống kho, công trình vệ sinh tại khu đất cùng với khuôn viên của UBND xã Yên Bình cũ, sau khi xây dựng trụ sở sang khu đất mới, UBND xã không có nhu cầu sử dụng diện tích khu đất cũ nên đã ký hợp đồng cho thuê tài sản trên đất khu UBND xã với Tổng Công ty dệt may Nam Định để làm c xưởng may mặc thời trang, hạn thuê là 5 năm.

Tuy nhiên, Tổng Công ty dệt may Nam Định đã không thực hiện hợp đồng đã ký mà ngày 16/6/2014 đã tự ý phá hủy tài sản và tiến hành san lấp mặt bằng xây dựng công trình sai phép trên đất của HTX khi chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Việc này xâm phạm đến đất đai, tài sản, kho tàng, trụ sở làm việc của HTX và bịt mất cổng, lối ra vào trụ sở làm việc của HTX, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của 2.000 thành viên HTX.

Đến tháng 4/2018, Tổng Công ty dệt may Nam Định đã ký hợp đồng bán toàn bộ đất và tài sản trên đất của mình cho Công ty TNHH thương mại quốc tế Thiên Sơn mặc dù đất và tài sản trên đất (có phần đất và tài sản của HTX) chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Hội đồng quản trị HTX Yên Bình đại diện cho 2.000 thành viên xin cam đoan những nội dung trên là sự thật và mong được các cơ quan chức năng, cơ quan công luận bảo vệ quyền lợi cho 2.000 thành viên của HTX”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND tỉnh Nam Định, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Nam Định, Sở Công thương tỉnh Nam Định, UBND huyện Ý Yên, Tổng công ty dệt may Nam Định xem xét giải quyết sự việc theo đúng quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn khiếu nại khẩn cấp của các hộ dân sinh sống tại tổ 12 và 13 phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, HN về việc thu hồi đất không đúng đối tượng theo quyết định số 2845/QĐ-UBND và thông báo thu hồi đất số 318/TB-UBND ngày 10/10/2018 của UBND quận Hoàn Kiếm.

Đơn có nội dung: “Chúng tôi, các hộ dân sinh sống tại tổ 12 và 13 phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, ngày 15/11/2018 có nhận được các văn bản do UBND phường Chương Dương cung cấp về việc phê duyệt dự án thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân tại khu nhà gỗ số 7,9,10,11,14, 16 và 17 phường Chương Dương...

Tất cả các văn bản trên đều thể hiện việc thu hồi chỉ dành cho đối tượng là các hộ dân khu nhà gỗ nói chung và khu nhà gỗ số 1A nói riêng. Vậy tại sao chúng tôi - những hộ dân không thuộc khu nhà gỗ số 1A lại có trong danh sách thu hồi nhà?

Trong Quyết định phê duyệt dự án thu hồi đất số 4608/QĐ-UBND ngày 14/09/2015, Điều 1 Khoản 4 mục tiêu đầu tư đã nêu rõ “Thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân sinh sống tại các nhà gỗ nguy hiểm số 1A, 7,9,10,11,14,16,17 phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân”. Vậy việc đưa các hộ dân không thuộc khu nhà gỗ số 1A vào danh sách thu hồi có đúng mục tiêu hay không? Trong khi đó thực tế hiện nay các hộ dân chúng tôi đang sống trong những căn nhà được xây dựng kiên cố băng kết cấu bê tông cốt thép từ 2 đến 5 tầng, nằm tách biệt hoàn toàn với nhà gỗ số 1A, đã được sử dụng ổn định lâu dài trên 40 năm nay và một số hộ gia đình đã được cấp GCNQSDĐ.

Trong thông báo thu hồi đất số 318/TB-UBND ngày 10/10/2018, lý do thu hồi đất chỉ nêu chung chung “thực hiện dự án thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân tại khu nhà gỗ số 1A phường Chương Dương” mà không nêu rõ mục đích sử dụng đất sau thu hồi để làm gì, phục vụ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội, công trình công cộng, nhà ở hay mục đích thương mại?

