Nhà văn Lê Anh Hoài: Không thể chơi mãi một trò

(Dân trí) - Nhân ngày đầu xuân, hai nhà văn tuổi ngựa DiLi - Lê Anh Hoài có cuộc trò chuyện khá lí thú và cởi mở về cuộc sống, nghệ thuật và những dự định sáng tạo đang ấp ủ "cho ra lò" năm Giáp Ngọ.

DiLi: Tôi với Lê Anh Hoài cùng tuổi ngựa, nhưng cách nhau một giáp. Lâu lâu không gặp anh, thỉnh thoảng chỉ nghe tin trên báo thấy Hoài vừa cho ra đời một thứ gì đó rất “quái” và “dị”. Bẵng đi sau đợt làm “cột điện” (Dự án nghệ thuật “Tôi là cột điện” - 2008), rồi WC (Tác phẩm sắp đặt 2010) mà ở đó Lê Anh Hoài ngồi ở tư thế toilet đọc sách, anh lại liên tục ra mắt tập truyện ngắn “Tẩy sạch vết yêu” với quảng cáo giật gân là sến, sốc, chuối; chắp bút cho nhân vật đồng tính viết tự truyện “Không lạc loài”; phát hành tập thơ “Mảnh Mảnh Mảnh” được dịch ra các tiếng dân tộc và mới đây nhất là triển lãm “Chạy” phối hợp cùng nghệ sĩ Lê Nguyên Mạnh. Ngày áp Tết, tôi chỉ có thể tạm chat với anh qua cửa sổ mạng, vì cũng tò mò xem gã tuổi Ngựa đang “âm mưu” thêm vài sự ngông nào nữa. Năm con ngựa và Lê Anh Hoài đã được 4 con giáp rồi, hôm nay là áp Tết, anh có cảm giác gì không?

Lê Anh Hoài: Một phần tôi thấy phấn chấn, không hiểu có phải là sắp bước vào năm tuổi không nữa. Chị cũng tuổi đó mà, một cái tuổi tự nhận thấy là mạnh mẽ.
 
Nhà văn Lê Anh Hoài trong vai...cột điện tại một buổi trình diễn nghệ thuật sắp đặt.
Nhà văn Lê Anh Hoài trong vai...cột điện tại một buổi trình diễn nghệ thuật sắp đặt.

DiLi: Vâng, tôi cảm thấy như đang đến phần của mình vậy. Có tí duy tâm và hưng phấn ở đây. Người tuổi Ngựa trong chiêm tinh học thấy bảo hay tham, ôm đồm, đứng núi này trông núi nọ và có khả năng làm nhiều việc một lúc, điều đó có vẻ như đúng vi Lê Anh Hoài. Nhưng một đặc tính mâu thuẫn nữa là mặc dù ham vui nhưng người tuổi Ngựa vẫn lý trí và biết điểm dừng. Điểm dừng của anh ở đâu vậy?

Lê Anh Hoài: Với tôi thì cái nhận xét trên có vẻ đúng. Tôi có thể làm được nhiều việc cùng lúc, và thật ra nếu không được như thế thì tôi sẽ thấy cuộc sống thật là tẻ. Như, tôi thường đọc vài cuốn sách một lúc, có khi là những cuốn rất khác nhau, hoặc tôi có thể vừa làm báo vừa viết văn vừa làm nghệ thuật trình diễn. Với tôi, đó là cách nghỉ ngơi tích cực. Nhưng còn điểm dừng, tôi nghĩ là có. Với tôi, điểm dừng ở đây là tôi luôn xác định đâu là công việc và đâu là ham thích. Dĩ nhiên phần lẫn lộn vẫn có chứ, nhưng tôi muốn mọi cái đã là làm thì phải chuyên nghiệp. Cái chuyên nghiêp chính là giới hạn. Còn chơi thì đương nhiên không có gì phải bàn. Chơi khi không làm, chơi chán thì thôi.

DiLi: Chơi thì không có giới hạn?

Lê Anh Hoài: Với tôi, chơi cũng phải sáng tạo, chơi mãi một trò, chán.

DiLi: Đúng vậy, đầu tiên khi mới gặp anh thì anh là một nhà báo, nhà văn, nhà thơ. Hai năm sau tôi biết anh là một nghệ sĩ thị giác, và bây giờ là với tư cách Mr. Búp Bê, chuyên gia tư vấn tâm lý tình cảm.

Lê Anh Hoài: Đấy là chị cập nhật về tôi chậm quá. Những công việc đó thực ra không phải nối nhau mà trùm lên nhau rất nhiều.

DiLi: Nhưng người Việt mình lại hay dị ứng với những người lắm nghề. Tôi có kinh nghiệm về chuyện này rồi. Anh có bao giờ gặp phản ứng như vậy không?

