Bạn đọc viết:

Nhiều người dân mắc lừa ăn xin trá hình "lịch sự"

(Dân trí) - Gần đây tại các bến xe bus, xe khách xuất hiện nhiều đối tượng ăn xin “cao cấp” lừa đảo dưới những hình thức tinh vi và gian trá. Những kẻ này xuất hiện dưới vỏ bọc lịch sự, trang nhã cùng lý do cao sang để dễ lấy lòng người.

Ăn mặc bảnh bao đi… xin tiền

Hầu hết mọi người nghĩ đến ăn xin sẽ liên tưởng tới hình ảnh ăn mặc rách rưới, tỏ ra khổ sở, thương cảm nhưng trái ngược với những đặc điểm quen thuộc đó, gần đây đã xuất hiện thêm hình thức ăn xin mới mẻ.

Rất tế nhị và lịch sự cảm ơn khi xin tiền
Rất tế nhị và lịch sự cảm ơn khi xin tiền

Những kẻ ăn xin “cao cấp” này vẫn hoạt động tại những nơi công cộng, đông người qua lại nhưng khoác lên mình bộ quần áo nuột nà, gọn gàng và thậm chí quần âu, áo sơ mi giống với phong cách mà dân công sở vẫn thường mặc.

Mỗi lần “tác nghiệp” chúng đều tỏ ra là người tri thức lịch sự và rất tế nhị đối với đối tượng mà chúng nhắm đến.

Anh Đỗ Chí Hùng (ngõ 559 đường Kim Ngưu, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) nói: “Khi tôi đi bộ ra bến xe bus phía cầu Mai Động, tôi thấy một thanh niên trẻ, ăn mặc gọn gàng ra nói: “Anh ơi, cho em 10 nghìn để đi xe bus, em để quên vì ở nhà”. Nhưng tôi đã không cho. Do xe bus chưa tới nên tôi vẫn ngồi chờ.

Lúc này, có một người khác đến và cậu thanh niên kia cũng ra xin tiền. Không ngại ngần, bạn trẻ tốt bụng đã cho 10 nghìn đồng. Khi bạn thanh niên tốt bụng lên xe bus thì kẻ ăn xin cũng đứng lên nói “xe em ở đằng sau”. Nhưng sau đó kẻ ăn xin lại quay về chỗ ngồi và tiếp tục chiêu trò với những người khác”.

Không chỉ với lý do quên ví, mà nhiều kẻ lừa đảo còn bịa ra những lý do như vừa bị móc ví, hay lỡ đánh rơi ví và giấy tờ… cộng với việc tạo ra cho bản thân độ tin tưởng bằng phong thái, cách ăn mặc, giao tiếp, chúng đã lấy được lòng tin tưởng và thương cảm của nhiều người.

Thậm chí nhiều trường hợp còn liên kết với “đàn em” đứng xung quanh khu vực hoạt động của chúng để lừa đảo người dân qua lại. “Đàn em” của chúng có nhiệm vụ giả xe ôm, ngồi quán nước cạnh đó để nói thêm những câu hỗ trợ cho việc xin tiền thêm phần nhanh chóng và hiệu quả. Những câu nói tưởng rất vu vơ như: “nó không phải nghiện đâu”, “cậu ấy bị mất ví thật đó”… lại tác động rất mạnh với những người được chúng coi là “khách hàng tiềm năng”.

Kèm xe sang tăng độ tin cậy

Chỉ ăn mặc lịch sự thôi chưa đủ, nhiều kẻ lừa đảo còn ngụy trang cho mình bằng những xe tay gas, xe Sh đắt tiền để viện thêm nhiều nguyên nhân hợp lý đưa đẩy đến tình cảnh phải ăn xin.

Chị Nguyễn Thị Bích Liên (Thường Tín – Hà Nội) đã từng cho một kẻ đi xe Airblade tiền để đổ xăng, đinh ninh đã làm phúc nhưng ngay sau đó chị đã biết mình bị lừa. Chị Liên chia sẻ: “Tôi gặp anh ta đang dắt xe, thấy tôi anh ta gọi với lại và trình bày hoàn cảnh là xe hết xăng mà trong vì không còn đồng nào. Thấy đáng thương nên tôi đưa cho anh ta 20 nghìn đồng. Lúc đó, xe tôi cũng sắp hết xăng, đến phía đổ xăng vô tình nói với nhân viên tôi mới biết mình bị lừa. Thì ra mấy ngày nay anh ta đều dở chiêu trò này ở đó”.

Đối tượng của những kẻ lừa đảo này đều là người dân chỉ qua lại địa bàn hoạt động của chúng một lần. Nếu có phương tiện như xe máy chúng thường xuất hiện ở các tuyến đường là cửa ngõ giữa nội - ngoại thành để lấy lòng tin của người dân và chủ yếu là phụ nữ.

Hình thức mặc gọn gàng, nói lịch sự trở thành một chiêu thức mới mẻ và đã lừa được không ít người dân cả tin. Do tâm lý quen thuộc của nhiều người chỉ nghi ngờ với những người cố tỏ ra thương tâm, nghèo khó hay sư giả mà chưa lường hết được sự trá hình ngày càng tình vi mà làm phúc nhầm chỗ.

Vũ Thị Thúy