Nhiều cuộc thi sắc đẹp ngang nhiên tổ chức "chui"?

(Dân trí) - Dù không được cấp phép tổ chức tuyển sinh toàn quốc nhưng nhiều cuộc thi sắc đẹp vẫn tổ chức khá rầm rộ thời gian qua. Gần đây nhất là hai cuộc thi "Nữ hoàng Doanh nhân Đất Việt 2017" và cuộc thi "Hoa khôi Doanh nhân 2017". Nhiều cuộc thi còn ngang nhiên để logo hàng loạt các cơ quan báo chí lên poster chương trình để dễ kêu gọi tài trợ.

"Lập lờ đánh lận con đen"!

Cách đây 2 tháng, nhiều người không khỏi bất ngờ về cuộc thi "Duyên dáng Doanh nhân 2017" được tổ chức tại Quảng Ninh. Dù cuộc thi không được phép tuyển sinh trên cả nước nhưng ban tổ chức vẫn tuyển sinh và thu hút được khá đông thí sinh tham gia.

Được biết, cuộc thi trên được tổ chức nằm trong khuôn khổ hội chợ của UBND tỉnh Quảng Ninh 2017 và chỉ được cấp phép biểu diễn thời trang trong chương trình. Tuy vậy, trên các baner, poster của chương trình đều quảng cáo khá rầm rộ về cuộc thi. Mỗi thí sinh tham gia cuộc thi phải đóng lệ phí hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Do không được phép tổ chức tuyển sinh cả nước nên ban tổ chức đã "lách luật" bằng cách "gắn mác" thêm cho mỗi thí sinh tham gia cuộc thi một chức vụ trưởng phòng hay phó giám đốc một công ty ở Quảng Ninh để đù điều kiện tham gia.

Ngay trước thềm cuộc thi, khá nhiều người dân đã bức xúc về vấn đề lập lờ giữa cuộc biểu diễn thời trang và cuộc thi "Duyên dáng Doanh nhân 2017" trên. Tuy nhiên, cuộc thi vẫn được diễn ra với phần thắng được trao cho Hoa khôi Bảo Ngọc. Ngay sau khi có kết quả trên, nhiều người đã phản ánh danh hiệu được trao cho Bảo Ngọc thực chất chỉ là danh hiệu "ảo" vì cuộc thi trên không thực sự chính danh.

Dù lập lờ về giấy phép nhưng cuộc thi vẫn tổ chức rầm rộ
Dù lập lờ về giấy phép nhưng cuộc thi vẫn tổ chức rầm rộ

Theo những người trong ngành giải trí thì hiện nay mỗi năm có hàng chục cuộc thi sắc đẹp được tổ chức dù giấy phép khá mập mờ. Tại mỗi cuộc thi trên, ban tổ chức thường là những công ty truyền thông tự đứng ra tổ chức để thu phí của các thí sinh. Nhiều cuộc thi thậm chí chỉ tổ chức "ngầm" trong giới nhưng sau đó vẫn rầm rộ phong các chức danh như Hoa khôi, Á khôi....

Nhiều người đã gay gắt trao đổi cần phải sớm dẹp bỏ các cuộc thi trên để tránh tình trạng "loạn" danh hiệu. Thậm chí phải tước danh hiệu các cuộc thi không chính thống.

Khi phản ứng của dư luận chưa lắng xuống sau cuộc thi trên thì hôm qua (12/9), công ty Topstar lại công bố cuộc thi "Nữ hoàng Doanh nhân đất Việt" khiến nhiều người choáng váng.

Theo ban tổ chức, cuộc thi "Nữ hoàng Doanh nhân đất Việt" đã quy tụ được nhiều người nổi tiếng tham gia thành phần giám khảo, nổi bật là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Trên facebook của cuộc thi liên tục cập nhật các thông tin cuộc thi để thu hút thí sinh... Các đây khoảng 2 tháng, cuộc thi trên có tên gọi là "Hoa khôi Doanh nhân đất Việt" nhưng vừa qua lại đổi thành "Nữ Hoàng Doanh nhân Đất Việt".

