Thanh Hóa:

Nhiều tình tiết chưa được làm rõ trong vụ chủ tịch xã đi tù vì xét sai nguồn gốc đất?

(Dân trí) - Cho rằng ông Quân là người biên soạn cuốn lịch sử Đảng, đi bộ đội trở về từ năm 1990 và căn cứ lời khai của ông Quân tại cơ quan CSĐT, HĐXX khẳng định ông Quân biết rõ nguồn gốc đất nhưng vẫn cố tình xét sai cho 19 hộ dân để nhận tiền đền bù cao. Nhiều tình tiết bị cáo đưa ra tại phiên tòa phúc thẩm để kêu oan vẫn chưa được làm rõ.

Mới đây, TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa phúc thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” đối với một số cán bộ xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Trong đó, ông Trần Văn Quân, Chủ tịch UBND xã bị tuyên phạt y án sơ thẩm là 8 năm tù giam.

Tranh cãi việc đất trước - sau năm 1980

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thanh Hóa, trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2013, xã Hải Yến đã tổ chức triển khai thực hiện việc kiểm kê đền bù, thu hồi giải phóng mặt bằng cho dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn trên địa bàn xã.

Các bị cáo Trần Văn Quân, Chủ tịch UBND cùng một số cán bộ xã đã lợi dụng chức vụ gây thất thoát tiền nhà nước. Trong đó, ông Quân là người chịu trách nhiệm về việc xác định nguồn gốc đất để áp dụng chính sách đền bù.

Trong vụ án, có phần gây thất thoát tiền Nhà nước hơn 4,6 tỷ đồng liên quan đến thôn Đông Yến. Đây là khu đất trang trại chăn nuôi thuộc HTX Hải Yến cũ giải thể sau năm 1980, cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố ông Trần Văn Quân về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281- Bộ luật hình sự.

Người dân xã Hải Yến mong muốn có căn cứ rõ ràng đủ thuyết phục về việc đất họ đang ở là sau năm 1980.
Người dân xã Hải Yến mong muốn có căn cứ rõ ràng đủ thuyết phục về việc đất họ đang ở là sau năm 1980.

Trước khi phiên tòa xét xử diễn ra, hàng nghìn người dân xã Hải Yến đã đồng loạt ký tên xin giảm án cho ông Trần Văn Quân, Chủ tịch xã do người dân cho rằng chưa đủ căn cứ để xác định được đất ông Quân xét trước năm 1980 cho các hộ nhận tiền đền bù là sai.

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, rất nhiều hộ dân phẫn nộ vì cho rằng đất họ ở trước năm 1980 chứ không phải sau năm 1980.

Bà Lê Thị Ái, người dân xã Hải Yến nói: “Huyện Tĩnh Gia chưa đưa ra bất cứ bằng chứng nào cụ thể để xác định đất mà chúng tôi được xét là sau năm 1980. Có duy nhất một tờ giấy viết tay của bà Hoạt (người dân) không có dấu má gì, không có tính pháp lý mà lại căn cứ vào đó để xác định đất của chúng tôi là sau năm 1980 là không thuyết phục”.

“Việc xét nguồn gốc đất được lấy ý kiến từ các cụ lão thành cách mạng, các cụ từng giữ các vị trí chủ chốt của xã qua các thời kỳ. Tất cả họ đều cho rằng đất đó, trước năm 1980”- một người dân khác phát biểu tại tòa.

Tại tòa, ông Trần Văn Quân khai: “Do chính quyền địa phương cũng như Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa, Phòng TNMT huyện không xác định được nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất của các hộ dân thuộc diện được bồi thường nên ngày 28/04/2008 Sở TNMT ban hành Công văn số 865/STNMT với nội dung yêu cầu các quy trình thực hiện phương pháp xác định thời điểm sử dụng, nguồn gốc đất của 19 hộ dân nói trên”.

Ông Trần Văn Quân với tư cách là Chủ tịch là UBND xã Hải Yến đã xem xét và thực hiện trên tinh thần công văn 865 như thành lập hội đồng, tổ chức hội nghị xin ý kiến bằng cách bỏ phiếu kín nhằm đảm bảo tính khách quan, đúng quy định. Thành phần tham gia là các cán bộ, nguyên là lãnh đạo xã qua các thời kỳ.

Sau khi kiểm phiếu, căn cứ vào kết quả kiểm phiếu (có biên bản), ông Quân đã xác nhận vào bảng kết quả xác định thời điểm sử dụng sau đó chuyển lên Phòng TNMT trình Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia công nhận (trước khi trình ký, Hội đồng thẩm định đã thực tiếp thẩm định và có xác nhận).