Lê Anh Hoài: Người Việt ta vốn đa phần là nông dân, mà nông dân thì hay nghĩ là cứ cày sâu cuốc bẫm là ổn. Tôi gặp nhiều rồi chứ, nhưng tôi kệ. Vấn đề là ở sản phẩm, làm chỉ một thứ nhưng loại xoàng thì thử hỏi có giá trị gì?

DiLi: Nhắc đến sản phẩm thì cuốn sách văn chương gần đây nhất của anh nhìn thấy là kinh ngạc. Phần vì nó đẹp, phần vì nó đa ngôn ngữ. Có bao nhiều tiếng dân tộc ở đó được dịch ra từ thơ anh, anh Hoài nhỉ?

Lê Anh Hoài: Có 3 sinh ngữ là Lô Lô, K' Ho, Khmer và một tử ngữ là chữ Nôm (Kinh). À, dĩ nhiên là có tiếng Kinh nữa. Tôi muốn gọi là tiếng của dân tộc Kinh chứ không phải là tiếng Việt. Việt là tên quốc gia. Trong phần giới thiệu các tác giả, dịch giả, tôi tự khai mình là dân tộc Kinh, nên tôi nghĩ phải gọi là tiếng Kinh.

DiLi: Rất quái. Có ai nói với anh là cứ nhắc đến Lê Anh Hoài là nhắc đến "sự quái" không?

Lê Anh Hoài: Cũng có vài người nói, có người còn đưa tôi vào một cái danh sách của những nghệ sỹ "quái" gì đó. Tôi thì tôi nghĩ là mình đã làm cái gì thì cố gắng triệt để, đào sâu một chút, làm có ý thức. Chẳng hạn như với cuốn thơ đa ngữ “Mảnh Mảnh Mảnh”, tôi nghĩ người ta cứ hướng ngoại, nghĩa là muốn đưa tác phẩm ra ngoài, việc đó cũng tốt, nhưng tôi tự hỏi, sao không phải là hướng nội, nó cũng tốt mà. Mà nếu đã thế, sao lại không dịch hẳn ra nhiều ngôn ngữ, vẫn chỉ tập thơ đó. Thêm nữa, tôi nghĩ các ngôn  ngữ đều bình đẳng, vấn đề là nó có tính thời thượng và tác dụng giao tiếp khác nhau thôi chứ chưa chắc là thứ nào đã dám vỗ ngực là hay hơn thứ nào.

DiLi: Nhưng nói thực điều này anh đừng giận, có vẻ như thi ca đang chết dần, nó đang cần sự đầu tư bảo hộ như của Nhà nước dành cho các loại hình nghệ thuật dân ca. Vì trên thế giới dường như chẳng có nhà thơ nào bán được thơ nữa. Nếu muốn in thơ, các nhà thơ ở cả châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản, Trung Quốc đều phải tự bỏ tiền hoặc chờ "Mạnh Thường Quân" là sự tài trợ của các tổ chức văn học, của nhà nước. Anh có nghĩ anh đang “chơi thơ” đấy không?

Lê Anh Hoài: Tôi cũng biết thơ ca giờ đang sắp thành ma mút kỷ băng hà, nhưng chị ạ, đó là thơ thật, chứ nếu chỉ nhìn vào số thơ vẫn xuất bản hàng năm, nhìn vào số các thành viên CLB thơ ở Việt Nam thì tình hình lại xem ra không phải thế. Ở ta, thơ nó như là thứ trang sức rẻ tiền cho nhiều người.
 
Nhà văn DiLi
Nhà văn DiLi
 
DiLi: Nhưng hình như gần đây có một nhà thơ đã bán đưc thơ với sốợng vài vạn?

Lê Anh Hoài: Vâng, tôi cũng nghe là thế. Nếu là thật thì tôi nghĩ chắc phải có bí quyết pha chế. Tôi hình dung nó là một thứ gì đó gần với Coca hay Pepsi.

DiLi: Tôi nghe vậy thì chẳng có cảm giác gì vì cả đời tôi chẳng làm nổi một bài thơ. Nhưng là mt nhà thơ thì anh có chạnh lòng trước thông tin ấy không? Trong lúc thơ có lúc bị bán đại hạ giá 5000/cuốn thì có nhà thơ ấn loát vài vạn bản?

Lê Anh Hoài: Không, ai muốn làm gì và được gì thì cứ thoải mái chứ. Thì cũng như sách của Nguyễn Nhật Ánh đấy thôi. Chị có thích đọc không?

Di Li: Cả thời thơ ấu tôi đọc sách Nguyễn Nhật Ánh

Lê Anh Hoài: Vâng, quả là nể. Tôi thì không hề thích sách của bác ấy. Nhưng chị và nhiều người khác thích và mua thì đó là thị trường.

