Kiên Giang:

“Xẻo” gần 17.000m2 đất chùa cấp cho cá nhân tại "đảo ngọc" Phú Quốc?

(Dân trí) - Từ những nhân chứng phóng viên thu thập được từ Ban quản trị Dinh Bổn Cảnh Thành Hoàng Chuông Am (gọi tắt là Chuông Am thuộc khu phố 10, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc), cho thấy, việc UBND huyện Phú Quốc lấy gần 17.000m2 đất Chuông Am cấp cho ông Nguyễn Văn Mười có dấu hiệu sai đối tượng, trái pháp luật.

Nguồn góc đất Chuông Am

Phần đất gần 17.000m2 mà Ban quản trị Chuông Am đang tranh chấp với ông Nguyễn Văn Mười (SN 1922, nguyên là một thầy thuốc sống tại chùa Chuông Am vào những năm 80) hiện tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, khu phố 10, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc.

Theo đơn xác nhận nguồn gốc đất của Ban quản trị Chuông Am: Nguồn gốc 17.000m2 đất chùa Chuông Am là do Ban quản trị Dinh Bổn Cảnh Thành Hoàng Chuông Am đứng ra khai khẩn đất, xây dựng từ thời Pháp thuộc, lập vườn thuốc Nam, vườn cây cổ thụ. Qua nhiều đời, ở đây vừa là nơi thờ tự các vị Thánh, vừa là nơi bốc thuốc Nam, châm cứu trị bệnh cho dân nghèo.

Khu đất có xây tường rào hiện Ban quản trị Chuông Am tranh chấp với ông Nguyễn Văn Mười
Khu đất có xây tường rào hiện Ban quản trị Chuông Am tranh chấp với ông Nguyễn Văn Mười

Từ 1945 đã có Ban quản trị Chuông Am, tính đến nay đã qua 5 đời và hiện nay là ông Nguyễn Văn Đấu đang làm Trưởng ban quản trị. Ông Đấu và các thành viên Ban quản trị cho biết, năm 1987 ông Nguyễn Văn Mười từ chùa Phước Thiện về chùa Chuông Am và được Ban quản trị đưa vào làm việc tại tổ thuốc nam với bác Năm Cầu. Vào thời điểm này Ban quản trị có giao cho ông Mười trông coi một phần đất chùa, vị trí giáp ranh đất ông Trần Văn Đời (đã chết).

Ông Võ Văn Thành (từ 1980 - 1994, là Phó và Trưởng ấp Cây Bến, xã Cửa Dương – khu vực núi chùa Chuông Am) khẳng định: Phần đất núi chùa Chuông Am có diện tích khoảng 17.000m2 có nguồn gốc từ thời Pháp thuộc. Vào thời điểm từ năm 1975 đến năm 1997, núi chùa Chuông Am thuộc ấp Cây Bến, xã Cửa Dương. Đến năm 1998, khu vực núi chùa Chuông Am thuộc khu phố 5, thị trấn Dương Đông, sau này tách ra thành khu phố 10 như hiện tại.

Đơn xác nhận của Ban Quản trị Chuông Am về nguồn gốc gần 17.000m2 đất cấp cho ông Nguyễn Văn Mười là của chùa Chuông Am
Đơn xác nhận của Ban Quản trị Chuông Am về nguồn gốc gần 17.000m2 đất cấp cho ông Nguyễn Văn Mười là của chùa Chuông Am

Riêng về thân thế ông Nguyễn Văn Mười, ông Võ Văn Thành nói rõ: Vào năm 1984, ông Năm Cầu (người của Dinh Bổn Cảnh Thành Hoàng Chuông Am) làm nghề hốt thuốc nam đến trình báo Ban ấp Cây Bến (xã Cửa Dương), xin cho ông Nguyễn Văn Mười đến trạm trú tại núi chùa Chuông Am, cùng làm nghề hốt thuốc nam với ông Năm Cầu.