Việc thu hồi nhưng không nêu rõ mục đích sử dụng sau thu hồi, không giải trình hay chứng minh việc thu hồi vì lợi ích quốc gia hay lợi ích công cộng, trong khi các hộ dân đang sinh sống ổn định trên chính mảnh đất của mình đã gây bức xúc, làm đảo lộn cuộc

Hơn nữa, từ trước đến nay (trước 15/11/2018) các hộ dân không thuộc khu nhà gỗ số 1A chưa bao giờ được UBND quận Hoàn Kiếm hay UBND phường Chương Dương mời họp, trao đổi hoặc lấy ý kiến về chủ trương thu hồi đất của chúng tôi. Vậy tại sao chúng tôi lại bất ngờ nhận được thông báo thu hồi đất? như vậy xét theo luật hiện hành thì điều này có đúng không?”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn thư của bạn đọc đến UBND TP.Hà Nội, Sở Tài nguyên môi trường TP.HN, UBND quận Hoàn Kiếm, UBND phường Chương Dương xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu của cụ bà Nguyễn Thị Riềng, sinh năm 1920, là mẹ liệt sĩ có con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trú tại xóm 4 xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Nội dung đơn như sau: “Tôi là bị đơn trong vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất do vợ chồng ông Phạm Văn Đặc và Đào thị Trịnh là nguyên đơn cùng trú tại địa chỉ trên, được TAND TX.Quảng Yên ra bản án số 03/2017/DS-ST ngày 27/6/2017 và TAND tỉnh Quảng Ninh ra bản án số 54/2017/DS-PT ngày 22/12/2017 về tranh chấp QSDĐ.

Trong hai bản án trên đều kết luận buộc gia đình tôi phải tự tháo dỡ công trình phụ được xây dựng trên phần đất của mình (cho là diện tích đã lấn chiếm là 8,7m2) tại thửa đất số 76 tờ bản đồ P7, xóm 4, xã Liên Hòa, TX Quảng Yên để trả lại cho ông Đặc – là không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng bởi:

Gia đình tôi sinh sống trên thửa đất số 76, tờ bản đồ P7, có diện tích khoảng trên 600m2. Vợ chồng tôi sinh được 09 người con và trên mảnh đất đó có xây một ngôi nhà 04 gian (vẫn còn dấu vết móng nhà cũ). Khoảng 30 năm trước do con cái trưởng thành, thoát ly nên vợ chồng tôi theo con và có cho bố mẹ của ông Đặc mượn nhà để ở, sau đó nhượng lại cho bố mẹ ông Đặc (không lập văn bản) 3 gian nhà, còn lại 1 gian tôi giữ lại để ở và cắt thẳng từ gian thứ 3 đến hết chiều dài của thửa đất với số tiền 300 đồng và trả dần, bố mẹ ông Đặc chưa trả hết tiền thì đã chết và số tiền còn lại tôi cũng không đòi nữa.

Hai gia đình sống hòa thuận và chỉ xảy ra tranh chấp vào năm 2013 khi tôi xây công trình phụ trên thửa đất của gia đình mình. Ông Đặc cho rằng tôi xây trên diện tích đất của nhà ông Đặc.

Khi xảy ra tranh chấp mới bỏ giấy CNQSDĐ ra để xem thì phát hiện việc làm hồ sơ, thủ tục cấp GCNQSDĐ của cán bộ địa chính xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên cho gia đình tôi và ông Đặc có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, không đúng trình tự, thủ tục: không mời các hộ liền kề chứng kiến, chỉ mốc và khi vẽ sơ đồ không mời các hộ liền kề trực tiếp ký vào hồ sơ. Chữ ký của các hộ liền kề đều là chữ ký do cán bộ địa chính xã tự ký; khi làm hồ sơ cấp Giấy CNQSDĐ cho gia đình tôi, tôi và gia đình không được biết và không có ai ký vào hồ sơ”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND tỉnh Quảng Ninh, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Sở TNMT tỉnh, Sở Lao động, thương binh và xã hội, UBND TX Quảng Yên, Tòa án nhân dân thị xã Quảng Yên, UBND xã Liên Hòa xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Ngọc Hân (tổng hợp)