DiLi: Nhân nói đến vấn đề thị trường thì dường như các sản phẩm nghệ thuật của anh rất khó tiếp cận với thị trường số đông. Mới đây là một buổi trình diễn của nghệ sĩ thị giác Lê Anh Hoài, khách đến cực đông, nhưng có chút gì của sự tò mò không, theo anh?

Lê Anh Hoài: Chắc chị nói đến buổi triễn lãm tôi mới làm cùng anh Lê Nguyên Mạnh.

DiLi: Vâng, anh và Lê Nguyên Mạnh luôn là cặp bài trùng.

Lê Anh Hoài: Hôm đó rất đông, dù triển lãm ở nơi rất heo hút, xa và lạnh. Đa phần toàn là nghệ sỹ thôi. Cũng có công chúng, nhưng hẹp lắm. Công chúng giờ đây có quan tâm đến nghệ thuật đâu. Họ chỉ muốn giải trí nhẹ nhàng trong tình trạng ít động não. Người Việt thích những gì có thể cắt nghĩa được.

DiLi: Nhưng việc công chúng gần đây ít quan tâm đến nghệ thuật có phải vì kinh tế suy thoái không? Thú thực là gần đây tôi cũng hay tiết kiệm, trong đó có tiết kiệm cả thời gian. Và cứ nghĩ thời gian ngần này sẽ kiếm được ngần này tiền để bù vào trượt giá.

Lê Anh Hoài: Kinh tế suy thoái đương nhiên là một lý do nhưng ở Việt Nam thì nó còn là hậu quả của một tình trạng vắng bóng việc đào tạo thẩm mỹ nói chung (tức là mọi lĩnh vực chứ không phải riêng về mỹ thuật). Chị cũng là nhà văn, chị thấu hiểu điều đó còn gì.

DiLi: Tôi biết rồi, nhưng cứ muốn nghe thêm quan điểm của anh. Đúng như vy, người Việt dưng như quan tâm đến vật chất nhiều hơn tinh thần, tôi cũng nói điều này nhiều lần. Tất cả là do ngay cả thầy cô giáo và các bậc phụ huynh cũng không quan tâm nhiều đến việc nâng cao thẩm mỹ cho trẻ em thì các em không thể có tư duy thẩm mỹ tốt được. Nhưng gần đây tôi thấy một sản phẩm mới của anh lại rất gần gũi đối với quần chúng. Cuốn "Rắc rối tình ơi" phục vụ cho những đối tượng quần chúng nhất. Đây là một chuyên mục đời thường, nhiều báo có, nhưng tôi vẫn chẳng thấy anh đời thường chút nào. Vẫn rất "quái" vì, các câu trả lời của anh cũng "quái".

Lê Anh Hoài: Cuốn sách chị nói, nó không phải là văn chương gì ráo. Tôi làm báo, và tôi cần quan tâm đến công chúng. Sẽ khác khi tôi viết văn hay làm nghệ thuật. Lúc đó tôi không quá quan tâm đến số đông. Còn với cuốn sách này, nó là một tuyển tập từ một chuyên mục có tên là "Tơ lòng" đều đặn hàng tuần trên Tiền phong chủ nhật.

DiLi: Cái đó tôi gọi là điểm dừng có biên độ đấy. Trong số những câu hỏi này có câu nào khiến anh phải nghĩ mãi không ra câu trả lời không?

Lê Anh Hoài: Nghĩ thì có câu lâu câu nhanh. Nhưng nghĩ mãi không ra thì không đến mức. Chỉ có những câu khó do mình không hiểu rõ hoàn cảnh của người hỏi hoặc do họ hỏi chung chung quá. Đấy là còn chưa kể những câu cũng "ếch" quá đến phát chán.

DiLi: Rồi rồi, bây giờ tôi hỏi anh một câu nhạt hơn nước ốc và xưa hơn trái đt. Nhưng đây lại là kiểu câu hỏi khó trả lời nhất và thử thách trí tuệ của người trả lời nhiều nhất. Thưa Mr. Búp Bê, theo anh điều gì là quan trọng nhất trong tình yêu?

Lê Anh Hoài: Kể ra cũng khó, vì rất khó có cái gọi là "quan trọng nhất", nhưng tôi nghĩ khó nhất là cái "cảm hứng" với nhau. Làm sao duy trì được, nuôi dưỡng được tình cảm. Cái này cũng là cái bí ẩn, giời cho nữa cơ. Giời cho giời lại lấy đi, hỡi giời.

DiLi: Nhưng các cụ nói "Dao sắc không gọt được chuôi".

Lê Anh Hoài: Đúng rồi đấy, lại có câu "số thầy là để cho ruồi nó bâu" nữa, vì người ở ngoài bao giờ cũng dễ phán xét hơn, và cũng không bị nhiễu vì tình cảm xúc cảm.

Nhà văn DiLi (thực hiện)