Nhiều Cụ cao niên là những người dân, cán bộ biết rõ nguồn gốc đất núi chùa Chuông Am, như cụ: Phan Xuân Nhựt (SN 1927, trú tại tổ 5, ấp Cây Thông ngoài); cụ Huỳnh Bá Mùi (SN 1930, trú tại tổ 1, ấp Cây Thông ngoài; ông Hà Văn Em (SN 1946, trú tại tổ 10, khu phố 3, thị trấn Dương Đông (là cựu chiến binh từng chiến đấu tại khu vực núi chùa Chuông Am)… đều xác nhận, nguồn gốc gần 17.000m2 đất cấp cho ông Mười là của chùa Chuông Am.

Đơn xác nhận nguồn gốc đất chùa Chuông Am của ông Nguyễn Văn Thành - nguyên cán bộ ấp Cây Bến - khu vực núi chùa Chuông Am
Đơn xác nhận nguồn gốc đất chùa Chuông Am của ông Nguyễn Văn Thành - nguyên cán bộ ấp Cây Bến - khu vực núi chùa Chuông Am

Trong đơn xác nhận nguồn gốc đất, các cụ còn nêu rõ: Trước năm 1975, khu vực núi chùa Chuông Am là nơi giáp ranh giữa chính quyền cách mạng và chế độ cũ. Nơi đây đã xảy ra 03 lần giao tranh ác liệt giữa bộ đội địa phương với quân ngụy. Đồng chí Tư Xiêm – cán bộ văn công đã hy sinh tại khu vực này vào tháng 11/1963. Chính vì chứng tích này, Phòng văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện Phú Quốc cùng Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch Kiên Giang đã khảo sát khu vực này làm khu di tích lịch sử cấp tỉnh.

Các cụ kiến nghị: “Đất đai chùa chiền là tài sản chung của nhân dân, là di tích lịch sử của địa phương…. Không thể lấy cấp tài sản này cho cá nhân ông Nguyễn Văn Mười là trái pháp luật”.

Vụ việc dần phơi bày…

Ông Thái Ngọc Lý – người được Ban quản trị Chuông Am ủy quyền tranh chấp gần 17.000m2 đất với ông Nguyễn Văn Mười, cho biết: “Vào 2010, Nhà nước mở đường đi sau nhà chùa, quá trình đo đạc để bồi thường mới phát hiện, đất của nhà chùa quản lí, sử dụng hơn thế kỉ bị “xẻo” 16.950m2 cấp cho ông Nguyễn Văn Mười từ 2006. Lúc đó, ông Mười đã 84 tuổi, sống độc thân không vợ con, còn nhu cầu gì nữa đâu mà huyện lại lấy ngần ấy đất của chùa cấp cho ông ấy?”.

Về nguồn gốc 16.950m2 đất mà ông Mười đã được cấp sổ đỏ, ông Mưới trình bày trong hồ sơ xin cấp đất: Ông khai khẩn mảnh đất này từ 1959. Đến 1969 do chiến tranh ác liệt ông Mười đến thị trấn An Thới và sau đó ra đảo Thổ Châu sinh sống. Đến năm 1985, ông Mười quay trở lại sinh sống bằng nghề hốt thuốc nam trên mảnh đất mà ông khai phá từ năm 1959. Ông Mười cho rằng mảnh đất ông khai phá hoàn toàn độc lập với mảnh đất Dinh Bổn Cảnh Thành Hoàng Chuông Am.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn Mười do ông Thái Thành Lượm ký. Giấy đất không có số thửa, tờ bản đồ?
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn Mười do ông Thái Thành Lượm ký. Giấy đất không có số thửa, tờ bản đồ?

Theo tài liệu PV có được, ngày 20/12/2006, ông Thái Thành Lượm – nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc kí, cấp sổ đỏ số AH 392466 cho ông Nguyễn Văn Mười, diện tích 16.950m2, loại đất trồng cây lâu năm, hình thức sử dụng riêng, thời hạn sử dụng đến tháng 10/2043.

