Nhà văn hóa tiền tỷ mới sử dụng đã “chờ sập”: Lại “ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai”?

(Dân trí) - “Chắc chắn là công trình bị rút ruột rồi, dấu hiệu tham ô tham nhũng là đây chứ đâu xa. Với 4,8 tỷ, nếu đấu thầu công khai và trong sạch, chúng tôi còn xây được 2 công trình thế này thật kiên cố hàng trăm năm. Cũng may nó xuống cấp khi chưa đưa vào sử dụng còn không gây thiệt hại về người, chứ nếu không…”, bạn đọc Dân trí bày tỏ ý kiến.

Như Dân trí đã đưa tin, Trung tâm văn hóa - thể thao xã Hòa Liên là một trong 5 Trung tâm văn hóa - thể thao xã trên địa bàn huyện Hòa Vang được UBND TP Đà Nẵng đầu tư nhằm đáp ứng các tiêu chí văn hóa thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Công trình được đầu tư gần 4,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Đà Nẵng (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng) điều hành, Sở Xây dựng Đà Nẵng thẩm định hồ sơ thiết kế - dự toán, Trung tâm tư vấn kỹ thuật xây dựng (Sở Xây dựng) là đơn vị tư vấn giám sát.

Công trình khởi công ngày 24/8/2015, hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng ngày 31/8/2016. Quy mô đầu tư là khối nhà 1 tầng gồm các hạng mục: hội trường đa năng, sân khấu, phòng sinh hoạt người cao tuổi, phòng quản lý, khu vệ sinh, hành lang. Ngoài ra còn có sân chơi cho trẻ em và các dụng cụ, thiết bị phục vụ hoạt động của Trung tâm…

Tuy nhiên, khi mới đưa vào sử dụng trong một thời gian đã ngắn xảy ra nhiều vết nứt, lún và như đang “chờ sập”.

Nhà văn hóa tiền tỷ mới sử dụng đã “chờ sập”: Lại “ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai”? - 1


Mới đưa vào sử dụng, công trình đã xuất hiện nhiều vết nứt và sụt lún.

Mới đưa vào sử dụng, công trình đã xuất hiện nhiều vết nứt và sụt lún.

Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, trên cơ sở kiến nghị của Thanh tra thành phố, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất hình thức xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan sai phạm và chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện.

Đối với đơn vị điều hành dự án, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến sai sót trong việc điều hành dự án.

Đối với đơn vị thi công, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính bổ sung theo nội dung các sai phạm về bố trí nhân lực thi công và thiếu thủ tục kiểm tra chất lượng vật tư, vật liệu đưa vào sử dụng trong công trình.

Đối với đơn vị giám sát thi công, Giám đốc Trung tâm tư vấn kỹ thuật xây dựng đã ban hành quyết định xử lý kỷ luật một cá nhân với hình thức khiển trách.

Đới với Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng, phê bình tập thể Quản lý các dự án đầu tư xây dựng thuộc kế hoạch nguồn vốn năm 2015, 2016 và một cá nhân; xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách một cá nhân.

Sợi dây kiểm điểm, khiển trách, rút kinh nghiệm lại nối dài…!

Quá quen với hình thức xử lý trách nhiệm của các cơ quan công quyền kiểu như: rút kinh nghiệm, quy trình, cảnh cáo, khiển trách… để rồi sai phạm vẫn cứ tiếp diễn từ địa phương này đến địa phương khác, từ sự việc nhỏ đến sự việc lớn, bạn đọc Dân trí bày tỏ bức xúc: “Xử lý khiển trách mà làm gì. Nếu là cán bộ công chức thì cho ra toà và xử tù giam. Nếu là nhà thầu cũng xử tù giam. Cứ xử lý theo kiểu khiển trách thì đến bao giờ mới chấm dứt tình trạng tham nhũng, bòn rút khiến các công trình tiền tỉ thành đống xà bần vô giá trị”, bạn đọc Lãng Tử.