Mập mờ pháp lý

Để làm rõ vấn đề trên, PV Dân Trí đã có mặt tại buổi công bố cuộc thi "Nữ hoàng Doanh nhân đất Việt 2017". Dù chỉ là buổi công bố cuộc thi nhưng người dẫn chương trình liên tục nói đây là buổi "họp báo" và “ đây là cuộc thi có quy mô lớn và hoành tráng nhất từ xưa đến giờ do Á Khôi Đặng Gia BêNa đứng ra tổ chức”.

Cũng tại buổi công bố này, bà Đặng Gia Bê Na (Trưởng ban tổ chức) cho biết đây là cuộc thi do Cục Nghệ thuật biểu diển cấp phép, được tuyển sinh trên toàn quốc. Đại diện ban giám khảo, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã thông tin đây là cuộc thi không cần phân biệt quốc tịch, chỉ cần là phụ nữ, là doanh nhân có làm việc, sinh sống và đi lại tại Việt Nam là có quyền đăng ký tham gia cuộc thi.

“Đây là cuộc thi được UBND thành phố Đà Nẵng cấp phép cho tổ chức cuộc thi tại thành phố này và được hướng dẫn của anh em ở Cục Nghệ thuật biểu diễn và bên đơn vị đã xin được giấy phép của cục chấp thuận cho tổ chức cuộc thi này", bà Bê Na khẳng định.

Khi được hỏi vì sao cuộc thi này đến phút chót lại đổi tên thành “Nữ hoàng Doanh nhân đất Việt” mà không giữ lại đúng tên như lúc đầu là "Hoa Khôi doanh nhân Đất Việt" thì ban tổ chức không trả lời.

Tiếp đó, phóng viên đề cập đến thông tin cuộc thi nếu được cấp phép tại Đà Nẵng thì chỉ được tổ chức, tuyển sinh tại Đà Nẵng theo quy chế vùng hoặc tỉnh thành nhưng lại tổ chức tại TPHCM, ban tổ chức đã đổ lỗi cho bưu điện.

"Cuộc thi này được cấp phếp đầy đủ để tuyển sinh toàn quốc và thí sinh nước ngoài. Còn việc các sở ban nghành chưa nắm được thông tin là do chúng tôi chuyển công văn bằng đường bưu điện nên các cơ quan có thẩm quyền chưa nhận được", bà Bê Na cho biết.

Khi phóng viên Dân Trí muốn được ban tổ chức công khai giấy phép cuộc thi thì ban tổ chức hứa sẽ cung cấp. Tuy vậy, sau đó phóng viên đã nhiều lần liên hệ để "mục sở thị" các giấy phép về cuộc thi nhưng đều bị từ chối.

Để làm rõ cuộc thi trên có đang tổ chức "chui" hay không? Chiều ngày 12/9, phóng viên đã liên hệ với Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM nhưng nhân viên tại đây cho biết: "Không có công ty nào mang tên Công ty truyền thông Topstar xin phép tổ chức họp báo".

Chưa dừng lại ở đó, Ban tổ chức cuộc thi đã tự ý đưa hàng loạt logo các cơ quan báo đài lên poster chương trình để hỗ trợ truyền thông, trong đó có logo báo Dân Trí. Tuy vậy, nhiều đơn vị như Dân Trí, Thời báo Doanh nhân đều khẳng định không hề ký thoả thuận hợp tác nào với ban tổ chức cuộc thi.

Nhiều đơn vị báo chí bỗng nhiên trở thành đơn vị bảo trợ thông tin cho cuộc thi
Nhiều đơn vị báo chí "bỗng nhiên" trở thành đơn vị bảo trợ thông tin cho cuộc thi

Khi PV Dân Trí trao đổi về vấn đề trên, đại diện ban tổ chức cho rằng: "Việc đặt logo báo Dân Trí trên poster chương trình để sau này đi các tin bài về cuộc thi trên báo Dân Trí". Tuy vậy, các luật sư cho rằng việc tự ý để logo các cơ quan báo chí lên poster chương trình là hoàn toàn vi phạm luật sở hữu trí tuệ.

Được biết, Công ty TNHH hãng truyền thông Topstar được thành lập vào ngày 9/5/2017 tại thành phố Đà Nẵng chỉ nhằm vào mục đích tổ chức cho cuộc thi này.

Dân Trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc đến bạn đọc.

Xuân Hinh