Điều đáng nói, sổ đỏ này không ghi số thửa và số bản đồ. Tại biên bản xác định ranh giới sử dụng đất, chỉ có chữ kí giáp ranh của các ông: Hà Đức Bảo, Lê Hoàng Giao và Huỳnh Bá Mùi. Riêng cạnh từ đường Nguyễn Trung Trực chạy vào phía sau có 3 hộ liền kề: ông Lê Hoàng Giao, bà Lê Thị Ngọc Thu, bà Trần Việt Liên, thì chỉ có chữ kí của ông Giao, không có chữ kí của 2 hộ bà Thu và bà Liên.

Giấy ông Nguyễn Văn Mười đại diện chùa Chuông Am ký cho ông Chánh mượn 24m đất
Giấy ông Nguyễn Văn Mười đại diện chùa Chuông Am ký cho ông Chánh mượn 24m đất

Hơn nữa, năm 2009 khi bà Lê Thị Ngọc Thu kiện ông Nguyễn Văn Mười ra tòa để đòi lại 200m2 đất, vì bà Thu cho rằng bị ông Mười lấn chiếm. Tại phiên tòa này, ông Nguyễn Minh Hùng, người được ông Mười ủy quyền khai trước Tòa: “Nguồn gốc đất 16.950m2 mà UBND huyện Phú Quốc cấp cho ông Nguyễn Văn Mười là do ông khai khẩn từ 1959. Ông Mười là chủ trì chùa Chuông Am nên ông là người đại diện đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng cho chùa Chuông Am, chứ không phải đứng tên cho cá nhân ông”.

Về nguồn gốc đất tranh chấp hiện nay còn thể hiện là đất của Chuông Am qua bút tích của ông Nguyễn Văn Mười xác nhận trong giấy mượn đất của ông Huỳnh Thiên Quốc Chánh. Cụ thể, vào ngày 17/7/2008 ông Chánh có mượn 24m2 đất của chùa Chuông Am. Ông Nguyễn Văn Mười thay mặt Ban Quản trị chùa kí, đồng ý cho ông Chánh mượn.

Nhiều cụ cao niên ở khu vực núi Chùa Chuông Am xác nhận về nguồn gốc gần 17.000m2 đất cấp cho ông Mười là của Chuông Am
Nhiều cụ cao niên ở khu vực núi Chùa Chuông Am xác nhận về nguồn gốc gần 17.000m2 đất cấp cho ông Mười là của Chuông Am

Như vậy, nội dung phản ánh của Ban Quản trị Chuông Am, về việc Ông Thái Thành Lượm – nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cấp sổ đỏ cho ông Nguyễn Văn Mười không đúng đối tượng, trái pháp luật là có căn cứ. Đáng chú ý, gần một năm sau ngày được cấp sổ đỏ (7/2007), ông Mười làm giấy hiến đất và ủy quyền quản lí cho người khác. Hơn 10 năm sau ông lại lập hợp đồng ủy quyền cho ông Lâm Việt Hải, người ở tận TP Hồ Chí Minh toàn quyền quản lí, sửa chữa, cải tạo các tài sản trên đất, thời gian ủy quyền lên tới 20 năm.

Thiết nghĩ, một cụ ông không vợ, không con chuyên sống bằng nghề bốc thuốc chữa bệnh cho người dân ở Chuông Am “bỗng” dưng trở thành chủ mảnh đất gần 17.000m2 đất là điều khiến dư luận nghi ngờ? Việc “xẻo” gần 17.000m2 đất chùa cho một cụ như ông Mười đứng tên, liệu có ai đó tiếp tay trong việc này?

Dân trí sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc có nhiều khuất tất này đến bạn đọc

Nguyễn Hành