Nhiều tình tiết chưa được làm rõ?

Cho rằng ông Trần Văn Quân có tham gia biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hải Yến và việc ông Quân nhiều năm làm cán bộ xã thì phải biết việc đất của 19 hộ dân là có trước hoặc sau năm 1980. Mặc dù, cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hải Yến được biên soạn sau việc xét nguồn gốc đất và ông Quân khẳng định mình không tham gia biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã và cho đến tận năm 1990 ông mới đi bộ đội về thì làm sao biết được đất đó là đất Hợp tác xã được giải thể sau năm 1980. Tuy nhiên, HĐXX không làm rõ việc này .

HĐXX căn cứ vào tại bản lời khai ở cơ quan CSĐT, ông Quân khai rằng “cái gì có lợi cho dân thì nên làm”, tuy nhiên cán bộ địa chính (cũng là bị cáo trong vụ án) cùng người dân có mặt tại phiên tòa khẳng định, một mình ông Quân muốn có lợi cho dân thì cũng không thể làm được mà là ý kiến của 23 thành viên là cán bộ, nguyên lãnh đạo các thời kỳ mới đưa ra quan điểm thống nhất được.

Nguyên Chủ tịch UBND xã Hải Yến cho rằng không thể ông đi tù mà cán bộ huyện lại không có tội gì.
Nguyên Chủ tịch UBND xã Hải Yến cho rằng không thể ông đi tù mà cán bộ huyện lại không có tội gì.

Lời khai của ông Quân tại cơ quan CSĐT mâu thuẫn với lời khai tại tòa. Ông Quân cho rằng bản thân bị cán bộ điều tra Đ.N.D ép cung, yêu cầu ghi theo lời của điều tra viên này rồi sẽ được thả cho về nên ông đã nghe theo. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng lời khai của ông Quân không có căn cứ và việc sau này ông không có đơn tố cáo nên HĐXX không xem xét tình tiết này.

Đáng nói, liên quan đến việc để thất thoát tiền nhà nước, xã Hải Yến là đơn vị làm tờ trình lên huyện để huyện thẩm định và chuyển lên tỉnh.

Cụ thể Phòng TNMT huyện Tĩnh Gia và Chủ tịch UBND huyện này có trách nhiệm thẩm định việc làm trên. Thế nhưng, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm cũng như phúc thẩm, không thấy UBND huyện Tĩnh Gia có liên đới trách nhiệm, không có bất kỳ cán bộ, lãnh đạo nào của UBND huyện Tĩnh Gia tham gia phiên xét xử.

Tại tòa, nguyên Chủ tịch UBND xã Hải Yến cũng cho rằng: "Trong quá trình giải quyết vụ án đã không hề xem xét đến trách nhiệm của các cán bộ Phòng TNMT huyện Tĩnh Gia, của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thanh Hóa là các cơ quan đã thẩm định toàn bộ hồ sơ để lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân, nay khi xem xét trách nhiệm chỉ buộc tội tôi, cho rằng mình tôi có lỗi là không công bằng".

Theo luật sư Nguyễn Văn Hưng, Công ty Luật Hợp Danh The Light (Thuộc đoàn luật sư TP Hà Nội) thì TAND tỉnh Thanh Hóa bỏ lọt tội phạm.

Tiền thất thoát là tiền ngân sách hay tiền của Lọc hóa dầu Nghi Sơn?

Luật sư Nguyễn Văn Hưng, Công ty Luật Hợp Danh The Light (Thuộc đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Việc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn dựa vào sự thỏa thuận giữa đơn vị này với UBND tỉnh Thanh Hóa với nội dung: Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn để có hạ tầng thì phải bỏ kinh phí ra bồi thường cho cư dân có đất. Số tiền này sẽ được đối ứng (trừ) vào tiền thuê đất. Số tiền bồi thường được hiểu là bồi thường bao nhiêu, hai bên quyết toán và xác định bằng tiền thuê đất của doanh nghiệp. Như vậy kinh phí để bồi thường là tiền của doanh nghiệp tạm ứng cho tỉnh Thanh Hóa thay mặt doanh nghiệp chi trả, mặt khác số tiền đó chi trả hết bao nhiêu thì doanh nghiệp sẽ chịu và được tính bằng tiền thuê đất. Căn cứ Khoản 1, Điều 32 Luật Ngân sách Nhà nước thì số tiền đó không phải là Ngân sách Nhà nước.

Bình Minh