Bạn đọc Chu Du: “Đến lúc phải bỏ những từ: rút kinh nghiệm, quy trình, cảnh cáo, khiển trách... mà bằng từ PHẢI SỬA SAI, KHẮC PHỤC SAI... ĐỀN BÙ SAI PHẠM, CÁCH CHỨC, ĐUỔI VIỆC... còn từ nghiêm túc thực hiện bằng từ PHẢI LÀM. Thì xã hội mới có thể phát triển lên được”.

Bạn đọc Thanh Vuong: “Cán bộ nào cũng nhận kỷ luật khiển trách. Trong lúc làm thất thoát tiền thuế của dân hàng chục tỷ đồng mà cứ kỷ luật thế này thì ai cũng muốn bị kỷ luật”.

“Tại sao vẫn chỉ quanh quẩn cái vòng khiển trách, rút kinh nghiệm và cảnh cáo, rất buồn và chán, cần phải thanh tra và xử lý thật nghiêm để làm gương cho các dự án tiếp theo, nếu cứ thế này thì bao nhiêu công trình tiếp theo sẽ ra sao”, bạn đọc Phamdong lo lắng.

Bạn đọc Ngọc Thắng: “Toàn là kỷ luật kiểu: khiển trách thì bao giờ mới thay đổi được, làm gì có tính răn đe cho những quan đang đương chức?”

Chỉ ra nguyên nhân sự việc, bạn đọc Trần Lực cho rằng: “Công trình bị rút ruột nhiều quá chứ sao nữa, nhà dân cấp 4 làm lấy tồn tại hàng trăm năm, nhà văn hóa thì thế này đây, tham nhũng, tham ô chứ sao”.

Bạn đọc Thu Bui: “Tình trạng "Ông thầy ăn 1 bà cốt ăn 2" vẫn còn thì chất lượng chỉ được thế thôi”.

Hài hước hơn, bạn Nguyễn Thanh Tùng ý kiến: “Còn suất mô nữa không? cho tui được tham gia vào đội ngũ được "khiển trách"; kiếm ít tỷ, mua cái ô tô, xây cái nhà lầu, cưới cô chân dài”.

Liệu có phải như ý kiến của bạn TNM: “Phải chia 5 sẻ 7 nên phải rút ruột là đúng rồi”?, hay bạn Hoang Yen Nguyen: “Em tên là Rút Văn Ruột”?

Liệu sợi dây kiểm điểm, rút kinh nghiệm có nối đến tận quê của bạn đọc Nguyễn Văn Xót: “Các cụ ơi đây là thực trạng chung. Ở xã Ngọc Hội-Chiên Hoá quê tôi cũng vậy. Nhà văn hoá dự án 135 nhà nước cho 100% thì làm hết 590 triệu. Còn các thôn khác nhà nước và dân cùng làm thì hết 280 triệu mà chất, lượng công trình thì cái 280 triệu của dân quá tốt, kiên cố. Cái 590 triệu chưa nghiệm thu đã nứt toác, nhà thầu lấy xi măng phết phết vào, vải thưa che mắt thánh. Rồi thì lớp học mầm non, lớp trung học... vv nhiều lắm. Nhà nước đầu tư làm đắt gấp 2-3 lần mà chất lượng thì không thể chấp nhận. Đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh về tiếp xúc cử chi, dân hỏi như vậy là tiền đi đâu, thế là cứ trả lời loanh quanh, không ai chấp nhận được. Kể cả người mù chữ cũng thấy sự vô lý, thấy cái tiêu cực nó dành dành ra đấy. Mất lòng tin của dân”.

“Mong UBND TP.Đà Nẵng hãy đi đầu trong việc xử lý nghiêm, xử lý đúng người đúng tội, đúng quy định của luật pháp. Hãy làm gương sáng để các địa phương trong cả nước noi theo và xứng tầm ‘thành phố sạch’ như Đà Nẵng ở trong lòng người dân cả nước”. Bạn đọc Hải Hà bình luận.

Ý kiến của bạn Hải Hà cũng là niềm mong mỏi của rất nhiều bạn đọc Dân trí, rất mong UBND TP.Đà Nẵng thực hiện nghiêm, xử lý nghiêm vụ việc theo luật pháp!.

Khả Vân